Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (11)



Biết Tái Tạo
Thêm một lần nữa, như đã nói, một người thích hợp để lãnh đạo phải biết giữ mình trong lúc đang lãnh đạo, để gánh vác công việc lãnh đạo một cách hiệu quả và để còn cơ hội tiếp tục gánh vác vai trò lãnh đạo trong tương lai.  Biết giữ mình có ý nghĩa là biết lắng nghe, biết thích ứng, và biết tái tạo.
Một dây leo khô cỗi trổ chồi non hồi sinh, một hạt giống mọc mầm hóa thành cây, một con thằn lằn mọc ra cái đuôi mới thay cho cái đã bị cụt, một con cua mọc ra cái càng mới thay cho cái đã bị gãy, một con gà thay bộ lông mới có màu sắc tươi đẹp hơn, một con rắn lột da để dài lớn hơn, một giấc ngủ sâu cho sinh lực tràn đầy khi thức dậy, một đứa con ra đời để cho một thế hệ mới kế tiếp . . . là hiện tượng nhìn thấy trong thiên nhiên đến từ cái gọi là khả năng tái tạo (regenerative capability).  Căn nhà mới mọc lên từ một nền nhà cháy, cầu đường được kiến tạo từ lối mòn và mương rạch, rừng cây được trồng lại xanh tốt sau đợt thu hoạch, đất được bón phân trở thành mầu mỡ hơn cho vụ mùa mới, món ăn được chế tạo biến cải với vô số mùi vị, quần áo được tạo mẫu thay hình với muôn màu sắc, một giả thuyết được khởi xướng từ sự sụp đổ nền tảng của một giả thuyết khác, một bài học được khai sinh từ tro bụi lịch sử, một minh triết được rút ra từ chứng nghiệm bản thân, một sản phẩm văn hóa được nhào nặn từ đau khổ của quá khứ, kinh tế xã hội được kiến tạo lại sau một cuộc chiến tranh tàn hủy, chính quyền mới được thành lập và xã hội ổn định hơn sau một biến động chính trị . . . là hiện tượng nhìn thấy trong sinh hoạt của loài người đến từ cái gọi là khả năng tái tạo.
Tái tạo là trạng thái phục sinh và chuyển hóa, là sự sống mới vươn lên từ bản thể cũ, là sự hình thành của một nguồn năng lượng tinh khôi từ những mỏi mệt quay quắt, là sự sáng tạo mọc lên từ những trầm tích buồn tẻ, là sự thoát thân từ những trói buộc lạc hậu.  Biết tái tạo có nghĩa là biết vận dụng và thúc đẩy khả năng tái tạo; cũng là biết vận dụng và thúc đẩy trạng thái phục sinh và chuyển hóa ở cá nhân (individual), ở tập thể (team), ở tổ chức (organization).
Riêng trong giới hạn của những điều đang nói về sự vận dụng bản thân của một người lãnh đạo, cụm từ “biết tái tạo” đặc biệt chú trọng đến việc (1) biết lột xác biến thành con người mới cho vai trò mới trong giai đoạn mới; (2) biết làm cho thuộc viên và quần chúng hồi phục sinh lực sau những tiêu hao lớn; (3) biết bảo dưỡng sinh lực của thuộc viên và quần chúng để vận dụng lâu dài và hiệu quả; (4) biết lấy hành động gương mẫu của bản thân hoặc của những nhân vật đương thời để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng; (5) biết làm sống lại những hành động gương mẫu của những nhân vật thi trước hoặc xiễn dương thành tích của họ để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng; (6) biết liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân tài để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai; (7) biết chọn lựa và uốn nắn người kế nhiệm để tiếp nối vai trò lãnh đạo trong tương lai; (8) biết gở, bỏ, phá, lìa . . . những cơ cấu, triết thuyết, sách lược, nguyên tắc, giá trị, phương thức, mục tiêu, định chế . . . đã lỗi thời, đã không còn hiệu quả, đã không đáp ứng được, đã làm xơ cứng . . . rồi tái kiến, tái lập, tái huấn . . . để có thể đáp ứng nhu cầu mới, điều kiện mới, bối cảnh mới . . . một cách hiệu quả hơn.

Cũng giống như khả năng thích ứng, khả năng tái tạo là một yếu tố vô cùng cần thiết.  Không biết tái tạo, người lãnh đạo không những không thể thổi luồng sinh khí mới vào tổ chức/ công ty/ quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của mình mà cũng không thể duy trì được lâu sinh khí đang có.  Nếu là như vậy, thì về lâu về dài sẽ dẫn đến sự suy vong.  Tái tạo là một năng lực tuyệt vời mà một người lãnh đạo không thể không có. 
            Nguyễn Trãi là một người khoa bảng sau lại biến thành một chiến sĩ kháng chiến, là một quan chức của nhà Hồ với chức vụ Ngự Sử Đài Chính Chưởng sau lại biến thành một nhà cách mạng tài hoa của Bình Định Vương Lê Lợi, là một thiếu niên không n thấy cha bị đày nên chạy theo xe “khóc lóc” sau lại biến thành một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc.  Nguyễn Trãi là thí dụ điển hình của một con người biết lột xác để biến thành con người mới cho vai trò mới trong giai đoạn mới. Tương tự, Dương Vân Nga là một người đàn bà được mô tả là “một vai gánh vác cả 3 sơn hà.”  Bà chính thức thành hôn 3 lần trong cuộc đời với 3 vị vua --Ngô Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn-- nối liền 3 vương triều Ngô, Đinh và Tiền Lê.  Dương Vân Nga là con gái của sứ quân Dương Tam Kha.  Lần đầu tiên trong cuộc đời, bà thành hôn với Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Ngô, là con trai thứ hai của Ngô Quyền với Dương Thị Như Ngọc, và sinh ra Ngô Nhật Khánh.  Năm 965 Ngô Xương Văn qua đời, mở ra thời kỳ binh loạn 12 sứ quân, và con ông là Ngô Nhật Khánh chiếm cứ Đường Lâm.  Năm 976 Đinh Tiên Hoàng bức hàng Ngô Nhật Khánh, lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh làm vợ, gả con gái cho Ngô Nhật Khánh, và cưới em gái của Ngô Nhật Khánh cho Đinh Liễn. Thêm một lần nữa Dương Vân Nga thành hôn với một vị quân vương, một giải pháp chính trị.  Sau khi Vạn Thắng Vương Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc chết, bà trở thành Hoàng Thái Hậu, rồi giúp Lê Hoàn lên làm vua lấy hiệu Đại Hành Hoàng Đế và trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.  Hôn nhân lần ba của bà cũng lại là một giải pháp chính trị.  Với những biến động diễn tiến trong suốt ba triều đại, và bà lúc nào cũng nằm trong trọng tâm của của những cơn lốc chính trị đó, Dương Vân Nga đã lột xác nhiều lần để biến thành con người mới cho vai trò mới trong giai đoạn mới.  Và ở mỗi giai đoạn bà đã xứng đáng với vai trò của một người lãnh đạo có khả năng.  Nguyễn Trãi và Dương Vân Nga thực sự là những người đã chứng tỏ được một khả năng tái tạo ngoại hạng.
            Trong mười năm kháng chiến Bình Định Vương Lê Lợi có ba lần chạy về ẩn trốn nơi căn cứ Chí Linh.  Trong lần thứ ba lực lượng kháng chiến bị tổn hao nhiều và tinh thần của nghĩa binh vô cùng kiệt quệ.  Trước đe dọa bị tan rã, Bình Định Vương đành sai Lê Trân đi cầu hòa với giặc để có đủ thời gian khôi phục. Vài năm sau Bình Định Vương phục hồi được lực lượng và khởi quân đánh tiếp.   Toàn bộ diễn biến này cho thấy Lê Lợi đã biết tái tạo lại sinh lực cho binh sĩ của mình nói riêng và sinh lực của cuộc kháng chiến nói chung sau những tiêu hao trầm trọng.
            Mùa xuân của năm 1038, vua Lý Thái Tông ngự ra cửa Bố Cái để dự lễ cày ruộng tịch điền.  Vua sai hữu ty dọn cỏ đắp đàn rồi đích thân làm lễ tế cúng Thần Nông.  Tế xong vua tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày.  Các quan đi theo ông đã can ngăn và nói “đó là việc làm của nông phu, cần gì bệ hạ phải làm thế.”  Vua nói “trẩm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?”  Nói xong vua đẩy cày 3 lần rồi thôi.  Là một người rất chăm lo đến sản xuất nông nghiệp, ngoài việc hoạch định chính sách tích cực và tiến bộ đối với nông nghiệp, Lý Thái Tông đã nhiều lần tự mình đi làm ruộng, lấy đó làm hành động thiết thực để cổ vũ nông dân và nông nghiệp.  Một sự kiện khác, vào tháng 2 năm 1040 vua Lý Thái Tông thành tựu trong việc dạy cung nữ dệt được gấm vóc.  Cùng trong tháng ấy nhà vua đã xuống chiếu mở kho phát hết gấm vóc mua của nước Tống trước đây để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc.  Nhà vua làm vậy là “để tỏ ý là từ đây về sau vua sẽ không dùng gấm vóc của nước tống nữa.”[1]  Bàn về hai việc này, sử gia Nguyễn Khắc Thuần đã nói “Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ. Thời ấy, nước Đại Việt ta là một trong những quốc gia hùng cường ở vùng Đông Nam Á. Một trong những cội nguồn của sức mạnh Đại Việt là ở đây chăng? Và Cung nữ mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt là thấp hèn.  Muốn khắp thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương.  Đấng chí tôn mà còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó là mặt hàng chả ra gì.  Vua Lý Thái Tông ít nói.  Ít để chí ở sự lập ngôn, chỉ lo lòng làm gương cho thiên hạ.  Xem ra, gương ấy không phải chỉ sáng một đời cho quan quân một thời.”[2]  Những lời này rõ ràng muốn khẳng định giá trị và hiệu quả của việc nhà vua vận dụng hành động gương mẫu của bản thân để dẫn dắt quần thần và dân chúng.  Chưa hết, năm 1044 nhân thấy được mùa lớn, Lý Thái Tông tuyên bố “nếu trăm họ đã no đủ, trẩm lo gì không no đủ” rồi ra lệnh xá một nửa thuế cho cả nước.  Thêm một lần nữa ông chứng thực bằng hành động cho quần chúng thấy rõ thế nào là gương “biết khoan sức dân và biết đặt niềm tin ở dân.” Rồi trong một ngày mùa đông giá rét vào tháng 10 năm 1055, vua Lý Thánh Tông, con trưởng của Lý Thái Tông và Kim Thiên Thái Hậu, xót xa nói với quan tả hữu rằng “Trẩm ở trong cung sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến [những] người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẩm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.”[3]  Ông đã dạy cho quần thần bài học vỡ lòng về cách đối xử nhân bản đối với những người tù nhân, bất kể là có tội hay vô tội.  Năm 1127, vua Lý Nhân Tông, con của Lý Thánh Tông và Linh Nhân Thái Hậu, đã di chiếu như sau: “Trẩm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết.  Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật.  Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết.  Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẩm không cho thế là phải.  Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào!  Trẩm xót phận tuổi thơ đã phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi.  Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì? . . .Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. . . . Các ngươi nên thật lòng kính nghe lời trẩm, báo rõ cho các vương công, bày tỏ trong ngoài.”[4]  Trước khi ra đi, Lý Nhân Tông vẫn còn dùng chính cái chết của bản thân mình để dạy bài học “kiệm ước, khiêm tốn, giản dị và nhân từ” cho quần thần và bá tánh noi theo.  Xem ra ở cương vị lãnh đạo tối cao, những minh quân triều Lý quả thực đã biết tận dụng một khía cạnh thực dụng nhất của khả năng tái tạo: tự làm gương.
            Trong 3 lần chiến tranh vệ quốc chống Nguyên Mông, tất cả hoàng thân quốc thích nhà Trần đều ra tuyến đầu để chỉ huy chống giặc, ngay cả Hoàng Đế đương nhiệm và vua cha Thái Thượng Hoàng cũng ra chỉ huy mặt trận.  Thay vì ở phía sau hậu phương ra lệnh “xung phong,” họ đã nói bằng hành động với dân quân của mình là “hãy theo tôi tiến lên diệt giặc cứu nước.”  Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai năm 1285, sau các trận Vạn Kiếp, Phả Lại và Bình Than địch tiến đánh Vũ Ninh và Đông Ngạn rồi tiến xuống Gia Lâm trong khi đó dân quân Đại Việt rút về Thăng Long theo đường sông Thiên Đức. Quân Nguyên Mông tiếp tục theo gót đánh vào hai cứ điểm Thiên Mạc và A Lỗ. Đại Việt hội quân về Đại Hoàng và sau đó thực hiện một cuộc triệt thoái chiến lược về Thiên Trường.  Xuất phát từ Thăng Long, đích thân Thoát Hoan tiến quân đánh vào cứ điểm Đại Hoàng trong lúc Đại Việt đang hội quân tại đó.  Một trận đánh lớn đã diễn ra tại đây và một trận đánh lớn khác tại bến Phú Tân.  Sau thời điểm này toàn bộ quân chủ lực của Đại Việt cộng với các đơn vị địa phương đã tập trung về Thiên Trường rồi từ đó tiếp tục triển khai triệt thoái chiến lược về Thanh Hóa tại cửa biển Giao Thủy để tránh hai gọng kềm, một của Thoát Hoan từ hướng Bắc đánh xuống và một của Toa Đô từ hướng Nam đánh lên.  Rồi toàn bộ binh lực của Nguyên Mông nằm trọn tại vùng đồng bằng Bắc Bộ trong khi chủ lực của Đại Việt thì đóng tại Thanh Hóa.  “Vô hình trung địch rơi vào tình huống vô cùng khó khăn: chúng bị treo lơ lửng giữa một mẻ lưới thiên la địa võng của quân dân Đại Việt.”  Trong suốt hành trình triệt thoái chiến lược, chính bản thân của hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã nhiều lần đem mạng mình ra làm mồi nhử cố ý làm tiêu hao lực lượng quân địch và dẫn dụ chúng lún sâu vào trận địa bất lợi để rồi sau đó dân quân Đại Việt có thể triển khai chiến lược bao vây và tiêu diệt.  Qua hành động của bản thân hai vua đã thể hiện một cách vô cùng “thực tế và gần gũi” cái gì thực sự là “dân vi quý, xã tắc tứ chi, quân vi khinh” của người lãnh đạo có dư tài và đức.  Sau khi đập tan đợt xâm lược thứ ba, Trần Nhân Tông đã cử Trung Đại Phu Trần Khắc Dụng đi cống phương vật, năm 1288, và kèm theo đó là một lá thơ lên án tội ác chiến tranh.  Vua Trần Nhân Tông viết: “Năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), bình chương A Lý Hải tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chỉ. Do thế, tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than. . . . Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ, các hành động tàn nhẫn phá phách không gì là không làm. . . . Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm binh thuyền riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến cả treo trói xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa con thú chân tường.”  Đây có lẽ là “văn bản lên án tội ác chiến tranh xưa nhất của thế giới, bản văn tố cáo tội ác diệt chủng dã man của bọn quan tướng Nguyên Mông trên đất Việt, bản luận tội chính sách gây chiến tàn ác dành cho Hốt Tất Liệt.”  Và trong lá thư ấy, sau khi lên án tội ác “trời không dung đất không tha” trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, Trần Nhân Tông “chủ động biểu thị lòng nhân ái” của mình và dân quân Đại Việt bằng cách thông báo cho biết sẽ tha cho các tù binh mà dân quân Đại Việt bắt được trong cuộc chiến để họ về nhà đoàn tụ với gia đình.  “Càng lên án chiến tranh và tội ác của chiến tranh thì người lên án càng phải tỏ ra mình là một người có lòng nhân hậu rộng lượng bao la.”[5]  Trong một lá thư ngắn ngủi và hành động thực tiễn, Trần Nhân Tông và bộ phận lãnh đạo nhà Trần đã làm cho tiếng nói nhân bản được thăng hoa.  Đối với số phận của những người tham cầu mạng sống cam tâm đầu hàng giặc trong bị chiếm đóng, vua Trần Thánh Tông cũng đặc biệt khoan hồng. “Khi người Nguyên vào cướp [nước], vương hầu quan liêu [Đại Việt] phần nhiều đến xin qui phục [họ].  Đến khi giặc thua, [ta] bắt được một hòm các tờ biểu xin đầu hàng.  Thượng Hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc.  Chỉ những kẻ đầu hàng trước đây thì dù bản thân đang ở triều đình giặc cũng bị kết án vắng mặt . . .”[6]   Đúng như sử gia Lê Mạnh Thát nhận xét, “sự kiện này thể hiện tấm lòng độ lượng của bản thân những người lãnh đạo quốc gia đối với một bộ phận dân tộc có lầm lỡ. Không chỉ có thế, nó chứng tỏ một đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất nước sau chiến tranh, làm cho mọi người cảm thấy yên tâm lao động xây dựng đất nước.”[7]  Rồi khi chiến tranh qua đi, đất nước cần phải nhanh chóng dân sự hóa để tái kiến và phát triển.  Nhưng khi nhìn thấy danh sách bổ phong quan tước của vua Trần Anh Tông có tên của quá nhiều người, vua Trần Nhân Tông đã chỉ trích “sao lại có một nước bé như bàn tay, mà phong quan tước nhiều đến thế.”  Quan điểm này của Trần Nhân Tông cho thấy một cách rõ rệt là ông không tin vào một chính quyền nặng nề quan liêu.  Ông không tin nhà nước là một nơi để khai thác làm giàu cho những người có chức có quyền.  Ngược lại, ông dứt khoát “. . . không để cho bộ máy này trở thành một bộ máy cồng kềnh bòn rút máu mở của dân[8] mặc dù việc dân sự hóa bộ máy hành chánh rất cần thiết vào lúc đó.  Trần Nhân Tông tin chắc vào một nguyên tắc trong việc tổ chức và vận hành chính quyền và thể hiện nó một cách đúng đắn.   Tháng 3 năm 1301, Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông thực hiện một chuyến Nam du vào tận đất Chiêm Thành. Trần Chí Chính viết “Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là đất Thần Châu và Hóa Châu nay vậy.”[9]  Ngược lại với câu nói “thương dân người ta mới chiếm xứ người” của Thành Cát Tư Hãn năm nào, trong trái tim sùng kính của vua Chế Mân có lẽ đã thì thầm “thương dân ta nên mới gởi gấm xứ ta vào tay người” khi đem hai châu Ô Lý dâng lên cho vị Vua Phật.  Trên mặt đất này có lẽ duy nhất chỉ có một Trần Nhân Tông là có được sự cúng dường lớn lao này.  Sự sùng kính của Chế Mân dành cho vị Vua Phật không phải là chuyện khó tin và cũng không xảy ra một sớm một chiều.  Nó là thành quả của cả một quá trình hữu nghị, trong đó Chiêm Thành đã từng nhận được sự viện trợ của Đại Việt 2 vạn quân và 500 chiến thuyền năm 1283 và trong đó có máu xương dân quân Đại Việt đã từng đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Chiêm Thành dầu là cho vì lợi ích lâu dài của Đại Việt, cộng với uy tín và đức độ ngoại hạng của vua quan nhà Trần.  Rồi năm 1305, Chế Mân cho một phái bộ sang Đại Việt xin hỏi cưới Công Chúa Huyền Trân.  Triều thần không đồng ý.  Văn Túc Vương Trần Đạo Tải chủ trương nghị bàn và Thượng Tướng Trần Khắc Chung tán thành ý kiến.  Quyết định sau cùng vẫn là Công Chúa Huyền Trân lên kiệu hoa về làm dâu Chiêm Thành, và dĩ nhiên chủ kiến nặng ký nhất bên sau quyết định đó không ai khác hơn là Trần Nhân Tông. Chuyện “nguyên trước Thượng Hoàng vân du đến Chiêm Thành đã trót hứa rồi” ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có lẽ chỉ là một phương cách để Trần Nhân Tông “gài” quan tướng nhà Trần vào cái thế phải chấp nhận cuộc hôn này vì không thể làm thương tổn uy tín của vua, bên cạnh đó, sự “khước từ lật lọng” rất có thể đưa đến những đổ v ngoại giao phương hại đến an ninh quốc gia.  Văn nhân trong nước làm thơ chê cười không ít.  Đến năm 1307 Đoàn Nhử Hài được cử tới hai châu để vỗ an bá tánh Chiêm Thành nay trở thành là con dân Đại Việt, và ông đã hoàn thành tốt đẹp sứ mạng này.  Nhìn lại những diễn biến trên, đức độ và bản sắc siêu việt của Trần Nhân Tông lại càng nổi cộm.  Qua hành động thực tiễn (1) ông đã chứng minh với mọi người rằng bi trí dũng thấm nhuần trên bản thân của những người lãnh đạo có khả năng mang lại hòa bình thực sự cho con người; (2) ông chứng minh với nhân dân Đại Việt rằng “mở mang bờ cõi” không nhất thiết phải “xâm lăng xứ người” mà ngược lại có thể thực hiện bằng con đường hòa bình và sự mở mang bờ cõi đó “không nhằm đè bẹp và tước đoạt quyền sống” của dân tộc kém ưu thế; (3) ông nói với nhân dân Chiêm Thành rằng trong đôi mắt của chư Phật tất cả chúng sanh đều bình đẳng và vì thế trong trái tim ông không có sự phân chia ngăn ngại hay coi nhẹ dân tộc Chiêm Thành; (4) ông nói với bá tánh Việt-Chiêm rằng những con người không cùng chủng tộc có thể sống hợp quần trong hòa bình; (5) ông nói với giai cấp lãnh đạo rằng hạnh phúc an lạc của tất cả bá tánh mới thực sự là cứu cánh chân chính và nỗ lực mang đến hạnh phúc an lạc cho tất cả bá tánh mới là mục tiêu chân chính để chính quyền hiện hữu và phục vụ.  Bộ phận lãnh đạo của Đại Việt và bản thân hai vua Trần thực sự đã biết vận dụng tối đa hành động gương mẫu của bản thân, hoặc thể hiện qua đường lối sách lược, để tái tạo nguyên tắc tổ chức và vận hành, tái tạo niềm tin đặt nơi người lãnh đạo, tái tạo sinh lực của quần chúng, tái tạo đạo lý sống, tái tạo tiếng nói nhân bản, tái tạo cái nhìn bình đẳng về thân phận con người, tái tạo hòa bình.
            Và trong số những tấm gương nổi bật ghi lại trong lịch sử dân tộc không thể nào không nói tới việc làm của Lê Lợi ở ngày toàn thắng quân Minh.  Sau khi Thành Sơn Hầu Vương Thông chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, và lễ ký kết văn kiện được các anh hùng trong bộ phận lãnh đạo kháng chiến đặt tên khôi hài là hội thề Đông Quan, Lê Lợi quyết định cho thả hết quân Minh về nước.  Ngày 12 tháng 2 năm 1427, Vương Thông cho quân triệt thoái.  “Bấy giờ các tướng sĩ nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi.  Vua dụ rằng: 'trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức.  Vả lại người ta đã hàng, mà mình lại giết là điềm xấu không gì lớn bằng.  Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?' [Vua nói xong] bèn ra lệnh: cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ đảm nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận.  Còn hơn hai vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và hai vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo.”[10]  Bọn quân Minh đều kéo nhau tới dinh Bồ Đề để lạy tạ trước khi về.  Bọn Phương Chính rơi nước mắt, phần vì cảm xúc, phần vì hổ thẹn.  Với quyết định này, Lê Lợi đã chứng thực bằng hành động gương mẫu cho quần chúng và ngay cả kẻ thù thấy rõ thế nào là “quân điếu phạt chỉ vì trừ bạo . . . đem đại nghĩa diệt hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo.”  Về mặt gương sáng lãnh đạo, Lê Lợi (1) đã thể hiện sự khế hợp toàn vẹn của tư tưởng, sách lược và hành động; (2) đã chứng thực được chính nghĩa của người chiến thắng; (3) đã củng cố được niềm tin và hy vọng nơi một triều đại vừa thành hình.  Và nhờ những điều này, một dòng sinh lực mới được khai mở để vực dậy một đất nước đã kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh tàn hủy.  Lê Thái Tổ đã thể hiện cái gương “lời nói và hành động đi song đôi” và đã chứng tỏ một khả năng tái tạo tuyệt vời.
            Sau những cuộc chiến tranh vệ quốc, bên cạnh những nỗ lực tái thiết đời sống vật chất cho đất nước, Trần Nhân Tông cũng đã “quan tâm sâu sắc đến việc gầy dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc[11] thể hiện qua việc phong thần tập thể cho những người có công trạng với tổ quốc trong quá khứ và sự ra đời, lần đầu tiên, của một thần điện Việt Nam.  Phong thần không phải là điều mới mẻ.  Trước ông đã từng có Lý Thái Tổ phong thần cho Phù Đổng Thiên Vương và Lý Phục Man, Lý Anh Tông phong thần cho Nhị Trưng, Lý Thái Tông phong thần cho Mỵ Ê và Phạm Cự Lượng, Trần Thái Tông phong thần cho Lý Hoảng, và còn rất nhiều vụ khác nữa.  Tuy nhiên đây là lần đầu tiên việc phong thần được thực hiện một cách tập thể, có sách lược và có mục đích rõ rệt.  Con người sắc phong cho thần linh và cũng chính con người quỳ lạy thần linh là thể hiện một thái độ và triết lý đặc biệt: quan hệ tương kính giữa con người với thần linh. Người dân Việt quỳ lại linh thần nước Việt vì tri ân và kính phục những công đức họ đã đóng góp cho đời, đặt biệt là lúc sống, chứ không quỳ lạy vì sợ sệt quyền lực vô hình.  Sống có hiến dâng tột cùng cho đời sống dân Việt thì khi chết mới xứng đáng làm linh thần của nước Việt.  Dựng lên những linh thần Việt trong dòng sống Việt là một nỗ lực chống lại sự xâm lược văn hóa của Bắc phương, một hình thức xâm lược âm thầm, bền bỉ, thâm độc và hiệu quả.  Dựng lên những linh thần Việt cho dòng sống Việt là một hình thức nhắc nhở người dân Việt về công trạng của tiền nhân nước Việt, một hình thức tưởng thưởng và khích lệ tinh thần phục vụ quần chúng, một hình thức cho biết thế nào là cách sống xứng đáng để được người đời tôn vinh.  Dựng lên những linh thần Việt từ dòng sống Việt là để cho tinh anh Việt thăng hoa từ dòng sống của dân Việt và nghìn đời khắng khít với đất Việt.  Trần Nhân Tông quả thực đã biết làm sống lại những tấm gương tuyệt vời bổ báo của tiền nhân và dùng đó để hướng dẫn tư duy, đạo đức và hành động của quần chúng.  Trần Nhân Tông đã chứng tỏ một khả năng tái tạo có một không hai.
            Sau trận đại thắng ở Tốt Động-Chúc Động, bộ phận lãnh đạo của Lam Sơn đã có mặt tại ngoại ô thành Đông Quan để chuẩn bị trận đánh quyết định và sau cùng với quân Minh.  Lúc ấy Bình Định Vương Lê Lợi dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, ngay trên bờ sông Lô.  Từ đại bản doanh Bồ Đề này Bình Định Vương Lê Lợi đã ban hành một số pháp lệnh, năm 1427, trong đó có pháp lệnh tìm kiếm nhân tài.  Nội dung của pháp lệnh này như sau: “Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan cấp lộ, phải tìm kiếm những người có tài lược trí dũng, có thể làm được các chức như Tư Mã hoặc là Thượng Tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người.”[12]  Pháp lệnh này không chỉ nói lên thái độ “cầu nhân tài” một cách tổng quát mà còn chỉ thị hành động thực tiễn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài.  Pháp lệnh đã vạch ra trách nhiệm tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài là trách nhiệm chung và mỗi người trong các cấp lãnh đạo phải thực thi trách nhiệm đó.   Nó nối kết trách nhiệm, và mặt ngược lại là vinh dự và quyền lợi, giữa người tiến cử với người được tuyển dụng và xa hơn nữa là giữa những người đang lãnh đạo hiện tại với những người được đào tạo để trở thành cấp lãnh đạo trong tương lai.   Lê Lợi đã minh chứng hùng hồn rằng ông biết sử dụng chính sách nhằm liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân tài để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai.  Đây chính là khả năng tái tạo.
            Vua Trần Thái Tông ở ngôi 33 năm (1225-1258) sau đó nhường ngôi ở tuổi 41 và ra sức đào tạo người lãnh đạo đất nước kế tiếp trong vai trò Thái Thượng Hoàng. Kết quả là đất nước có được vị minh quân Trần Thánh Tông.   Cũng giống như cha, Trần Thánh Tông ở ngôi 21 năm (1258-1279) sau đó nhường ngôi ở tuổi 39 và ra sức đào tạo người lãnh đạo đất nước kế tiếp trong vai trò Thái Thượng Hoàng.  Kết quả là đất nước có được một vị minh quân tiếp nối là Trần Nhân Tông.  Rồi, đi theo con đường của cha và ông nội, Trần Nhân Tông ở ngôi 14 năm (1279-1293) sau đó nhường ngôi ở tuổi 36 và ra sức đào tạo người lãnh đạo đất nước kế tiếp trong vai trò Thái Thượng Hoàng.  Kết quả là là đất nước có được vị minh quân Trần Anh Tông.  Sau đó Trần Anh Tông cũng chỉ ở ngôi 21 năm và nhường ngôi ở tuổi 38 và ra sức đào tạo người lãnh đạo đất nước kế tiếp trong vai trò Thái Thượng Hoàng.  Kết quả là đất nước có được vị minh quân Trần Minh Tông.  Tương tự, vào triều đại nhà Lý, lúc Hoàng Tử Càn Đức lên ngôi chỉ mới 7 tuổi.  Mẹ của ông là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đã nhiếp chính thay ông và đích thân đảm trách vai trò đào tạo vị vua này cho đến khi ông 20 tuổi mới giao lại quyền hành.  Sau đó bà vẫn tiếp tục cố vấn và dìu dẫn vị vua này trong vai trò Thái Thượng Hoàng.  Kết quả là đất nước có được vị minh quân Lý Nhân Tông ở ngôi 45 năm.  Tất cả những nhân vật lãnh đạo tài ba một thời của đất nước vừa nêu trên đều có một điểm giống nhau: được đào tạo bởi một người lãnh đạo có tài và đã trở thành một người lãnh đạo có tài (take a great leader to produce a great leader).  Dựa trên chứng cứ có thể nói các vị vua Trần cũng như Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đã đánh giá đúng mức trách nhiệm đào tạo và dìu dẫn người lãnh đạo kế tiếp của quốc gia, đã thực hiện trách nhiệm này với tất cả sự cẩn trọng, và đã thành công trong việc làm của họ.  Họ đã chứng minh khả năng tái tạo của mình.
            Tin Abraham Lincohn đắc cử được những đối thủ của ông đón nhận một cách “lạnh và buồn,” nếu không muốn nói là quá xốc.  Họ nghĩ rằng đất nước đã chọn lầm người để giao phó sứ mạng; giao phó cho một tên luật sư vô danh tiểu tốt ở vùng sâu vùng xa chỉ mới bước chân vào chính trường qua một nhiệm kỳ dân biểu và cũng chẳng tạo được bao nhiêu thành tích.  Các đối thủ của ông đều là những chính trị gia thượng thặng.  William H. Seward là thượng nghị sĩ sáng chói của New York suốt hơn một thập niên và là vị thống đốc liên tiếp hai nhiệm kỳ của tiểu bang trước khi về Washington.  Nói về tài năng của Seward, ông Henry Adams đã viết “[ông ta] có thể làm cho con bò bị khích động chỉ với một câu tuyên b” và Carl Schurz cũng nói “[ông ta là] một người lãnh đạo của phong trào chính trị chống tệ trạng nô lệ.  Từ ông ta, giữa những náo động của giao tranh, chúng tôi tiếp nhận tiếng kèn xung trận, vì là một trong những trụ cột đôi khi [ông ta] dẫn đường dư luận thay vì ngoan ngoãn đi theo dư luận.”  Seward được người ta cho là nhân vật cấp tiến của đảng Cộng Hòa.  Trong buổi sáng sớm của ngày 18 tháng 5 năm 1860, trước giờ khai mạc bỏ phiếu, Seward vẫn còn nhận được từ William Evart, chủ tịch của đại biểu đoàn, một điện văn lạc quan “Mọi thứ cho thấy ông chắc chắn sẽ được đề cử.”  Một đối thủ khác, Salmon P. Chase, là một chính trị gia đầy quyến rũ về mặt thể hình, như một phóng viên đã từng nhận xét “một ngoại hình hoàn hảo tôi chưa từng bao giờ thấy.”  Chase lại là một con người rất sùng đạo và luôn luôn giữ đúng theo nguyên tắc, qui củ, thông lệ, giờ giấc.  Chase không uống rượu, không hút thuốc, không tán gẫu và rất hiếm khi thấy ông ta cười.  Một con người tự buộc mình trong khuôn khổ giới đức.  Về mặt chống tệ trạng nô lệ Chase cấp tiến hơn cả Seward, lý luận cho nguyên tắc của mình trên căn bản và ngôn ngữ của giáo lý.  Trong nghiên cứu về khởi thủy của đảng cộng hòa, William Gienapp đã viết, nói về tài trí lãnh đạo trong phong trào chống tệ trạng nô lệ và khả năng tổ chức của Chase, “trên đường dài, không một ai khác góp phần vào sự thành hình của đảng Cộng Hòa nhiều như là Chase đã làm.”  Vài tuần trước ngày đại hội đảng, tờ nhật báo của đảng Cộng Hòa The Ohio State Journal vẫn đăng tải “không ai trong đất nước xứng đáng hơn, không ai bản lỉnh hơn . . . luôn luôn hết lòng với những nguyên tắc của tự do phổ cập, xuyên suốt sự nghiệp chính trị.”  Và hơn ai hết, bản thân Chase tự tin là mình sẽ được chọn.  Một đối thủ khác nữa, Edward Bate, cao tuổi hơn hết trong số đối thủ, là đứa con cưng của St. Louis, nơi mà ông đã tới định cư từ khi nó còn là một cái làng bán da thú chỉ có lèo tèo vài ba căn nhà để rồi bốn thập niên sau trở thành một thành phố hoa lệ với một hệ thống đường xá, trường học, bệnh viện, giáo đường, thư viện, bảo tàng viện, và nhà ở to rộng của tư nhân, một vùng đất với những điều kiện sống có một không hai trong đất nước thời đó.  Trong suốt cuộc đời chính trị Bate đã từng kinh qua những chức vụ và vai trò quan trọng như là đại biểu đại hội soạn thảo hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ, nghị sĩ của tiểu bang, dân biểu của quốc hội Hoa Kỳ, chánh thẩm của St. Louis land Court.  Nhưng cao vọng chính trị của Bate nhạt dần vào 20 năm sau cùng, chỉ vì ông gắn bó với gia đình hơn và do đó muốn dành tất cả thời gian và sự quan tâm cho gia đình ông.  Cũng vì lý do này mà ông đã nhiều lần từ chối nhận lãnh những chức vụ lớn trong chính quyền khi được mời tham chính.  Tuy là vậy, hào quang và tư thế chính trị của Bate không sút kém trong cuộc tranh cử này.  Ngược lại, với bản chất ôn hòa cng với những năm tháng ẩn mình nằm ngoài vòng đấu tranh quyết liệt của những phe phái chính trị, người ta tin rằng Bate là người có thể dập tắt được mầm móng nội chiến, hàn gắn được những rạn nứt của đất nước, tạo được sự đoàn kết để đưa đất nước tiến tới thịnh vượng.  Tóm lại, cả ba nhân vật đều là thái sơn bắc đẩu trên chính trường.  Không ai trong ba người có ý nghĩ là Lincohn có thể đánh gục họ.  Tất cả đều tin rằng mình xứng đáng hơn ai hết và chắc rằng mình sẽ đắc cử.   Tuy nhiên lịch sử đã không diễn ra như họ mong đợi.  Người dân Hoa Kỳ đã chọn lựa Abraham Lincohn.  Dĩ nhiên là họ đau lòng mà nuốt cay đắng.  Nhưng sau khi đắc cử Abraham Lincohn đã làm một quyết định chưa có người từng làm trước đó; đó là, bổ nhiệm những đối thủ mới vừa so tài với ông vào những chức vụ quan trọng nhất trong nội các.  Seward trở thành là bộ trưởng ngoại giao, Chase là bộ trưởng ngân khố, Bate là tổng chưởng pháp lý (attorney general).  Ngoài ba nhân vật thượng thặng này Abraham Lincohn còn bổ nhiệm ba nhân vật kiệt liệt khác của đảng dân chủ là Gideon Welles, vào chức vụ bộ trưởng hải quân, Montgomery Blair, vào chức vụ tổng chưởng bưu tín (postmaster general), và Edward Stanton, vào chức vụ bộ trưởng chiến tranh.  Tất cả thành viên trong nội các do Abraham Lincohn bổ nhiệm đều là những người có học thức hơn ông, có danh tiếng hơn ông, và có kinh nghiệm phục vụ công chúng nhiều hơn ông.  Giới quan sát thời đó e ngại rằng hào quang và bản lĩnh của tập thể nội các “không thân thiện” này sẽ làm “chìm xuồng” vai trò lãnh đạo của ông luật sư nhà quê vừa đắc cử tổng thống.  Nhưng Abraham Lincohn đã nhanh chóng chứng minh cho mọi người thấy ông chính là một thuyền trưởng tài ba.  Rồi với thời gian, Seward là người đầu tiên chuyển thái độ khinh thị sang thán phục rồi trở thành người bạn và là người cố vấn thân tín của Lincohn.  Bate từng chê Lincohn là người “có lòng với đất nước nhưng chưa đủ tài quản trị” đã phải tuyên bố Lincohn là một “nhà lãnh đạo vô địch thủ” và là “một con người gần như toàn vẹn.”  Staton đã từng đối xử gần như miệt thị Lincohn sau cùng đã phải nhỏ nước mắt suốt mấy tuần lễ sau cái chết của ông.  Ngay cả Chase, người không cam tâm chịu thua, cuối cùng cũng phải nhìn nhận là Lincohn quả thật hơn ông.[13]  Abraham Lincohn đã biến một tập thể gồm những nhân vật không tương thích cũng không ngại ra tay nghiền nát ông trong c máy chính trị thành ra một tập thể lãnh đạo tận tâm phục vụ đất nước nhờ vào đức hạnh khiêm cung của ông ---thể hiện qua sự mẫn cảm (sensitivity), sự thông cảm (empathy), sự chân thật (honesty), lòng từ mẫn (kindness) và lòng bi mẫn (compassion) đối với mọi người--- cộng với tài năng lãnh đạo sẵn có.  Abraham Lincohn đã biết tự chuyển hóa bản thân từ vai trò của một đối thủ sang vai trò của một nguyên thủ quốc gia, biết chuyển hoá những hiềm khích trong tranh cử thành sự gắn bó trong sứ mạng lãnh đạo đất nước, biết chuyển hóa từ “một người thắng nhiều người thua, một người vinh quang nhiều người chịu nhục” thành “tất cả đều thắng, tất cả đều vinh quang,”  biết chuyển hóa từ trạng thái tiêu hao và phân tán sau một cuộc so tài quyết liệt sang trạng thái hồi phục và kết hợp.  Không ai có thể hoài nghi về khả năng tái tạo của Lincohn.   
            Ulysses S. Grant (1822-1885) sau khi tốt nghiệp từ trường võ bị West Point đã tham dự vào Mexican War với cấp bực thiếu úy.  Sau đó bị sai thải khỏi quân đội vì phạm tội say rượu.  Đến khi cuộc nội chiến nổ ra thì Grant lại tiếp tục cuộc đời binh nghiệp và nhanh chóng trở thành một sĩ quan giỏi của Bắc quân (Union Army) nên leo dần lên chức vụ chỉ huy cao cấp.  Đến 1864 thì Tổng Thống Abraham Lincohn vinh phong Grant là Tổng Tư Lệnh Bắc Quân sau chiến thắng Vicksburg, ở đó ông tỏ rõ tài năng tuyệt vời trong vận dụng chiến thuật, và chiến thắng Chattanooga, trận đánh dứt điểm dẫn đến kết thúc nội chiến.  Ngày Nam quân (Frederate Army) buông vũ khí đầu hàng thì tướng Grant tiến vào Appomatox Court House để gặp tướng Lee bàn chuyện ``tiếp thu.”  Grant, trong bộ đồ bê bết bùn đất chẳng khác lúc ở chiến trường, có vẻ buồn trên mặt, đã chào hỏi Lee rồi ngồi chuyện vãn một cách lễ độ và kiên nhẫn với người bại tướng.  Lee trong bộ quân phục tươm tất, đã tiếp đãi người thắng trận với tất cả sự trầm tĩnh và oai phong cố hữu.  Hai người chẳng đụng đến chuyện đầu hàng, lý do mà họ cần phải gặp mặt, và mãi cho đến khi Lee mở lời trước thì vấn đề  mới được bàn tới.  Điều kiện để Nam quân đầu hàng là tất cả binh sĩ được về nhà sau khi giải giáp và được hoàn toàn tự do nếu tiếp tục tuân thủ luật pháp.  Nhưng Grant đã làm hơn thế.  Ông đã để cho binh sĩ Nam quân giữ lại thanh gươm.  Ông cung cấp lương thực và quần áo cho những chiến binh nghèo đói của Nam quân.  Ông còn năn nỉ họ giữ lại lừa và ngựa chiến để đem về quê dùng vào cày cấy cho vụ mùa sắp tới.  Và khi mà Bắc quân đánh trống thổi kèn, phất cờ reo hò chiến thắng thì Grant đã ra lệnh dẹp bỏ tất cả.  Ông nói “Chiến tranh đã đi qua.  Những kẻ phiến quân đã trở lại là người đồng hương.”  Ở giây phút đó những lời nói của Grant, một mẫu người nhỏ thó và trầm lặng, tuy đơn giản nhưng đã bay cao và bay xa, vang dội đến ngày sau, giống như lời của Winton Churchill đã nói “Đây là ngày vinh quang nhất trong sự nghiệp của Grant và cao vời trong câu chuyện của Hoa Kỳ.”  Grant là một người lãnh đạo có khả năng tái tạo tuyệt vời.  
                                                                                                                                      

Những thí dụ vừa rồi cho thấy ý nghĩa của hai chữ tái tạo cần được hiểu rộng ra trên nhiều bình diện.  Tái tạo cuộc đời, khả năng, sự nghiệp; tái tạo vai trò, quyền lực, uy tín; tái tạo hành động, thành quả, kỳ tích; tái tạo sinh lực, tiềm năng, ý chí; tái tạo đức tin, hy vọng, thành tín, hòa bình, đoàn kết . . . Và sự tái tạo được thể hiện dưới nhiều hình thức.  Thể hiện bằng hành động của bản thân, thể hiện qua hành động của tập thể, thể hiện dưới chính sách và pháp lệnh.

tiếp theo Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 12

[1] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 97, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[2] Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại Tập 2, trang 19-21, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[3] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 105, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[4] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 123, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[5] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 174, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[6] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 162, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[7] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 162-163, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[8] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 164, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[9] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 202, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[10] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 353, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[11] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 169-171, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[12] Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại, trang 25, xb năm 2004, tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[13] Doris Kearns Goowin. Team of Rivals: The Political Genious of Abraham Lincohn. NY: Simon & Schuster, 2005.

No comments:

Post a Comment