Monday, February 21, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (2)









Tâm Lý & Động Lực:
Mô Hình Vận Dụng


C
on người có hai thiên hướng căn bản.  Đó là, ưa sướng và ghét khổ.  Con người cũng có bốn động lực thúc đẩy hành động của họ.  Đó là: cần, muốn, quen và sợ.  Hai thiên hướng phối hợp với bốn động lực sẽ quyết định sự chọn lựa hành động hoặc là không hành động của một con người.  Người lãnh đạo vận dụng được đối tượng là nhờ hiểu rõ những tâm lý và động lực phổ cập này.
            
Cần và muốn là hai trong bốn động lực phổ cập thúc đẩy con người hành động.  Cần vì phải có.  Cần vì nó là nhu cầu không thể không đáp ứng.  Cần vì nó là cái tự nhiên.  Đói người ta cần ăn.  Khát người ta cần uống.  Lạnh người ta cần mặc.  Bệnh người ta cần thuốc.  Không đáp ứng những cái cần đó sự sống con người có thể không duy trì được lâu.  Nhưng khi người ta đòi ăn ngon, đòi uống ngọt, đòi mặt đẹp thì những cái đòi này là do động lực của cái muốn thúc đẩy.  Người ta cần ăn, cần uống, cần mặc chỉ để sống nhưng người ta muốn ăn ngon, muốn uống ngọt, muốn mặc đẹp là để thưởng thức.  Nếu xét vấn đề dưới lăng kính khổ và sướng thì người ta cần ăn, cần uống, cần mặc để không bị cái khổ hành hạ nhưng người ta muốn ăn ngon, muốn uống ngọt, muốn mặc đẹp là vì người ta thích sướng.  Không muốn bị khổ, người ta phải đáp ứng cái cần.  Muốn được sướng người ta chiều theo cái muốn.  Nếu đáp ứng cái cần là để giải tỏa cái áp lực của sinh vật lý thì đáp ứng cái muốn là để giải tỏa cái áp lực của sinh tâm lý.         
Trong điều kiện khắc nghiệt con người có thể làm bất cứ chuyện gì để đáp ứng cái cần, vì bản năng sinh tồn, kể cả chuyện giết người và ăn thịt người.  Có rất nhiều câu chuyện chứng minh về động lực này.  Thí dụ như chuyện của một em bé Việt Nam đi trên một chiếc thuyền vượt biển tỵ nạn, vào khoảng cuối thập niên 1970.  Thuyền đã mắc cạn và vở nát trên một rạn san hô.  Những thuyền nhân lần lượt qua đời vì đói khát.  Những người còn sống ăn thịt của người đã chết để cầm hơi.  Họ cố bám lấy sự sống.  Họ cố bám lấy hy vọng, dầu là mong manh.  Cứ như thế nhiều ngày trôi qua.  Cứ như thế, ăn và lần lượt bị ăn.  Sau cùng chỉ còn lại một cậu bé được cứu thoát để trở thành nhân chứng sống của một thảm trạng kinh hoàng.  Và cậu cũng đã phải ăn thịt của người chị gái trước khi được cứu thoát.  Vì biết rõ cái động lực mạnh mẽ này cho nên những kẻ khống trị đã vận dụng nó để hủy diệt nhân cách của đối tượng, để biến đối tượng thành một sinh thể chỉ còn biết hành động theo cái cần, để khống chế ý chí và sự đối kháng của đối tượng. 
Cái muốn có lẽ là không mạnh mẽ như cái cần.  Vì nói cho cùng thì cái muốn chỉ là động lực tâm sinh lý thúc đẩy con người phải hành động để thoát ra khỏi tình trạng không hài lòng hoặc tình trạng nhạt nhẽo trong cuộc sống.  Nhưng một mặt khác thì cái muốn lại chiếm một phần rất lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, những hoạt động nhằm thỏa mãn những cái cần và muốn của con người.  Tuy động lực của cái muốn có phần nhẹ nhàng hơn nhưng bao trùm hơn và len sâu hơn cái cần.  Và khi  mà cái muốn đã bao trùm và len sâu  đủ thì sức mạnh của nó rất đáng sợ.  Câu nói “Cho tôi sự tự do hay là cho tôi cái chết,” từ cửa miệng của Patrick Henry trong lần phát biểu ngày 23 tháng 3 năm 1775 tại Virginia Convention cho thấy sự quan trọng về cái muốn đã trở thành là cái cần của con người.
Cái cần không có nhiều thời gian để chờ đợi sự đáp ứng.  Đó là một trong những lý do vì sao sau những vụ thiên tai người ta phải ra tay cứu trợ nạn nhân một cách nhanh chóng.  Chậm trể trong việc cứu trợ, ngoài chuyện gia tăng số lượng nạn nhân bị thiệt mạng và bị nhiễm bệnh, còn là chuyện gia tăng cơ hội xảy ra bạo động.  So với cần, cái muốn cho nhiều thời gian hơn để chờ đợi sự đáp ứng. 
            Cái cần có giới hạn, về số lượng và hình thái, còn cái muốn thì không có giới hạn.  Muốn tiền, muốn tình, muốn danh, muốn vị, muốn quyền lực, muốn hạnh phúc, muốn tự do, muốn công lý, muốn cảm giác mạnh, muốn trải nghiệm những giây phút thăng hoa, vân vân.  Từ cái muốn này nảy sinh cái muốn khác.  Do đó cái muốn vô giới hạn trong số lượng và vô giới hạn trong hình thái.  Do đó cái cần có thể dễ dàng đáp ứng.  Còn cái muốn thì không chắc sẽ có thể đáp ứng.
            Cái cần luôn luôn hợp tình và hợp lý.  Cái muốn chưa chắc đã hợp tình và hợp lý.  Vì luôn luôn hợp tình và hợp lý cho nên cái cần phải được đáp ứng.  Chỉ trừ những kẻ vô cảm, đáp ứng cái cần của người khác là một nghĩa vụ.          
            Cái cần mà không được đáp ứng thì con người sẽ trải nghiệm trạng thái khổ.  Được đáp ứng một phần thì con người trải nghiệm trạng thái bớt khổ.  Được đáp ứng trọn vẹn thì con người trải nghiệm trạng thái hết khổ. 
            Khi hai trải nghiệm đi liền nhau, từ khổ tới ít khổ hơn hoặc là từ ít khổ tới hết khổ hoặc là từ khổ tới hết khổ, tức là chuyển biến theo hướng tích cực, thì con người sẽ có cảm tưởng là mình được “giải phóng” khỏi hoàn cảnh.  Và, theo đó, động lực thúc đẩy con người hành động để thoát ra cái khổ sẽ giảm thiểu nhanh hoặc là biến mất.  Thí dụ như có một anh chàng bị cô bồ dùng móng tay nhọn bấu vào đùi non thì chắc chắn là phải trải nghiệm trạng thái khổ vì “đau thấu trời.”  Nếu nàng xúc động vì cái dáng vẽ trông rất đau khổ của anh chàng thì có lẽ cô nàng sẽ nới tay một chút.  Cái nới tay một chút của cô nàng sẽ đưa anh chàng từ trạng thái khổ sang trạng thái bớt khổ.  Hai trải nghiệm đi liền nhau theo hướng tích cực cho nên cái cảm nhận của anh chàng lúc đó là mình được giải phóng, dầu là chưa thoát khỏi nanh vuốt của cô bồ.  Lúc anh chàng bị cô nàng bấu nặng tay thì có một động lực thúc đẩy anh ta phải hành động để thoát khỏi sự đau đớn.  Cái cần của anh ta lúc đó là cần thoát khỏi sự đau đớn.  Nhưng khi cô nàng nới tay, anh ta thấy mình được giải phóng, thì động lực thúc đẩy anh ta hành động để thoát khỏi móng vuốt của cô bồ không còn nữa.  Và rồi anh ta chấp nhận ngồi yên vì cái đau bây giờ được tái lập ở mức độ trải nghiệm mà anh ta có thể chịu đựng được.  Vì hiểu rất rõ cái khuynh hướng phản ứng của đối tượng dưới những trạng thái tiêu cực được áp đặt lên đối tượng cho nên những nhà cầm quyền theo kiểu khống trị đã khai thác tối đa khuynh hướng này để mà khống chế quần chúng.  Những chính sách siết thật chặt rồi theo sau là một chuỗi nới lỏng, rồi siết thật chặt trở lại, và một chuỗi nới lỏng khác theo sau, cứ tiếp nối như vậy, chính là khoa học khống trị dựa trên sự khai thác khuynh hướng này của con người.
            Cần và muốn là hai thứ khác nhau nhưng trên thực tế thường là người ta không phân biệt.  “Tôi cần một triệu đồng, tôi cần một chiếc Lexus, tôi cần một chiếc ví xách tay Louis Vuitton, tôi cần phải gặp mặt cô ấy” là những cái muốn được mô tả thành cái cần mà chúng ta nghe thấy hằng ngày trong đời sống đến trở thành quen thuộc.
   
 Thói quen là một động lực nữa trong số 4 động lực phổ cập.  Có người đã từng nói “con người là sinh vật của thói quen.”  Không khó để chúng ta kiểm chứng điều đó.  Nó chiếm một phần lớn trong đời sống con người.  Ăn, uống, ngũ, nghĩ, đi, đứng, ngồi, nằm . . . nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra đâu đâu cũng là theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không cần phải suy nghĩ trước khi làm thì đó là một hành động theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không cần phải để ý lúc đang làm thì đó một hành động theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không biết mình đang làm thì đó là hành động theo thói quen.  Một diễn giả thuộc đẳng cấp bộ trưởng đang ngồi chễm chệ trên bàn thuyết trình tự nhiên đưa tay móc mũi trước mặt bàng dân thiên hạ mà không nhận thức mình đang làm điều đó.  Anh ta làm theo thói quen.  Một  hành vi đáng lẽ không nên phô bày nơi công chúng.  Một người ngồi ăn trong nhà hàng sang trọng mà tự nhiên quay người phun xương cá xuống nền.  Anh ta làm theo thói quen.  Một thói quen được huân tập lâu ngày trong cách sống xô bồ.  Một giới chức cao cấp của chinh quyền luôn miệng đ.m. trong mỗi câu nói.  Khi bị “nhắc khéo” thì ông ta lại nói “tôi có chửi thề đâu” hoặc là “tôi chửi thề lúc nào?”  Có lẽ ông ta nói thực tình vì ông ta chỉ tuôn ra theo thói quen.  Sự huân tập lâu ngày đến độ không còn chú ý tới nó nên không nhận ra nó.  Một người đi trên xe bóc kẹo ăn rồi quăng giấy gói kẹo xuống mặt đường một cách tự nhiên.  Đó là làm theo thói quen, cái thói quen bộc lộ gốc tích của con người thiếu giáo dục về ý thức công dân trong xã hội tiên tiến.  Một đứa trẻ đang đi trên đường thấy một người già bị té thì nhanh nhẩu chạy đến giúp đỡ kèm với nụ cười và những lời nói lễ phép ngọt ngào.  Đó là thói quen, cái thói quen huân tập được từ trong một gia đình làm tốt việc giáo dưỡng con cái.  Xem ra câu nói “con người là sinh vật của thói quen” không phải là câu nói phóng đại.                                 
            Thói quen là hành vi do huân tập lâu ngày mà thành.  Có những thói quen có lợi và có những thói quen không có lợi.  Có những thói quen tốt đẹp và có những thói quen không tốt đẹp.  Có những thói quen gây nguy hiểm và có những thói quen không gây nguy hiểm.  Có những thói quen được người khác tán dương và có những thói quen bị người khác chê trách.   
            Trong vấn đề làm việc, dầu là công việc chạy máy trên sàn sản xuất hay là công việc chạy văn thư trong cơ quan, thói quen là một động lực đôi lúc cần phải thiết lập cũng có lúc cần phải phá bỏ.  Thiết lập hay phá bỏ tùy vào việc, vào hoàn cảnh, vào thời điểm.  Một người nhân viên chạy máy có thói quen nhấn còi và đèn báo động trước khi khép máy để tránh gây ra tai nạn thương vong cho người khác là một thói quen tốt, không những phải được duy trì mà tất cả nhân viên khác cần học tập và làm theo.  Ngược lại, một nhân viên có thói quen một tay bấm nút cho máy chạy chậm trong khi tay kia đưa vào lau buồng máy chỉ vì muốn làm xong việc cho nhanh là một thói quen nguy hiểm có thể gây thương vong cho chính bản thân.  Trong trường hợp này thì thói quen cần được loại trừ. 
            Thói quen có khi gây ra rất nhiều phung phí và tốn kém.  Thí dụ như trong một công ty có một người chỉ huy yêu cầu nhân viên của phòng nào đó cung cấp cho mình một bản báo cáo.  Mười năm sao có lẽ bản báo cáo vẫn được in ra và mang đến văn phòng của cấp chỉ huy đó mỗi ngày, dầu là nhu cầu đọc bản báo cáo không còn nữa.  Và có thể là cái người đầu tiên muốn có bản báo cáo đó đã không còn ở vị trí đó từ lâu rồi.  Đó là thói quen trong một tổ chức.  Thói quen của các xếp muốn có bản báo cáo để trưng bày cho ra vẽ ta là xếp dầu không thực sự cần và có thể chẳng có thời giờ ghé mắt vào.  Thói quen của nhân viên thừa hành cứ tiếp tục in báo cáo cho các xếp cho đến khi có ai đó bảo thôi mới thôi.  Thói quen của các phòng ban sản xuất hàng đống báo cáo và gởi tới những phòng ban khác để “ép” phải đọc.  Kết quả là gây ra hiện tượng “quá tải thông tin” bên trong một tổ chức.  Những thói quen gây tốn kém vô ích và biến tổ chức thành con khủng long bị trúng thực thông tin.          

Sau hết là động lực lo sợ.  Lo sợ là một động lực phổ cập và rất mạnh mẽ.  Nói cho đúng hơn nó là động lực mạnh mẽ hơn hết và chi phối tất cả những động lực còn lại.  Sợ thất bại.  Sợ mất mát thua lỗ.  Sợ nghèo.  Sợ chết.  Sợ người khác cười chê.  Sợ người thân buồn lòng.  Sợ bị xã hội ruồng bỏ.  Sợ bị tập thể trù dập.  Sợ bị chính quyền bỏ tù.  Sợ bị thần linh quở phạt.  Sợ nhân quả. . . . Hàng trăm hàng ngàn nổi sợ ẩn náo trong mỗi con người.    

Vì cần hoặc vì muốn hoặc vì thói quen, dưới điều kiện không lo sợ, con người có khuynh hướng “hành động” một cách tự nguyện hoặc tự nhiên.  Nhưng dưới áp lực của sự lo sợ và khi sự lo sợ đủ lớn thì con người sẽ chọn lựa “không hành động” dầu là có cần, có muốn hay có thói quen.   Thí dụ như anh A đói bụng cần phải ăn nhưng lại không ăn vì lo sợ là nếu mua đồ ăn thì sẽ không còn đủ tiền mua vé xe về tỉnh.  Cái lo sợ thiếu tiền mua vé xe đã làm cho anh A thay đổi hành vi, thay vì cứ ăn để hết đói thì bây giờ anh A lại không ăn [không hành động] tuy là rất đói [dầu cần].  Hoặc giả cô B muốn vào một quán ăn sang trọng để ních một bửa thỏa thích nhưng vì lo sợ thâm hụt tiền học phí cho nên đã không vào quán sang mà chỉ ghé vào một quán cốc trong hẻm.  Nỗi lo sợ thâm hụt tiền học phí đã làm cho cô B không hành động theo cái muốn.  Hoặc giả ông C có thói quen bắt tay với tất cả mọi người bước vào phòng làm việc của ông.  Nhưng tình trạng bùng nổ bệnh dịch do nhiễm khuẩn qua tiếp xúc trực tiếp được cơ quan y tế báo động trong những ngày gần đây làm cho ông C cảnh giác và không còn bắt tay với người khác.  Vì lo sợ bị nhiễm bệnh cho nên ông C đã dừng lại thói quen.  Như vậy, khi nỗi lo sợ đủ lớn thì nó đủ sức để bắt người ta ngưng lại những hành động mà đúng ra là người ta sẽ làm nếu không có nỗi lo sợ cản họ lại.  Tác động giữa yếu tố lo sợ đối với những yếu tố quen, muốn, cần được tóm gọn trong mô hình QMC như trong H1.      
           
 H1: Mô Hình QMC Của Hà Hưng Quốc


Vì không cần hoặc vì không muốn hoặc vì không có thói quen, dưới điều kiện không lo sợ, con người có khuynh hướng “không hành động” một cách tự nhiên.  Nhưng dưới áp lực của sự lo sợ và khi sự lo sợ đủ lớn thì con người sẽ chọn lựa “hành động” dầu là không cần, không muốn, không có thói quen.  Thí dụ như ông D chưa bao giờ đánh nhau với ai [không có thói quen] nhưng vì sợ vợ con mình bị hại cho nên ông đã cầm vũ khí để chiến đấu chống lại những tên hải tặc [hành động].  Nếu không vì lo sợ cho sinh mạng của vợ con thì ông cũng chẳng chiến đấu làm gì [khuynh hướng không hành động].  Vì lo sợ, ông D đã chọn hành động.  Hoặc giả bé E không muốn lấy cắp tiền của ba mẹ [không muốn] nhưng vì bị bọn trẻ du côn hâm doạ sẽ đánh em cho nên bé E đã làm theo lời của chúng.  Vì sợ, bé E đã chọn hành động dầu không muốn.  Hoặc giả chị K ăn sạch ráo chén cơm người ta mời chị.  Không phải vì chị đói mà chỉ vì chị K lo sợ sẽ bị người ta giận nếu từ chối không ăn.  Vì lo sợ người khác buồn lòng, chị K đã chọn hành động.  Hoặc giả bà M dẫn người đi đánh ghen.  Bà M đánh ghen không phải vì bà thích đánh nhau mà là vì bà sợ bị người ta giật mất chồng mình, cướp mất hạnh phúc của mình, làm cho gia đình mình bị đổ vở, dầu suy nghĩ và hành vi của bà M có đúng hay sai thì lo sợ vẫn là động lực thúc đẩy bà hành động.  Như vậy, khi nỗi lo sợ đủ lớn thì nó đủ sức để bắt người ta phải thực hiện những hành động mà đúng ra là người ta sẽ không làm nếu không có nỗi lo sợ thúc đẩy họ.  Tác động giữa yếu tố lo sợ đối với những yếu tố không quen, không muốn, không cần được tóm gọn trong mô hình K(QMC) như trong H2.                

 H2: Mô Hình K(QMC) Của Hà Hưng Quốc

            Nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ không khó để nhận ra là mô hình QMC mô tả “tác động ngăn ngại” của nỗi lo sợ đối với hành vi của con người.  Trong mô hình đó cho thấy con người có khuynh hướng hành động một cách tự nhiên hoặc tự nguyện theo QMC (quen, muốn, cần).  Nhưng vì có sự can thiệp của hậu quả tiêu cực, cái làm nên nỗi lo sợ, cho nên người ta đã chọn không hành động theo cái quán tính, theo cái muốn, theo cái cần của mình.  Nỗi lo sợ đã ngăn cản hành vi của con người, từ “khuynh hướng hành động” đi đến chỗ “chọn không hành động.”  Như vậy, muốn thuyết phục đối tượng “dừng lại” --cũng có nghĩa là thuyết phục đối tượng “tự chế” cái thói quen, cái muốn, cái cần của đối tượng-- thì người vận dụng có thể chọn “làm sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy sự lo sợ” của đối tượng.  Và khi sự lo sợ hậu quả đủ lớn thì đối tượng sẽ tự chế, sẽ dừng lại, sẽ không hành động như trước.  Một nhân viên nhiều lần đến sở làm trể giờ [thói quen].  Người quản lý gọi nhân viên đó vào văn phòng để nói cho đối tượng biết là hành vi “đi làm trể” không được chấp nhận và cần phải chấm dứt.  Nếu còn tiếp tục xảy ra như vậy thì đối tượng sẽ bị gia tăng cảnh cáo và đến một lúc nào đó sẽ bị mất việc.  Người quản lý trong thí dụ này đã chọn cách làm sáng cái hậu quả tiêu cực để khơi dậy sự lo sợ của đối tượng nhằm thay đổi hành vi tiêu cực của đối tượng.            
Nhưng làm sáng cái hậu quả tiêu cực để khơi dậy nỗi lo sợ của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng không hành động theo QMC chỉ mới là một chiều vận dụng trong mô hình.  Người ta cũng có thể “làm sáng cái hậu quả tích cực” để “dẹp nỗi lo sợ” trong lòng của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng trở về với khuynh hướng hành động theo QMC như trước.  Chiều phản phục, nói theo ngôn ngữ đạo Dịch.  Vốn đã biết lo sợ là yếu tố làm ngăn ngại hành vi của con người thì chỉ cần giải phóng đối tượng khỏi nỗi lo sợ thì sự ngăn ngại tự nhiên biến mất.  Khi ngăn ngại không còn thì con người trở về với khuynh hướng hành động theo QMC.  Thí dụ, một nhân viên nhìn thấy một lỗ hỏng lớn trong cơ trình quản lý có thể gây ra thất thoát cho công ty.  Người nhân viên này có  ý  định [muốn] vạch ra cho cấp trên của mình thấy để sửa sai nhưng không dám nói [không hành động] vì sợ bị cấp trên chụp mũ là “vạch lá tìm sâu,” là “bươi móc,” là “nhiều chuyện.”  Tuy biết là cơ trình [thói quen] phải thay đổi để trám lỗ hỏng [cần] nhưng người nhân viên vẫn tiếp tục giữ im lặng và tiếp tục làm như cũ [chọn không hành động] vì sợ bị gặp rắc rối với cấp trên.  Sau một thời gian dài, lỗ hỏng vẫn còn đó, thất thoát vẫn tiếp diễn.  Nỗi lo sợ chính là thủ phạm tạo tác động ngăn ngại.  Trong trường hợp này nỗi lo sợ đã giam hãm thiện chí đóng góp của cá nhân và làm thương tổn tổ chức.  Muốn người nhân viên này [và tất cả nhân viên khác] góp sức cải thiện công ty, việc đầu tiên cần phải làm là dẹp bỏ được những nỗi lo sợ trong lòng đối tượng bằng cách làm sáng lên những hậu quả tích cực để thuyết phục đối tượng hành động. Tuy gọi là thuyết phục đối tượng nhưng trên thực tế là đưa đối tượng trở về với khuynh hướng hành động tự nhiên hoặc tự nguyện.  Đối tượng vốn dĩ từ trước đã muốn làm mà không dám chỉ vì lo sợ.   
            Nếu nhìn kỹ chúng ta cũng sẽ không khó để nhận ra rằng mô hình K(QMC) mô tả “tác động thúc đẩy” của nỗi lo sợ đối với hành vi của con người.  Trong mô hình đó cho thấy con người có khuynh hướng “không hành động” một cách tự nhiên hoặc tự nguyện do K(QMC).  Nhưng vì có sự can thiệp của hậu quả tiêu cực, cái làm nên nỗi lo sợ, cho nên người ta đã hành động dầu là không quen, không muốn, không cần gọi tắt là K(QMC).  Nỗi lo sợ đã khiến cho con người từ “khuynh hướng không hành động” do K(QMC) đi đến chỗ “chọn  hành động.”  Như vậy, muốn thuyết phục đối tượng “hành động” thì người vận dụng có thể “làm sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy sự lo sợ” của đối tượng.  Và khi sự lo sợ hậu quả tiêu cực đủ lớn thì đối tượng sẽ chọn hành động.  Thí dụ như dân chúng Hoa Kỳ hài lòng với đời sống ăn nên làm ra của nước Mỹ.  Họ không cần, không muốn, cũng không quen với chiến tranh.  Sau sự kiện 9/11 chính quyền G.W. Bush đã nắm lấy thời cơ đó [hay đã tự tạo thời cơ?] để làm sáng những hậu quả tiêu cực, bằng cách tuyên truyền là những cái “rất đáng sợ” sẽ đổ ập xuống nước Mỹ nếu như dân Mỹ không tuyên chiến với “trục ma quỷ” chuyên dung dưỡng khủng bố.  Người dân Mỹ “hãi hùng” với viễn ảnh được vẽ dưới cây cọ của bộ sậu diều hâu nên đã hùa theo những toan tính chiến tranh của họ.  Chính quyền G.W. Bush đã vận dụng yếu tố sợ hải để thúc đẩy hành động ủng hộ chiến tranh của người dân Hoa Kỳ dầu là họ K(QMC).             
Nhưng làm “sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy nỗi lo sợ” của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng “hành động” chỉ mới là một chiều vận dụng trong mô hình K(QMC).  Một chiều vận dụng ngược lại, chiều phản phục, là thuyết phục đối tượng đừng hành động.  Người ta có thể thuyết phục đối tượng “không hành động” bằng cách “làm sáng cái hậu quả tích cực” để “dẹp nỗi lo sợ” trong lòng của đối tượng nhằm trả họ về lại với khuynh hướng K(QMC).  Vốn đã biết lo sợ là yếu tố tạo sức “thúc đẩy hành vi” của con người thì chỉ cần giải phóng đối tượng khỏi nỗi lo sợ là có thể triệt tiêu sức thúc đẩy đó.  Khi sức thúc đẩy hành vi không còn nữa thì con người trở về với khuynh hướng không hành động vì từ trước họ vốn dĩ K(QMC).  Thí dụ như dân chúng nông thôn an phận với cuộc sống thủ thường của mình [khuynh hướng không hành động].  Chương trình quy hoạch của nhà nước vừa đưa ra làm cho người dân bất an.  Họ lo sợ nhà nước cướp đất của mình qua mức đền bù quá bèo.  Thêm vào đó, dầu có đền bù tương xứng với giá thị trường thì họ cũng không muốn vì sau khi đất bị trưng thu thì người nông dân cả đời chỉ quen sống với cây lúa bờ đê như họ biết phải làm gì để sống sau đó?  Chưa hết, những kỷ niệm đắng cay ngọt bùi và những liên hệ khắng khít với chòm xóm trải bao nhiêu đời gắn liền với mảnh đất quen thuộc làm sao mà đền bù?  Nỗi lo sợ đưa đến việc người dân biểu tình phản đối.  Yếu tố lo sợ đủ lớn đã thuyết phục họ hành động.  Nhưng nếu phía chính quyền nhanh chóng đưa ra những giải pháp hợp tình, hợp lý và hợp ý của dân.  Và nếu người dân chấp nhận giải pháp, họ sẽ giải tán biểu tình an tâm trở về với nếp sống cũ trong lúc chờ đợi chính quyền thực thi giải pháp như đã hứa hẹn.  Trong trường hợp này chính quyền đã “làm sáng những hậu quả tích cực” để dẹp nỗi lo sợ trong lòng người dân và từ đó thuyết phục người dân “ngưng hành động” biểu tình.  Tuy nói là thuyết phục người dân nhưng trên thực tế là đưa đối tượng trở về với khuynh hướng không hành động tự nhiên hoặc tự nguyện.  Đối tượng vốn dĩ từ trước đã an phận thủ thường với K(QMC).
            Nhưng động thái của con người không phải chỉ nằm gọn trong mô hình hoặc là K(QMC) hoặc là QMC như vừa giải thích.  Còn có những động thái khác có thể quan sát và giải thích với mô hình thứ ba, mô hình K(QMC)<=>QMC, như trình bày trong H3.
                           

H3: Mô Hình K(QMC)<=>QMC Của Hà Hưng Quốc

            Thực ra mô hình K(QMC) lẫn mô hình QMC đều chỉ mới truy cứu trạng thái “động” của yếu tố lo sợ mà thôi còn những yếu tố khác, K(QMC) và QMC, đều tạm duy trì ở trạng thái “tỉnh.”  Còn nếu nhìn về mặt kỹ thuật vận dụng đối tượng, thì trên nền tảng của mô hình K(QMC) biệt lập hoặc của mô hình QMC biệt lập chúng ta chỉ là mới xét tới kỹ thuật vận dụng hàng ngang.  Mô hình K(QMC)<=>QMC, là một mô hình kết hợp mô hình biệt lập K(QMC) với mô hình biệt lập QMC, mới là một mô hình đầy đủ, trong đó giải thích động thái hàng ngang lẫn hàng dọc, trong đó truy cứu trạng thái động lẫn trạng thái tỉnh của tất cả mọi động lực.     
            Động thái hàng dọc là từ chỗ không quen, không muốn, không cần đi đến chỗ quen, muốn, cần.  Hay nói tắt là từ K(QMC)=>QMC.  Và ngược lại là từ chỗ quen, muốn, cần đi đến chỗ không quen, không muốn, không cần.  Hay nói tắt là từ QMC=>K(QMC).  Vận dụng đối tượng theo hàng dọc tức là đưa đối tượng từ mặt bằng này sang mặt bằng khác trong khi vẫn giữ nguyên trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [hoặc không lo sợ].         
            Vì không quen, không muốn, không cần nên con người có khuynh hướng không hành động.  Muốn con người đi đến hành động mà không làm thay đổi trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ thì người vận dụng phải đưa đối tượng lên một mặt bằng khác, mặt bằng quen-muốn-cần, để đối tượng thành lập khuynh hướng hành động theo QMC.  Bà con vùng nông thôn quen đi đồng hoặc sử dụng cầu tiêu bệ ngồi chồm hổm cho nên không quen với loại cầu tiêu bồn hiện đại.  Họ không bỏ tiền mua loại cầu tiêu bồn [khuynh hướng không hành động] vì không quen, không muốn, không cần [ở mặt bằng K(QMC)].  Kỹ nghệ trang trí nội thất và kỹ nghệ xây dựng đã xử dụng mọi kỹ xảo tiếp thị để đập vào mắt, xói vào tai, ghi đậm vào não của mọi người những hình ảnh và âm thanh đầy ấn tượng của một đời sống văn minh đô thị, trong đó có hình ảnh của những bồn cầu đẹp đẽ và tiện nghi.  Người dân nông thôn cuối cùng cảm thấy quen, muốn, cần cầu tiêu bồn cho nhà mình [mặt bằng QMC thành lập].  Kỹ xảo tiếp thị làm cho người dân nông thôn thấy thèm khát hưởng dụng tiện nghi đô thị nên đã bỏ tiền ra mua [khuynh hướng hành động].  Như vậy, người dân nông thôn đã được đưa từ mặt bằng K(QMC) có khuynh hướng không hành động lên mặt bằng QMC có khuynh hướng hành động.  Giả dụ này cho thấy kỹ xảo tiếp thị đã thành công trong kỹ thuật vận dụng hàng dọc để dẫn đối tượng từ chỗ có khuynh hướng không hành động tới chỗ có khuynh hướng hành động trong khi vẫn duy trì được trạng thái tỉnh của động lực lo sợ [và không lo sợ].                                              
            Ngược lại, người ta có thể đưa con người từ mặt bằng QMC xuống mặt bằng K(QMC) để có thể vận dụng khuynh hướng không hành động của đối tượng mà không làm thay đổi trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [và không lo sợ].  Trong phật giáo người ta rao giảng về lòng từ bi, về nghiệp lực, về sự bất tịnh của thân tâm, về sự vô thường của pháp, về sự giải thoát . . . Từ sự giáo dưỡng này, những đệ tử chân chính “không làm điều ác, thành tựu hạnh lành, thanh tịnh tâm ý[1] đã được đưa từ mặt bằng QMC bước xuống mặt bằng K(QMC) tức là đã được dẫn dắt từ khuynh hướng hành động theo bản ngã đầy dục vọng [QMC] tới khuynh hướng không hành động theo bản ngã dục vọng [K(QMC)].  Giả dụ này cho thấy sự vận dụng theo hàng dọc trong mô hình K(QMC)<=>QMC trong khi vẫn duy trì trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [và không lo sợ]. 
            Động thái tâm lý và hành vi của con người có thể trở nên phức tạp hơn nhiều khi tất cả yếu tố đều động.  Điều này có nghĩa là động thái chiều ngang và chiều dọc cùng xảy ra.  Con người ở mặt bằng QMC có khuynh hướng hành động để thỏa mãn QMC.  Giả dụ như QMC đó là tình dục thì con người ở mặt bằng QMC sẽ có khuynh hướng làm tình [khuynh hướng hành động] để thỏa mãn dục tính.  Nhưng một người bình thường sẽ không hiếp dâm người khác vì lo sợ về hậu quả tiêu cực.  Chẳng hạn như lo sợ bị pháp luật trừng phạt.   Nhưng rồi có một nỗi lo sợ khác tác động lên.  Giả dụ thêm rằng ông G, một người bình thường, bị một tên hung thủ dùng vũ khí đe dọa sinh mạng và bắt ông G phải hiếp dâm một cô gái trước mặt hắn.  Từ chỗ chọn  không hành động ở mặt bằng QMC vì lo sợ hậu quả tiêu cực [lo sợ bị pháp luật trừng phạt], ông G đã bị nỗi lo sợ mạnh mẽ hơn, khẩn cấp hơn, lớn hơn [lo sợ bị giết chết] đẩy xuống mặt bằng K(QMC) và đi tới chỗ chọn hành động theo yêu cầu của hung thủ là hiếp dâm cô gái.  Động thái tâm lý và hành vi của ông G đã vận hành theo hàng ngang rồi hàng dọc và trong đó tất cả các yếu tố đều động.  Hoặc, một trường hợp khác, cư dân nghèo của vùng X vì lo sợ hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với họ nếu để cho chính quyền quân phiệt thao túng cho nên họ đã kéo nhau lên thủ đô để biểu tình.  Từ mặt bằng K(QMC) những người dân nghèo này có khuynh hướng không hành động nhưng vì nỗi lo sợ đủ lớn họ đã chọn hành động.  Diễn tiến của tình hình trở nên tồi tệ.  Chính quyền quân phiệt đưa quân đội đến để giải tán đoàn người biểu tình.  Sau một thời gian dài kèn cựa, cuối cùng quân đội đã nổ súng vào đám đông và gây ra nhiều tử vong.  Tình hình những ngày về sau càng lúc càng trở nên tệ hại hơn.  Rồi mọi người lo sợ là những va chạm chính trị nếu cứ tiếp diễn sẽ đưa đất nước tới chỗ nội chiến.  Cuối cùng chính quyền cho lệnh tiến công vào bản doanh chỉ huy của đoàn người biểu tình.  Nỗi lo sợ tử vong và lo sợ đất nước rớt vào nội chiến đã thuyết phục những thủ lĩnh của đoàn người biểu tình đầu hàng vô điều kiện.  Từ mặt bằng K(QMC) với khuynh hướng không hành động nhưng chọn hành động vì lo sợ hậu quả tiêu cực, những thủ lĩnh của đoàn biểu tình đã bị đẩy lên mặt bằng QMC và chọn không hành động vì lo sợ hậu quả tiêu cực lớn hơn, mạnh mẽ hơn, gấp rút hơn.  Động thái tâm lý và hành vi của họ đã vận hành theo hàng ngang rồi hàng dọc và trong đó tất cả yếu tố đều động.              
            Một vài thí dụ đã được đưa ra nhằm soi sáng một phần nào về khả năng giải thích tâm lý và hành vi con người của mô hình K(QMC)<=>QMC.  Thường thì sự thể hiện tâm lý và hành vi của mỗi con người còn tùy thuộc vào chiều dầy trầm tích của một chuỗi dài trải nghiệm từ quá khứ tới hiện tại, có khi bắt nguồn từ quá khứ xa hơn quá khứ.  Nếu mỗi trải nghiệm là một tác lực thì trên mỗi con người có trùng trùng tác lực ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi.  Chỉ có thể dám nói con người là một sinh thể đa chiều và cực kỳ phức tạp cho nên khó hiểu trọn vẹn.  Vì thế, mọi mô hình nhằm giải thích tâm lý và hành vi của con người chỉ có tính cách tương đối.  Mô hình K(QMC)<=>QMC cũng không ngoại lệ. 
Tuy đúng là có bị giới hạn, nhưng không vì thế mà những mô hình giải thích tâm lý và động lực dẫn đến sự hành động của con người bị giảm mất giá trị thực dụng.  Ngược lại, nhờ có những mô hình này mà người lãnh đạo mới có được một chuẩn mực khoa học để áp dụng vào công việc quan sát và vận dụng đối tượng.  Và mô hình K(QMC)<=>QMC đáp ứng được nhu cầu đó.      



[1] Trích kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy

No comments:

Post a Comment