Saturday, March 19, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (5)




Phác Họa & Truyền Đạt 
Một Tương Lai Rõ Nét


N
hư đã nói, công việc của một người lãnh đạo chính là dẫn dắt đối tượng đi vào con đường mình đã vạch để đi tới cứu cánh mong cầu.  Như đã nói, người lãnh đạo phải lao vào tham gia trong dòng sống của con người và phải biết làm thế nào để huy động cho được sinh lực của con người nhằm để giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng mà con người đối diện trong dòng sống.  Muốn làm được điều này thì trước hết người lãnh đạo và đối tượng bắt buộc phải đồng hành.  Mà muốn đồng hành thì người lãnh đạo lẫn đối tượng phải biết mình sẽ đi về đâu và tới đâu?  Cho mục đích gì?  Đi cùng với ai?  Bằng con đường nào?  Cái giá phải trả là gì?  Thời gian là bao lâu?  Tại sao phải như vậy?  Có sự chọn lựa nào khác không? . . .  Một loạt câu hỏi cần phải được trả lời.  Điều này có nghĩa là người lãnh đạo không những phải nắm bắt được hiện tình để biết rõ đâu là thử thách, đồng thời là cơ hội, mà còn phải có trong đầu một hình ảnh về tương lai thật rõ nét để có thể đưa ra giải đáp cho những thắc mắc đó..  Vật liệu để phác họa ra một hình ảnh của tương lai thường là khởi phát từ những thử thách và cơ hội trong hiện tại phối hợp với những trải nghiệm của bản thân nối dài từ quá khứ tới hiện tại.  Người ta gọi hình ảnh của tương lai là viễn ảnh, là viễn tượng, là viễn kiến, là tầm nhìn.  Dầu có gọi là gì đi nữa thì trọng tâm của tất cả thuật ngữ đó đều trỏ ngón tay về một điều quan trọng: đó là, người lãnh đạo phải có khả năng nhìn thấy một tương lai thật rõ nét.    
            Nhìn thấy một tương lai thật rõ nét trong đầu thôi cũng chưa đủ.  Người lãnh đạo còn phải có khả năng truyền đạt hình ảnh về tương lai đó để cho đối tượng cùng nhìn thấy.  Làm được như vậy thì mới có hy vọng mời được đối tượng đồng hành.  Đối tượng phải thấy và phải thấy thật rõ.  Đối tượng phải cảm nhận được những gọi mời phát ra từ viễn ảnh đó và phải cảm nhận được một cách mạnh mẽ.  Và đối tượng phải tin vào viễn ảnh đó.  Có làm được như vậy thì người lãnh đạo mới có thể thuyết phục được đối tượng.      
            Nhưng thuyết phục được đối tượng không có nghĩa là đối tượng sẽ đồng hành.  Nó chỉ mới là sự đồng tình mà thôi.  Sự đồng hành chỉ có được sau khi đối tượng đã thực sự hành động theo yêu cầu của người lãnh đạo.  Như thế, bên cạnh khả năng phác họa và truyền đạt viễn ảnh của tương lai, người lãnh đạo còn phải có khả năng thúc đẩy được đối tượng đi đến những hành động cụ thể để nắm lấy tương lai đó.  Mô hình K(QMC)<=> QMC là một trong những công cụ có thể giúp cho người lãnh đạo hiểu được một cách tổng quát về động lực và khuynh hướng của con người rồi dựa trên sự hiểu biết đó để hoạch định  những phương cách thúc đẩy đối tượng.
           
Một viễn ảnh thường là có 4 đặc tính: cho thấy chân dung của  những cái  khả dĩ  trong tương lai,  chứa đựng những lý tưởng, tiềm ẩn những quyết sách, và thể hiện những nét đặc thù.  Viễn ảnh cho một cuộc cách mạng, hay cho một cuộc cải cách, hay cho một phong trào, hay cho một tổ chức, hay cho một cuộc chơi, hay cho . . . những gì phức tạp hơn và đơn giản hơn đều không khác.    
            Viễn ảnh là bức chân dung về những cái khả dĩ của một tương lai được kỳ vọng.  Khả dĩ (posibility) không phải là xác xuất (probability).  Người lãnh đạo cũng giống như doanh nhân (entrepreneurs), họ nghe theo tiếng gọi của những cái khả dĩ chứ không nghe theo sự hù doạ của những con số xác xuất.  Nếu nghe theo xác xuất thì doanh nhân sẽ không bao giờ dám lao mình vào thành lập một doanh nghiệp mới.  Nếu nghe theo xác xuất thì người lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể hình dung viễn ảnh của một tương lai và nếu có thì cũng không dám ló đầu ra để truyền đạt viễn ảnh đó tới đối tượng.  Người lãnh đạo cũng giống như doanh nhân, họ nghe theo cái khả dĩ và phác họa bức tranh của những cái khả dĩ để truyền đạt tới đối tượng nằm trong tầm ngắm.  Họ tin vào những cái khả dĩ  và tin vào bức tranh do chính họ phác họa.  Họ phải tin.  Họ muốn tin.  Họ tự tin.  Vì đó chính là sức mạnh giúp họ gieo trồng niềm tin vào lòng người khác.  Vì đó là sức mạnh giúp cho họ vượt lên để mà xác lập vai trò lãnh đạo của mình.  Vì đó chính là sức mạnh có thể giúp họ “nâng một ngọn núi chỉ với một phong thư.”  Vì đó chính là sức mạnh giúp họ chịu đựng phong ba bảo táp và kiên cường đi tới bất chấp mọi trở lực.  “The probability that we may fail in the struggle ought not to deter us from the support of a cause we believe to be just.”  Những lời này của TT Abraham Lincohn là  thí dụ  điển hình.                              
Viễn ảnh là bức tranh mô tả những tiêu chuẩn tốt đẹp cần thiết lập, là phóng ảnh sáng láng của những điều lý tưởng muốn đạt được.  Và vì thế, nó được truyền đạt tới đối tượng với thái độ lạc quan và hy vọng.  Thực trạng càng tệ hại bao nhiêu, càng chán ngán bao nhiêu, càng tuyệt vọng bao nhiêu thì viễn ảnh của tương lai càng phải được truyền đạt với thái độ lạc quan và hy vọng ở một cường độ tương xứng.  Có như vậy thì mới có thể vực dậy được đối tượng và thúc đẩy họ đi tới hành động cụ thể.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là thể hiện sự hưởng ứng tích cực của họ đối với một viễn ảnh của tương lai.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là  hành động  cụ thể phát xuất từ ý muốn được giải phóng khỏi những khát khao, những khắc khoải, những lo âu ,  những thất vọng  , những chán chường . . . đè nặng lên tâm thức và đời sống của họ trong điều kiện hiện tại.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là động thái  lao vào con đường trước mặt vì những cái tốt đẹp hơn, những điều lý tưởng , đang chờ đợi.  Vì thế một viễn ảnh của tương lai, nếu muốn thu hút đối tượng để đồng hành, không thể là một viễn ảnh được thành lập trong môi trường chân không.  Hay nói một cách khác, một bức tranh của tương lai mà đối tượng có thể đồng ý để dồng hành với người lãnh đạo không thể là một tác phẩm vô cảm, trừu tượng, hay thuần lý mà phải là kết quả của sự giao hưởng và cảm thông đối với những ước muốn thiết tha của đối tượng mà người lãnh đạo có khả năng cảm nhận.  Nói cho cùng, chính vì nhàm chán hoặc không hài lòng với thực trạng hiện tại cho nên người ta mới hướng tới một viễn ảnh mới.  Cho nên, viễn ảnh đó phải đáp ứng được những khát khao, những khắc khoải, những quan tâm của đối tượng.  Điều này có nghĩa là, nói một cách khác,  bức tranh tương lai phải cho thấy những điều lý tưởng , những tiêu chuẩn tốt đẹp và phải được truyền đạt với tất cả lạc quan.      


tiếp theo: Lãnh Đạo: KNHT Vận Dụng Đối Tượng (6)