Saturday, March 19, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (5)




Phác Họa & Truyền Đạt 
Một Tương Lai Rõ Nét


N
hư đã nói, công việc của một người lãnh đạo chính là dẫn dắt đối tượng đi vào con đường mình đã vạch để đi tới cứu cánh mong cầu.  Như đã nói, người lãnh đạo phải lao vào tham gia trong dòng sống của con người và phải biết làm thế nào để huy động cho được sinh lực của con người nhằm để giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng mà con người đối diện trong dòng sống.  Muốn làm được điều này thì trước hết người lãnh đạo và đối tượng bắt buộc phải đồng hành.  Mà muốn đồng hành thì người lãnh đạo lẫn đối tượng phải biết mình sẽ đi về đâu và tới đâu?  Cho mục đích gì?  Đi cùng với ai?  Bằng con đường nào?  Cái giá phải trả là gì?  Thời gian là bao lâu?  Tại sao phải như vậy?  Có sự chọn lựa nào khác không? . . .  Một loạt câu hỏi cần phải được trả lời.  Điều này có nghĩa là người lãnh đạo không những phải nắm bắt được hiện tình để biết rõ đâu là thử thách, đồng thời là cơ hội, mà còn phải có trong đầu một hình ảnh về tương lai thật rõ nét để có thể đưa ra giải đáp cho những thắc mắc đó..  Vật liệu để phác họa ra một hình ảnh của tương lai thường là khởi phát từ những thử thách và cơ hội trong hiện tại phối hợp với những trải nghiệm của bản thân nối dài từ quá khứ tới hiện tại.  Người ta gọi hình ảnh của tương lai là viễn ảnh, là viễn tượng, là viễn kiến, là tầm nhìn.  Dầu có gọi là gì đi nữa thì trọng tâm của tất cả thuật ngữ đó đều trỏ ngón tay về một điều quan trọng: đó là, người lãnh đạo phải có khả năng nhìn thấy một tương lai thật rõ nét.    
            Nhìn thấy một tương lai thật rõ nét trong đầu thôi cũng chưa đủ.  Người lãnh đạo còn phải có khả năng truyền đạt hình ảnh về tương lai đó để cho đối tượng cùng nhìn thấy.  Làm được như vậy thì mới có hy vọng mời được đối tượng đồng hành.  Đối tượng phải thấy và phải thấy thật rõ.  Đối tượng phải cảm nhận được những gọi mời phát ra từ viễn ảnh đó và phải cảm nhận được một cách mạnh mẽ.  Và đối tượng phải tin vào viễn ảnh đó.  Có làm được như vậy thì người lãnh đạo mới có thể thuyết phục được đối tượng.      
            Nhưng thuyết phục được đối tượng không có nghĩa là đối tượng sẽ đồng hành.  Nó chỉ mới là sự đồng tình mà thôi.  Sự đồng hành chỉ có được sau khi đối tượng đã thực sự hành động theo yêu cầu của người lãnh đạo.  Như thế, bên cạnh khả năng phác họa và truyền đạt viễn ảnh của tương lai, người lãnh đạo còn phải có khả năng thúc đẩy được đối tượng đi đến những hành động cụ thể để nắm lấy tương lai đó.  Mô hình K(QMC)<=> QMC là một trong những công cụ có thể giúp cho người lãnh đạo hiểu được một cách tổng quát về động lực và khuynh hướng của con người rồi dựa trên sự hiểu biết đó để hoạch định  những phương cách thúc đẩy đối tượng.
           
Một viễn ảnh thường là có 4 đặc tính: cho thấy chân dung của  những cái  khả dĩ  trong tương lai,  chứa đựng những lý tưởng, tiềm ẩn những quyết sách, và thể hiện những nét đặc thù.  Viễn ảnh cho một cuộc cách mạng, hay cho một cuộc cải cách, hay cho một phong trào, hay cho một tổ chức, hay cho một cuộc chơi, hay cho . . . những gì phức tạp hơn và đơn giản hơn đều không khác.    
            Viễn ảnh là bức chân dung về những cái khả dĩ của một tương lai được kỳ vọng.  Khả dĩ (posibility) không phải là xác xuất (probability).  Người lãnh đạo cũng giống như doanh nhân (entrepreneurs), họ nghe theo tiếng gọi của những cái khả dĩ chứ không nghe theo sự hù doạ của những con số xác xuất.  Nếu nghe theo xác xuất thì doanh nhân sẽ không bao giờ dám lao mình vào thành lập một doanh nghiệp mới.  Nếu nghe theo xác xuất thì người lãnh đạo sẽ không bao giờ có thể hình dung viễn ảnh của một tương lai và nếu có thì cũng không dám ló đầu ra để truyền đạt viễn ảnh đó tới đối tượng.  Người lãnh đạo cũng giống như doanh nhân, họ nghe theo cái khả dĩ và phác họa bức tranh của những cái khả dĩ để truyền đạt tới đối tượng nằm trong tầm ngắm.  Họ tin vào những cái khả dĩ  và tin vào bức tranh do chính họ phác họa.  Họ phải tin.  Họ muốn tin.  Họ tự tin.  Vì đó chính là sức mạnh giúp họ gieo trồng niềm tin vào lòng người khác.  Vì đó là sức mạnh giúp cho họ vượt lên để mà xác lập vai trò lãnh đạo của mình.  Vì đó chính là sức mạnh có thể giúp họ “nâng một ngọn núi chỉ với một phong thư.”  Vì đó chính là sức mạnh giúp họ chịu đựng phong ba bảo táp và kiên cường đi tới bất chấp mọi trở lực.  “The probability that we may fail in the struggle ought not to deter us from the support of a cause we believe to be just.”  Những lời này của TT Abraham Lincohn là  thí dụ  điển hình.                              
Viễn ảnh là bức tranh mô tả những tiêu chuẩn tốt đẹp cần thiết lập, là phóng ảnh sáng láng của những điều lý tưởng muốn đạt được.  Và vì thế, nó được truyền đạt tới đối tượng với thái độ lạc quan và hy vọng.  Thực trạng càng tệ hại bao nhiêu, càng chán ngán bao nhiêu, càng tuyệt vọng bao nhiêu thì viễn ảnh của tương lai càng phải được truyền đạt với thái độ lạc quan và hy vọng ở một cường độ tương xứng.  Có như vậy thì mới có thể vực dậy được đối tượng và thúc đẩy họ đi tới hành động cụ thể.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là thể hiện sự hưởng ứng tích cực của họ đối với một viễn ảnh của tương lai.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là  hành động  cụ thể phát xuất từ ý muốn được giải phóng khỏi những khát khao, những khắc khoải, những lo âu ,  những thất vọng  , những chán chường . . . đè nặng lên tâm thức và đời sống của họ trong điều kiện hiện tại.  Sự đồng hành của đối tượng với một người lãnh đạo không gì khác hơn là động thái  lao vào con đường trước mặt vì những cái tốt đẹp hơn, những điều lý tưởng , đang chờ đợi.  Vì thế một viễn ảnh của tương lai, nếu muốn thu hút đối tượng để đồng hành, không thể là một viễn ảnh được thành lập trong môi trường chân không.  Hay nói một cách khác, một bức tranh của tương lai mà đối tượng có thể đồng ý để dồng hành với người lãnh đạo không thể là một tác phẩm vô cảm, trừu tượng, hay thuần lý mà phải là kết quả của sự giao hưởng và cảm thông đối với những ước muốn thiết tha của đối tượng mà người lãnh đạo có khả năng cảm nhận.  Nói cho cùng, chính vì nhàm chán hoặc không hài lòng với thực trạng hiện tại cho nên người ta mới hướng tới một viễn ảnh mới.  Cho nên, viễn ảnh đó phải đáp ứng được những khát khao, những khắc khoải, những quan tâm của đối tượng.  Điều này có nghĩa là, nói một cách khác,  bức tranh tương lai phải cho thấy những điều lý tưởng , những tiêu chuẩn tốt đẹp và phải được truyền đạt với tất cả lạc quan.      


tiếp theo: Lãnh Đạo: KNHT Vận Dụng Đối Tượng (6)








Friday, February 25, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (4)




Wael Ghonim là một kỷ sư điện toán trẻ, giám đốc đặc trách tiếp cận thị trường Trung Đông & Bắc Phi của công ty Google, và là một nhà vận động chính trị.  Ngoài giờ làm việc, anh dành rất nhiều thời gian cho website “We are all Khaled Said” [tên của một thương gia bị công an Ai Cập tra tấn đến chết] là một diễn đàn vận động/ tổ chức biểu tình chống chính quyền độc tài Ai Cập, một Lech Walesa’s shipyard” của thế hệ internet.  Wael Ghonim trở về Ai Cập vào đầu năm 2011 để tham gia xuống đường với quần chúng, mà đa số là những người thuộc thế hệ trẻ phản đối chế độ độc tài công an trị của chính quyền Hosni Mubarak.  Cuộc “cách mạng hoa lài” thành công ở Tunisia đã thổi một luồng sinh khí vào Trung Đông vực dậy sự hâm hở quyết thắng của quần chúng đấu tranh đòi quyền sống.  Theo đó  những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Cairo, Alexandria và một số thành phố khác của Ai Cập, mở ra “cuộc cách mạng không lãnh tụ” kéo dài 18 ngày, tính từ 25 tháng 1 năm 2011, và khép lại với sự kiện Omar Suleiman tuyên bố Hosni Mubarak đã từ chức và The Supreme Council of the Armed Forces tiếp thu chính quyền.  Kết thúc 30 năm dài áp chế của một triều đại già cỗi, tham lam và vô cảm.  Chỉ sau vài ngày tham dự là Wael Ghonim đã bị công an bắt cóc để thẩm vấn.  Gia đình anh báo cho đài Al-Arabiya và những cơ quan truyền thông khác trên thế giới biết là anh đã mất tích từ ngày 27 tháng 1.  Công ty Google cũng ra văn bản xác nhận.  Ngày 5 tháng 2 Mostafa Alnagar, một lãnh tụ đối lập tầm cỡ, báo cáo là Wael Ghonim vẫn còn sống và bị chính quyền giam giữ.  Ngày 6 tháng 2 Amnesty International lên tiếng đòi chính quyền Ai cập phải thả Wael Ghonim.  Ngày 7 tháng 2 Wael Ghonim được thả ra sau 11 ngày bị chính quyền giam giữ để điều tra.  Rồi cũng ngay trong hôm đó anh xuất hiện trên kênh DreamTV của Ai Cập lúc 10 giờ tối trong chương trình phỏng vấn của Mona El-Shazly và nhanh chóng trở thành nhân vật biểu tượng của cuộc cách mạng.  Hàng chục ngàn người lắng nghe diễn văn của anh ở Tahrir Square.  Hơn 130 ngàn người tham gia Facebook ký tên chỉ định anh là “Speaker of the Egyptian Revolution.”[1]  Wael Ghonim đã giúp thúc đẩy số người biểu tình lên đến hơn một triệu, và rất nhiều người trong số đó đã xác nhận là chính Wael Ghonim đã khơi dậy nhiệt huyết của họ.  Anh đã nói gì và đã làm gì mà có thể thúc đẩy được quần chúng nhập cuộc?  Wael Ghonim đã nói: “Tôi là một người trẻ nhưng là đứa con của Ai Cập.  . . . Đây là cuộc cách mạng của tuổi trẻ internet.  Nó đã trở thành là cuộc cách mạng của tuổi trẻ Ai Cập.  Và bây giờ trở thành là cuộc cách mạng của toàn dân Ai cậpKhông ai có thể yêu Ai Cập hơn chúng tôi.[2]  “Chúng tôi là những người trẻ yêu Ai cập.  Chúng tôi làm vậy [tham gia cuộc cách mạng] là vì chúng tôi yêu Ai Cập.[3]  Anh đã nói: “Tất cả từng người một trong chúng tôi đã đối diện với hiểm nguy không vì chuyện cá kỷ.  Những người vận động quần chúng và những người làm kế hoạch không muốn một điều gì [cá kỷ] cả. Tôi không muốn gì cả.  . . . Tôi đã có mặt bởi vì tôi phải có mặt với mọi người.”[4]  Anh đã nói, trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 9 tháng 2, “Tôi sẵn sàng chết [để mang đến sự thay đổi cho Ai Cập] ” và trong tay anh còn có bản sao của giấy ủy quyền tài sản cho vợ con để minh chứng cho quyết tâm.  Anh đã nói: “Anh hùng là những người đang xuống đường.  Anh hùng là những người bị đánh đập. Anh hùng là những người bị bắt bớ giam cầm.  Anh hùng là những người đem thân ra đứng trước hiểm nguy.  Tôi không phải là anh hùng.”[5]  Và anh cũng đã nói: “Tôi tuyên hứa với mọi người dân Ai Cập rằng tôi sẽ trở về với đời sống thường khi của mình và sẽ không tham gia vào bất cứ [cơ chế] chính trị nào một khi người dân Ai Cập đã đạt được ước mơ của họ.”[6]  Khi được Mona El-Shazly cho coi hình ảnh của những người bị tử vong trong cuộc biểu tình Wael Ghonim đã bị kích động đến không kềm được nước mắt và sau đó đã nghẹn ngào phát biểu: “Tôi muốn nói với tất cả các bà mẹ các ông cha bị mất con là tôi lấy làm buồn [về việc này], nhưng đây không phải là sai lầm của chúng tôi.  Tôi thề có Trời, đây không phải là sai lầm của chúng tôi.  Đây là sai lầm của những kẻ cầm quyền không muốn từ bỏ quyền lực.[7]  Những giọt nước mắt của Wael Ghonim, trào ra từ con tim chân thành, đã nhỏ xuống và biến thành thông điệp, len vào hàng triệu con tim của nhân dân Ai Cập.  Già trẻ bé lớn, những người theo dõi cuộc phỏng vấn trên màn hình, đều đã bật khóc theo anh.[8]   Rồi họ đã đáp lại tiếng gọi của anh: “Tự do là một ân sủng đáng đấu tranh để có được.”[9]  Rồi họ vượt qua “Chướng ngại duy nhất là sự sợ hải[10] để cùng anh nhập cuộc.  Rồi ngày hôm sau và những hôm sau nữa mọi người đổ xô xuống đường, hoà vào dòng chảy đấu tranh, cùng cất tiếng thét “Đất nước này là đất nước của chúng tôi, là đất nước của chúng tôi, không phải đất nước của [riêng] các ông.”[11]  Và, cuối cùng là họ quật ngã được chế độ bạo cường.  Học giả Fouad Ajami đã viết: “Wael Ghonim đã tiếp sinh lực cho cuộc phản kháng vào lúc mà sức mạnh của nó đã đánh mất trái tim, vào lúc mà nó có thể bị khuất phục vì tin rằng chế độ này và bọn cầm quyền là đối tượng khổng lồ không thể di dời nổi.  Ông Ghonim là một con người của thế giới mới.  Ông ta không bị thúc đẩy bởi đức tin tôn giáo.  Chính là điều kiện của đất nước này –-cái tình trạng nghèo đói đến xác xơ của thường dân, cái tình trạng kinh tế phe cánh trục lợi từ cưỡng đoạt và tham nhũng, cái tình trạng tàn bạo và sự ban phát ân huệ vụn vặt cho bá tánh Ai Cập bởi cái nhà nước công an trị đưa dân tới chỗ kiệt quệ và vô vọng— đã tặng cho anh trai trẻ này, và những người khác giống như anh ta, một trát lệnh lịch sử.”[12]  Wael Ghonim không là một lãnh tụ, theo cách suy nghĩ của một thời đã lạc hậu.  Wael Ghonim cũng không là “ngôi sao” của một đảng phái chính trị, với những toan tính và âm mưu khuynh đảo.  Wael Ghonim chỉ là một người trẻ trong hàng ngũ của những người trẻ đã dấn thân; đã lao vào dòng sống để giúp phá bỏ những chướng ngại ngăn chận con người đi tới; đã bước vào những thử thách để huy động sinh lực của con người giải quyết khủng hoảng xã hội; và trong tiến trình đã hiện thân lãnh đạo, một người lãnh đạo chân chính, ở nơi đang có thử thách.  

 


[1]At least 130,000 people have joined a Facebook page titled 'I delegate Wael Ghonim to speak in the name of Egypt's revolutionaries' since the interview” (Nguồn: The Associated Press news agency reports).
[2]  "I am a young person, but I am a son of Egypt. I love Egypt....This is the revolution of the youth of the internet, which became the revolution of the youth of Egypt. And it has become the revolution of all of Egypt. ... No one can trump our love of Egypt." (Nguồn: Mondoweiss Report; “Getting to know the ‘son of Egypt,’ Wael Ghonim”).
[3]We’re the youth that loves Egypt and we did this because we love Egypt!” (Nguồn: What Wael Ghonim Can Teach Us About Ethos.)
[4] Every single one of us who was at risk wasn’t doing this for a personal agenda, the people who moved and the people who planned they don’t want anything! I don’t want anything! . . . I came here because we had to be with the people.” (Nguồn: What Wael Ghonim Can Teach Us About Ethos.)
[5] The heroes are the ones who were in the streets, the heroes are those who got beaten up, the heroes are those who got arrested and put their lives in danger. I was not a hero.” (Nguồn: What Wael Ghonim Can Teach Us About Ethos.)
[6] "I promise every Egyptian that I will go back to my normal life & not be involved in any politics once Egyptians fulfill their dreams."  (Nguồn: Getting to know the ‘son of Egypt,’ Wael Ghonim. Mondoweiss Report).
[7] I want to tell every mother and every father who lost a child, I am sorry, but this is not our mistake,' he said. 'I swear to God, it’s not our mistake. It’s the mistake of every one of those in power who doesn’t want to let go of it."  (Nguồn: Fahim, Kareem and Mana El-Naggar; Liam Stack and Ed Ou contributed reporting, "Emotions of a Reluctant Hero Galvanize Protesters", The New York Times, February 8, 2011).
[8] “‘Wael Ghonim moved the feelings of every Egyptian, people of all ages cried as they watched him,’ said Shorouk Sobhy, who took part in the protests for the first time on Tuesday after watching Ghonim’s interview.” (Nguồn: Wael Ghonim: We need to unify our demands của Osama Khaled và Heba Afify).
[9] "Freedom is a bless that deserves fighting for it." (Nguồn: Getting to know the ‘son of Egypt,’ Wael Ghonim. Mondoweiss Report).
[10] “The only barrier is fear.” (Nguồn: Wael Ghonim’s Leadership Move-ment).
[11]  "This country is our country, our country, not yours." (Nguồn: Wael Ghonim’s Leadership Movement).
[12] "No turbaned ayatollah had stepped forth to summon the crowd. This was not Iran in 1979. A young Google executive, Wael Ghonim, had energized this protest when it might have lost heart, when it could have succumbed to the belief that this regime and its leader were a big, immovable object. Mr. Ghonim was a man of the modern world. He was not driven by piety. The condition of his country—the abject poverty, the crony economy of plunder and corruption, the cruelties and slights handed out to Egyptians in all walks of life by a police state that the people had outgrown and despaired of—had given this young man and others like him their historical warrant.” (Nguồn: Wikipedia).

Monday, February 21, 2011

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (3)





Thiên Chức &  Nghĩa Vụ 
Của Người Lãnh Đạo


N

hư đã nói, con người có rất nhiều nỗi sợ. Nhưng nhìn cho tột cùng thì những nỗi lo sợ của con người không ngoài 5 nhóm căn bản.  Thứ nhất, là sợ bạo lực.  Bạo lực có khả năng cướp mất sinh mạng.  Thứ hai, là sợ nghèo đói.  Nghèo đói có khả năng cướp mất sinh mạng và nhân cách.  Thứ ba, là sợ ngu dốt.  Sự ngu dốt có khả năng cướp mất sinh mạng, nhân cách, và sự tự chủ.  Thứ tư là sợ đơn độc.  Sự đơn độc có khả năng cướp mất sinh mạng, nhân cách, sự tự chủ, và cái ấm áp ngọt ngào của tình thân.  Thứ năm là sợ tội lỗi.  Tội lỗi có khả năng cướp mất linh hồn.  Năm thứ sợ của con người được mô tả như trong H4.   

H4: Năm Thứ Sợ


            Và vì cái rễ của nỗi lo sợ bám vào nơi sâu nhất và toả ra cùng khắp tâm lý con người cho nên nó là một áp lực vô cùng lớn đối với con người.  Giải phóng khỏi những nỗi lo sợ chính là bước vào cõi giới của tự do.  Có thể thực sự trải nghiệm trạng thái tự do thì đó chính là hạnh phúc.   Tìm kiếm tự do và hạnh phúc là động thái của con người và chỉ tìm thấy ở con người.  Người có thể giải phóng kẻ khác khỏi những nỗi lo sợ thì đích thực là người mang tự do đến cho kẻ khác.  Người có thể làm cho kẻ khác trải nghiệm trạng thái tự do thì đích thực là người mang hạnh phúc đến cho kẻ khác.  Người có thể thiện dụng phương tiện để trợ giúp cho kẻ khác tìm thấy tự do và hạnh phúc thì đích thực là người vận dụng khoa học và nghệ thuật nâng đỡ sự sống.  Một người lãnh đạo chân chính hiểu rõ những điều này và sống cho những điều này. Cũng chính vì vậy mà tự nhiên hình thành một khoảng cách vạn dậm giữa một người lãnh đạo chân chính với một tên giả danh, và càng xa hơn nữa với một kẻ khống trị.  Nói như vậy không có nghĩa là một người lãnh đạo chân chính sẽ không sử dụng động lực lo sợ trong kỹ thuật vận dụng đối tượng.  Ngược lại, người lãnh đạo chân chính có thể vận dụng bất cứ phương tiện nào miễn là thiện dụng.  Điều muốn vạch ra ở đây là để cho mọi người cùng thấy cái gì mới là thiên chức đích thực của một người lãnh đạo.  Trách nhiệm trên hết và có ý nghĩa nhất của một người lãnh đạo chân chính phải là dẫn dắt người khác đi về hướng tự do và hạnh phúc.  Nên nhớ “tìm kiếm tự do và hạnh phúc là động thái của con người và chỉ tìm thấy ở con người.”  Cho nên, con đường đi về hướng tự do và hạnh phúc khẳng định là con đường mong cầu của mọi người, khẳng định là con đường sẽ không bao giờ sai lạc, khẳng định là con đường đưa con người đến chỗ thăng hoa.  Chỉ khi nào người lãnh đạo tin sâu và giữ được thiên chức này thì mới có thể và xứng đáng để được gọi là một người lãnh đạo chân chính .                        
           Chỉ hiểu rõ cái thiên chức đích thực của mình thôi cũng chưa đủ.  Vì thiên chức này chỉ đơn thuần là một ngọn hải đăng trong đêm dùng để hướng dẫn suy nghĩ và hành vi của một người lãnh đạo chân chính.  Người lãnh đạo hẳn nhiên là phải lao vào tham gia trong dòng sống của con người và phải biết làm thế nào để huy động cho được sinh lực của con người  nhằm để giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng mà con người đối diện trong dòng sống, những cái mà ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn gọi là “những thử thách và cơ hội.”  Có thế thì người lãnh đạo mới có thể làm tròn được thiên chức của mình trong vai trò lãnh đạo.  Đó cũng là lý do giải thích tại sao chỉ nhìn thấy những người lãnh đạo hiện thân ở những nơi đang có thử thách.  Bước vào những thử thách để huy động sinh lực của con người giải quyết những bế tắc hoặc khủng hoảng là nghĩa vụ của những người lãnh đạo chân chính.  Không là người lãnh đạo thì mọi thử thách đích thực là thử thách.  Ngược lại, là người lãnh đạo thì mọi thử thách chính là cơ hội.  Nắm lấy cơ hội để hiện thân lãnh đạo là cái động lực tự nhiên tìm thấy nơi những người thích hợp để lãnh đạo.    
            Những người lãnh đạo, chân chính lẫn giả danh, đều hiểu rõ những khao khát muôn thuở này của con người, khao khát tự do và hạnh phúc, nên cả hai mới có cơ hội vận dụng được tập thể.  Và cả hai đều có khả năng vận dụng được tập thể.  Nhưng những người lãnh đạo chân chính và những người mỵ dân không giống nhau trong cách suy nghĩ và hành sử, dầu là ngôn ngữ của cả hai có lúc rất khó phân biệt. 
Những người mỵ dân cũng tôn vinh tự do và hạnh phúc để nối kết cánh tay mình với cánh tay của tập thể cho một sức mạnh cần thiết nhưng trong đầu óc của chính bản thân họ là những toan tính đen tối và nhịp đập trong trái tim của họ không thực sự nối kết với nhịp đập trong trái tim của tập thể.  Họ hứa hẹn sẽ mang thiên đàng xuống tận mặt đất để dâng tận tay tập thể.  Họ thánh hóa bản thân.  Họ áp đặt tư duy và giáo điều.  Họ tẩy não tập thể với những kỹ thuật tuyên truyền.  Họ làm say tập thể với những điều hoang tưởng.  Và cuối cùng họ đẩy tập thể cuồng tín vào những cuộc đấu tranh đầy máu lệ.  Nhân danh làng xóm họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng chục người.  Nhân danh tổ quốc họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng chục ngàn người.  Nhân danh chủng tộc họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng trăm ngàn người.  Nhân danh giai cấp họ có thể xúi dục tập thể sát hại hàng trăm triệu người.  Cuối ngày, cái mà những kẻ mỵ dân có thể mang lại được cho con người là tang tóc và đỗ nát, là bóng tối của sự sợ hải, là những ký ức thành sẹo nhức nhối, là những thủ đoạn gian manh huân tập thành thói, là những tranh dành vì tham quyền cố vị, là những bóc lột và chà đạp người khác một cách vô cảm, là những chính sách què quặt hoặc man rợ, là những lũng đoạn pháp lý và văn hóa, là sự tự hủy không thể tránh khỏi.  Cuối ngày, khi mà mọi mỹ từ không còn gạt gẫm được ai, khi mà mọi mặt nạ đều rớt xuống, chân tướng thực sự của họ phơi bày cho thấy họ chỉ là những kẻ khống trị khéo hóa trang. 
Những người lãnh đạo chân chính không làm như vậy.  Họ, những người lãnh đạo chân chính, không hứa hẹn sẽ dẫn tập thể đi đến thiên đàng.  Lại càng không hứa hẹn sẽ mang thiên đàng xuống tận mặt đất cho tập thể.  Họ chỉ muốn đồng hành với tập thể để tiến đến một tương lai trong tầm với, ước muốn đơn giản và trong sáng.  Họ không tự thánh hóa bản thân.  Họ chỉ muốn làm người dẫn đường để đi đến đó, nơi mà tập thể muốn tới.  Họ không áp đặt tư duy hay giáo điều.  Họ chỉ lắng nghe những trăn trở của tập thể để rồi từ đó phát họa một viễn ảnh và vạch ra một con đường để đưa tập thể đi tới nhằm giải quyết những trăn trở đó của tập thể.  Họ không làm say tập thể với những điều hoang tưởng.  Họ cung cấp thật nhiều thông tin chính xác và trung thực để tập thể tự chọn lựa.  Những người lãnh đạo chân chính không xô đẩy tập thể vào con đường mà chính họ không muốn đi.  Và, họ tuyệt đối không ảo tưởng là có thể đi tới một tương lai tốt đẹp bằng con đường bạo lực tàn khốc.  Điều này không có nghĩa là những người lãnh đạo chân chính sẽ tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc không có khả năng sử dụng vũ lực.  Nó chỉ có ý nghĩa là họ hiểu rõ cái giá rất đắc của vũ lực và tuyệt đối không dùng nó như một phương tiện sở đắc.  Nó chỉ có ý nghĩa là họ không muốn nhìn thấy và không khuyến khích bạo lực.  Nó chỉ có nghĩa là họ sẽ cố gắng không để bạo lực xảy ra khi mà còn có một con đường khác để chọn.  Nó chỉ có nghĩa là họ đồng tình với điều mà thánh Gandhi đã từng giải thích: “Tôi chống lại bạo lực là bởi vì, ngay cả khi nó có vẽ như để làm tốt, cái tốt chỉ là tạm thời, cái xấu ác nó làm là vĩnh viễn.[1]  Những người lãnh đạo chân chính luôn luôn nối kết cánh tay mình vào cánh tay tập thể, nối kết nhịp đập trong trái tim mình với nhịp đập trong trái tim của tập thể, nối kết ý chí và niềm tin nơi não bộ mình với ý chí và niềm tin nơi não bộ của tập thể.  Chính vì vậy mà những người lãnh đạo chân chính sẵn sàng đi trước, sẵn sàng làm gương.  Và một khi mà trái tim của họ và trái tim của tập thể không còn nối kết, họ sẽ tự lìa bỏ vai trò lãnh đạo trước khi tập thể rời bỏ họ.   


 

[1]I object to violence because, when it appears to do good, the good
is only temporary, the evil it does is permanent.” (Nguồn: M.K. Gandhi).

 
            




Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (2)









Tâm Lý & Động Lực:
Mô Hình Vận Dụng


C
on người có hai thiên hướng căn bản.  Đó là, ưa sướng và ghét khổ.  Con người cũng có bốn động lực thúc đẩy hành động của họ.  Đó là: cần, muốn, quen và sợ.  Hai thiên hướng phối hợp với bốn động lực sẽ quyết định sự chọn lựa hành động hoặc là không hành động của một con người.  Người lãnh đạo vận dụng được đối tượng là nhờ hiểu rõ những tâm lý và động lực phổ cập này.
            
Cần và muốn là hai trong bốn động lực phổ cập thúc đẩy con người hành động.  Cần vì phải có.  Cần vì nó là nhu cầu không thể không đáp ứng.  Cần vì nó là cái tự nhiên.  Đói người ta cần ăn.  Khát người ta cần uống.  Lạnh người ta cần mặc.  Bệnh người ta cần thuốc.  Không đáp ứng những cái cần đó sự sống con người có thể không duy trì được lâu.  Nhưng khi người ta đòi ăn ngon, đòi uống ngọt, đòi mặt đẹp thì những cái đòi này là do động lực của cái muốn thúc đẩy.  Người ta cần ăn, cần uống, cần mặc chỉ để sống nhưng người ta muốn ăn ngon, muốn uống ngọt, muốn mặc đẹp là để thưởng thức.  Nếu xét vấn đề dưới lăng kính khổ và sướng thì người ta cần ăn, cần uống, cần mặc để không bị cái khổ hành hạ nhưng người ta muốn ăn ngon, muốn uống ngọt, muốn mặc đẹp là vì người ta thích sướng.  Không muốn bị khổ, người ta phải đáp ứng cái cần.  Muốn được sướng người ta chiều theo cái muốn.  Nếu đáp ứng cái cần là để giải tỏa cái áp lực của sinh vật lý thì đáp ứng cái muốn là để giải tỏa cái áp lực của sinh tâm lý.         
Trong điều kiện khắc nghiệt con người có thể làm bất cứ chuyện gì để đáp ứng cái cần, vì bản năng sinh tồn, kể cả chuyện giết người và ăn thịt người.  Có rất nhiều câu chuyện chứng minh về động lực này.  Thí dụ như chuyện của một em bé Việt Nam đi trên một chiếc thuyền vượt biển tỵ nạn, vào khoảng cuối thập niên 1970.  Thuyền đã mắc cạn và vở nát trên một rạn san hô.  Những thuyền nhân lần lượt qua đời vì đói khát.  Những người còn sống ăn thịt của người đã chết để cầm hơi.  Họ cố bám lấy sự sống.  Họ cố bám lấy hy vọng, dầu là mong manh.  Cứ như thế nhiều ngày trôi qua.  Cứ như thế, ăn và lần lượt bị ăn.  Sau cùng chỉ còn lại một cậu bé được cứu thoát để trở thành nhân chứng sống của một thảm trạng kinh hoàng.  Và cậu cũng đã phải ăn thịt của người chị gái trước khi được cứu thoát.  Vì biết rõ cái động lực mạnh mẽ này cho nên những kẻ khống trị đã vận dụng nó để hủy diệt nhân cách của đối tượng, để biến đối tượng thành một sinh thể chỉ còn biết hành động theo cái cần, để khống chế ý chí và sự đối kháng của đối tượng. 
Cái muốn có lẽ là không mạnh mẽ như cái cần.  Vì nói cho cùng thì cái muốn chỉ là động lực tâm sinh lý thúc đẩy con người phải hành động để thoát ra khỏi tình trạng không hài lòng hoặc tình trạng nhạt nhẽo trong cuộc sống.  Nhưng một mặt khác thì cái muốn lại chiếm một phần rất lớn, nếu không muốn nói là hầu hết, những hoạt động nhằm thỏa mãn những cái cần và muốn của con người.  Tuy động lực của cái muốn có phần nhẹ nhàng hơn nhưng bao trùm hơn và len sâu hơn cái cần.  Và khi  mà cái muốn đã bao trùm và len sâu  đủ thì sức mạnh của nó rất đáng sợ.  Câu nói “Cho tôi sự tự do hay là cho tôi cái chết,” từ cửa miệng của Patrick Henry trong lần phát biểu ngày 23 tháng 3 năm 1775 tại Virginia Convention cho thấy sự quan trọng về cái muốn đã trở thành là cái cần của con người.
Cái cần không có nhiều thời gian để chờ đợi sự đáp ứng.  Đó là một trong những lý do vì sao sau những vụ thiên tai người ta phải ra tay cứu trợ nạn nhân một cách nhanh chóng.  Chậm trể trong việc cứu trợ, ngoài chuyện gia tăng số lượng nạn nhân bị thiệt mạng và bị nhiễm bệnh, còn là chuyện gia tăng cơ hội xảy ra bạo động.  So với cần, cái muốn cho nhiều thời gian hơn để chờ đợi sự đáp ứng. 
            Cái cần có giới hạn, về số lượng và hình thái, còn cái muốn thì không có giới hạn.  Muốn tiền, muốn tình, muốn danh, muốn vị, muốn quyền lực, muốn hạnh phúc, muốn tự do, muốn công lý, muốn cảm giác mạnh, muốn trải nghiệm những giây phút thăng hoa, vân vân.  Từ cái muốn này nảy sinh cái muốn khác.  Do đó cái muốn vô giới hạn trong số lượng và vô giới hạn trong hình thái.  Do đó cái cần có thể dễ dàng đáp ứng.  Còn cái muốn thì không chắc sẽ có thể đáp ứng.
            Cái cần luôn luôn hợp tình và hợp lý.  Cái muốn chưa chắc đã hợp tình và hợp lý.  Vì luôn luôn hợp tình và hợp lý cho nên cái cần phải được đáp ứng.  Chỉ trừ những kẻ vô cảm, đáp ứng cái cần của người khác là một nghĩa vụ.          
            Cái cần mà không được đáp ứng thì con người sẽ trải nghiệm trạng thái khổ.  Được đáp ứng một phần thì con người trải nghiệm trạng thái bớt khổ.  Được đáp ứng trọn vẹn thì con người trải nghiệm trạng thái hết khổ. 
            Khi hai trải nghiệm đi liền nhau, từ khổ tới ít khổ hơn hoặc là từ ít khổ tới hết khổ hoặc là từ khổ tới hết khổ, tức là chuyển biến theo hướng tích cực, thì con người sẽ có cảm tưởng là mình được “giải phóng” khỏi hoàn cảnh.  Và, theo đó, động lực thúc đẩy con người hành động để thoát ra cái khổ sẽ giảm thiểu nhanh hoặc là biến mất.  Thí dụ như có một anh chàng bị cô bồ dùng móng tay nhọn bấu vào đùi non thì chắc chắn là phải trải nghiệm trạng thái khổ vì “đau thấu trời.”  Nếu nàng xúc động vì cái dáng vẽ trông rất đau khổ của anh chàng thì có lẽ cô nàng sẽ nới tay một chút.  Cái nới tay một chút của cô nàng sẽ đưa anh chàng từ trạng thái khổ sang trạng thái bớt khổ.  Hai trải nghiệm đi liền nhau theo hướng tích cực cho nên cái cảm nhận của anh chàng lúc đó là mình được giải phóng, dầu là chưa thoát khỏi nanh vuốt của cô bồ.  Lúc anh chàng bị cô nàng bấu nặng tay thì có một động lực thúc đẩy anh ta phải hành động để thoát khỏi sự đau đớn.  Cái cần của anh ta lúc đó là cần thoát khỏi sự đau đớn.  Nhưng khi cô nàng nới tay, anh ta thấy mình được giải phóng, thì động lực thúc đẩy anh ta hành động để thoát khỏi móng vuốt của cô bồ không còn nữa.  Và rồi anh ta chấp nhận ngồi yên vì cái đau bây giờ được tái lập ở mức độ trải nghiệm mà anh ta có thể chịu đựng được.  Vì hiểu rất rõ cái khuynh hướng phản ứng của đối tượng dưới những trạng thái tiêu cực được áp đặt lên đối tượng cho nên những nhà cầm quyền theo kiểu khống trị đã khai thác tối đa khuynh hướng này để mà khống chế quần chúng.  Những chính sách siết thật chặt rồi theo sau là một chuỗi nới lỏng, rồi siết thật chặt trở lại, và một chuỗi nới lỏng khác theo sau, cứ tiếp nối như vậy, chính là khoa học khống trị dựa trên sự khai thác khuynh hướng này của con người.
            Cần và muốn là hai thứ khác nhau nhưng trên thực tế thường là người ta không phân biệt.  “Tôi cần một triệu đồng, tôi cần một chiếc Lexus, tôi cần một chiếc ví xách tay Louis Vuitton, tôi cần phải gặp mặt cô ấy” là những cái muốn được mô tả thành cái cần mà chúng ta nghe thấy hằng ngày trong đời sống đến trở thành quen thuộc.
   
 Thói quen là một động lực nữa trong số 4 động lực phổ cập.  Có người đã từng nói “con người là sinh vật của thói quen.”  Không khó để chúng ta kiểm chứng điều đó.  Nó chiếm một phần lớn trong đời sống con người.  Ăn, uống, ngũ, nghĩ, đi, đứng, ngồi, nằm . . . nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra đâu đâu cũng là theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không cần phải suy nghĩ trước khi làm thì đó là một hành động theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không cần phải để ý lúc đang làm thì đó một hành động theo thói quen.  Nếu người ta làm mà không biết mình đang làm thì đó là hành động theo thói quen.  Một diễn giả thuộc đẳng cấp bộ trưởng đang ngồi chễm chệ trên bàn thuyết trình tự nhiên đưa tay móc mũi trước mặt bàng dân thiên hạ mà không nhận thức mình đang làm điều đó.  Anh ta làm theo thói quen.  Một  hành vi đáng lẽ không nên phô bày nơi công chúng.  Một người ngồi ăn trong nhà hàng sang trọng mà tự nhiên quay người phun xương cá xuống nền.  Anh ta làm theo thói quen.  Một thói quen được huân tập lâu ngày trong cách sống xô bồ.  Một giới chức cao cấp của chinh quyền luôn miệng đ.m. trong mỗi câu nói.  Khi bị “nhắc khéo” thì ông ta lại nói “tôi có chửi thề đâu” hoặc là “tôi chửi thề lúc nào?”  Có lẽ ông ta nói thực tình vì ông ta chỉ tuôn ra theo thói quen.  Sự huân tập lâu ngày đến độ không còn chú ý tới nó nên không nhận ra nó.  Một người đi trên xe bóc kẹo ăn rồi quăng giấy gói kẹo xuống mặt đường một cách tự nhiên.  Đó là làm theo thói quen, cái thói quen bộc lộ gốc tích của con người thiếu giáo dục về ý thức công dân trong xã hội tiên tiến.  Một đứa trẻ đang đi trên đường thấy một người già bị té thì nhanh nhẩu chạy đến giúp đỡ kèm với nụ cười và những lời nói lễ phép ngọt ngào.  Đó là thói quen, cái thói quen huân tập được từ trong một gia đình làm tốt việc giáo dưỡng con cái.  Xem ra câu nói “con người là sinh vật của thói quen” không phải là câu nói phóng đại.                                 
            Thói quen là hành vi do huân tập lâu ngày mà thành.  Có những thói quen có lợi và có những thói quen không có lợi.  Có những thói quen tốt đẹp và có những thói quen không tốt đẹp.  Có những thói quen gây nguy hiểm và có những thói quen không gây nguy hiểm.  Có những thói quen được người khác tán dương và có những thói quen bị người khác chê trách.   
            Trong vấn đề làm việc, dầu là công việc chạy máy trên sàn sản xuất hay là công việc chạy văn thư trong cơ quan, thói quen là một động lực đôi lúc cần phải thiết lập cũng có lúc cần phải phá bỏ.  Thiết lập hay phá bỏ tùy vào việc, vào hoàn cảnh, vào thời điểm.  Một người nhân viên chạy máy có thói quen nhấn còi và đèn báo động trước khi khép máy để tránh gây ra tai nạn thương vong cho người khác là một thói quen tốt, không những phải được duy trì mà tất cả nhân viên khác cần học tập và làm theo.  Ngược lại, một nhân viên có thói quen một tay bấm nút cho máy chạy chậm trong khi tay kia đưa vào lau buồng máy chỉ vì muốn làm xong việc cho nhanh là một thói quen nguy hiểm có thể gây thương vong cho chính bản thân.  Trong trường hợp này thì thói quen cần được loại trừ. 
            Thói quen có khi gây ra rất nhiều phung phí và tốn kém.  Thí dụ như trong một công ty có một người chỉ huy yêu cầu nhân viên của phòng nào đó cung cấp cho mình một bản báo cáo.  Mười năm sao có lẽ bản báo cáo vẫn được in ra và mang đến văn phòng của cấp chỉ huy đó mỗi ngày, dầu là nhu cầu đọc bản báo cáo không còn nữa.  Và có thể là cái người đầu tiên muốn có bản báo cáo đó đã không còn ở vị trí đó từ lâu rồi.  Đó là thói quen trong một tổ chức.  Thói quen của các xếp muốn có bản báo cáo để trưng bày cho ra vẽ ta là xếp dầu không thực sự cần và có thể chẳng có thời giờ ghé mắt vào.  Thói quen của nhân viên thừa hành cứ tiếp tục in báo cáo cho các xếp cho đến khi có ai đó bảo thôi mới thôi.  Thói quen của các phòng ban sản xuất hàng đống báo cáo và gởi tới những phòng ban khác để “ép” phải đọc.  Kết quả là gây ra hiện tượng “quá tải thông tin” bên trong một tổ chức.  Những thói quen gây tốn kém vô ích và biến tổ chức thành con khủng long bị trúng thực thông tin.          

Sau hết là động lực lo sợ.  Lo sợ là một động lực phổ cập và rất mạnh mẽ.  Nói cho đúng hơn nó là động lực mạnh mẽ hơn hết và chi phối tất cả những động lực còn lại.  Sợ thất bại.  Sợ mất mát thua lỗ.  Sợ nghèo.  Sợ chết.  Sợ người khác cười chê.  Sợ người thân buồn lòng.  Sợ bị xã hội ruồng bỏ.  Sợ bị tập thể trù dập.  Sợ bị chính quyền bỏ tù.  Sợ bị thần linh quở phạt.  Sợ nhân quả. . . . Hàng trăm hàng ngàn nổi sợ ẩn náo trong mỗi con người.    

Vì cần hoặc vì muốn hoặc vì thói quen, dưới điều kiện không lo sợ, con người có khuynh hướng “hành động” một cách tự nguyện hoặc tự nhiên.  Nhưng dưới áp lực của sự lo sợ và khi sự lo sợ đủ lớn thì con người sẽ chọn lựa “không hành động” dầu là có cần, có muốn hay có thói quen.   Thí dụ như anh A đói bụng cần phải ăn nhưng lại không ăn vì lo sợ là nếu mua đồ ăn thì sẽ không còn đủ tiền mua vé xe về tỉnh.  Cái lo sợ thiếu tiền mua vé xe đã làm cho anh A thay đổi hành vi, thay vì cứ ăn để hết đói thì bây giờ anh A lại không ăn [không hành động] tuy là rất đói [dầu cần].  Hoặc giả cô B muốn vào một quán ăn sang trọng để ních một bửa thỏa thích nhưng vì lo sợ thâm hụt tiền học phí cho nên đã không vào quán sang mà chỉ ghé vào một quán cốc trong hẻm.  Nỗi lo sợ thâm hụt tiền học phí đã làm cho cô B không hành động theo cái muốn.  Hoặc giả ông C có thói quen bắt tay với tất cả mọi người bước vào phòng làm việc của ông.  Nhưng tình trạng bùng nổ bệnh dịch do nhiễm khuẩn qua tiếp xúc trực tiếp được cơ quan y tế báo động trong những ngày gần đây làm cho ông C cảnh giác và không còn bắt tay với người khác.  Vì lo sợ bị nhiễm bệnh cho nên ông C đã dừng lại thói quen.  Như vậy, khi nỗi lo sợ đủ lớn thì nó đủ sức để bắt người ta ngưng lại những hành động mà đúng ra là người ta sẽ làm nếu không có nỗi lo sợ cản họ lại.  Tác động giữa yếu tố lo sợ đối với những yếu tố quen, muốn, cần được tóm gọn trong mô hình QMC như trong H1.      
           
 H1: Mô Hình QMC Của Hà Hưng Quốc


Vì không cần hoặc vì không muốn hoặc vì không có thói quen, dưới điều kiện không lo sợ, con người có khuynh hướng “không hành động” một cách tự nhiên.  Nhưng dưới áp lực của sự lo sợ và khi sự lo sợ đủ lớn thì con người sẽ chọn lựa “hành động” dầu là không cần, không muốn, không có thói quen.  Thí dụ như ông D chưa bao giờ đánh nhau với ai [không có thói quen] nhưng vì sợ vợ con mình bị hại cho nên ông đã cầm vũ khí để chiến đấu chống lại những tên hải tặc [hành động].  Nếu không vì lo sợ cho sinh mạng của vợ con thì ông cũng chẳng chiến đấu làm gì [khuynh hướng không hành động].  Vì lo sợ, ông D đã chọn hành động.  Hoặc giả bé E không muốn lấy cắp tiền của ba mẹ [không muốn] nhưng vì bị bọn trẻ du côn hâm doạ sẽ đánh em cho nên bé E đã làm theo lời của chúng.  Vì sợ, bé E đã chọn hành động dầu không muốn.  Hoặc giả chị K ăn sạch ráo chén cơm người ta mời chị.  Không phải vì chị đói mà chỉ vì chị K lo sợ sẽ bị người ta giận nếu từ chối không ăn.  Vì lo sợ người khác buồn lòng, chị K đã chọn hành động.  Hoặc giả bà M dẫn người đi đánh ghen.  Bà M đánh ghen không phải vì bà thích đánh nhau mà là vì bà sợ bị người ta giật mất chồng mình, cướp mất hạnh phúc của mình, làm cho gia đình mình bị đổ vở, dầu suy nghĩ và hành vi của bà M có đúng hay sai thì lo sợ vẫn là động lực thúc đẩy bà hành động.  Như vậy, khi nỗi lo sợ đủ lớn thì nó đủ sức để bắt người ta phải thực hiện những hành động mà đúng ra là người ta sẽ không làm nếu không có nỗi lo sợ thúc đẩy họ.  Tác động giữa yếu tố lo sợ đối với những yếu tố không quen, không muốn, không cần được tóm gọn trong mô hình K(QMC) như trong H2.                

 H2: Mô Hình K(QMC) Của Hà Hưng Quốc

            Nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ không khó để nhận ra là mô hình QMC mô tả “tác động ngăn ngại” của nỗi lo sợ đối với hành vi của con người.  Trong mô hình đó cho thấy con người có khuynh hướng hành động một cách tự nhiên hoặc tự nguyện theo QMC (quen, muốn, cần).  Nhưng vì có sự can thiệp của hậu quả tiêu cực, cái làm nên nỗi lo sợ, cho nên người ta đã chọn không hành động theo cái quán tính, theo cái muốn, theo cái cần của mình.  Nỗi lo sợ đã ngăn cản hành vi của con người, từ “khuynh hướng hành động” đi đến chỗ “chọn không hành động.”  Như vậy, muốn thuyết phục đối tượng “dừng lại” --cũng có nghĩa là thuyết phục đối tượng “tự chế” cái thói quen, cái muốn, cái cần của đối tượng-- thì người vận dụng có thể chọn “làm sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy sự lo sợ” của đối tượng.  Và khi sự lo sợ hậu quả đủ lớn thì đối tượng sẽ tự chế, sẽ dừng lại, sẽ không hành động như trước.  Một nhân viên nhiều lần đến sở làm trể giờ [thói quen].  Người quản lý gọi nhân viên đó vào văn phòng để nói cho đối tượng biết là hành vi “đi làm trể” không được chấp nhận và cần phải chấm dứt.  Nếu còn tiếp tục xảy ra như vậy thì đối tượng sẽ bị gia tăng cảnh cáo và đến một lúc nào đó sẽ bị mất việc.  Người quản lý trong thí dụ này đã chọn cách làm sáng cái hậu quả tiêu cực để khơi dậy sự lo sợ của đối tượng nhằm thay đổi hành vi tiêu cực của đối tượng.            
Nhưng làm sáng cái hậu quả tiêu cực để khơi dậy nỗi lo sợ của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng không hành động theo QMC chỉ mới là một chiều vận dụng trong mô hình.  Người ta cũng có thể “làm sáng cái hậu quả tích cực” để “dẹp nỗi lo sợ” trong lòng của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng trở về với khuynh hướng hành động theo QMC như trước.  Chiều phản phục, nói theo ngôn ngữ đạo Dịch.  Vốn đã biết lo sợ là yếu tố làm ngăn ngại hành vi của con người thì chỉ cần giải phóng đối tượng khỏi nỗi lo sợ thì sự ngăn ngại tự nhiên biến mất.  Khi ngăn ngại không còn thì con người trở về với khuynh hướng hành động theo QMC.  Thí dụ, một nhân viên nhìn thấy một lỗ hỏng lớn trong cơ trình quản lý có thể gây ra thất thoát cho công ty.  Người nhân viên này có  ý  định [muốn] vạch ra cho cấp trên của mình thấy để sửa sai nhưng không dám nói [không hành động] vì sợ bị cấp trên chụp mũ là “vạch lá tìm sâu,” là “bươi móc,” là “nhiều chuyện.”  Tuy biết là cơ trình [thói quen] phải thay đổi để trám lỗ hỏng [cần] nhưng người nhân viên vẫn tiếp tục giữ im lặng và tiếp tục làm như cũ [chọn không hành động] vì sợ bị gặp rắc rối với cấp trên.  Sau một thời gian dài, lỗ hỏng vẫn còn đó, thất thoát vẫn tiếp diễn.  Nỗi lo sợ chính là thủ phạm tạo tác động ngăn ngại.  Trong trường hợp này nỗi lo sợ đã giam hãm thiện chí đóng góp của cá nhân và làm thương tổn tổ chức.  Muốn người nhân viên này [và tất cả nhân viên khác] góp sức cải thiện công ty, việc đầu tiên cần phải làm là dẹp bỏ được những nỗi lo sợ trong lòng đối tượng bằng cách làm sáng lên những hậu quả tích cực để thuyết phục đối tượng hành động. Tuy gọi là thuyết phục đối tượng nhưng trên thực tế là đưa đối tượng trở về với khuynh hướng hành động tự nhiên hoặc tự nguyện.  Đối tượng vốn dĩ từ trước đã muốn làm mà không dám chỉ vì lo sợ.   
            Nếu nhìn kỹ chúng ta cũng sẽ không khó để nhận ra rằng mô hình K(QMC) mô tả “tác động thúc đẩy” của nỗi lo sợ đối với hành vi của con người.  Trong mô hình đó cho thấy con người có khuynh hướng “không hành động” một cách tự nhiên hoặc tự nguyện do K(QMC).  Nhưng vì có sự can thiệp của hậu quả tiêu cực, cái làm nên nỗi lo sợ, cho nên người ta đã hành động dầu là không quen, không muốn, không cần gọi tắt là K(QMC).  Nỗi lo sợ đã khiến cho con người từ “khuynh hướng không hành động” do K(QMC) đi đến chỗ “chọn  hành động.”  Như vậy, muốn thuyết phục đối tượng “hành động” thì người vận dụng có thể “làm sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy sự lo sợ” của đối tượng.  Và khi sự lo sợ hậu quả tiêu cực đủ lớn thì đối tượng sẽ chọn hành động.  Thí dụ như dân chúng Hoa Kỳ hài lòng với đời sống ăn nên làm ra của nước Mỹ.  Họ không cần, không muốn, cũng không quen với chiến tranh.  Sau sự kiện 9/11 chính quyền G.W. Bush đã nắm lấy thời cơ đó [hay đã tự tạo thời cơ?] để làm sáng những hậu quả tiêu cực, bằng cách tuyên truyền là những cái “rất đáng sợ” sẽ đổ ập xuống nước Mỹ nếu như dân Mỹ không tuyên chiến với “trục ma quỷ” chuyên dung dưỡng khủng bố.  Người dân Mỹ “hãi hùng” với viễn ảnh được vẽ dưới cây cọ của bộ sậu diều hâu nên đã hùa theo những toan tính chiến tranh của họ.  Chính quyền G.W. Bush đã vận dụng yếu tố sợ hải để thúc đẩy hành động ủng hộ chiến tranh của người dân Hoa Kỳ dầu là họ K(QMC).             
Nhưng làm “sáng cái hậu quả tiêu cực” để “khơi dậy nỗi lo sợ” của đối tượng nhằm thuyết phục đối tượng “hành động” chỉ mới là một chiều vận dụng trong mô hình K(QMC).  Một chiều vận dụng ngược lại, chiều phản phục, là thuyết phục đối tượng đừng hành động.  Người ta có thể thuyết phục đối tượng “không hành động” bằng cách “làm sáng cái hậu quả tích cực” để “dẹp nỗi lo sợ” trong lòng của đối tượng nhằm trả họ về lại với khuynh hướng K(QMC).  Vốn đã biết lo sợ là yếu tố tạo sức “thúc đẩy hành vi” của con người thì chỉ cần giải phóng đối tượng khỏi nỗi lo sợ là có thể triệt tiêu sức thúc đẩy đó.  Khi sức thúc đẩy hành vi không còn nữa thì con người trở về với khuynh hướng không hành động vì từ trước họ vốn dĩ K(QMC).  Thí dụ như dân chúng nông thôn an phận với cuộc sống thủ thường của mình [khuynh hướng không hành động].  Chương trình quy hoạch của nhà nước vừa đưa ra làm cho người dân bất an.  Họ lo sợ nhà nước cướp đất của mình qua mức đền bù quá bèo.  Thêm vào đó, dầu có đền bù tương xứng với giá thị trường thì họ cũng không muốn vì sau khi đất bị trưng thu thì người nông dân cả đời chỉ quen sống với cây lúa bờ đê như họ biết phải làm gì để sống sau đó?  Chưa hết, những kỷ niệm đắng cay ngọt bùi và những liên hệ khắng khít với chòm xóm trải bao nhiêu đời gắn liền với mảnh đất quen thuộc làm sao mà đền bù?  Nỗi lo sợ đưa đến việc người dân biểu tình phản đối.  Yếu tố lo sợ đủ lớn đã thuyết phục họ hành động.  Nhưng nếu phía chính quyền nhanh chóng đưa ra những giải pháp hợp tình, hợp lý và hợp ý của dân.  Và nếu người dân chấp nhận giải pháp, họ sẽ giải tán biểu tình an tâm trở về với nếp sống cũ trong lúc chờ đợi chính quyền thực thi giải pháp như đã hứa hẹn.  Trong trường hợp này chính quyền đã “làm sáng những hậu quả tích cực” để dẹp nỗi lo sợ trong lòng người dân và từ đó thuyết phục người dân “ngưng hành động” biểu tình.  Tuy nói là thuyết phục người dân nhưng trên thực tế là đưa đối tượng trở về với khuynh hướng không hành động tự nhiên hoặc tự nguyện.  Đối tượng vốn dĩ từ trước đã an phận thủ thường với K(QMC).
            Nhưng động thái của con người không phải chỉ nằm gọn trong mô hình hoặc là K(QMC) hoặc là QMC như vừa giải thích.  Còn có những động thái khác có thể quan sát và giải thích với mô hình thứ ba, mô hình K(QMC)<=>QMC, như trình bày trong H3.
                           

H3: Mô Hình K(QMC)<=>QMC Của Hà Hưng Quốc

            Thực ra mô hình K(QMC) lẫn mô hình QMC đều chỉ mới truy cứu trạng thái “động” của yếu tố lo sợ mà thôi còn những yếu tố khác, K(QMC) và QMC, đều tạm duy trì ở trạng thái “tỉnh.”  Còn nếu nhìn về mặt kỹ thuật vận dụng đối tượng, thì trên nền tảng của mô hình K(QMC) biệt lập hoặc của mô hình QMC biệt lập chúng ta chỉ là mới xét tới kỹ thuật vận dụng hàng ngang.  Mô hình K(QMC)<=>QMC, là một mô hình kết hợp mô hình biệt lập K(QMC) với mô hình biệt lập QMC, mới là một mô hình đầy đủ, trong đó giải thích động thái hàng ngang lẫn hàng dọc, trong đó truy cứu trạng thái động lẫn trạng thái tỉnh của tất cả mọi động lực.     
            Động thái hàng dọc là từ chỗ không quen, không muốn, không cần đi đến chỗ quen, muốn, cần.  Hay nói tắt là từ K(QMC)=>QMC.  Và ngược lại là từ chỗ quen, muốn, cần đi đến chỗ không quen, không muốn, không cần.  Hay nói tắt là từ QMC=>K(QMC).  Vận dụng đối tượng theo hàng dọc tức là đưa đối tượng từ mặt bằng này sang mặt bằng khác trong khi vẫn giữ nguyên trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [hoặc không lo sợ].         
            Vì không quen, không muốn, không cần nên con người có khuynh hướng không hành động.  Muốn con người đi đến hành động mà không làm thay đổi trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ thì người vận dụng phải đưa đối tượng lên một mặt bằng khác, mặt bằng quen-muốn-cần, để đối tượng thành lập khuynh hướng hành động theo QMC.  Bà con vùng nông thôn quen đi đồng hoặc sử dụng cầu tiêu bệ ngồi chồm hổm cho nên không quen với loại cầu tiêu bồn hiện đại.  Họ không bỏ tiền mua loại cầu tiêu bồn [khuynh hướng không hành động] vì không quen, không muốn, không cần [ở mặt bằng K(QMC)].  Kỹ nghệ trang trí nội thất và kỹ nghệ xây dựng đã xử dụng mọi kỹ xảo tiếp thị để đập vào mắt, xói vào tai, ghi đậm vào não của mọi người những hình ảnh và âm thanh đầy ấn tượng của một đời sống văn minh đô thị, trong đó có hình ảnh của những bồn cầu đẹp đẽ và tiện nghi.  Người dân nông thôn cuối cùng cảm thấy quen, muốn, cần cầu tiêu bồn cho nhà mình [mặt bằng QMC thành lập].  Kỹ xảo tiếp thị làm cho người dân nông thôn thấy thèm khát hưởng dụng tiện nghi đô thị nên đã bỏ tiền ra mua [khuynh hướng hành động].  Như vậy, người dân nông thôn đã được đưa từ mặt bằng K(QMC) có khuynh hướng không hành động lên mặt bằng QMC có khuynh hướng hành động.  Giả dụ này cho thấy kỹ xảo tiếp thị đã thành công trong kỹ thuật vận dụng hàng dọc để dẫn đối tượng từ chỗ có khuynh hướng không hành động tới chỗ có khuynh hướng hành động trong khi vẫn duy trì được trạng thái tỉnh của động lực lo sợ [và không lo sợ].                                              
            Ngược lại, người ta có thể đưa con người từ mặt bằng QMC xuống mặt bằng K(QMC) để có thể vận dụng khuynh hướng không hành động của đối tượng mà không làm thay đổi trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [và không lo sợ].  Trong phật giáo người ta rao giảng về lòng từ bi, về nghiệp lực, về sự bất tịnh của thân tâm, về sự vô thường của pháp, về sự giải thoát . . . Từ sự giáo dưỡng này, những đệ tử chân chính “không làm điều ác, thành tựu hạnh lành, thanh tịnh tâm ý[1] đã được đưa từ mặt bằng QMC bước xuống mặt bằng K(QMC) tức là đã được dẫn dắt từ khuynh hướng hành động theo bản ngã đầy dục vọng [QMC] tới khuynh hướng không hành động theo bản ngã dục vọng [K(QMC)].  Giả dụ này cho thấy sự vận dụng theo hàng dọc trong mô hình K(QMC)<=>QMC trong khi vẫn duy trì trạng thái tỉnh của yếu tố lo sợ [và không lo sợ]. 
            Động thái tâm lý và hành vi của con người có thể trở nên phức tạp hơn nhiều khi tất cả yếu tố đều động.  Điều này có nghĩa là động thái chiều ngang và chiều dọc cùng xảy ra.  Con người ở mặt bằng QMC có khuynh hướng hành động để thỏa mãn QMC.  Giả dụ như QMC đó là tình dục thì con người ở mặt bằng QMC sẽ có khuynh hướng làm tình [khuynh hướng hành động] để thỏa mãn dục tính.  Nhưng một người bình thường sẽ không hiếp dâm người khác vì lo sợ về hậu quả tiêu cực.  Chẳng hạn như lo sợ bị pháp luật trừng phạt.   Nhưng rồi có một nỗi lo sợ khác tác động lên.  Giả dụ thêm rằng ông G, một người bình thường, bị một tên hung thủ dùng vũ khí đe dọa sinh mạng và bắt ông G phải hiếp dâm một cô gái trước mặt hắn.  Từ chỗ chọn  không hành động ở mặt bằng QMC vì lo sợ hậu quả tiêu cực [lo sợ bị pháp luật trừng phạt], ông G đã bị nỗi lo sợ mạnh mẽ hơn, khẩn cấp hơn, lớn hơn [lo sợ bị giết chết] đẩy xuống mặt bằng K(QMC) và đi tới chỗ chọn hành động theo yêu cầu của hung thủ là hiếp dâm cô gái.  Động thái tâm lý và hành vi của ông G đã vận hành theo hàng ngang rồi hàng dọc và trong đó tất cả các yếu tố đều động.  Hoặc, một trường hợp khác, cư dân nghèo của vùng X vì lo sợ hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với họ nếu để cho chính quyền quân phiệt thao túng cho nên họ đã kéo nhau lên thủ đô để biểu tình.  Từ mặt bằng K(QMC) những người dân nghèo này có khuynh hướng không hành động nhưng vì nỗi lo sợ đủ lớn họ đã chọn hành động.  Diễn tiến của tình hình trở nên tồi tệ.  Chính quyền quân phiệt đưa quân đội đến để giải tán đoàn người biểu tình.  Sau một thời gian dài kèn cựa, cuối cùng quân đội đã nổ súng vào đám đông và gây ra nhiều tử vong.  Tình hình những ngày về sau càng lúc càng trở nên tệ hại hơn.  Rồi mọi người lo sợ là những va chạm chính trị nếu cứ tiếp diễn sẽ đưa đất nước tới chỗ nội chiến.  Cuối cùng chính quyền cho lệnh tiến công vào bản doanh chỉ huy của đoàn người biểu tình.  Nỗi lo sợ tử vong và lo sợ đất nước rớt vào nội chiến đã thuyết phục những thủ lĩnh của đoàn người biểu tình đầu hàng vô điều kiện.  Từ mặt bằng K(QMC) với khuynh hướng không hành động nhưng chọn hành động vì lo sợ hậu quả tiêu cực, những thủ lĩnh của đoàn biểu tình đã bị đẩy lên mặt bằng QMC và chọn không hành động vì lo sợ hậu quả tiêu cực lớn hơn, mạnh mẽ hơn, gấp rút hơn.  Động thái tâm lý và hành vi của họ đã vận hành theo hàng ngang rồi hàng dọc và trong đó tất cả yếu tố đều động.              
            Một vài thí dụ đã được đưa ra nhằm soi sáng một phần nào về khả năng giải thích tâm lý và hành vi con người của mô hình K(QMC)<=>QMC.  Thường thì sự thể hiện tâm lý và hành vi của mỗi con người còn tùy thuộc vào chiều dầy trầm tích của một chuỗi dài trải nghiệm từ quá khứ tới hiện tại, có khi bắt nguồn từ quá khứ xa hơn quá khứ.  Nếu mỗi trải nghiệm là một tác lực thì trên mỗi con người có trùng trùng tác lực ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi.  Chỉ có thể dám nói con người là một sinh thể đa chiều và cực kỳ phức tạp cho nên khó hiểu trọn vẹn.  Vì thế, mọi mô hình nhằm giải thích tâm lý và hành vi của con người chỉ có tính cách tương đối.  Mô hình K(QMC)<=>QMC cũng không ngoại lệ. 
Tuy đúng là có bị giới hạn, nhưng không vì thế mà những mô hình giải thích tâm lý và động lực dẫn đến sự hành động của con người bị giảm mất giá trị thực dụng.  Ngược lại, nhờ có những mô hình này mà người lãnh đạo mới có được một chuẩn mực khoa học để áp dụng vào công việc quan sát và vận dụng đối tượng.  Và mô hình K(QMC)<=>QMC đáp ứng được nhu cầu đó.      



[1] Trích kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy

Lãnh Đạo: KHNT Vận Dụng Đối Tượng (1)





Vận Dụng Đối Tượng


M
ột người lãnh đạo không thể không biết vận dụng đối tượng vì công việc của một người lãnh đạo chính là dẫn dắt đối tượng đi vào con đường mình đã vạch để đạt tới cứu cánh mong cầu. Thế nào là biết vận dụng đối tượng?  Biết vận dụng đối tượng là biết làm cho đối tượng hưởng ứng và đáp ứng yêu cầu trong điều kiện của bối cảnh đang vận hành.  Hưởng ứng là thái độ đồng tình của đối tượng còn đáp ứng là hành động của đối tượng, hành động theo sự yêu cầu của người vận dụng.  Điều này có nghĩa là, để có thể gọi là biết vận dụng đối tượng, người vận dụng phải thuyết phục được đối tượng và phải thúc đẩy được đối tượng đi tới hành động cụ thể.
Đối tượng có thể chỉ là một người.  Cũng có thể là một tập thể nhỏ như nhóm, hội, đoàn thể.  Cũng có thể là một tập thể lớn như toàn xã hội, toàn dân, hay toàn nhân loại.  Đối tượng có thể là người “của ta.”  Cũng có thể là người “của họ.”  Cũng có thể là người chẳng thuộc vào tập thể nào cả.  Cũng có thể là tổng hợp của mọi thành phần.   Nói tóm lại, đối tượng là một người hoặc một tập thể nằm trong tầm ngắm.  
Trong phạm vi của một tổ chức thì đối tượng mà người lãnh đạo cần phải quan tâm hơn hết chính là tập thể nằm dưới sự lãnh đạo của mình.  Tập thể đó hoặc là do chính mình gầy dựng nên hoặc là tiếp nhận từ người lãnh đạo trước.  Một người dầu có đầy đủ mọi yếu tố để gọi là “thích hợp để lãnh đạo” mà không có một tập thể để lãnh đạo thì cũng chưa phải là người lãnh đạo, vì chẳng có ai để mà lãnh đạo.  Một người đã có sẵn một tập thể để lãnh đạo mà không giữ được họ thì cũng không phải là người lãnh đạo, vì chẳng còn ai để mà lãnh đạo.  Vai trò lãnh đạo chỉ hiện hữu đồng thời với tập thể được lãnh đạo.  Không còn tập thể đó vai trò lãnh đạo cũng sẽ biến mất.
Từ đó có thể nói rằng lãnh đạo là vận trình thiết lập sự liên hệ đặc biệt giữa người lãnh đạo và đối tượng  được lãnh đạo.  Trong đó, những điều kiện để có được sự hưởng ứng và sự đáp ứng của đối tượng chính là ổ khóa còn sức thuyết phục và sức thúc đẩy để đi đến hành động của người lãnh đạo chính là chìa khóa.  Chìa khóa đúng với ổ khóa thì sự liên hệ đặc biệt giữa người lãnh đạo và đối tượng được thiết lập: một khế ước xã hội.                        
Bất cứ ai cũng có thể là người lãnh đạo, dầu đang đứng ở cấp độ nào trong một tổ chức hoặc trong một xã hội.  Lãnh đạo là cái thể hiện trong sự liên hệ với người khác chứ không phải là chức vụ hay giai cấp.  Vai trò lãnh đạo không dành riêng cho một ai.  Như đã được định nghĩa, người lãnh đạo là người biết vận dụng bản thân, biết vận dụng bối cảnh vận hành, và biết vận dụng đối tượng.  Do đó, bất cứ là ai, trong mọi bối cảnh vận hành, nếu thể hiện được khả năng vận dụng bản thân, khả năng vận dụng bối cảnh và khả năng vận dụng đối tượng thì người đó chính là người lãnh đạo.  Nhờ những cái biết vận dụng này, nhờ những thể hiện được khả năng vận dụng này mà chìa có thể vặn được khóa, mà liên hệ đặc biệt được thành lập, mà người vận dụng hiện thân lãnh đạo.  
Thể hiện của những người lãnh đạo tuy có khác nhau về hình thái khi so sánh giữa người này với người khác, giữa kỹ nghệ này với kỹ nghệ khác, giữa nghề nghiệp này với nghề nghiệp khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác nhưng hành vi của họ vẫn đặc thù là hành vi của một người lãnh đạo.[1]  Nói một cách khác, lãnh đạo là một vận trình phổ cập có thể quan sát được, có thể hiểu được, có thể học hỏi được và có thể áp dụng được.   
Vận dụng đối tượng là một phần của vần đề lãnh đạo cho nên cũng không ngoại lệ.  Có nghĩa là, khoa học và nghệ thuật vận dụng đối tượng có thể quan sát được, có thể hiểu được, có thể học hỏi được, và có thể áp dụng được. 
 





[1]Leaders do exhebit certain distinct practices when they’re doing their best.  And this behavior varies little from industry to industry, profession to profession, community to community, country to country.  Good leadership is understandable and a universal process.“  Trích trong The Leadership Challenge của James M. Kouzes & Barry Z. Posner, trang xxiii preface, do NXB Jossey-Bass ấn hành năm 1997.