Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (14)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 13


Trước Khi Khép Lại



L
lãnh đạo là khoa học và nghệ thuật vận dụng: vận dụng bản thân, vận dụng bối cảnh đang vận hành, và vận dụng đối tượng.  Một người lãnh đạo biết vận dụng bản thân có nghĩa là (1) biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo; (2) biết liên tục vun bồi kho tàng bản thân; (3) biết dọn mình trước khi bước vào vũ đài lãnh đạo; (4) biết giữ mình trong lúc gánh vác vai trò lãnh đạo; (5) biết rời khỏi vũ đài lãnh đạo đúng lúc; (6) và biết giữ mình để khỏi rớt vào con đường hư hoại. 

Một người lãnh đạo nhất định là phải biết lắng nghe.  Biết lắng nghe là:
·         biết thiết lập một hệ thống thông tin thoáng hoạt và hiệu quả;
·         biết lượt lấy, ghi nhận, phân tích và tận dụng thông tin, đặc biệt là chú ý tới những chỉ dấu cho thấy những nguy cơ có thể xảy ra;
·         biết tạo lập và bồi dưỡng một môi trường thoáng hoạt để mọi người có thể tích cực đóng góp tiếng nói xây dựng, không lo ngại bị trừng phạt đến nỗi chỉ giữ im lặng hoặc chỉ nói một chiều theo thượng cấp;
·         biết tìm đến những người tài giỏi hơn mình thật nhiều để tham vấn và lôi kéo họ về vây bọc chung quanh;
·         biết hỏi đúng người tùy theo việc và đúng lúc tùy theo tình hình;
·         biết chấp phận sự phê phán của bạn và của đối phương rồi dùng đó làm cơ sở để tái thẩm định lại vấn đề và điều chỉnh lại kế sách; và quan trọng hơn hết là
·         biết nhận lỗi và cảm ơn những người chỉ điểm sự sai lầm hoặc sự thiếu sót hoặc sự nông cạn; dám nói “tôi sai” là đặc tính của một người lãnh đạo tự tin và có đảm lược.”

Một người lãnh đạo nhất định là phải biết thích ứng.  Biết thích ứng là:
·         không bảo thủ, cố chấp, bám vào định kiến sai lầm, những nguyên nhân đốt cháy sinh lực và làm khô cạn đầu óc lẫn tâm huyết của mọi người chung quanh;
·         không ngã mạn và chủ quan, nguyên nhân đưa đến những thất bại tệ hại đã nhìn thấy trước và có thể ngăn chận;
·         không để thiên kiến của chính mình và của những người vây quanh làm mù lòa, phải nhìn thấy sự thật đúng với sự thật như chính nó thì mới có thể cải thiện được hoàn cảnh và nắm được cơ hội tốt;
·         không giáo điều và cuồng tín, nguyên nhân làm cho thế giới nhỏ hẹp lại và đầy tang tóc;
·         không để bị thúc đẩy bởi cuồng vọng, khát vọng tự nó là sức mạnh nhưng cuồng vọng lại là động lực dẫn đến sự hủy diệt của chính mình và nhiều người khác;
·         không ngủ quên trên vinh quang của quá khứ cũng không để men vinh quang của quá khứ làm say đắm hiện tại, nguyên nhân làm cho người ta tiếp tục quanh quẩn mãi một chỗ đáng lẽ đã phải rời bỏ từ lâu;
·         biết chặt đứt những quán tính lãnh đạo không thành công;
·         biết nghi vấn và tái thẩm định tất cả những giá trị, những điều, những cái “nghĩ rằng là” được nghim nhiên chấp nhận, để khỏi phung phí sức lực và của cải xây dựng những công trình trên nền tảng sai lầm hoặc để khỏi phung phí mồ hôi và xương máu theo đuổi những ảo ảnh;
·         biết điều chỉnh và tái điều chỉnh, nhanh chóng và đúng lúc, khi nhận được dấu hiệu cho thấy bối cảnh đang bắt đầu biến đổi;
·         biết đón nhận và đánh giá đúng mức những tác lực đến từ bên ngoài và khởi từ bên trong, để làm kế hoạch và quyết sách đối ứng; và
·         biết vẽ lại con đường hải hành, như một người thuyền trưởng lèo lái một con tàu trên đại dương.

Một người lãnh đạo nhất định là phải biết tái tạo.  Biết tái tạo là:
·         biết lột xác biến thành con người mới cho vai trò mới trong giai đoạn mới;
·         biết làm cho thuộc viên và quần chúng hồi phục sinh lực sau những tiêu hao lớn;
·         biết bảo dưỡng sinh lực của thuộc viên và quần chúng để vận dụng lâu dài và hiệu quả;
·         biết lấy hành động gương mẫu của bản thân hoặc của những nhân vật đương thời để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng;
·         biết làm sống lại những hành động gương mẫu của những nhân vật thi trước hoặc xiễn dương thành tích của họ để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng;
·         biết liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân tài để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai;
·         biết chọn lựa và uốn nắn người kế nhiệm để tiếp nối vai trò lãnh đạo trong tương lai;
·         biết gở, bỏ, phá, lìa . . . những cơ cấu, triết thuyết, sách lược, nguyên tắc, giá trị, phương thức, mục tiêu, định chế . . . đã lỗi thời, đã không còn hiệu quả, đã không đáp ứng được, đã làm xơ cứng . . . rồi tái kiến, tái lập, tái huấn . . . để có thể đáp ứng nhu cầu mới, điều kiện mới, bối cảnh mới . . . một cách hiệu quả hơn.

Tuy vận dụng bản thân chỉ là một trong ba yếu tố quyết định hiệu năng lãnh đạo, nhưng lại là một yếu tố tiên quyết và cho sự tự quyết gần như toàn vẹn mà một người có thể có được.  Chính vì yếu tính tiên quyết và tự quyết mà yếu tố vận dụng bản thân trở nên đặc biệt quan trọng.  Một người “thích hợp để lãnh đạo” phải nhận ra được điều này và sẽ không bỏ lỡ cơ hội để phát triển và phát huy tối đa ưu thế của bản thân trước khi, trong khi, và ngay cả sao khi từ bỏ vai trò lãnh đạo.

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (13)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 12


Không Để Rớt Vào
Con Đường Hư Hoại



S
au rốt, biết vận dụng bản thân cũng có nghĩa là không để cho bối cảnh đang vận hành đưa đẩy mình vào con đường hư hoại.  Một người lãnh đạo rất có thể đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại của một người lãnh đạo có thể dẫn đến một kết thúc không vinh quang.  Quan trọng hơn, một người lãnh đạo đi vào con đường hư hoại thường gây ra những hệ lụy trầm trọng cho bản thân, cho gia đình, cho tập thể hoặc cho đất nước mà họ đang lãnh đạo.
Bernard Ebbers bước vào công ty LDDS (Long Distance Discount Services, Inc.) năm 1985 với vai trò Tổng Giám Đốc Tổng Quản Công Ty (CEO).  LDDS được thành lập năm 1983 tại Hattiesburg, Mississippi.  Năm 1989 Bernard Ebbers đưa LDDS lên sàn chứng khoán qua việc sát nhập với công ty Advantage Company Inc..  Rồi công ty được đổi tên thành LDDS WorldCom năm 1995 và sau đó đổi thành WoldCom.  Trong giai đoạn chuyển hoá từ khi còn là công ty LDDS cho tới khi thành đại công ty WorldCom, Bernard Ebbers đã thực hiện một loạt mua và sát nhập công ty trong suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 trong đó gồm có Advanced Communications năm 1992, Metromedia Commu-nication năm 1993, Resurgens Communications Group năm 1993, IDB Commu-nications Group năm 1994, Williams Technology Group năm 1995, và MFS Communications Company năm 1996 trong đó bao gồm cả UUNet Technologies, MCI Communication năm 1997, Compuserve 1998, Sprint 1999, Digex 2001.  Trong những nỗ lực của Bernard Ebbers, lớn nhất là vụ sáp nhập với  MIC Communication và với Sprint.  Tháng 11 năm 1997, công ty WorldCom và công ty MCI Communication tuyên bố sáp nhập vào nhau, với trị giá tổng cộng là 37 tỉ USD, tính tới thời điểm đó thì đây là một vụ sáp nhập công ty lớn nhất lịch sử, đưa đến sự thành hình của công ty MCI WorldCom chính thức đi vào hoạt động với danh nghĩa mới ngày 15 tháng 9 năm 1998.  Rồi tháng 10 năm 1999, MCI WorldCom và Sprint Corporation lại tuyên bố sáp nhập, với tổng giá trị lên đến 129 tỉ USD.  Nếu như không gặp sự phản đối của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và của Liên Hiệp Âu Châu, vì quan ngại sẽ dẫn đến tình huống độc quyền, thì sau vụ sáp nhập này MCI WorldCom sẽ vượt qua AT&T và trở thành là một công ty truyền thông lớn nhất Hoa Kỳ.  Vụ sáp nhập không thành và hai công ty phải tuyên bố hủy bỏ kế hoạch vào tháng 7 năm 2000.  Sau vụ này MCI WorldCom cải tên lại thành WorldCom.  Trên hành trình “mở cõi” đó Bernard Ebbers đã trở thành một “đại gia” nhờ vào nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu của WorlCom.  Tuy nhiên đến thời điểm của năm 2000 thì kỹ nghệ viễn thông bước vào giai đoạn trì trệ, sách lược tăng trưởng bạo (aggressive growth strategy) của WorldCom bị khựng lại sau vụ sát nhập không thành với Sprint, cho nên cổ phiếu của công ty bị rớt giá.  Bernard Ebbers bị đè nặng dưới áp lực tài chánh cá nhân vì đã sử dụng margin calls trên cổ phiếu WorldCom để tài trợ cho những “lạc thú vinh hoa” của mình.  Rồi trong năm 2001, Bernard Ebbers đã thuyết phục được Hội Đồng Giám Đốc của công ty đứng ra bảo chứng và cho ông ta mượn hơn 400 triệu USD từ tài sản của công ty để ông ta cover chổ thiếu hụt của margin calls.  HĐGĐ đồng ý cho ông ta mượn tiền vì muốn ngăn chặn tình trạng cổ phiếu của công ty bị rớt giá sâu hơn, nếu như Bernard Ebbers bị bức bách đến độ phải bán tháo một số lượng lớn cổ phần trong một thời gian ngắn.  Nhưng nỗ lực đó của HĐGĐ không đem lại kết quả mong muốn và cuối cùng là Bernard Ebbers bị đẩy ra khỏi vũ đài lãnh đạo vào tháng 4 năm 2002, thay thế bởi John Sidgmore, cựu Tổng Giám Đốc Tổng Quản Công Ty của UUNet Technologies.   Khoảng thời gian từ giữa năm 1999 cho đến tháng 5 năm 2002, Bernard Ebbers cùng với một số người trong bộ phận quản trị cao cấp của công ty —trong đó có Tổng Giám Đốc Tài Chính (CFO) Scott Sullivan, Tổng Kiểm Quản (Controller) David Myers, Giám Đốc Kế Toán Tổng Quát (Director of General Accounting) Buford “Buddy” Yates— đã sử dụng thủ đoạn gian lận kế toán để đánh bóng kết quả tài chính của WorlCom với mục đích nâng giá cổ phiếu WorldCom.  Trong năm 2002 một nhóm nhỏ thành viên thanh tra nội bộ (internal auditors) đã âm thầm điều tra và khám phá ra 3.8 tỉ USD gian lận.  HĐGĐ (BOD) và Ủy Ban Thanh Tra (Audit Committeee) của công ty được thông báo nội tình và đã nhanh chóng hành động.  Sullivan bị mất việc, Myers từ chức, SEC mở một cuộc điều tra trong tháng 6 năm 2002.  Tới cuối năm 2003, kết quả điều tra ước tính là giá trị của công ty đã được thổi phồng lên và vượt trên giá trị thực khoảng 11 tỉ USD.  WorldCom khai phá sản vào tháng 7 năm 2002, vụ phá sản lớn nhất lịch sử tính tới thời điểm đó.    Ngày 15 tháng 3 năm 2005, Bernard Ebbers bị kết án 25 năm tù với những tội danh “gian lận, âm mưu, và báo cáo không đúng với cơ quan kiểm quản.”  Bản án vĩnh viễn kết thúc sự nghiệp của một người mở cõi cho WorldCom và cũng chính là người bức tử  WorlCom.  Bernard Ebbers, một nhà lãnh đạo kinh doanh có tầm vóc, đã để cho bản thân đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại đã làm hại chính bản thân ông ta, làm hại tới công ty do chính tay ông ta tài bồi, và làm hại tới hàng ngàn nhân viên thuộc cấp. 
Jimmy Lee Swaggart sinh năm 1935 và lớn lên tại thành phố Ferriday của bang Louisiana.  Ở tuổi 17, Swaggart thành hôn với Frances Anderson và sinh đứa con trai đầu lòng, Donnie Swaggart, vào năm 1954.  Ông phải làm nhiều công việc tạp nhạp để kiếm sống.  Trong giai đoạn này ông cũng bắt đầu hát thánh ca “Southern Gospel” cho một số nhà thờ Baptist và Pentecostal chung quanh vùng và lần đường đi vào sự nghiệp giảng đạo.   Năm 1955, trên sàn chiếc “flatbed trailer” cũ của người ta cho, Swaggart đã cống hiến toàn thời gian cho công việc giảng đạo.  Theo hồi ký của Swaggart, ông và vợ con đã sống trong nghèo khó cho đến hết thập niên 1950, giảng đạo ở những nơi hẻo lánh của Louisiana, xoay sở để sinh tồn với 30 USD lợi tức một tuần và có đôi khi phải đi ngũ với cái bụng đói, không có được một ngôi nhà để ở nên phải ở đậu dưới nhà hầm của những nhà thờ hoặc ở tạm nhà của những mục sư hay ở những  nhà ngủ tồi tàn.  Trong thời gian này ông đã dần dần thu hút một số tín đồ và đã vận động họ để phát triển qua chương trình “revival meeting” khắp American South.  Năm 1957 Swaggart ghi danh theo học Bible college.  Năm 1960 ông bắt đầu thu băng nhạc thánh ca trong khi cố gắng thu hút một số thính giả qua những chương trình phát thanh của đạo.  Năm 1961 ông tốt nghiệp Bible college và được thọ phong với Assemblies of God.  Một năm sau ông bắt đầu chương trình giảng đạo trên đài phát thanh.  Đến năm 1969 thì chương trình có tên gọi “The Camp Meeting Hour” của Swaggart phát thanh toàn thời gian trên nhiều trạm phủ sóng khắp vòng đai “Bible Belt” [phần lớn thuộc miền nam US].  Vào khoảng cuối thập niên 1960 Swaggart cũng đã thành lập một nhà thờ tại baton Rouge bang Louisiana lấy tên “The Family Worship Center.”  Thành viên của nhà thờ này từ 40 người năm 1970 tăng lên trên 500 người năm 1975 rồi trên một ngàn người năm 1980.  Trong thập niên 1970 Swaggart mở rộng hoạt động qua những kênh truyền  hình.  Tới năm 1983 thì Jimmy Swaggart đã trở thành là một nhà giảng đạo trên đài truyền hình nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.   Ông ta có hơn 200 trạm phát sóng để đưa chương trình “The Jimmy Swaggart Telecast” đến với hơn 2 triệu gia đình mỗi tuần.  Cũng trong thập niên 1980 chương trình Telecast của Jimmy Swaggart đã có lúc từng phát sóng trên 3000 trạm và hệ thống cáp mỗi tuần với số lượng 8 triệu người nghe xem tại Hoa Kỳ và 500 triệu người trên toàn thế giới, căn cứ theo nội dung của trang web jsm.org.  Rồi năm 1988 một vụ tai tiếng tình dục nỗ ra, bắt nguồn  từ sự trả thù của mục sư Marvin Gorman, một thành viên trong mục sư đoàn của Assemblies of God.  Marvin Gorman từng bị tố cáo là đã nhiều lần ngoại tình.  Năm 1986, Swaggart công khai phơi bày chuyện của Gorman ra trước công chúng.  Để trả thù Gorman mướn người theo dõi và lén chụp hình “bí mật” của Swaggart.  Rồi ngày 16 tháng 2 năm 1988, Gorman công bố bằng chứng phạm tội mua dâm của Swaggart “trong phòng số 7 với Debra Murphree ở Travel Inn trên đường Airline Highway tại thành phố New Orlean.”  Đến ngày 21 thì Swaggart công khai thú tội, với câu nói nổi tiếng “I have sinned against you, my Lord, and I would ask that your precious blood would wash and cleanse every stain until it is in the seas of God's forgiveness."  Jimmy Swaggart, một con người tài hoa vươn lên từ nghèo đói, từ tay không dựng được cho riêng mình một vương quốc, đã để cho bản thân rớt vào con dường hư hoại.  Jimmy Swaggart, một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi danh khắp cả thế giới, đã để cho bản thân rớt vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại không những làm hại bản thân ông mà còn gây thiệt hại uy tín và tài chính cho những giáo hội Tin Lành tại Hoa Kỳ và tàn phá không ít đức tin của tín đồ Tin Lành.    
Richard Milhous Nixon là vị Phó Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ từ năm 1953 cho tới năm 1961 và là vị Tổng Thống thứ 37 từ năm 1969 cho đến năm 1974.  Ông là người duy nhất hai lần đắc cử vị trí Phó Tổng Thống cộng hai lần đắc cử vị trí Tổng Thống và cũng là vị nguyên thủ duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ bị buộc phải từ chức.   Sinh tại Yorba Linda bang California năm 1913, tốt nghiệp ngành luật tại Đại Học Duke năm 1937, gia nhập quân lực sau sự kiện Pearl Habor bị tấn công, trong lúc đang hành nghề tại La Habra, rồi tham dự vào Đệ Nhị Thế Chiến và leo lên tới chức Thiếu Tá Hải Quân.  Sau cuộc chiến, Nixon tham gia vào chính trường và đắc cử vào Hạ Viện năm 1946 rồi vào Thượng Viện năm 1950.   Sau đó ông lại được Đảng Cộng Hoà chọn đứng chung liên danh với Dwight D. Eisenhower để rồi thắng cử trong năm 1952 và trở vị Phó Tổng Thống trẻ tuổi nhất của đất nước.  Năm 1960 Nixon tranh cử Tổng Thống với John F. Kenedy và thua với số phiếu khít khao.  Năm 1962 Nixon tranh cử chức vụ Thống Đốc California nhưng bị thua thêm một lần nữa.  Sau một thời gian ngắn “rút lui” khỏi chính trường, Nixon lại tái xuất và đắc cử chức vụ Tổng Thống năm 1968 và tái đắc cử vào năm 1972, với khoảng cách số phiếu cao nhất lịch sử là 23.2% (hơn 18 triệu lá phiếu) so với đối thủ là Thượng Nghị Sĩ George McGovern.  Bước vào Tòa Bạch Ốc trong thời điểm đỉnh của Cuộc Chiến Tranh Lạnh mà Việt Nam là một địa bàn chiến lược Nixon cần phải dàn xếp.  Đầu tiên ông đã cho leo thang cường độ chiến tranh Việt Nam nhưng sau đó lại cho triệt thoái dần binh sĩ Hoa Kỳ và đàm phán với Hà Nội.  Một mặt khác Nixon ngầm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và công khai tới viếng thăm Bắc Kinh năm 1972, chính thức mở ra một đối sách mới của Hoa Kỳ, cái được gọi là Strategic Engagement Policy.  Và, là một hệ quả đương nhiên, Hoa Kỳ ký hiệp ước ngừng bắn với Hà Nội năm 1973 rồi sau đó là triệt thoái tất cả binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.  Với Liên Bang Xô Viết , Nixon cũng đã chủ động Détente (разрядка/ razryadka) và ký kết  Anti-Ballistic Missle Treaty.   Về mặt nội trị, Nixon đã ban hành những chính sách kinh tế mới, đưa tới việc hủy bỏ “gold standard” và việc thiết lập “wage and price control.”   Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Nixon  đối diện với khủng hoảng từ nhiều mặt.  Kinh tế  của quốc gia nằm trong  giai đoạn khó khăn.  Xã hội căng thẳng với những cuộc biểu tình chống chiến tranh.  Và một loạt tai tiếng chính trị lại nỗ ra đúng lúc, vụ Watergate.  Chính vụ tai tiếng này đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Richard Nixon.  Câu chuyện khởi đầu từ một vụ bắt giữ 5 người đã lén lút xâm nhập vào bộ chỉ huy của DNC (Democratic National Committee) toạ lạc trong một cao ốc [vừa là văn phòng, vừa là chung cư, vừa là khách sạn] mang tên WaterGate vào ngày 17 tháng 6 năm 1972.  Rồi những cuộc điều tra của FBI, của Senate WaterGate Committee, của House Judiciary Committee, và của báo chí đã phơi bày một loạt hành vi phạm pháp do “bộ tham mưu” của Nixon chủ động.  Trong số những tội danh  bao gồm: lừa đảo tranh cử, sử dụng mật vụ chính trị, ngấm ngầm phá hoại, xâm nhập bất hợp pháp, đặt máy nghe lén, bí mật phạm pháp tổ chức và sử dụng quỹ bôi trơn (slush fund) để mua chuộc những đối tượng trong tầm ngắm, dùng tiền để bịt miệng (hush money) những nhân chứng.  Sau hai năm dài, với những bằng chứng càng lúc càng nhiều và càng rõ trong đó có cả băng ghi âm những cuộc đàm thoại của chính Nixon với những nhân vật trong ban tham mưu của ông và trở thành là bằng chứng buộc tội [“the Smoking Gun”], sự thật cho thấy Nixon đã cố ý che dấu những hành động phi pháp và cản trở công lý.  Với một Hạ Viện sẳn sàng để truất phế Tổng Thống và một Thượng Viện sẳn sàng để  kết án, Nixon đã không còn con đường khác để lựa chọn.  Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Richard Nixon công bố từ chức.  Phó Tổng Thống Gerald Ford lập tức tiếp nhận chức vụ Tổng Thống và sau đó, ngày 8 tháng 9 năm 1974, đã ban hành  lệnh ân xá cho Richard Nixon, nhờ vậy mà ông không bị truy tố.  Một vị Tổng Thống tầm vóc của Hoa Kỳ đã để cho mình rớt vào con đường hư hoại.  Sự lạm dụng quyền lực hành pháp của Nixon, và những thủ đoạn đen tối đi kèm theo đó, không những chấm dứt sự nghiệp chính trị của riêng ông một cách thảm hại mà còn để lại cho người dân Hoa Kỳ một vết thương khó lành trong tâm thức chính trị.             
            Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Bộ Lĩnh, là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay là tỉnh Ninh Bình, con của Thứ Sử châu Hoan tên Đinh Công Trứ.   Đinh Bộ Lĩnh có tài năng, sáng suốt hơn người, và vô cùng dũng cảm mưu lược.   Đương thời 12 sứ quân tự xưng hùng trưởng, mỗi người chiếm cứ một phương, Đinh Bộ Lĩnh khởi binh đánh dẹp.  Ông đánh đâu thắng đó nên vang danh là Vạn Thắng Vương.  Dẹp xong loạn sứ quân ông lên ngôi làm vua, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, dựng đô mới, đp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.  Ông được coi là một vì quân chủ tài ba.[1]  Nhưng về sau Đinh Tiên Hoàng lại đam mê tửu dục, bỏ bê triều chính, xử việc bất minh gián tiếp gây ra cảnh anh giết em vì tranh ngôi vị.  Cuối cùng ông bị ám sát chết, cùng với con là Nam Việt Vương Đinh Liễn, trong lúc đang say mèm nằm ngủ ngoài sân.  Vệ Vương Đinh Tuệ, con của Dương Thị, được lập lên làm vua lúc mới 6 tuổi.  Vì vua còn quá nhỏ nên Dương Thái Hậu phải cùng lâm triều dùng Nguyễn Bặt, Đinh Điền và Lê Hoàn làm phụ chính.  Rồi tranh chấp quyền lực nội bộ xảy ra, đưa đến việc động binh hao tổn máu xương của tướng lãnh và dân binh, tạo cơ hội cho nước Tống dấy quân xâm lấn.  Đến khi Dương Thái Hậu giúp cho Lê Hoàn lên ngôi làm vua, mở ra một triều đại mới, mọi sự mới yên từ đó.  Một ông vua dựng nước, một chiến tướng trăm trận trăm thắng, một người lãnh đạo lỗi lạc nhưng sau lại để hoàn cảnh đẩy đưa vào đường hư hoại làm cho đại nghiệp bị diệt vong và bá tánh bị một phen dầu sôi lửa bỏng.
            Trong ngày Hội Thề tại Lũng Nhai, vào đầu tháng 2 năm 1416, Lê Lợi cùng Lê Lai, Nguyễn Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Hiểm, Lê Ninh, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Lê Bồi, Nguyễn Lý, Đinh Lan, Trương Chiến đã minh thệ rằng “Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng nguyện kết tình thân như một tổ liền cành, phận vinh hiển dẫu có khác nhau, nghĩa vẫn thắm như chung một họ. . . . Quân bằng đảng xâm lấn, vượt cửa quan làm hại, cho nên, Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, cùng chung sức chung lòng, giữ cho đất nước được yên, khiến xóm làng được ổn, thề sống chết có nhau, không dám quên lời thề son sắt . . .”[2]  Ngày 7 tháng 2 năm 1418, Lam Sơn đã long trọng làm lễ xuất binh.  Bình Định Vương sát cánh với 35 võ tướng, vài quan văn, cùng với quân thiết đột, nghĩa sĩ, dũng sĩ, tổng cộng trên dưới khoảng hai ngàn, cùng 14 voi chiến, từ đó lăn mình vào gió bão kháng chiến ròng rã suốt 10 năm.  Trên đoạn đường sinh tử đó nào là “trận Đồ Bàn sấm vang chớp giật, trận Trà Lân trúc chẻ tro bay,” nào là “Ninh Kiều máu chảy đầy sông, tanh hôi muôn dậm, Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu,” nào là “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông,” nào là “Lạng Sơn, Lạng Giang thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước,” nào là “Lãnh Câu máu chảy thấm dòng, nước sông ấm ức, Đan Xá thây chồng thành núi, cỏ nội nhuốm hồng.”  Và sau cùng thì Bình Định Vương cùng quân dân Đại Việt quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi.  Rồi ngày 14 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng Đế, mở ra triều đại hậu Lê từ đó.  Sau khi lên ngôi Lê Thái Tổ đã xây dựng một bộ máy chính quyền quan lại và những người dự phần là những người có công lao trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng đất nước.  Những đại thần đa số là những thiên tài quân sự có thành tích lẫy lừng.  Đến ngày 22 tháng 8 năm 1433, vua từ giã cuộc đời.  Chỉ ở ngôi vỏn vẹn có 6 năm.  Nhưng đáng tiếc trong 6 năm ngắn ngủi đó, Hoàng Đế Lê Thái Tổ đã giết chết hai vị công thần của Bình Định Vương Lê Lợi là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, hai vị anh hùng của dân tộc, hai con người tài kiêm văn võ đức hạnh song toàn, hai đồng chí đã cùng Lê Lợi vào sinh ra tử trường chinh suốt 10 năm, hai con người đã góp phần rất lớn mang lại vinh quang cho đất nước và mang lại vương nghiệp cho Lê Thái Tổ.  Phạm Văn Xảo là người tài trí vượt bậc.  Phạm Văn Xảo là một trong bốn vị tướng chỉ huy cao cấp nhất và lập công lớn nhất trong trận đánh chiến lược Tốt Động-Chúc Động.  Phạm Văn Xảo là tướng chỉ huy lực lượng đánh chặn 5 vạn quân của Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, góp phần to lớn vào thắng lợi của trận đánh chiến lược Chi Lăng-Xương Giang đập tan hy vọng sau cùng của Vương Thông.  Phạm Văn Xảo được khắc tên trong danh sách khai quốc công thần, đứng hàng thứ ba.  Phạm Văn Xảo được ban quốc tính họ Lê và phong hàm Thái Phó, tước Huyện Thượng Hầu.  Tên Phạm Văn Xảo vang dội khắp nơi.  Thế mà chưa kịp phủi hết bụi chiến trường thì Phạm Văn Xảo đã bị Lê Thái Tổ hạ chỉ giết chết.  Còn Trần Nguyên Hãn, hậu duệ của Trần Quang Khải, cháu nội của Trần Nguyên Đáng, anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, là một con người có học thức và giỏi binh pháp.  Trần Nguyên Hãn là một trong những võ tướng siêu quần của Lê Lợi.  Trong suốt cuộc trường chinh cứu nước, Trần Nguyên Hãn là thiên tướng uy nghi lẫm liệt của kháng chiến quân, là hung thần ác sát của giặc.  Trong Hội Thề Đông Quan, Trần Nguyên Hãn là một trong những đại diện của Lam Sơn, và tên ông được xếp ngay sau tên Lê Lợi.  Trần Nguyên Hãn được ban quốc tính họ Lê và phong chức Tướng Quốc.  Tuy được phong thưởng trọng hậu nhưng ông không tham phú quý và xin từ quan về ẩn cư quê nhà.  Chưa kịp an hưởng những ngày tháng tự tại thì Trần Nguyên Hãn đã phải nhận lấy một cái chết đầy oan ức. Nói về hai vụ án này, sử gia đã viết:  “Nguyên do là bởi vua Lê Thái Tổ tuổi cũng đã khá cao lại lắm bệnh . . . Hoàng Tử Lê Nguyên Long còn quá nhỏ, trong lúc đó Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đều là những bậc khai quốc công thần, lắm công lao, được người đời trọng vọng.  Trần Nguyên Hãn vốn là dòng dõi quý tộc họ Trần xưa, Phạm Văn Xảo là người kinh thành Thăng Long, Thái Tổ lo rằng nếu ông vua nhỏ tuổi lên cầm quyền thì những người này sẽ nuôi chí khác, cho nên, bề ngoài tuy tỏ ra trọng vọng, nhưng bên trong thì vẫn chất chứa nghi ngờ.  Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Chí, Trình Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí và Lê Đức Dư đoán biết được ý vua liền tranh nhau dâng mật sớ lên, khuyên vua phải quyết trừ bỏ đi.  Những ai mà chúng không bằng lòng đều bị chúng vu là bè đảng của Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, bị đem ra xét xử và bị cầm tù rất đông.  Các quan ai ai cũng đều sợ miệng lưỡi của chúng.  Sau này, vua Lê Thái Tổ hối hận, thương hại những người ấy bị giết oan, lại biết rõ bọn Lê Quốc Chí đều chỉ là hạng tiểu nhân xảo quyệt, nên rất ghét chúng, khiến chúng đều bị đuổi.  Vua xuống chiếu cho trăm quan biết rằng bọn [họ] . . . dẫu có tài cán cũng không được dùng lại nữa. Trong đám bề tôi, giá thử có kẻ làm phản, cần phải tố cáo, thì cũng không cho bọn chúng được quyền tố cáo.  Dư luận lúc ấy không ai không thuận cả.”  Với một bản lĩnh lãnh đạo già dặn như Lê Lợi, bè lũ vụng tài đó làm sao có thể mọc lên được trước mắt ông, ngoại trừ chính ông đã cuốc đất, gieo hạt và tưới nước?  Bản thân Lê Lợi không e ngại hai nhân vật này.  Ông chỉ e ngại giùm cho Hoàng Tử Lê Nguyên Long sau khi ông lìa thế.  Vì muốn bảo vệ cái ngai vàng cho đứa con trai bé bỏng này, Lê Thái Tổ Hoàng Đế đã thâm độc bày trò “lầm lẫn nghe lời gian thần khuynh đảo” để có cớ diệt trừ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo trước, hai cá nhân có đủ tầm vóc và hậu thuẫn khả dĩ có thể ngồi trên chiếc ngai ông đang ngồi, chiếc ngai mà trước đây không lâu thuộc về họ Trần.  Cái vòng tay bao trùm thiên hạ nhờ biết “đem đại nghĩa diệt hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của Bình Định Vương thuở trước giờ chỉ còn đủ lớn để ôm lấy cái ngai vàng phù phiếm.  Con tim Hội Thề Lũng Nhai của Bình Định Vương Lê Lợi cũng không còn sắc son chi cho lắm, vì bên trong đã chứa đựng quá nhiều toan tính cá kỷ.  Trên cái ngai vàng đó chỉ còn sót lại một Hoàng Đế Lê Thái Tổ bệnh hoạn, già nua và thiếu bao dung, nếu không muốn nói là thâm hiểm.  Chưa hết, trong cái đen tối của những toan tính, Lê Thái Tổ không những đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, không những đã ra lệnh đày ải giam cầm Nguyễn Trãi và hàng trăm người khác, ông còn hủy diệt luôn cuộc đời của Quốc Vương Lê Tư Tề, đứa con trai trưởng đã cùng ông vào sanh ra tử trong suốt 10 năm kháng chiến, đứa con mà người mẹ của hắn đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong những ngày đầu khởi nghĩa đã gởi lại cho ông, đứa con mà sự ra đời của nó là kết tinh của một cuộc tình trong sáng và hào hùng, đứa con mà ông đã từng đặt nhiều kỳ vọng, đứa con mà sử gia nhận xét là “một vị anh hùng chống Minh đầy công đức, uy tín, hoàn toàn xứng đáng được nối ngôi . . . lại bị hạ bệ để đưa con người vợ thứ . . . là Lê Nguyên Long, tóc còn để chỏm, không chút công lao nào . . .”[3]  Nhận xét về Lê Thái Tổ, Tể Tướng Đinh Liệt cũng đã từng viết “Trong thuở hàn vi bừng sáng nghĩa.  Hòa bình hạnh phúc dễ mờ nhân.  Cầm cân mà để cân sai lệch.  Nát đạo cha con tối nghĩa thần.”  Xem ra, những ngày cuối đời của Lê Lợi đã để cho mình rớt vào con đường hư hoại.  Chẳng trách sao những ngày kế tiếp của triều hậu Lê đầy những bất an và máu lệ thanh trừng.
            Trần Minh Tông, con của Thái Thượng Hoàng Trần Anh Tông và Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu, được sử gia đánh giá là một vì minh quân có tài lãnh đạo.  “[Trần Minh Tông] biết phân định những điểm yếu điểm mạnh trong khoa học quân sự. Biết ưu thế của từng thế lực khi ra quân chinh phạt, do đó tướng sĩ được yên tâm khi dấn thân vào trận mạc. . . . Minh Tông cũng thông cảm với nỗi khổ của nhân dân. . . . Quá trình làm vua Minh Tông Hoàng Đế lo lắng sửa sang công việc nội trị ngày càng làm rạng rỡ tổ tông, đem văn minh về cho nước. Ông là người có tấm lòng trung hậu, biết lo xa cho nước và cho cả hoàng tộc. Chăm chú dạy dỗ các hoàng tử, lấy điều hay để khích lệ, đem việc dở để ngăn ngừa, hy vọng đội ngũ kế cận sẽ là vua hiền tướng giỏi. Với trăm quan ông không thiên vị và rất trọng hiền tài, khuyên dạy hoặc nghiêm trị đối với mọi hành vi tham ô, tắc trách trong công việc, kể cả tư thế, cách phát ngôn mong cho giềng mối được vững bền, quần thần của đế triều tốt đẹp. Ông còn là người coi nhẹ ngôi vị đế vương. . . . Đức sáng của Minh Tông là như vậy. . . . Minh Tông ở ngôi 15 năm, 28 năm làm Thái Thượng Hoàng là người đã bảo đảm cho bờ cõi bình yên, mềm dẻo nhưng cương quyết trong đối ngoại, nho học được đề cao, phật học được giảm dần (ông cấm các Hoàng Tử không được đi tu). Vua tôi lão thành và tuổi trẻ đều thi thố tài năng, cống hiến cho đất nước.”[4]  Thế nhưng vào năm 1328, lúc sắp nhường ngôi, Trần Minh Tông đã “mắc phải một sai lầm rất đáng tiếc. Sai lầm này mãi mãi ám ảnh ông, khiến ông phải ngậm ngùi đau khổ.”  Trần Minh Tông đã nghe theo lời vu cáo “âm mưu làm phản” của kẻ gian nên bắt tống ngục cha vợ là Quốc Chẩn, cùng 100 người khác, và bỏ đói Quốc Chẩn cho đến chết.  Và chưa hết, “cuối đời của [Trần Nhân Tông] phe phái nảy sinh, thanh toán lẫn nhau vua không còn sáng suốt khiến suốt đời ôm hận.”[5]  Tại sao một vị minh quân có tài lãnh đạo lại có một kết cục đáng tiếc?  Phải chăng nguyên nhân sâu xa nhất là ông đã theo đuổi sách lược “nho học được đề cao, Phật học giảm dần,” một bước ngoặt của Trần triều, một định vị mới cho văn hóa và (culture shift) và văn trị?  Ông tôn vinh nho học đến độ “nghiêm trị . . . kể cả tư thế, cách phát ngôn.”  Hình như những đặc tính bình dị, bao dung, từ hòa của các vị vua quan nhà Trần “nặng mùi thiền” trước đó đã không đủ sức thuyết phục Trần Minh Tông.  Chả trách ông đã vội vã nghiêm trị cả cha vợ của mình trước khi làm cho sáng tỏ sự việc.  Và hình như cái chủ thuyết “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông và sự nghiệp võ công văn trị dựa trên chủ thuyết đó của người trước đã không đủ sức thuyết phục Trần Minh Tông.  Ông muốn nhìn thấy “tuổi trẻ và lão thành đều thi thố tài năng, cống hiến cho đất nước” theo quan điểm nho gia.  Ông thực hiện được ước muốn của mình.  Điều đáng buồn là nó vượt xa hơn thế. Quần thần của ông đã hăng say tranh đua lập công đến độ “bè phái nảy sinh, thanh toán lẫn nhau.”  Phải chăng đây là những hậu quả ngoài sự tiên liệu (unintended consequences)?  Và trong bài Việt Giới do Trần Minh Tông sáng tác đã làm cho người đọc phải đặt dấu hỏi về cái tư duy sâu kín của ông bên sau ngôn ngữ ông sử dụng: “Tư minh tương tiếp giới.  Chỉ cách Mã Ngưu phong.   Ngôn ngữ vô đa biệt.  Y quan bất khả đồng.  Nguyệt sinh giao thất lãnh.  Nhật lạc ngạc đàm không.  Khẳng hạn Hoa Di ngoại.  Tề đăng thọ vực chung.”  Dịch ra là: “Tư minh nơi biên giới.  Cách trở chẳng bao xa.  Tiếng nói hơi khác biệt.  Áo khăn cũng chẳng đồng.  Trăng lên đầm giao lạnh.  Sương tà vũng sấu quang.  Hoa Di nào phân biệt.  Cõi thọ ắt cùng lên.”  Tại sao là “Hoa Di” mà không là Hoa Việt hay Việt Hoa?  Đất nước triều Trần là đất nước Đại Việt mà.  Phải chăng ông đã tôn sùng văn hóa Bắc phương đến độ nghim nhiên chấp nhận hai chữ “man di” mà bọn người phương Bắc đã ngạo mạn đóng dấu lên mặt dân Việt?  Chẳng trách sao ông đã nhiệt tình theo đuổi chính sách “nho học được đề cao, Phật học giảm dần.”  Dầu muốn hay không muốn chấp nhận thì sự thật vẫn cho thấy Trần Minh Tông chính là một công trình sư đã đưa Trần triều bước qua một ngả rẽ.  Và từ ngả rẽ này về sau là một chuỗi dài của những bất hạnh dẫn đến sự tàn lụi của Trần triều.  Trần Minh Tông đã để cho bối cảnh vận hành dẫn ông vào con đường hư hoại, một sự hư hoại vi tế.

Những thí dụ trên cho thấy một người lãnh đạo có thể đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại có thể diễn ra dưới những hình thức thô phù, như là hư hoại tư cách cá nhân.  Hoặc sự hư hoại có thể diễn ra dưới những hình thức tinh vi hơn, như là sự hư hoại lý tưởng hoặc hư hoại đức tin, và sự hư hoại đó được phóng hiện qua những chính sách hay những pháp lệnh dường như hợp lý và đúng đắn.
    


[1] Sử gia Lê Văn Hưu viết “có lẽ ý trời vì đất Việt ta mà lại sinh bật thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?” Trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trang 59.
[2] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 19, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[3] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 30, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[4] Trường Khánh, Hoàng Đế Triều Trần: Cội Nguồn, Ấn Tượng Dân Gian, trang 129-143, xb năm 2003 tại TP HN, nxb Văn Hoá Dân Tộc
[5] Trường Khánh, Hoàng Đế Triều Trần: Cội Nguồn, Ấn Tượng Dân Gian, trang 129-143, xb năm 2003 tại TP HN, nxb Văn Hoá Dân Tộc

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (12)

Biết Rời Bỏ
Vũ Đài Lãnh Đạo



M
ột người thích hợp để lãnh đạo không những phải biết dọn mình trước khi bước ra gánh vác vai trò lãnh đạo, phải biết giữ mình trong lúc đang gánh vác vai trò lãnh đạo, còn phải biết “rời bỏ vũ đài lãnh đạo” để trao lại gánh nặng cho người khác, trao lại đúng lúc và cho đúng người nếu có thể được.  Một người đã từng là một thực thể thích hợp để lãnh đạo trong một bối cảnh đang vận hành và thực sự thành công với vai trò lãnh đạo trong bối cảnh đó có thể nhanh chóng đối diện với thực trạng sẽ trở thành người lãnh đạo lỗi thời vì (1) vòng tròn bản thân không đủ lớn so với những nhu cầu mới quá lớn mặc dù bối cảnh, trên căn bản, vẫn như cũ hoặc vì (2) bối cảnh đã biến đổi hoàn toàn và người lãnh đạo đó không có được một thực thể khác thích hợp để lãnh đạo trong bối cảnh mới đang vận hành.
            James Madison (1751-1836) lớn lên ở nông trại Montpelier thuộc tiểu bang Virginia và theo học tại Collge of Virginia, nay là Đại Học Princeton.  Là một học sinh xuất sắc, ông tốt nghiệp đại học chỉ trong vòng hai năm.  Năm 1776 ông tham dự Đại Hội Virginia với tư cách là một đại biểu.  Sau đó ông phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện (1776-1777); ngồi trong Hội Đồng Cố Vấn Virginia (1778-1779); trở thành là thành viên của Continental Congress (1780-1783); trở lại phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện lần thứ nhì (1783-1786); triệp tập Đại Hội Hiến Pháp (1786); là Nghị Viên Hoa Kỳ (1789-1797); soạn thảo Nghị Quyết Virginia (1798); phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện lần thứ ba (1799-1800); nắm chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao (1801-1809); và trở thành vị tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ liên tiếp hai nhiệm kỳ (1809-1817).  Madison được coi là cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ.  Năm 1978 ông viết hơn 1/3 trong số 85 bài tiểu luận, sau được kết tập dưới tên “Federalist Papers,” đăng trên báo nhằm thuyết phục quần chúng hổ trợ cho hiến pháp liên bang, và những bài viết của ông đã có ảnh hưởng rất lớn, mãi cho tới nay, đối với Hoa Kỳ.  Ở Quốc Hội, Madison làm việc sát với Tổng Thống George Washington để tổ chức một chính quyền liên bang mới.  Công cán của ông trong việc này nhiều hơn cả Thomas Jefferson và Hamilton.  Cùng với Thomas Jefferson, Madison tổ chức Đảng Cộng Hòa, sau đổi tên là Đảng Dân Chủ Cộng Hòa.  Với vai trò là Tổng Trưởng Ngoại Giao của Jefferson, Madison đã cố vấn vụ mua đất Lousiana, nâng diện tích quốc gia lên gấp đôi, và đã bảo trợ cho D Luật Cấm Vận năm 1807.  Với cương vị tổng thống, Madison đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến đối đu Anh Quốc năm 1812, tán thành việc thiết lập thêm một Ngân Hàng Quốc Gia [ngân hàng thứ hai] và nâng thuế xuất nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp trong thời chiến.  Trước khi trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ, Madison được mô tả là một người trầm lặng, cẩn trọng, luôn luôn lắng nghe người khác (kể cả người chết), một kỳ tài về lý thuyết chính trị, có kỹ năng đàm phán và điều đình giữa những nhóm chính khách.  “Ông lặng lẽ làm việc trong những ủy ban.  Ông ghi chú những gì được bàn cãi trong từng buổi họp.  Ông đưa ra những ý kiến quan trọng.  Ông để lại dấu ấn của mình trong những văn bản quan trọng nhất của nhân loại.  Khi ông nói thì mọi người đều lắng nghe.  Và, họ đi theo ông . . . Ở Virginia ông đã vật lộn với lực lượng chống liên bang do Patrick Henry cầm đầu, nhưng sau rốt ông cũng dẫn dắt bang Virginia đến chỗ phê chuẩn Hiến Pháp . . . Trong tiến trình phê chuẩn Hiến Pháp, một số tiểu bang, như là North Carolina, chỉ đồng ý với điều kiện là phải có một Tuyên Ngôn Nhân Quyền đi kèm để bảo vệ tự do và quyền lợi của họ.  Vì thế khi Quốc Hội đầu tiên nhóm họp tại thành phố New York, James Madison đã đứng ra lãnh đạo để soạn thảo 10 điều khoản đầu tiên nổi tiếng [gọi là] Bill of Rights . . .  Cụm từ nguyên thủy ‘We the people of the United States’ là của Madison . . . Sống theo huấn thị 'we the people’ do Madison chủ xướng, trong một góc độ cảm nhận, là chúng ta vẫn nghe theo ông.[1]  Sau khi trở thành Tổng Thống Madison được mô tả là một người “thiếu thước tấc; diện mạo không gây ấn tượng; giọng nói yếu ớt; đôi lúc hoang mang và bị ngộp bởi những dữ kiện; không có khả năng khơi dậy chút ít hăng say hoặc cảm xúc, dầu là với những người bạn; cư xử tiêu cực đối với Quốc Hội; ngoan cố đến độ ngu xuẩn; không khả năng lèo lái để tránh được cuộc chạm trán với Anh Quốc, dẫn đất nước đến cuộc chiến tranh 1812; không có khả năng để cung ứng một sự lãnh đạo mạnh mẽ trong thời chiến.”[2]  Cái yếu kém trong vai trò tổng thống của Madison hiện rõ nét theo cái kết cuộc thảm hại của trận chiến 1814.  Quân Anh, dưới sự chỉ huy của Tướng Robert Ross, tiến từ Chesapeake Bay tới Washigton, D.C.  Madison kêu gọi quần chúng tham gia những đơn vị dân quân vũ trang để bảo vệ Thủ Đô.  Chỉ được 7,000 người hưởng ứng.  Rồi quân Mỹ giao chiến với quân Anh tại một nơi chỉ cách thành phố Bladensburg khoảng 5 dậm.  Quân Mỹ sau khi bắn vài phát súng, bị tử vong vài người, đã bỏ chạy.  Quân Anh tràn vào Washington D.C. chiều ngày 24 tháng 8, vào tận Nhà Trắng đốt phá.  Gia đình Tổng Thống chỉ vừa đủ thời gian để chạy trốn.  “Khó nhận ra Madison là một vị tổng thống.”[3]  Bằng vào những chứng cớ lịch sử, có thể nói trước khi trở thành tổng thống, Madison là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.  Nhưng ở một cương vị mới, cương vị Tổng Thống Hoa Kỳ, ông đã không còn là một nhà lãnh đạo tài hoa nữa, hay nói cho đúng hơn, ông nhanh chóng trở thành một nhà lãnh đạo lỗi thời.  Hào quang của một thuở không còn theo ông nữa.  Tiếng nói của ông mai một trong lòng của quần chúng.  Không còn gì tệ hơn khi một vị nguyên thủ của quốc gia đã không thể vực dậy lòng yêu nước của dân để đứng lên chống lại ngoại thù.  
Mao Trạch Đông (1893- ) có mặt trong một giai đoạn lịch sử mà nước Tàu được ghi nhận là đang lúc bị phân hóa trầm trọng.  Ngày tàn của Thanh triều rớt trong vòng xoáy của biến động xã hội và kinh tế không ngoi ra được.  Tài nguyên thiên nhiên của đất nước thế chấp vào tay những ngoại bang tham lam, mà theo như ngôn ngữ của Mao đã nói với Edward Snow là “sự phân thây rã thịt Trung Quốc” chỉ có hành động anh hùng của tuổi trẻ Trung Quốc mới có thể cứu nổi nó.[4]  Rồi cái giấc mơ của Mao đã thu hút được dân Tàu và xúi dục những cuộc cách mạng sắt máu vượt xa biên giới Tàu.[5]  Ở thập niên 1930 và 1940, Trung Hoa đang cần có một người lãnh đạo quyết tâm cho viễn ảnh của một trật tự mới trên đất nước và có khả năng mở đường để đi tới viễn ảnh đó bằng cách giật sập hệ thống đang tồn tại để có chỗ cho một hệ thống mới hình thành.  Mao có được bản lĩnh này nên đã tỏa sáng hào quang trong bối cảnh đang vận hành.  Người dân đi theo tiếng gọi của lãng mạng chủ nghĩa trong chính trị mà Mao là thủ lĩnh, thứ lãng mạng chứa đầy máu tanh và tiếng khóc bi ai trong tiến trình đổi lấy một thiên đường trên mặt đất.  Sau khi cuộc cách mạng chính trị đã thành công, đáng lẽ tiếp theo phải là một giai đoạn củng cố và ổn định cần có cho một hệ thống mới vừa được thành lập thì Mao lại tiếp tục lao vào sự tàn phá khác với cái gọi là Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.[6]  Cuối cùng là trong thập niên 1970, với sự tụt hậu thảm hại của Trung Quốc nói riêng và với sự nhận thức rõ rệt về sự thất bại toàn diện của hệ thống cộng sản nói chung, dân Tàu muốn nhìn thấy một sự thay đổi nhưng không hứng thú với loại cách mạng đập đổ nữa (revolution) mà chỉ muốn thấy sự thay đổi trong ổn định.  Trung Quốc đã đến lúc cần tới một người lãnh đạo có khả năng môi giới cho một cuộc cải cách.  Và Đặng Tiểu Bình đã có đủ bản lãnh này nên đã tỏa sáng hào quang trong bối cảnh mới.  Mao, cũng như những thủ lãnh cộng sản khác, là chuyên viên đập đổ.  Ông ta biết làm thế nào để phá sập một tổ chức, một đoàn thể, một giai cấp xã hội, một chính quyền, một quốc gia.  Ông ta chiếm hữu khả năng đó và đã chứng minh là ông ta có thể làm công việc đập đổ đó ở mức độ tuyệt vời.  Nhưng khi lịch sử sang trang, Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn hậu cách mạng cần người có khả năng xây dựng lại đất nước từ đổ vở tan hoang, thì khả năng của Mao nhanh chóng trở nên lỗi thời trước bối cảnh mới đang vận hành.  Thay vì nhường lại vũ đài cho người khác, Mao đã cố bám víu quyền lực để rồi đưa đất nước của ông ta đến sát bên bờ vực.  Nếu không có chính sách engagement của Mỹ vào đầu thập niên 1970 và sự trỗi dậy của Đặng Tiểu Bình [người đã từng được mở mắt trong công xưởng ở Âu Châu khi còn là sinh viên và đã che đậy sự thán phục của mình về hiệu năng sản xuất của thế giới tư bản tận đáy lòng] chưa ai biết chắc Trung Quốc đã phải tiếp tục phá sản tới mức nào.
 
Vì vậy, một người lãnh đạo thức thời phải biết trao lại vai trò lãnh đạo cho người khác đúng lúc.  Biết trao lại gánh nặng đúng lúc để bảo tồn công nghiệp lẫn uy tín đã tạo được, để duy trì ảnh hưởng tốt đẹp đang có, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang một vai trò lãnh đạo khác thích hợp hơn nếu vẫn còn muốn tiếp tục góp mặt, và quan trọng hơn hết là để không cản bước tiến hoặc làm thương tổn đến tập thể hay đất nước.  Và, một người lãnh đạo sáng suốt phải tự biết đâu là giới hạn của mình để dừng lại trước những quyến rũ của cơ hội.                   
            Trương Đỗ, người Phù Đái huyện Đồng Lại, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, có chí lớn.  Lúc trẻ bỏ nhà đi du học, thi đậu tiến sĩ, rất nổi danh, làm quan dưới thời Trần Duệ Tông, chức vụ Ngự Sử Đài Tư Gián Đình Úy tự Khanh Trung Đô Phủ Tổng Quản.  Lúc Trần Duệ Tông nghe theo lời xúi giục của Đỗ Tử Bình quyết định tự mình dẫn quân đi trừng phạt Chế Bồng Nga, Ngự Sử Đại Phu đã cố gắng phân tích tình hình nặng nhẹ cho vua nghe và khuyên ngăn không nên ra quân đánh Chiêm Thành.  Sau ba lần can gián, Trần Duệ Tông vẫn không nghe, ông đã treo mũ từ quan.  Ông không hành động bốc đồng vì hờn giận.  Ông quyết định treo mũ từ quan vì ông biết rõ là ông không thể tiếp tục gánh vác hiệu quả vai trò Ngự Sử Đại Phu nữa.   Trương Đỗ đã biết trao lại gánh nặng đúng lúc để bảo toàn công nghiệp và uy tín cho chính ông.[7]
            Vệ Vương Đinh Tuệ con của Dương Thái Hậu được lập lên làm vua lúc mới 6 tuổi.  Kể từ đó Dương Thái Hậu lâm triều dùng Nguyễn Bặt, Đinh Điền và Lê Hoàn làm phụ chính.  Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn là người có tài nên được Dương Thái Hậu ưu ái và giao phó phần lớn công việc chấp chính cho ông đảm trách.  Nhóm Nguyễn Bặt, Đinh Điền, Phạm Hạp không cam phục nên đưa đến việc động binh.  Nước Tống biết được những xáo trộn trong nội bộ của triều đình nhà Đinh nên thừa cơ hội xua quân sang đánh.  Nhận thức được những hiểm họa trước mắt, trong bị đe dọa bởi mầm mống tranh giành quyền lực ngoài bị đe dọa bởi bóng dáng ngoại xâm, và hiểu rõ ông vua con cùng bản thân mình không đủ khả năng để đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước trước cơn bão lớn sắp xảy ra nên Dương Thái Hậu đã chính thức và vui lòng giao lại trách nhiệm đó cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn --bằng cách cho tiến hành việc truất phế ngai vị của con mình-- Lê Hoàn lên ngôi một cách êm đẹp, nhanh chóng giải quyết được những đe dọa tại hậu phương, thống nhất được nội lực, rảnh tay lo việc đối phó với ngoại xâm và chiến thắng được binh Tống.  Dương Thái Hậu sau đó đã kết hôn với Lê Đại Hành Hoàng Đế trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Hậu và đứng sau lưng vị vua này để tiếp tay ông lo việc lãnh đạo đất nước.  Dương Thái Hậu là một người đã biết trao lại gánh nặng đúng lúc để cứu nguy đất nước và nương theo đó để tiếp tục lãnh đạo trong một vai trò khác.
            Dick Hackborn, một kỹ sư điện tốt nghiệp từ đại học Minnesota, gia nhập công ty HP ngay sau khi vừa tốt nghiệp với vai trò là một chuyên viên trong nhóm nghiên cứu & sáng chế công cụ điện tử trụ sở tại Palo Alto.  Là một người trẻ thích ăn chơi nhảy nhót, nhưng lại là một người có khả năng nên một thập niên sau đã leo lên chức vụ dự án trưởng (a project leader) của HP.  Năm 1977 với sự khuyến khích của Dave Packard, Hackborn nhận trách nhiệm lãnh đạo khối doanh nghiệp ổ dĩa (disc-drive business division) của HP và dọn toàn bộ doanh nghiệp đó về thành phố Boise của tiểu bang Idaho.  Tại đây, cách xa bản doanh trung ương hơn 500 dậm nên ít bị quấy rầy.  Ngoài công việc phải lo thường ngày, “lãnh chúa của một phương” Hackborn còn có dư thời gian để truy cứu cơ hội cho tương lai.  Ông đã tự hỏi “Trong thế giới kỷ thuật, sự thay đổi thị trường nào lớn nhất? Và cách nào tốt nhất để tạo tác động lớn?”  Tới đầu năm 1982 thì Hackborn có thể thấy rõ PC giá rẽ sẽ làm nên một sự thay đổi sâu rộng từ nhà cho tới công sở của mọi người.  Vì thế ngay sau đó và trong suốt 3 năm liên tục, Hackborn đã vận động khoa học gia (scientists) và chuyên gia sản xuất (manufacturing specialists) của HP ráng sáng chế cho được một loại máy in sử dụng kỹ thuật laser (laser printer) tốt và vừa túi tiền để khách hàng có thể nối vào PC của họ và in một cách dễ dàng bất cứ thứ gì do họ sáng tạo trên máy PC của họ.  Khi khái niệm này vừa đưa ra thì có rất nhiều người trong công ty chống đối vì họ cho rằng ông đang làm một điều không khả dĩ.  Nhưng với sự hổ trợ của Bill Hewlett và Dave Packard, dự án được tiến hành và ước mơ của Hackborn cuối cùng cũng thành tựu.  Máy in cá nhân đầu tiên xuất hiện trên thị trường mở ra một cơ hội vô cùng lớn.  Rồi như lịch sử ghi nhận, tới năm 1992 thì trị giá thị trường của công ty HP lên đến 18 tỉ trong đó có gần phân na, theo ước tính của Wallstreet, là nhờ vào giá trị của doanh nghiệp máy in cá nhân (printer business) do Hackborn khai sinh và quản lý.  Mùa xuân năm 1992, Dave Packard đích thân tìm tới Idaho để yêu cầu Hackborn nhận lãnh cùng một lúc ba chức vụ chủ tịch của hội đồng giám đốc (chairman of the board), chức vụ tổng giám đốc công ty (president) và chức vụ tổng quản điều hành (CEO).  Với  những dấu hiệu cho thấy công ty HP có thể đang đi dần vào một cơn bão, Dave Packard tin rằng chỉ có Hackborn mới có đủ tài năng để lãnh đạo công ty an toàn tiến tới.  Đối với bất cứ ai, thực tình mà nói việc này là một vinh dự lớn, một phần thưởng lớn, một cơ hội lớn, một sự kiện khó tin mà có thực.  Vì thế, khó có ai muốn từ chối sự mời mọc này.  Nhưng Hackborn đã làm như vậy.  Ông đã thẳng thừng từ chối.  Không phải Hackborn là người không dám nắm bắt cơ hội.  Cũng không phải ông là người hữu danh vô thực, vì bằng vào tài năng của mình ông đã nắm được “một nữa giang sơn” của HP trong tay và chỉ với một cái gật đầu ông sẽ ôm trọn.  Hơn nữa Michael Maccoby, một nhà nghiên cứu bên ngoài công ty có nhận xét khách quan, đã từng viết 56 trang trong quyển sách The Gameman để nói về nhân vật Dick Hackborn thì rõ ràng tài năng ông không phải là không thực.  Nhưng Hackborn mạnh dạn từ chối là bởi vì ông biết rõ hơn ai hết chỉ thêm một bước nữa thôi là ông sẽ thành người lãnh đạo lỗi thời trong vị trí mới.  Trong đa dạng thực thể của bản thân ông, không có một thực thể thích hợp cho vai trò chủ tịch và cho vai trò tổng giám đốc.   Điều này không lạ.  Một chân tài phải biết rõ mình, rõ người và rõ việc.  Và ông là một chân tài đích thực nên ông hiểu bản thân mình và ông hiểu việc.  Ông không để cho sự ham muốn danh vị hủy diệt mình và làm hại đến công ty.  Ông đã biết nhường lại vũ đài lãnh đạo cho người khác.  Thay vào đó ông nhận vai trò cố vấn và giữ một chân trong hội đồng giám đốc trong mời thời gian ngắn rồi sau đó đã giã từ công ty về thoái ẩn.  Đến ngày hôm nay ông vẫn được tôn trọng là kỳ tài của một thời, vẫn là huyền thoại trong giới doanh thương.                          

Trên vũ đài lãnh đạo không có chỗ đứng cho những người lãnh đạo lỗi thời.  Sự thật này luôn luôn đúng trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai.  Cho nên một người lãnh đạo tỉnh thức phải biết khi nào nên dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo.  Không dứt khoát rời bỏ, vì không nhận thức được bối cảnh đã đổi mới và bản thân không còn thích hợp hoặc vì muốn cậy vào công lao trước để cưỡng cầu trục lợi quyền lực và danh vị hoặc vì những gắn bó tình cảm sâu đậm, thường dẫn đến một kết thúc không hay.
            Lê Sát, người làng Bĩ Ngũ thuộc Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một người lãnh đạo quân sự có tài, đã theo Lê Lợi từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến.  Ông là một vị tướng đã lập được công lớn trong trận Quan Du ở Thanh Hóa năm 1420, trận Khả Lưu ở Nghệ An năm 1424, và đặc biệt là trận Xương Giang ở Bắc Giang năm 1427.  Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, ông được xếp hàng thứ hai trong danh sách khai quốc công thần, được phong tước hiệu là Huyện Thượng Hầu.  Năm 1433 Lê Sát được phong hàm Đại Tư Đồ chịu cố mệnh của Lê Thái Tổ phò tá Lê Thái Tông.  Và năm 1434, Lê Sát được trao quyền Tể Tướng, lên tới tột đỉnh danh vọng.  Nhận xét về ông nhiều sử gia đã viết “Tuy ông biết quyết đoán nhanh chóng, nhưng lại là người ít chữ nghĩa, không khéo xử sự với người chung quanh; có tính thẳng thắn nhưng hay nổi nóng làm càn không nghĩ tới hậu quả; ít hiểu đại thể chính trị nên thường hay làm theo ý riêng.”[8]  Nói một cách khác, ông là một tướng tài của chiến trường nhưng là một Tể Tướng tồi trong chính trường.  Lê Sát không nhận thức được điều này. Ông chỉ nhìn thấy những công trạng to lớn lúc trước của ông chứ không nhìn thấy cái lỗi thời của mình trong bối cảnh mới, một bối cảnh đang cần những khối óc nhiều chất xám và những trái tim trong sáng không ô nhiễm quán tính sát phạt để xây dựng một chính quyền văn minh thiện đức có khả năng duy trì sự ổn định lâu dài cho đất nước và có khả năng nhanh chóng cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho toàn dân.  Ông say sưa với hào quang của quá khứ, với quyền uy đang có, với danh vọng tham cầu càng lúc càng cao.  Ông lao sâu vào những tranh chấp quyền lực, những mưu toan dựng vua đoạt vị, những tính toán đen tối.  Rồi ông phập phồng lo sợ những thế lực đối kháng từ phía dân chúng cũng như từ phía quan lại, lo sợ cho chiếc ghế “dưới một người nhưng trên cả trăm họ”   của ông bị người khác tước đoạt, lo sợ ngôi vị “mẫu nghi thiên hạ” của con gái ông là Ngọc Dao Nguyên Phi bị người khác dành mất vì thế ông càng vận dụng nhiều hơn nanh vuốt mật vụ và tựa vào sức mạnh quân đội để đè bẹp những phản kháng, những ý đồ chống đối, những tiếng nói bất lợi cho cá nhân và gia đình ông. Trong bàn tay của Tể Tướng Lê Sát, ông đã biến triều đình thành chiến trường, biến triều chính thành chiến trận, biến chính trị thành khống trị, biến vận mệnh đất nước thành trò chơi của tên côn đồ.  Có thể nói Lê Sát là một cá nhân ít học lại không đủ kiến thức để gánh vác vai trò “an bang tế thế” trong thời bình nhưng lại là một cá nhân đủ tầm vóc để quậy cho “đục nước béo cò” nhờ vào bản lĩnh sát phạt quen tánh của một võ tướng thời loạn.  Nhưng rồi việc gì thì cũng có lúc phải hạ màn.  Vào một ngày của tháng 6 năm 1437, tai họa giáng xuống đầu ông.  Vua Lê Thái Tông xuống chiếu bắt tội “Lê Sát chuyên quyền, nm giữ việc nước [mà] ghét người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời ngôn quan. . .  Mọi việc hắn đều làm trái với đạo làm tôi.  Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước  bỏ hết chức tước.”[9]  Sau đó một tháng, vua Lê Thái Tông lại phế Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao làm thường dân và ban xuống chiếu chỉ thứ hai nói “Tội của Lê Sát đáng phải giết, không thể dung thứ được.  Lẽ phải đem chém để rao, nhưng trẩm đặc ân miễn cho, không giết, duy có Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Lê Sát, làm nguy hại đến xã tắc thì phải chém bêu đầu.”[10]  Và sau cùng xét thấy không thể dung tha, vua lại xuống chiếu “Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ ra phải đem chém để rao. . .”[11]” Vua ra lệnh cho Lê Sát phải tự tử tại nhà, vợ con và điền sản đều bị tịch thu. Thật đáng tiếc!  Một thiên tài của chiến trường, một nhân vật trong bộ phận lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, một anh hùng của dân tộc đã không nhận ra được giới hạn của bản thân trong bối cảnh mới để mạnh dạn từ bỏ vũ đài lãnh đạo nhường chỗ cho những người mới thích hợp hơn trong giai đoạn mới của lịch sử.  Tệ hại hơn, Lê Sát đã coi công trạng giải phóng đất nước là một thứ để trao đổi, như vậy, những ngày gian khổ kháng chiến có lúc phải được đền bù tương xứng cho nên ông mặc nhiên thụ hưởng.  Rồi ông để cho vinh quang, tiền tài, danh vọng, quyền lực cuốn hút và làm chìm đắm trong những tranh chấp cá kỷ dẫn tới một kết thúc không hay.
            Lê Ngân, người xã Đàm Di thuộc Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong số những người tham dự công cuộc đánh đuổi quân Minh ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa.  Lê Ngân bộc lộ tài năng quân sự của mình rất sớm và trở thành một võ tướng cao cấp của Lam Sơn.  Trong suốt 10 năm dài kháng chiến ông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình chiến công của ông gồm có: cùng chỉ huy với tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Nguyễn Lý trong trận Lạc Thủy năm 1418; làm tướng tiên phong trong trận Khả Lưu-Bồ Ải năm 1424; cùng chỉ huy đạo quân tiếp ứng với tướng Lê Văn An, Lý Triện, Lê Bôi trong trận Tân Bình-Thuận Hóa năm 1425; toàn quyền chỉ huy vây hãm thành Nghệ An năm 1427.  Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và cho dựng bản khắc tên 93 vị khai quốc công thần năm 1429, tên ông đứng hàng thứ tư với tước phong Á Hầu.  Năm 1434 ông được phong hàm Tư Khấu, chức Đô Tổng Quản Hành Quân Bắc Đạo và được cùng với Đại Tư Đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính.  Đến khi cây đại thụ Lê Sát ngã xuống vào tháng 7 năm 1437, Lê Ngân được trao quyền Tể Tướng với tước phong Nhập Nội Đại Đô Đốc, Phiêu Kỵ Thượng Tướng Quân, Đặc Tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ti, Thượng Trụ Quốc, tước Thượng Hầu.  Cùng được hưởng ân sủng đặc biệt này, con gái của ông là Chiêu Nghi Lê Nhật Lệ được sách phong làm Huệ Phi của vua Lê Thái Tông.  Nhưng những ngày vinh hoa phú quí của ông không được lâu. Tháng 12 năm 1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc độc chết tại nhà, toàn bộ tài sản bị tịch thu, con gái bị giáng xuống hàng Tu Dung. Ông bị hạ bệ với bản án “Có người cáo giác Đại Đô Đốc Lê Ngân thờ phật bà Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình là Huệ Phi được nhà vua thương yêu hơn.”[12]  Nói cho rõ ra là Lê Ngân đã bị bà phi Nguyễn Thị Anh, đối thủ của con gái ông là Huệ Phi Lê Nhật Lệ, và quan Tư Mã tham tri chính sự Lê Thận, đối thủ của chính ông, bí mật bố trí người tố cáo rằng ông đã mời thầy phù thủy Trần Văn Phương về nhà để lập bàn thờ Phật Bà và dùng tà thuật giúp Huệ Phi Lê Nhật Lệ mê hoặc nhà vua, một âm mưu tranh giành ngôi báu.  Lời cáo buộc trên được Trần Thị, một người vợ lẽ trẻ đẹp của Lê Sát đã bị đem ban phát cho Lê Ngân lúc Lê Sát bị triệt hạ, làm chứng và cung khai trước mặt vua và các quan thẩm vấn.  Một chiếc lưới được giăng ra và Tể Tướng Lê Ngân nhanh chóng trở thành con cá nhỏ nằm trên thớt.[13] [14]  Lê Ngân trong thời kháng chiến là “một bậc tài cao, dũng mãnh và mưu lược. Nhưng khi làm quan trong thời thái bình lại là một con người cứng rắn, hẹp hòi và thiếu bản lĩnh chính trị.”[15]  Không khác với Lê Sát, Lê Ngân đi trên cùng một con đường dẫn đến tuyệt lộ.  Một thiên tài của chiến trường, một nhân vật trong bộ phận lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, một anh hùng của dân tộc đã không nhận ra được giới hạn của bản thân trong bối cảnh mới để mạnh dạn từ bỏ vũ đài lãnh đạo nhường chỗ cho những người mới thích hợp hơn trong giai đoạn mới của lịch sử.  Tệ hại hơn, cũng giống như thái độ của Lê Sát, Lê Ngân đã coi công trạng giải phóng đất nước là một thứ để trao đổi như vậy những ngày gian khổ kháng chiến có lúc phải được đền bù tương xứng cho nên ông mặc nhiên thụ hưởng.  Rồi ông để cho vinh quang, tiền tài, danh vọng, quyền lực cuốn hút và làm chìm đắm trong những tranh chấp cá kỷ dẫn tới một kết thúc không hay.
Chiến lược gia thiên tài, linh hồn của của những võ công hiển hách mà Lam Sơn đã dành được. . . .Với Bình Ngô Sách, Nguyễn Trãi có công xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi vẻ vang của Lam Sơn. . . . Nguyễn Trãi không chỉ là người vạch ra chiến lược mà còn là người trực tiếp chỉ huy thực hiện một cách tài ba. . . . Đích thân Nguyễn Trãi đã từng ‘bao phen lăn mình vào miệng cọp’ tức là dũng cảm vào tận sào huyệt của kẻ thù để đấu trí với chúng.  Thực tiễn sôi động của những năm đầu thế kỷ thứ 15 cho thấy rằng tiếng nói và ngòi bút tuyệt vời của Nguyễn Trãi có sức mạnh chẳng kém gì 'cả vạn quân thiện chiến.' Hàng chục những thành trì kiên cố của giặc, kể cả sào huyệt nguy hiểm cuối cùng của chúng là thành Đông Quan đều phải hạ vũ khí đầu hàng bởi loại hình tấn công đặc biệt này. . . . Ông là nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài, nhà ngoại giao xuất sắc và cũng là nhà văn hóa lớn.  Danh thơm của Nguyễn Trãi đã vượt khỏi biên giới của nước nhà, hội nhập vào đội ngũ những người có công làm rạng rỡ cho văn hiến chung của nhân loại.  Năm 1980 . . . UNESCO đã trân trọng ghi tên Nguyễn Trãi vào hàng danh nhân của nhân loại.  Ông là người Việt Nam thứ hai có vinh dự lớn lao này.”[16]  Đó là những gì xưa và nay người ta nhận định về giá trị và công lao của Nguyễn Trãi.  Thế nhưng sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và tiến hành định công phong thưởng, trong số 221 người có 93 người được ban tước vị theo 9 bậc cao thấp khác nhau, tên của Nguyễn Trãi đứng vào một trong số 26 người của bậc thứ 7 với tước vị khiêm nhượng là Á Hầu.  “Sau đó một thời gian ngắn, Nguyễn Trãi được giao cho chức Hành Khiển đứng đầu ban văn trong triều đình.  Với cương vị này, Nguyễn Trãi không thể bộc lộ và phát huy tài năng đa dạng của mình.  Ông đã sống trong những ngày vui buồn khó tả.”[17]  Đừng hỏi tại sao có thể như thế được?  Lê Lợi thừa hiểu về vai trò và công cán của Nguyễn Trãi trong công cuộc kháng chiến chống Minh giải phóng đất nước.  Lê Lợi thừa hiểu nếu không có Nguyễn Trãi bên cạnh chưa chắc gì ông đã làm nên lịch sử.  Lê Lợi cũng thừa hiểu về tầm vóc “an bang tế thế” của Nguyễn Trãi, lúc thời loạn cũng như lúc thời bình.  Nhưng Lê Thái Tổ đã không đặt, hay nói đúng hơn là không dám đặt, Nguyễn Trãi vào chức vụ an bang tế thế.  Với cách xếp đặt phong quan của Lê Thái Tổ, bên sau là để xây dựng một bộ phận lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền Lê Triều, một sự thật hiển nhiên phơi bày là Nguyễn Trãi đơn độc giữa một tập thể võ biền nhiều công trận, một số không nhỏ trong bọn họ lại dốt nát và tham lam và đố kỵ những người có học thức.  Với một chức vụ “không thể đập chết ruồi” ông chỉ có thể đứng nhìn và cảm nhận sự bất lực của chính mình trước một tập đoàn đang đòi vốn lẫn lời với đất nước.  “Nếu như khi xông pha trận mạc, tướng lĩnh Lam Sơn gắn bó chặt chẽ với nhau, thì khi thái bình, một bộ phận rất đáng kể của họ chỉ biết vun quén cho cá nhân. Nguyễn Trãi đau lòng trước một loạt những dữ kiện xấu diễn ra ngay cung đình.”[18]  “Đáng buồn hơn là sau đó ông đã bị chính cái triều đại do mình góp phần sáng lập ra và do lệnh của một con người được gọi là ‘minh quân’ từng rất tín nhiệm mình bắt giam vì nghi ngờ có quan hệ với Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.”[19]  May nhờ có lương quan Trung Thừa Ngự Sử Bùi Cẩm Hổ hết lòng bênh vực nên mới thoát khỏi bị ghép vào tội mưu phản, nhưng Lê Thái Tổ vẫn ra lệnh cho Lý Tử Tấn giáng chức Nguyễn Trãi xuống Nhập Nội Hành Khiển và chỉ còn giữ được tước Vinh Lộc Đại Phu.  Rồi Lê Thái Tổ qua đời, ở ngôi được 6 năm, Lê Thái Tông lên kế nghiệp cha.  Trong vòng 4 năm sau khi lên ngôi, hai vị Tể Tướng lần lượt bị triệt hạ và phải tự kết liễu cuộc đời.  Đinh Liệt, một võ quan khác, lên thay.  “Sau khi các ông Lê Sát, rồi Lê Ngân đổ, ở phía cung cấm, tình hình càng phức tạp hơn nữa. Từ khi các bà phi con hai ông Tể Tướng bị phế hoặc bị giáng, cung cấm lại rơi vào sự đấu đá hỗn loạn của các bà phi kế tiếp.   Tình hình phức tạp hơn vì các bà phi mới này có tài, có sắc, có nhiều mưu đồ nham hiểm hơn các bà phi cũ, nhất là họ lại được lòng vua và liên hệ chặt chẽ với bọn quan thị, với các đại thần có thế lực.  Đặc biệt là bà phi Nguyễn Thị Anh.   Bà ta không những dựa vào các đại thần mạnh như Lê Thận, Trịnh Khả, mà còn liên hệ chặt chẽ với bọn hoạn quan trong cung nội do Tạ Thanh cầm đầu, lại được bọn Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước, Lương Đăng . . . đầy mưu mô dồn sức hỗ trợ.  Bọn hoạn quan này tuy chưa phải là đại thần nhưng nắm những đầu mối rất quan trọng trong triều, đang tìm cách mê hoặc vua và ly gián những người đối lập.”[20]  Trước tình huống đó các lương quan tìm cách và tìm người can gián ông vua trẻ “ngang ngược khó dại lúc nhỏ và có cá tính đam mê sắc dục ở tuổi trưởng thành.”  Trong nỗ lực đó Thái Bảo Ngô Từ đã tìm tới Nguyễn Trãi và yêu cầu ông hãy để cho người vợ thứ là Nguyễn Thị Lộ đến tiếp cận vua với vai trò Lễ Nghi Nữ Học Sĩ để có dịp khuyên ngăn vua.  Sức thuyết phục của bạn hữu Ngô Từ khiến cho Nguyễn Trãi và Thị Lộ khó từ chối.  “Ai cũng biết quan Thái Bảo Ngô Từ [có họ hàng bên ngoại với vua, lại] thuộc dòng dõi Ngô Nhật Đại ở Thanh hóa, cùng một dòng với Ngô Quyền, người anh hùng lừng danh của chiến thắng Bạch Đằng năm xưa. Ngô Từ ra đời ở Lam Sơn, lấy nàng Đinh Thị Ngọc Kế tức chị ruột của các tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Cho nên dưới con mắt của bọn gian thần lúc ấy thì Tể Tướng Đinh Liệt có quan hệ thân thuộc với Tiệp Dư Ngô Thị Bình, hẳn là có quan hệ tốt với Nguyễn Trãi.”[21]  Những quan hệ này làm cho bọn gian thần lo sợ.  Viễn ảnh tay ba “Đinh Liệt nắm võ, Nguyễn Trãi nắm văn, Thị Lộ nắm vua[22] làm cho bọn quyền gian bị đe dọa và bắt buộc phải hành động.  Hai cây gai Nguyễn Trãi-Thị Lộ trở thành mục tiêu lớn họ phải triệt hạ, hai mắc xích dễ bẻ nhất trong bộ ba liên minh vì sự trong sáng và cao thượng của hai nhân vật này.  Trong dòng xoáy tranh chấp quyền lực giữa các đại thần của nước, giữa các bà phi tần của vua, giữa những nhóm quan lại ưa chuyện “đục nước béo cò” Nguyễn Trãi đã bị bọn quyền gian dùng mưu đẩy về Côn Sơn làm quan giữ chùa, để tách rời vợ chồng ông cho dễ bề mưu hại, “để cho ông không còn tiếng nói chân chính giữa triều đường, để cho mọi tài năng của ông lụi dần, để ông trở thành một con người vô thực.”[23]  Chiếc lưới vô hình càng ngày càng siết chặt hơn.  Rồi thảm án Lệ Chi Viên nổ ra như một tiếng sét.  Bọn quyền gian chụp lấy cơ hội trong cái chết đột ngột của Lê Thái Tông tại tư gia của Nguyễn Trãi để gán cho họ tội danh âm mưu giết vua.  Cái án tru di tam tộc chấm dứt cuộc đời của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, hai con người tài hoa của một thời. Thật đáng tiếc! Đáng lẽ Nguyễn Trãi phải biết rõ trong vũ đài lãnh đạo không có chỗ đứng cho những người lãnh đạo lỗi thời, sự thật này luôn luôn đúng.  Và ông đã là một người lãnh đạo rất lỗi thời.  Ông lỗi thời ngay từ khi Lê Lợi lên ngôi.  Ông lỗi thời không phải vì kém tài năng cũng không vì kém đức độ.   Ông lỗi thời vì Lê Thái Tổ đã muốn ông lỗi thời.  Ông lỗi thời vì bối cảnh đang vận hành chỉ dành đất đứng cho những võ phu kém tài.  Ông lỗi thời vì bọn quyền gian hý lộng triều đình được vua ngấm ngầm đồng tình.  Ông lỗi thời vì đạo đức và giá trị sống của ông không cho phép ông nhập cuộc để tìm kiếm lợi ích cá kỷ giống như họ và sử dụng thủ đoạn nham hiểm lũng đoạn giống như họ.  Nguyễn Trãi từng ân cần khuyên vua “Kể ra thì đời loạn trọng võ, thời bình trọng văn.  Nay quả rất đúng là phải chế ra các loại nhã nhạc.  Nhưng nhạc phải có gốc mới đứng, phải có văn mới hành.  Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc vậy.  Thần vâng chiếu soạn nhạc, dám đâu không dốc hết sức ra mà làm, nhưng vì học thuật thì nông cạn, chỉ sợ thanh luật chẳng được hài hòa.  Cúi xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, khiến cho mọi xóm làng không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc.”[24]  Nhưng lời lẽ thống thiết của Nguyễn Trãi chỉ là tiếng thét đơn điệu lạc lõng giữa chốn triều đình.  Đáng lẽ ông phải sớm nhận ra sự thật này và phải dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo, đừng cho những tình cảm thân thiết và những trăn trở “vì dân vì nước”  trói buộc mãi để rồi bị vùi dập trong dòng cuốn nghiệt ngã.  May mắn là lịch sử đã dành công lý cho ông.  Nhưng có bao nhiêu người lãnh đạo sao khi bị vùi dập có được cái may mắn như vậy?  Nếu Nguyễn Trãi sống thêm 10-20 năm nữa và trong thời gian đó đào tạo được một lớp người trẻ để trở thành những người lãnh đạo chân chính trong tương lai thì có phải là hay hơn không?

Những thí dụ vừa rồi cho thấy một người lãnh đạo tỉnh thức phải biết khi nào nên dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo.  Không dứt khoát rời bỏ, vì không nhận thức được bối cảnh đã đổi mới và bản thân không còn thích hợp hoặc vì muốn cậy vào công lao trước để cưỡng cầu trục lợi quyền lực và danh vị, như trường hợp của Lê Sát và Lê Thận, hoặc vì những gắn bó hay quan tâm sâu đậm, như trường hợp của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, thường dẫn đến một kết thúc không hay.

tiếp theo Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 13

[1] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.74). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA 
[2] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.70). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA 
[3] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.71). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA 
[4]
[5]
[6] Lý Quang Diệu, cựu Thủ Tướng Singapore, phát biểu trong buổi mạn đàm về lãnh đạo (Converstion on Leadership) năm 2000-2001, Center of Leadership. 
[7] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 269-270, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[8] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[9] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 5, trang 55-56, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[10] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[11] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[12] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 139, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[13] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 134-140, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[14] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 223-245, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[15] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 139, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[16] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 40-45, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[17] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 46, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[18] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 46, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[19] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 157, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[20] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 246, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[21] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 252, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[22] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 250, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[23] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 254, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[24] Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại tập 5, trang 53, xb năm 2004, tại TP HCM, nxb Giáo Dục