Monday, February 21, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (3)





Thiên Chức &  Nghĩa Vụ 
Của Người Lãnh Đạo


N

hư đã nói, con người có rất nhiều nỗi sợ. Nhưng nhìn cho tột cùng thì những nỗi lo sợ của con người không ngoài 5 nhóm căn bản.  Thứ nhất, là sợ bạo lực.  Bạo lực có khả năng cướp mất sinh mạng.  Thứ hai, là sợ nghèo đói.  Nghèo đói có khả năng cướp mất sinh mạng và nhân cách.  Thứ ba, là sợ ngu dốt.  Sự ngu dốt có khả năng cướp mất sinh mạng, nhân cách, và sự tự chủ.  Thứ tư là sợ đơn độc.  Sự đơn độc có khả năng cướp mất sinh mạng, nhân cách, sự tự chủ, và cái ấm áp ngọt ngào của tình thân.  Thứ năm là sợ tội lỗi.  Tội lỗi có khả năng cướp mất linh hồn.  Năm thứ sợ của con người được mô tả như trong H4.   

H4: Năm Thứ Sợ


            Và vì cái rễ của nỗi lo sợ bám vào nơi sâu nhất và toả ra cùng khắp tâm lý con người cho nên nó là một áp lực vô cùng lớn đối với con người.  Giải phóng khỏi những nỗi lo sợ chính là bước vào cõi giới của tự do.  Có thể thực sự trải nghiệm trạng thái tự do thì đó chính là hạnh phúc.   Tìm kiếm tự do và hạnh phúc là động thái của con người và chỉ tìm thấy ở con người.  Người có thể giải phóng kẻ khác khỏi những nỗi lo sợ thì đích thực là người mang tự do đến cho kẻ khác.  Người có thể làm cho kẻ khác trải nghiệm trạng thái tự do thì đích thực là người mang hạnh phúc đến cho kẻ khác.  Người có thể thiện dụng phương tiện để trợ giúp cho kẻ khác tìm thấy tự do và hạnh phúc thì đích thực là người vận dụng khoa học và nghệ thuật nâng đỡ sự sống.  Một người lãnh đạo chân chính hiểu rõ những điều này và sống cho những điều này. Cũng chính vì vậy mà tự nhiên hình thành một khoảng cách vạn dậm giữa một người lãnh đạo chân chính với một tên giả danh, và càng xa hơn nữa với một kẻ khống trị.  Nói như vậy không có nghĩa là một người lãnh đạo chân chính sẽ không sử dụng động lực lo sợ trong kỹ thuật vận dụng đối tượng.  Ngược lại, người lãnh đạo chân chính có thể vận dụng bất cứ phương tiện nào miễn là thiện dụng.  Điều muốn vạch ra ở đây là để cho mọi người cùng thấy cái gì mới là thiên chức đích thực của một người lãnh đạo.  Trách nhiệm trên hết và có ý nghĩa nhất của một người lãnh đạo chân chính phải là dẫn dắt người khác đi về hướng tự do và hạnh phúc.  Nên nhớ “tìm kiếm tự do và hạnh phúc là động thái của con người và chỉ tìm thấy ở con người.”  Cho nên, con đường đi về hướng tự do và hạnh phúc khẳng định là con đường mong cầu của mọi người, khẳng định là con đường sẽ không bao giờ sai lạc, khẳng định là con đường đưa con người đến chỗ thăng hoa.  Chỉ khi nào người lãnh đạo tin sâu và giữ được thiên chức này thì mới có thể và xứng đáng để được gọi là một người lãnh đạo chân chính .                        
           Chỉ hiểu rõ cái thiên chức đích thực của mình thôi cũng chưa đủ.  Vì thiên chức này chỉ đơn thuần là một ngọn hải đăng trong đêm dùng để hướng dẫn suy nghĩ và hành vi của một người lãnh đạo chân chính.  Người lãnh đạo hẳn nhiên là phải lao vào tham gia trong dòng sống của con người và phải biết làm thế nào để huy động cho được sinh lực của con người  nhằm để giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng mà con người đối diện trong dòng sống, những cái mà ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn gọi là “những thử thách và cơ hội.”  Có thế thì người lãnh đạo mới có thể làm tròn được thiên chức của mình trong vai trò lãnh đạo.  Đó cũng là lý do giải thích tại sao chỉ nhìn thấy những người lãnh đạo hiện thân ở những nơi đang có thử thách.  Bước vào những thử thách để huy động sinh lực của con người giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng là nghĩa vụ của những người lãnh đạo chân chính.  Không là người lãnh đạo thì mọi thử thách đích thực là thử thách.  Ngược lại, là người lãnh đạo thì mọi thử thách chính là cơ hội.  Nắm lấy cơ hội để hiện thân lãnh đạo là cái động lực tự nhiên tìm thấy nơi những người thích hợp để lãnh đạo.    
            Những người lãnh đạo, chân chính lẫn giả danh, đều hiểu rõ những khao khát muôn thuở này của con người, khao khát tự do và hạnh phúc, nên cả hai mới có cơ hội vận dụng được tập thể.  Và cả hai đều có khả năng vận dụng được tập thể.  Nhưng những người lãnh đạo chân chính và những người mỵ dân không giống nhau trong cách suy nghĩ và hành sử, dầu là ngôn ngữ của cả hai có lúc rất khó phân biệt. 
Những người mỵ dân cũng tôn vinh tự do và hạnh phúc để nối kết cánh tay mình với cánh tay của tập thể cho một sức mạnh cần thiết nhưng trong đầu óc của chính bản thân họ là những toan tính đen tối và nhịp đập trong trái tim của họ không thực sự nối kết với nhịp đập trong trái tim của tập thể.  Họ hứa hẹn sẽ mang thiên đàng xuống tận mặt đất để dâng tận tay tập thể.  Họ thánh hóa bản thân.  Họ áp đặt tư duy và giáo điều.  Họ tẩy não tập thể với những kỹ thuật tuyên truyền.  Họ làm say tập thể với những điều hoang tưởng.  Và cuối cùng họ đẩy tập thể cuồng tín vào những cuộc đấu tranh đầy máu lệ.  Nhân danh làng xóm họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng chục người.  Nhân danh tổ quốc họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng chục ngàn người.  Nhân danh chủng tộc họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng trăm ngàn người.  Nhân danh giai cấp họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng trăm triệu người.  Cuối ngày, cái mà những kẻ mỵ dân có thể mang lại được cho con người là tang tóc và đỗ nát, là bóng tối của sự sợ hải, là những ký ức thành sẹo nhức nhối, là những thủ đoạn gian manh huân tập thành thói, là những tranh dành vì tham quyền cố vị, là những bóc lột và chà đạp người khác một cách vô cảm, là những chính sách què quặt hoặc man rợ, là những lũng đoạn pháp lý và văn hóa, là sự tự hủy không thể tránh khỏi.  Cuối ngày, khi mà mọi mỹ từ không còn gạt gẫm được ai, khi mà mọi mặt nạ đều rớt xuống, chân tướng thực sự của họ phơi bày cho thấy họ chỉ là những kẻ khống trị khéo hóa trang. 
Những người lãnh đạo chân chính không làm như vậy.  Họ, những người lãnh đạo chân chính, không hứa hẹn sẽ dẫn tập thể đi đến thiên đàng.  Lại càng không hứa hẹn sẽ mang thiên đàng xuống tận mặt đất cho tập thể.  Họ chỉ muốn đồng hành với tập thể để tiến đến một tương lai trong tầm với, ước muốn đơn giản và trong sáng.  Họ không tự thánh hóa bản thân.  Họ chỉ muốn làm người dẫn đường để đi đến đó, nơi mà tập thể muốn tới.  Họ không áp đặt tư duy hay giáo điều.  Họ chỉ lắng nghe những trăn trở của tập thể để rồi từ đó phát họa một viễn ảnh và vạch ra một con đường để đưa tập thể đi tới nhằm giải quyết những trăn trở đó của tập thể.  Họ không làm say tập thể với những điều hoang tưởng.  Họ cung cấp thật nhiều thông tin chính xác và trung thực để tập thể tự chọn lựa.  Những người lãnh đạo chân chính không xô đẩy tập thể vào con đường mà chính họ không muốn đi.  Và, họ tuyệt đối không ảo tưởng là có thể đi tới một tương lai tốt đẹp bằng con đường bạo lực tàn khốc.  Điều này không có nghĩa là những người lãnh đạo chân chính sẽ tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc không có khả năng sử dụng vũ lực.  Nó chỉ có ý nghĩa là họ hiểu rõ cái giá rất đắc của vũ lực và tuyệt đối không dùng nó như một phương tiện sở đắc.  Nó chỉ có ý nghĩa là họ không muốn nhìn thấy và không khuyến khích bạo lực.  Nó chỉ có nghĩa là họ sẽ cố gắng không để bạo lực xảy ra khi mà còn có một con đường khác để chọn.  Nó chỉ có nghĩa là họ đồng tình với điều mà thánh Gandhi đã từng giải thích: “Tôi chống lại bạo lực là bởi vì, ngay cả khi nó có vẽ như để làm tốt, cái tốt chỉ là tạm thời, cái xấu ác nó làm là vĩnh viễn.[1]  Những người lãnh đạo chân chính luôn luôn nối kết cánh tay mình vào cánh tay tập thể, nối kết nhịp đập trong trái tim mình với nhịp đập trong trái tim của tập thể, nối kết ý chí và niềm tin nơi não bộ mình với ý chí và niềm tin nơi não bộ của tập thể.  Chính vì vậy mà những người lãnh đạo chân chính sẵn sàng đi trước, sẵn sàng làm gương.  Và một khi mà trái tim của họ và trái tim của tập thể không còn nối kết, họ sẽ tự lìa bỏ vai trò lãnh đạo trước khi tập thể rời bỏ họ.   


 

[1]I object to violence because, when it appears to do good, the good
is only temporary, the evil it does is permanent.” (Nguồn: M.K. Gandhi).

 
            




No comments:

Post a Comment