Biết Rời Bỏ
Vũ Đài Lãnh Đạo
M |
ột người thích hợp để lãnh đạo không những phải biết dọn mình trước khi bước ra gánh vác vai trò lãnh đạo, phải biết giữ mình trong lúc đang gánh vác vai trò lãnh đạo, còn phải biết “rời bỏ vũ đài lãnh đạo” để trao lại gánh nặng cho người khác, trao lại đúng lúc và cho đúng người nếu có thể được. Một người đã từng là một thực thể thích hợp để lãnh đạo trong một bối cảnh đang vận hành và thực sự thành công với vai trò lãnh đạo trong bối cảnh đó có thể nhanh chóng đối diện với thực trạng sẽ trở thành người lãnh đạo lỗi thời vì (1) vòng tròn bản thân không đủ lớn so với những nhu cầu mới quá lớn mặc dù bối cảnh, trên căn bản, vẫn như cũ hoặc vì (2) bối cảnh đã biến đổi hoàn toàn và người lãnh đạo đó không có được một thực thể khác thích hợp để lãnh đạo trong bối cảnh mới đang vận hành.
James Madison (1751-1836) lớn lên ở nông trại Montpelier thuộc tiểu bang Virginia và theo học tại Collge of Virginia, nay là Đại Học Princeton. Là một học sinh xuất sắc, ông tốt nghiệp đại học chỉ trong vòng hai năm. Năm 1776 ông tham dự Đại Hội Virginia với tư cách là một đại biểu. Sau đó ông phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện (1776-1777); ngồi trong Hội Đồng Cố Vấn Virginia (1778-1779); trở thành là thành viên của Continental Congress (1780-1783); trở lại phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện lần thứ nhì (1783-1786); triệp tập Đại Hội Hiến Pháp (1786); là Nghị Viên Hoa Kỳ (1789-1797); soạn thảo Nghị Quyết Virginia (1798); phục vụ trong Virginia Đại Biểu Viện lần thứ ba (1799-1800); nắm chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao (1801-1809); và trở thành vị tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ liên tiếp hai nhiệm kỳ (1809-1817). Madison được coi là cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Năm 1978 ông viết hơn 1/3 trong số 85 bài tiểu luận, sau được kết tập dưới tên “Federalist Papers,” đăng trên báo nhằm thuyết phục quần chúng hổ trợ cho hiến pháp liên bang, và những bài viết của ông đã có ảnh hưởng rất lớn, mãi cho tới nay, đối với Hoa Kỳ. Ở Quốc Hội, Madison làm việc sát với Tổng Thống George Washington để tổ chức một chính quyền liên bang mới. Công cán của ông trong việc này nhiều hơn cả Thomas Jefferson và Hamilton. Cùng với Thomas Jefferson, Madison tổ chức Đảng Cộng Hòa, sau đổi tên là Đảng Dân Chủ Cộng Hòa. Với vai trò là Tổng Trưởng Ngoại Giao của Jefferson, Madison đã cố vấn vụ mua đất Lousiana, nâng diện tích quốc gia lên gấp đôi, và đã bảo trợ cho Dự Luật Cấm Vận năm 1807. Với cương vị tổng thống, Madison đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến đối đầu Anh Quốc năm 1812, tán thành việc thiết lập thêm một Ngân Hàng Quốc Gia [ngân hàng thứ hai] và nâng thuế xuất nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp trong thời chiến. Trước khi trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ, Madison được mô tả là một người trầm lặng, cẩn trọng, luôn luôn lắng nghe người khác (kể cả người chết), một kỳ tài về lý thuyết chính trị, có kỹ năng đàm phán và điều đình giữa những nhóm chính khách. “Ông lặng lẽ làm việc trong những ủy ban. Ông ghi chú những gì được bàn cãi trong từng buổi họp. Ông đưa ra những ý kiến quan trọng. Ông để lại dấu ấn của mình trong những văn bản quan trọng nhất của nhân loại. Khi ông nói thì mọi người đều lắng nghe. Và, họ đi theo ông . . . Ở Virginia ông đã vật lộn với lực lượng chống liên bang do Patrick Henry cầm đầu, nhưng sau rốt ông cũng dẫn dắt bang Virginia đến chỗ phê chuẩn Hiến Pháp . . . Trong tiến trình phê chuẩn Hiến Pháp, một số tiểu bang, như là North Carolina, chỉ đồng ý với điều kiện là phải có một Tuyên Ngôn Nhân Quyền đi kèm để bảo vệ tự do và quyền lợi của họ. Vì thế khi Quốc Hội đầu tiên nhóm họp tại thành phố New York, James Madison đã đứng ra lãnh đạo để soạn thảo 10 điều khoản đầu tiên nổi tiếng [gọi là] Bill of Rights . . . Cụm từ nguyên thủy ‘We the people of the United States’ là của Madison . . . Sống theo huấn thị 'we the people’ do Madison chủ xướng, trong một góc độ cảm nhận, là chúng ta vẫn nghe theo ông.”[1] Sau khi trở thành Tổng Thống Madison được mô tả là một người “thiếu thước tấc; diện mạo không gây ấn tượng; giọng nói yếu ớt; đôi lúc hoang mang và bị ngộp bởi những dữ kiện; không có khả năng khơi dậy chút ít hăng say hoặc cảm xúc, dầu là với những người bạn; cư xử tiêu cực đối với Quốc Hội; ngoan cố đến độ ngu xuẩn; không khả năng lèo lái để tránh được cuộc chạm trán với Anh Quốc, dẫn đất nước đến cuộc chiến tranh 1812; không có khả năng để cung ứng một sự lãnh đạo mạnh mẽ trong thời chiến.”[2] Cái yếu kém trong vai trò tổng thống của Madison hiện rõ nét theo cái kết cuộc thảm hại của trận chiến 1814. Quân Anh, dưới sự chỉ huy của Tướng Robert Ross, tiến từ Chesapeake Bay tới Washigton, D.C. Madison kêu gọi quần chúng tham gia những đơn vị dân quân vũ trang để bảo vệ Thủ Đô. Chỉ được 7,000 người hưởng ứng. Rồi quân Mỹ giao chiến với quân Anh tại một nơi chỉ cách thành phố Bladensburg khoảng 5 dậm. Quân Mỹ sau khi bắn vài phát súng, bị tử vong vài người, đã bỏ chạy. Quân Anh tràn vào Washington D.C. chiều ngày 24 tháng 8, vào tận Nhà Trắng đốt phá. Gia đình Tổng Thống chỉ vừa đủ thời gian để chạy trốn. “Khó nhận ra Madison là một vị tổng thống.”[3] Bằng vào những chứng cớ lịch sử, có thể nói trước khi trở thành tổng thống, Madison là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Nhưng ở một cương vị mới, cương vị Tổng Thống Hoa Kỳ, ông đã không còn là một nhà lãnh đạo tài hoa nữa, hay nói cho đúng hơn, ông nhanh chóng trở thành một nhà lãnh đạo lỗi thời. Hào quang của một thuở không còn theo ông nữa. Tiếng nói của ông mai một trong lòng của quần chúng. Không còn gì tệ hơn khi một vị nguyên thủ của quốc gia đã không thể vực dậy lòng yêu nước của dân để đứng lên chống lại ngoại thù.
Mao Trạch Đông (1893- ) có mặt trong một giai đoạn lịch sử mà nước Tàu được ghi nhận là đang lúc bị phân hóa trầm trọng. Ngày tàn của Thanh triều rớt trong vòng xoáy của biến động xã hội và kinh tế không ngoi ra được. Tài nguyên thiên nhiên của đất nước thế chấp vào tay những ngoại bang tham lam, mà theo như ngôn ngữ của Mao đã nói với Edward Snow là “sự phân thây rã thịt Trung Quốc” chỉ có hành động anh hùng của tuổi trẻ Trung Quốc mới có thể cứu nổi nó.[4] Rồi cái giấc mơ của Mao đã thu hút được dân Tàu và xúi dục những cuộc cách mạng sắt máu vượt xa biên giới Tàu.[5] Ở thập niên 1930 và 1940, Trung Hoa đang cần có một người lãnh đạo quyết tâm cho viễn ảnh của một trật tự mới trên đất nước và có khả năng mở đường để đi tới viễn ảnh đó bằng cách giật sập hệ thống đang tồn tại để có chỗ cho một hệ thống mới hình thành. Mao có được bản lĩnh này nên đã tỏa sáng hào quang trong bối cảnh đang vận hành. Người dân đi theo tiếng gọi của lãng mạng chủ nghĩa trong chính trị mà Mao là thủ lĩnh, thứ lãng mạng chứa đầy máu tanh và tiếng khóc bi ai trong tiến trình đổi lấy một thiên đường trên mặt đất. Sau khi cuộc cách mạng chính trị đã thành công, đáng lẽ tiếp theo phải là một giai đoạn củng cố và ổn định cần có cho một hệ thống mới vừa được thành lập thì Mao lại tiếp tục lao vào sự tàn phá khác với cái gọi là Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.[6] Cuối cùng là trong thập niên 1970, với sự tụt hậu thảm hại của Trung Quốc nói riêng và với sự nhận thức rõ rệt về sự thất bại toàn diện của hệ thống cộng sản nói chung, dân Tàu muốn nhìn thấy một sự thay đổi nhưng không hứng thú với loại cách mạng đập đổ nữa (revolution) mà chỉ muốn thấy sự thay đổi trong ổn định. Trung Quốc đã đến lúc cần tới một người lãnh đạo có khả năng môi giới cho một cuộc cải cách. Và Đặng Tiểu Bình đã có đủ bản lãnh này nên đã tỏa sáng hào quang trong bối cảnh mới. Mao, cũng như những thủ lãnh cộng sản khác, là chuyên viên đập đổ. Ông ta biết làm thế nào để phá sập một tổ chức, một đoàn thể, một giai cấp xã hội, một chính quyền, một quốc gia. Ông ta chiếm hữu khả năng đó và đã chứng minh là ông ta có thể làm công việc đập đổ đó ở mức độ tuyệt vời. Nhưng khi lịch sử sang trang, Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn hậu cách mạng cần người có khả năng xây dựng lại đất nước từ đổ vở tan hoang, thì khả năng của Mao nhanh chóng trở nên lỗi thời trước bối cảnh mới đang vận hành. Thay vì nhường lại vũ đài cho người khác, Mao đã cố bám víu quyền lực để rồi đưa đất nước của ông ta đến sát bên bờ vực. Nếu không có chính sách engagement của Mỹ vào đầu thập niên 1970 và sự trỗi dậy của Đặng Tiểu Bình [người đã từng được mở mắt trong công xưởng ở Âu Châu khi còn là sinh viên và đã che đậy sự thán phục của mình về hiệu năng sản xuất của thế giới tư bản tận đáy lòng] chưa ai biết chắc Trung Quốc đã phải tiếp tục phá sản tới mức nào.
Vì vậy, một người lãnh đạo thức thời phải biết trao lại vai trò lãnh đạo cho người khác đúng lúc. Biết trao lại gánh nặng đúng lúc để bảo tồn công nghiệp lẫn uy tín đã tạo được, để duy trì ảnh hưởng tốt đẹp đang có, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang một vai trò lãnh đạo khác thích hợp hơn nếu vẫn còn muốn tiếp tục góp mặt, và quan trọng hơn hết là để không cản bước tiến hoặc làm thương tổn đến tập thể hay đất nước. Và, một người lãnh đạo sáng suốt phải tự biết đâu là giới hạn của mình để dừng lại trước những quyến rũ của cơ hội.
Trương Đỗ, người Phù Đái huyện Đồng Lại, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, có chí lớn. Lúc trẻ bỏ nhà đi du học, thi đậu tiến sĩ, rất nổi danh, làm quan dưới thời Trần Duệ Tông, chức vụ Ngự Sử Đài Tư Gián Đình Úy tự Khanh Trung Đô Phủ Tổng Quản. Lúc Trần Duệ Tông nghe theo lời xúi giục của Đỗ Tử Bình quyết định tự mình dẫn quân đi trừng phạt Chế Bồng Nga, Ngự Sử Đại Phu đã cố gắng phân tích tình hình nặng nhẹ cho vua nghe và khuyên ngăn không nên ra quân đánh Chiêm Thành. Sau ba lần can gián, Trần Duệ Tông vẫn không nghe, ông đã treo mũ từ quan. Ông không hành động bốc đồng vì hờn giận. Ông quyết định treo mũ từ quan vì ông biết rõ là ông không thể tiếp tục gánh vác hiệu quả vai trò Ngự Sử Đại Phu nữa. Trương Đỗ đã biết trao lại gánh nặng đúng lúc để bảo toàn công nghiệp và uy tín cho chính ông.[7]
Vệ Vương Đinh Tuệ con của Dương Thái Hậu được lập lên làm vua lúc mới 6 tuổi. Kể từ đó Dương Thái Hậu lâm triều dùng Nguyễn Bặt, Đinh Điền và Lê Hoàn làm phụ chính. Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn là người có tài nên được Dương Thái Hậu ưu ái và giao phó phần lớn công việc chấp chính cho ông đảm trách. Nhóm Nguyễn Bặt, Đinh Điền, Phạm Hạp không cam phục nên đưa đến việc động binh. Nước Tống biết được những xáo trộn trong nội bộ của triều đình nhà Đinh nên thừa cơ hội xua quân sang đánh. Nhận thức được những hiểm họa trước mắt, trong bị đe dọa bởi mầm mống tranh giành quyền lực ngoài bị đe dọa bởi bóng dáng ngoại xâm, và hiểu rõ ông vua con cùng bản thân mình không đủ khả năng để đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước trước cơn bão lớn sắp xảy ra nên Dương Thái Hậu đã chính thức và vui lòng giao lại trách nhiệm đó cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn --bằng cách cho tiến hành việc truất phế ngai vị của con mình-- Lê Hoàn lên ngôi một cách êm đẹp, nhanh chóng giải quyết được những đe dọa tại hậu phương, thống nhất được nội lực, rảnh tay lo việc đối phó với ngoại xâm và chiến thắng được binh Tống. Dương Thái Hậu sau đó đã kết hôn với Lê Đại Hành Hoàng Đế trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Hậu và đứng sau lưng vị vua này để tiếp tay ông lo việc lãnh đạo đất nước. Dương Thái Hậu là một người đã biết trao lại gánh nặng đúng lúc để cứu nguy đất nước và nương theo đó để tiếp tục lãnh đạo trong một vai trò khác.
Dick Hackborn, một kỹ sư điện tốt nghiệp từ đại học Minnesota, gia nhập công ty HP ngay sau khi vừa tốt nghiệp với vai trò là một chuyên viên trong nhóm nghiên cứu & sáng chế công cụ điện tử trụ sở tại Palo Alto. Là một người trẻ thích ăn chơi nhảy nhót, nhưng lại là một người có khả năng nên một thập niên sau đã leo lên chức vụ dự án trưởng (a project leader) của HP. Năm 1977 với sự khuyến khích của Dave Packard, Hackborn nhận trách nhiệm lãnh đạo khối doanh nghiệp ổ dĩa (disc-drive business division) của HP và dọn toàn bộ doanh nghiệp đó về thành phố Boise của tiểu bang Idaho. Tại đây, cách xa bản doanh trung ương hơn 500 dậm nên ít bị quấy rầy. Ngoài công việc phải lo thường ngày, “lãnh chúa của một phương” Hackborn còn có dư thời gian để truy cứu cơ hội cho tương lai. Ông đã tự hỏi “Trong thế giới kỷ thuật, sự thay đổi thị trường nào lớn nhất? Và cách nào tốt nhất để tạo tác động lớn?” Tới đầu năm 1982 thì Hackborn có thể thấy rõ PC giá rẽ sẽ làm nên một sự thay đổi sâu rộng từ nhà cho tới công sở của mọi người. Vì thế ngay sau đó và trong suốt 3 năm liên tục, Hackborn đã vận động khoa học gia (scientists) và chuyên gia sản xuất (manufacturing specialists) của HP ráng sáng chế cho được một loại máy in sử dụng kỹ thuật laser (laser printer) tốt và vừa túi tiền để khách hàng có thể nối vào PC của họ và in một cách dễ dàng bất cứ thứ gì do họ sáng tạo trên máy PC của họ. Khi khái niệm này vừa đưa ra thì có rất nhiều người trong công ty chống đối vì họ cho rằng ông đang làm một điều không khả dĩ. Nhưng với sự hổ trợ của Bill Hewlett và Dave Packard, dự án được tiến hành và ước mơ của Hackborn cuối cùng cũng thành tựu. Máy in cá nhân đầu tiên xuất hiện trên thị trường mở ra một cơ hội vô cùng lớn. Rồi như lịch sử ghi nhận, tới năm 1992 thì trị giá thị trường của công ty HP lên đến 18 tỉ trong đó có gần phân nửa, theo ước tính của Wallstreet, là nhờ vào giá trị của doanh nghiệp máy in cá nhân (printer business) do Hackborn khai sinh và quản lý. Mùa xuân năm 1992, Dave Packard đích thân tìm tới Idaho để yêu cầu Hackborn nhận lãnh cùng một lúc ba chức vụ chủ tịch của hội đồng giám đốc (chairman of the board), chức vụ tổng giám đốc công ty (president) và chức vụ tổng quản điều hành (CEO). Với những dấu hiệu cho thấy công ty HP có thể đang đi dần vào một cơn bão, Dave Packard tin rằng chỉ có Hackborn mới có đủ tài năng để lãnh đạo công ty an toàn tiến tới. Đối với bất cứ ai, thực tình mà nói việc này là một vinh dự lớn, một phần thưởng lớn, một cơ hội lớn, một sự kiện khó tin mà có thực. Vì thế, khó có ai muốn từ chối sự mời mọc này. Nhưng Hackborn đã làm như vậy. Ông đã thẳng thừng từ chối. Không phải Hackborn là người không dám nắm bắt cơ hội. Cũng không phải ông là người hữu danh vô thực, vì bằng vào tài năng của mình ông đã nắm được “một nữa giang sơn” của HP trong tay và chỉ với một cái gật đầu ông sẽ ôm trọn. Hơn nữa Michael Maccoby, một nhà nghiên cứu bên ngoài công ty có nhận xét khách quan, đã từng viết 56 trang trong quyển sách The Gameman để nói về nhân vật Dick Hackborn thì rõ ràng tài năng ông không phải là không thực. Nhưng Hackborn mạnh dạn từ chối là bởi vì ông biết rõ hơn ai hết chỉ thêm một bước nữa thôi là ông sẽ thành người lãnh đạo lỗi thời trong vị trí mới. Trong đa dạng thực thể của bản thân ông, không có một thực thể thích hợp cho vai trò chủ tịch và cho vai trò tổng giám đốc. Điều này không lạ. Một chân tài phải biết rõ mình, rõ người và rõ việc. Và ông là một chân tài đích thực nên ông hiểu bản thân mình và ông hiểu việc. Ông không để cho sự ham muốn danh vị hủy diệt mình và làm hại đến công ty. Ông đã biết nhường lại vũ đài lãnh đạo cho người khác. Thay vào đó ông nhận vai trò cố vấn và giữ một chân trong hội đồng giám đốc trong mời thời gian ngắn rồi sau đó đã giã từ công ty về thoái ẩn. Đến ngày hôm nay ông vẫn được tôn trọng là kỳ tài của một thời, vẫn là huyền thoại trong giới doanh thương.
Trên vũ đài lãnh đạo không có chỗ đứng cho những người lãnh đạo lỗi thời. Sự thật này luôn luôn đúng trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai. Cho nên một người lãnh đạo tỉnh thức phải biết khi nào nên dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo. Không dứt khoát rời bỏ, vì không nhận thức được bối cảnh đã đổi mới và bản thân không còn thích hợp hoặc vì muốn cậy vào công lao trước để cưỡng cầu trục lợi quyền lực và danh vị hoặc vì những gắn bó tình cảm sâu đậm, thường dẫn đến một kết thúc không hay.
Lê Sát, người làng Bĩ Ngũ thuộc Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một người lãnh đạo quân sự có tài, đã theo Lê Lợi từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Ông là một vị tướng đã lập được công lớn trong trận Quan Du ở Thanh Hóa năm 1420, trận Khả Lưu ở Nghệ An năm 1424, và đặc biệt là trận Xương Giang ở Bắc Giang năm 1427. Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, ông được xếp hàng thứ hai trong danh sách khai quốc công thần, được phong tước hiệu là Huyện Thượng Hầu. Năm 1433 Lê Sát được phong hàm Đại Tư Đồ chịu cố mệnh của Lê Thái Tổ phò tá Lê Thái Tông. Và năm 1434, Lê Sát được trao quyền Tể Tướng, lên tới tột đỉnh danh vọng. Nhận xét về ông nhiều sử gia đã viết “Tuy ông biết quyết đoán nhanh chóng, nhưng lại là người ít chữ nghĩa, không khéo xử sự với người chung quanh; có tính thẳng thắn nhưng hay nổi nóng làm càn không nghĩ tới hậu quả; ít hiểu đại thể chính trị nên thường hay làm theo ý riêng.”[8] Nói một cách khác, ông là một tướng tài của chiến trường nhưng là một Tể Tướng tồi trong chính trường. Lê Sát không nhận thức được điều này. Ông chỉ nhìn thấy những công trạng to lớn lúc trước của ông chứ không nhìn thấy cái lỗi thời của mình trong bối cảnh mới, một bối cảnh đang cần những khối óc nhiều chất xám và những trái tim trong sáng không ô nhiễm quán tính sát phạt để xây dựng một chính quyền văn minh thiện đức có khả năng duy trì sự ổn định lâu dài cho đất nước và có khả năng nhanh chóng cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho toàn dân. Ông say sưa với hào quang của quá khứ, với quyền uy đang có, với danh vọng tham cầu càng lúc càng cao. Ông lao sâu vào những tranh chấp quyền lực, những mưu toan dựng vua đoạt vị, những tính toán đen tối. Rồi ông phập phồng lo sợ những thế lực đối kháng từ phía dân chúng cũng như từ phía quan lại, lo sợ cho chiếc ghế “dưới một người nhưng trên cả trăm họ” của ông bị người khác tước đoạt, lo sợ ngôi vị “mẫu nghi thiên hạ” của con gái ông là Ngọc Dao Nguyên Phi bị người khác dành mất vì thế ông càng vận dụng nhiều hơn nanh vuốt mật vụ và tựa vào sức mạnh quân đội để đè bẹp những phản kháng, những ý đồ chống đối, những tiếng nói bất lợi cho cá nhân và gia đình ông. Trong bàn tay của Tể Tướng Lê Sát, ông đã biến triều đình thành chiến trường, biến triều chính thành chiến trận, biến chính trị thành khống trị, biến vận mệnh đất nước thành trò chơi của tên côn đồ. Có thể nói Lê Sát là một cá nhân ít học lại không đủ kiến thức để gánh vác vai trò “an bang tế thế” trong thời bình nhưng lại là một cá nhân đủ tầm vóc để quậy cho “đục nước béo cò” nhờ vào bản lĩnh sát phạt quen tánh của một võ tướng thời loạn. Nhưng rồi việc gì thì cũng có lúc phải hạ màn. Vào một ngày của tháng 6 năm 1437, tai họa giáng xuống đầu ông. Vua Lê Thái Tông xuống chiếu bắt tội “Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước [mà] ghét người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời ngôn quan. . . Mọi việc hắn đều làm trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết chức tước.”[9] Sau đó một tháng, vua Lê Thái Tông lại phế Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao làm thường dân và ban xuống chiếu chỉ thứ hai nói “Tội của Lê Sát đáng phải giết, không thể dung thứ được. Lẽ phải đem chém để rao, nhưng trẩm đặc ân miễn cho, không giết, duy có Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Lê Sát, làm nguy hại đến xã tắc thì phải chém bêu đầu.”[10] Và sau cùng xét thấy không thể dung tha, vua lại xuống chiếu “Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ ra phải đem chém để rao. . .”[11]” Vua ra lệnh cho Lê Sát phải tự tử tại nhà, vợ con và điền sản đều bị tịch thu. Thật đáng tiếc! Một thiên tài của chiến trường, một nhân vật trong bộ phận lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, một anh hùng của dân tộc đã không nhận ra được giới hạn của bản thân trong bối cảnh mới để mạnh dạn từ bỏ vũ đài lãnh đạo nhường chỗ cho những người mới thích hợp hơn trong giai đoạn mới của lịch sử. Tệ hại hơn, Lê Sát đã coi công trạng giải phóng đất nước là một thứ để trao đổi, như vậy, những ngày gian khổ kháng chiến có lúc phải được đền bù tương xứng cho nên ông mặc nhiên thụ hưởng. Rồi ông để cho vinh quang, tiền tài, danh vọng, quyền lực cuốn hút và làm chìm đắm trong những tranh chấp cá kỷ dẫn tới một kết thúc không hay.
Lê Ngân, người xã Đàm Di thuộc Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một trong số những người tham dự công cuộc đánh đuổi quân Minh ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa. Lê Ngân bộc lộ tài năng quân sự của mình rất sớm và trở thành một võ tướng cao cấp của Lam Sơn. Trong suốt 10 năm dài kháng chiến ông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình chiến công của ông gồm có: cùng chỉ huy với tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Nguyễn Lý trong trận Lạc Thủy năm 1418; làm tướng tiên phong trong trận Khả Lưu-Bồ Ải năm 1424; cùng chỉ huy đạo quân tiếp ứng với tướng Lê Văn An, Lý Triện, Lê Bôi trong trận Tân Bình-Thuận Hóa năm 1425; toàn quyền chỉ huy vây hãm thành Nghệ An năm 1427. Sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và cho dựng bản khắc tên 93 vị khai quốc công thần năm 1429, tên ông đứng hàng thứ tư với tước phong Á Hầu. Năm 1434 ông được phong hàm Tư Khấu, chức Đô Tổng Quản Hành Quân Bắc Đạo và được cùng với Đại Tư Đồ Lê Sát nắm quyền phụ chính. Đến khi cây đại thụ Lê Sát ngã xuống vào tháng 7 năm 1437, Lê Ngân được trao quyền Tể Tướng với tước phong Nhập Nội Đại Đô Đốc, Phiêu Kỵ Thượng Tướng Quân, Đặc Tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ti, Thượng Trụ Quốc, tước Thượng Hầu. Cùng được hưởng ân sủng đặc biệt này, con gái của ông là Chiêu Nghi Lê Nhật Lệ được sách phong làm Huệ Phi của vua Lê Thái Tông. Nhưng những ngày vinh hoa phú quí của ông không được lâu. Tháng 12 năm 1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc độc chết tại nhà, toàn bộ tài sản bị tịch thu, con gái bị giáng xuống hàng Tu Dung. Ông bị hạ bệ với bản án “Có người cáo giác Đại Đô Đốc Lê Ngân thờ phật bà Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái mình là Huệ Phi được nhà vua thương yêu hơn.”[12] Nói cho rõ ra là Lê Ngân đã bị bà phi Nguyễn Thị Anh, đối thủ của con gái ông là Huệ Phi Lê Nhật Lệ, và quan Tư Mã tham tri chính sự Lê Thận, đối thủ của chính ông, bí mật bố trí người tố cáo rằng ông đã mời thầy phù thủy Trần Văn Phương về nhà để lập bàn thờ Phật Bà và dùng tà thuật giúp Huệ Phi Lê Nhật Lệ mê hoặc nhà vua, một âm mưu tranh giành ngôi báu. Lời cáo buộc trên được Trần Thị, một người vợ lẽ trẻ đẹp của Lê Sát đã bị đem ban phát cho Lê Ngân lúc Lê Sát bị triệt hạ, làm chứng và cung khai trước mặt vua và các quan thẩm vấn. Một chiếc lưới được giăng ra và Tể Tướng Lê Ngân nhanh chóng trở thành con cá nhỏ nằm trên thớt.[13] [14] Lê Ngân trong thời kháng chiến là “một bậc tài cao, dũng mãnh và mưu lược. Nhưng khi làm quan trong thời thái bình lại là một con người cứng rắn, hẹp hòi và thiếu bản lĩnh chính trị.”[15] Không khác với Lê Sát, Lê Ngân đi trên cùng một con đường dẫn đến tuyệt lộ. Một thiên tài của chiến trường, một nhân vật trong bộ phận lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi, một anh hùng của dân tộc đã không nhận ra được giới hạn của bản thân trong bối cảnh mới để mạnh dạn từ bỏ vũ đài lãnh đạo nhường chỗ cho những người mới thích hợp hơn trong giai đoạn mới của lịch sử. Tệ hại hơn, cũng giống như thái độ của Lê Sát, Lê Ngân đã coi công trạng giải phóng đất nước là một thứ để trao đổi như vậy những ngày gian khổ kháng chiến có lúc phải được đền bù tương xứng cho nên ông mặc nhiên thụ hưởng. Rồi ông để cho vinh quang, tiền tài, danh vọng, quyền lực cuốn hút và làm chìm đắm trong những tranh chấp cá kỷ dẫn tới một kết thúc không hay.
“Chiến lược gia thiên tài, linh hồn của của những võ công hiển hách mà Lam Sơn đã dành được. . . .Với Bình Ngô Sách, Nguyễn Trãi có công xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi vẻ vang của Lam Sơn. . . . Nguyễn Trãi không chỉ là người vạch ra chiến lược mà còn là người trực tiếp chỉ huy thực hiện một cách tài ba. . . . Đích thân Nguyễn Trãi đã từng ‘bao phen lăn mình vào miệng cọp’ tức là dũng cảm vào tận sào huyệt của kẻ thù để đấu trí với chúng. Thực tiễn sôi động của những năm đầu thế kỷ thứ 15 cho thấy rằng tiếng nói và ngòi bút tuyệt vời của Nguyễn Trãi có sức mạnh chẳng kém gì 'cả vạn quân thiện chiến.' Hàng chục những thành trì kiên cố của giặc, kể cả sào huyệt nguy hiểm cuối cùng của chúng là thành Đông Quan đều phải hạ vũ khí đầu hàng bởi loại hình tấn công đặc biệt này. . . . Ông là nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài, nhà ngoại giao xuất sắc và cũng là nhà văn hóa lớn. Danh thơm của Nguyễn Trãi đã vượt khỏi biên giới của nước nhà, hội nhập vào đội ngũ những người có công làm rạng rỡ cho văn hiến chung của nhân loại. Năm 1980 . . . UNESCO đã trân trọng ghi tên Nguyễn Trãi vào hàng danh nhân của nhân loại. Ông là người Việt Nam thứ hai có vinh dự lớn lao này.”[16] Đó là những gì xưa và nay người ta nhận định về giá trị và công lao của Nguyễn Trãi. Thế nhưng sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và tiến hành định công phong thưởng, trong số 221 người có 93 người được ban tước vị theo 9 bậc cao thấp khác nhau, tên của Nguyễn Trãi đứng vào một trong số 26 người của bậc thứ 7 với tước vị khiêm nhượng là Á Hầu. “Sau đó một thời gian ngắn, Nguyễn Trãi được giao cho chức Hành Khiển đứng đầu ban văn trong triều đình. Với cương vị này, Nguyễn Trãi không thể bộc lộ và phát huy tài năng đa dạng của mình. Ông đã sống trong những ngày vui buồn khó tả.”[17] Đừng hỏi tại sao có thể như thế được? Lê Lợi thừa hiểu về vai trò và công cán của Nguyễn Trãi trong công cuộc kháng chiến chống Minh giải phóng đất nước. Lê Lợi thừa hiểu nếu không có Nguyễn Trãi bên cạnh chưa chắc gì ông đã làm nên lịch sử. Lê Lợi cũng thừa hiểu về tầm vóc “an bang tế thế” của Nguyễn Trãi, lúc thời loạn cũng như lúc thời bình. Nhưng Lê Thái Tổ đã không đặt, hay nói đúng hơn là không dám đặt, Nguyễn Trãi vào chức vụ an bang tế thế. Với cách xếp đặt phong quan của Lê Thái Tổ, bên sau là để xây dựng một bộ phận lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền Lê Triều, một sự thật hiển nhiên phơi bày là Nguyễn Trãi đơn độc giữa một tập thể võ biền nhiều công trận, một số không nhỏ trong bọn họ lại dốt nát và tham lam và đố kỵ những người có học thức. Với một chức vụ “không thể đập chết ruồi” ông chỉ có thể đứng nhìn và cảm nhận sự bất lực của chính mình trước một tập đoàn đang đòi vốn lẫn lời với đất nước. “Nếu như khi xông pha trận mạc, tướng lĩnh Lam Sơn gắn bó chặt chẽ với nhau, thì khi thái bình, một bộ phận rất đáng kể của họ chỉ biết vun quén cho cá nhân. Nguyễn Trãi đau lòng trước một loạt những dữ kiện xấu diễn ra ngay cung đình.”[18] “Đáng buồn hơn là sau đó ông đã bị chính cái triều đại do mình góp phần sáng lập ra và do lệnh của một con người được gọi là ‘minh quân’ từng rất tín nhiệm mình bắt giam vì nghi ngờ có quan hệ với Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.”[19] May nhờ có lương quan Trung Thừa Ngự Sử Bùi Cẩm Hổ hết lòng bênh vực nên mới thoát khỏi bị ghép vào tội mưu phản, nhưng Lê Thái Tổ vẫn ra lệnh cho Lý Tử Tấn giáng chức Nguyễn Trãi xuống Nhập Nội Hành Khiển và chỉ còn giữ được tước Vinh Lộc Đại Phu. Rồi Lê Thái Tổ qua đời, ở ngôi được 6 năm, Lê Thái Tông lên kế nghiệp cha. Trong vòng 4 năm sau khi lên ngôi, hai vị Tể Tướng lần lượt bị triệt hạ và phải tự kết liễu cuộc đời. Đinh Liệt, một võ quan khác, lên thay. “Sau khi các ông Lê Sát, rồi Lê Ngân đổ, ở phía cung cấm, tình hình càng phức tạp hơn nữa. Từ khi các bà phi con hai ông Tể Tướng bị phế hoặc bị giáng, cung cấm lại rơi vào sự đấu đá hỗn loạn của các bà phi kế tiếp. Tình hình phức tạp hơn vì các bà phi mới này có tài, có sắc, có nhiều mưu đồ nham hiểm hơn các bà phi cũ, nhất là họ lại được lòng vua và liên hệ chặt chẽ với bọn quan thị, với các đại thần có thế lực. Đặc biệt là bà phi Nguyễn Thị Anh. Bà ta không những dựa vào các đại thần mạnh như Lê Thận, Trịnh Khả, mà còn liên hệ chặt chẽ với bọn hoạn quan trong cung nội do Tạ Thanh cầm đầu, lại được bọn Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước, Lương Đăng . . . đầy mưu mô dồn sức hỗ trợ. Bọn hoạn quan này tuy chưa phải là đại thần nhưng nắm những đầu mối rất quan trọng trong triều, đang tìm cách mê hoặc vua và ly gián những người đối lập.”[20] Trước tình huống đó các lương quan tìm cách và tìm người can gián ông vua trẻ “ngang ngược khó dại lúc nhỏ và có cá tính đam mê sắc dục ở tuổi trưởng thành.” Trong nỗ lực đó Thái Bảo Ngô Từ đã tìm tới Nguyễn Trãi và yêu cầu ông hãy để cho người vợ thứ là Nguyễn Thị Lộ đến tiếp cận vua với vai trò Lễ Nghi Nữ Học Sĩ để có dịp khuyên ngăn vua. Sức thuyết phục của bạn hữu Ngô Từ khiến cho Nguyễn Trãi và Thị Lộ khó từ chối. “Ai cũng biết quan Thái Bảo Ngô Từ [có họ hàng bên ngoại với vua, lại] thuộc dòng dõi Ngô Nhật Đại ở Thanh hóa, cùng một dòng với Ngô Quyền, người anh hùng lừng danh của chiến thắng Bạch Đằng năm xưa. Ngô Từ ra đời ở Lam Sơn, lấy nàng Đinh Thị Ngọc Kế tức chị ruột của các tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Cho nên dưới con mắt của bọn gian thần lúc ấy thì Tể Tướng Đinh Liệt có quan hệ thân thuộc với Tiệp Dư Ngô Thị Bình, hẳn là có quan hệ tốt với Nguyễn Trãi.”[21] Những quan hệ này làm cho bọn gian thần lo sợ. Viễn ảnh tay ba “Đinh Liệt nắm võ, Nguyễn Trãi nắm văn, Thị Lộ nắm vua”[22] làm cho bọn quyền gian bị đe dọa và bắt buộc phải hành động. Hai cây gai Nguyễn Trãi-Thị Lộ trở thành mục tiêu lớn họ phải triệt hạ, hai mắc xích dễ bẻ nhất trong bộ ba liên minh vì sự trong sáng và cao thượng của hai nhân vật này. Trong dòng xoáy tranh chấp quyền lực giữa các đại thần của nước, giữa các bà phi tần của vua, giữa những nhóm quan lại ưa chuyện “đục nước béo cò” Nguyễn Trãi đã bị bọn quyền gian dùng mưu đẩy về Côn Sơn làm quan giữ chùa, để tách rời vợ chồng ông cho dễ bề mưu hại, “để cho ông không còn tiếng nói chân chính giữa triều đường, để cho mọi tài năng của ông lụi dần, để ông trở thành một con người vô thực.”[23] Chiếc lưới vô hình càng ngày càng siết chặt hơn. Rồi thảm án Lệ Chi Viên nổ ra như một tiếng sét. Bọn quyền gian chụp lấy cơ hội trong cái chết đột ngột của Lê Thái Tông tại tư gia của Nguyễn Trãi để gán cho họ tội danh âm mưu giết vua. Cái án tru di tam tộc chấm dứt cuộc đời của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, hai con người tài hoa của một thời. Thật đáng tiếc! Đáng lẽ Nguyễn Trãi phải biết rõ trong vũ đài lãnh đạo không có chỗ đứng cho những người lãnh đạo lỗi thời, sự thật này luôn luôn đúng. Và ông đã là một người lãnh đạo rất lỗi thời. Ông lỗi thời ngay từ khi Lê Lợi lên ngôi. Ông lỗi thời không phải vì kém tài năng cũng không vì kém đức độ. Ông lỗi thời vì Lê Thái Tổ đã muốn ông lỗi thời. Ông lỗi thời vì bối cảnh đang vận hành chỉ dành đất đứng cho những võ phu kém tài. Ông lỗi thời vì bọn quyền gian hý lộng triều đình được vua ngấm ngầm đồng tình. Ông lỗi thời vì đạo đức và giá trị sống của ông không cho phép ông nhập cuộc để tìm kiếm lợi ích cá kỷ giống như họ và sử dụng thủ đoạn nham hiểm lũng đoạn giống như họ. Nguyễn Trãi từng ân cần khuyên vua “Kể ra thì đời loạn trọng võ, thời bình trọng văn. Nay quả rất đúng là phải chế ra các loại nhã nhạc. Nhưng nhạc phải có gốc mới đứng, phải có văn mới hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc vậy. Thần vâng chiếu soạn nhạc, dám đâu không dốc hết sức ra mà làm, nhưng vì học thuật thì nông cạn, chỉ sợ thanh luật chẳng được hài hòa. Cúi xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, khiến cho mọi xóm làng không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc.”[24] Nhưng lời lẽ thống thiết của Nguyễn Trãi chỉ là tiếng thét đơn điệu lạc lõng giữa chốn triều đình. Đáng lẽ ông phải sớm nhận ra sự thật này và phải dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo, đừng cho những tình cảm thân thiết và những trăn trở “vì dân vì nước” trói buộc mãi để rồi bị vùi dập trong dòng cuốn nghiệt ngã. May mắn là lịch sử đã dành công lý cho ông. Nhưng có bao nhiêu người lãnh đạo sao khi bị vùi dập có được cái may mắn như vậy? Nếu Nguyễn Trãi sống thêm 10-20 năm nữa và trong thời gian đó đào tạo được một lớp người trẻ để trở thành những người lãnh đạo chân chính trong tương lai thì có phải là hay hơn không?
Những thí dụ vừa rồi cho thấy một người lãnh đạo tỉnh thức phải biết khi nào nên dứt khoát rời bỏ vũ đài lãnh đạo. Không dứt khoát rời bỏ, vì không nhận thức được bối cảnh đã đổi mới và bản thân không còn thích hợp hoặc vì muốn cậy vào công lao trước để cưỡng cầu trục lợi quyền lực và danh vị, như trường hợp của Lê Sát và Lê Thận, hoặc vì những gắn bó hay quan tâm sâu đậm, như trường hợp của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, thường dẫn đến một kết thúc không hay.
tiếp theo Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 13
[1] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.74). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA
[2] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.70). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA
[3] James L. Garlow (2002). 21 Irrefutable Laws of Leadership (p.71). Thomas Nelson Publisher. Nasvill:Tennessee. USA
[6] Lý Quang Diệu, cựu Thủ Tướng Singapore, phát biểu trong buổi mạn đàm về lãnh đạo (Converstion on Leadership) năm 2000-2001, Center of Leadership.
[7] Lê Văn Hưu & Ngô Sĩ Liên & Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, trang 269-270, xb năm 2001, ấn bản điện tử do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam chuyển dịch 1985-1992
[8] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[9] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 5, trang 55-56, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[10] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[11] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 149-150, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[12] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 139, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[13] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 134-140, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[14] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 223-245, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[15] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 139, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[16] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 40-45, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[17] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 46, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[18] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 46, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[19] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 157, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[20] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 246, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[21] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 252, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[22] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 250, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[23] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 254, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[24] Nguyễn Khắc Thuần, Việt Sử Giai Thoại tập 5, trang 53, xb năm 2004, tại TP HCM, nxb Giáo Dục
No comments:
Post a Comment