Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (7)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 6


Biết Vun Bồi
Kho Tàng Bản Thân



D
ĩ nhiên không ai có thể làm bánh bằng nước lã.  Muốn kiến tạo một thực thể thích hợp để lãnh đạo, người ta phải có đủ chất liệu để làm nên thực thể đó.  Chất liệu càng nhiều, càng đa dạng, càng có hảo tính cao (high quality) thì sự chọn lựa càng rộng đường, thực thể được kiến tạo càng nổi cộm và cơ hội phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo càng cao.  Do đó biết vận dụng bản thân còn mang một ý nghĩa khác nữa, đó là biết làm cho kho tàng bản thân --tư năng, tư chất, thể tính, đức tính, cung cách và vị thế xã hội-- ngày càng to lên và càng tăng giá trị.  Nếu kho tàng bản thân được đại diện bằng một hình tròn, thì biết vận dụng bản thân có nghĩa là làm cho cái hình tròn kho tàng bản thân ngày càng lớn rộng ra và càng tỏa nhiều màu sắc sinh động.
Tư năng là những khả năng cá nhân.  Trong đó bao gồm những khả năng tổng quát như là khả năng đọc, khả năng viết, khả năng tính toán, khả năng lắng nghe, khả năng nghi nhận, khả năng ghi nhớ, khả năng suy luận, khả năng diễn đạt, vân vân.  Trong đó bao gồm những khả năng có tính cách kỹ thuật hơn như là khả năng phân tích, khả năng tổng hợp, khả năng tóm lược, khả năng hoạch định, khả năng thuyết giảng, khả năng thực thi, khả năng quan hệ với người khác, khả năng làm quyết định, khả năng đọc viết ngoại ngữ, vân vân.  Trong đó bao gồm những khả năng nằm trong một nghiệp vụ nào đó thí dụ như nghiệp vụ thiết kế hệ thống máy điều hòa, nghiệp vụ lp ráp hệ thống điện toán, nghiệp vụ bảo trì máy móc công xưởng sản xuất, nghiệp vụ đóng tàu, nghiệp vụ chế tạo vũ khí nguyên tử, nghiệp vụ quản trị ngân hàng, nghiệp vụ mua bán hóa chất, vân vân.  Trong đó bao gồm những khả năng thuộc vào một khoa học nào đó như là khoa học kiến trúc, khoa học kinh tế, khoa học vật lý, khoa học quân sự, khoa học ngoại giao, khoa học chính trị, vân vân.  Trong đó bao gồm những khả năng trong một lãnh vực nghệ thuật nào đó như là lãnh vực thơ, văn, nhạc, kịch, phim, tượng, tranh, ảnh, vân vân.  Trong đó bao gồm những khả năng tâm linh như là khả năng thiền định, khả năng tiên tri, khả năng tiếp xúc với cõi giới vô hình, vân vân.  Và, trong đó bao gồm kiến thức (knowledges) lẫn kinh nghiệm (practical experiences). 
Tư chất là tài sản bản thân thuộc về tinh thần và bẩm sinh. Trong đó bao gồm sự thông minh (intelligence), sự mẫn cảm đối với ngoại giới (intuition, perception, emotional intelligence), sự bén nhạy trong đối ứng trước những diễn biến của ngoại giới (sharpness, smartness, cleverness), vân vân. 
Thể tính (physical traits) bao gồm tuổi tác, chiều cao, sức nặng, diện mạo, phái tính, chủng tộc, cách trưng bày ngoại hình và cái “tướng khí vô hình” toát ra từ trên con người.  Thể tính có thể là nguyên dạng do trời cho cũng có thể là đã cải sửa đến từ công trình tái tạo của con người.
Đức tính (characters) là những đặc điểm thuộc về nhân phẩm của một con người. Thí dụ như can đảm, trung thành, phấn đấu, kiên trì, bất khuất, khẳng khái, hiền thục, dịu dàng, đoan trang, bần tiện, keo kiệt, phản trắc, hèn hạ, vô liêm sỉ, vân vân.
Cung cách gồm có cung cách cư xử và cung cách làm việc. Cung cách cư xử (behavior) là hành vi của một người đối với người khác. Thí dụ như lễ độ, khinh miệt, tôn trọng, chà đạp, lịch thiệp, sỗ sàng, dịu dàng, cáu kỉnh, vân vân. Cung cách làm việc (styles) là kiểu làm việc của một người. Thí dụ như làm việc theo kiểu tham khảo ý kiến của người khác (consultative), chỉ dẫn người khác (coaching), tin cậy và giao phó trách nhiệm cho người khác (delegating), thuyết phục người khác (selling), hỗ trợ người khác (supporting) hoặc chỉ ra lệnh thẳng thừng cho người khác thi hành (directing), vân vân.  Cung cách cư xử và cung cách làm việc của một người là cái thể hiện ra bên ngoài còn yếu tố tàng ẩn bên trong để thúc đẩy những thể hiện đó lại là thái độ sống (attitude) của người đó.  Thái độ sống là cái định kiến đối với chính mình, đối với người khác và đối với cuộc đời nói chung.  Thí dụ như thái độ tin cậy, cởi mở, lạc quan, nghi ngờ, cố chấp, bi quan, vân vân.  Cung cách của một người không nhất thiết phản ảnh đức tính của người đó.  Và điều này càng đúng hơn khi nhận xét về cung cách làm việc của những con người lãnh đạo quyền biến (situational leaders).
Vị thế xã hội (social background) là chỗ đứng của cá nhân trong xã hội. Bao gồm gia thế, chức vị, tài sản, học thức, sự nghiệp, danh tiếng, mạng lưới quan hệ, vân vân.
Làm cho vòng tròn đại diện kho tàng bản thân lớn rộng hơn và tỏa nhiều màu sắc đẹp dễ nhất là yếu tố tư năng. Tư năng tích lũy được nơi bản thân tùy thuộc vào chiều rộng của sự học hỏi (breath of knowledge), chiều sâu của sự đào luyện (depth of knowledge), và chiều dầy của sự áp dụng kiến thức vào đời sống (application of knowledge). Với thiện chí tìm cầu học tập, với cái nhìn chính xác về mục đích của sự học tập, với nhiều phương tiện học tập chung quanh làm cho tư năng nói riêng và làm cho vòng tròn kho tàng bản thân nói chung lớn rộng hơn chỉ là vấn đề của thời gian.
Thiện chí tìm cầu học tập phát xuất từ nhận thức học tập là một nhu cầu thiết yếu và liên tục. Do đó, với một người thích hợp để lãnh đạo, công việc học tập là một phần của đời sống hàng ngày, hay nói một cách khác là sự học tập không có điểm kết thúc và người học tập không bao giờ thấy đủ. Học tập là một tác trình (learning is a process) và là một tác trình diễn ra liên tục (learning is a continuous process) trong mọi thời gian, dưới mọi không gian, từ mọi đối tượng, bằng mọi phương tiện.
Mục đích của sự học tập, đối với một người thích hợp để lãnh đạo, không bị giới hạn trong nhu cầu cơm áo và không nhằm vào những tính toán thiển cận. Với họ, mục đích của sự học tập là để tiếp thụ tinh hoa của thiên hạ, để giao lưu với dòng sống của thiên hạ, để biết thiên hạ và biết chính mình, để vun bồi một kho tàng bản thân thích hợp để lãnh đạo.
Làm cho vòng tròn đại diện kho tàng bản thân lớn rộng hơn và tỏa nhiều màu sắc đẹp khó nhất là yếu tố đức tính. Chỉ trừ những bậc thánh, trong mỗi con người đều có đức tính tốt lẫn đức tính xấu. Huân tập được nhiều đức tính tốt và khai trừ những đức tính xấu là con đường duy nhất nâng cao nhân phẩm, làm cho vòng tròn kho tàng bản thân tỏa nhiều màu sắc đẹp. Tiến trình huân tập đức tính tốt và dứt trừ đức tính xấu đòi hỏi một sự nỗ lực triệt để và liên tục của bản thân. 

Yếu tố đức tính rất quan trọng trong vấn đề lãnh đạo.  Tại sao? Vì một lý do rất dễ hiểu.  Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng để dẫn người khác đi theo vào con đường của mình.  Thiếu những đức tính cần thiết thì không thể thực hiện được điều đó. Không có ai đem giao trái tim và sinh mạng cho một người không được tin phục. Không ai tự nguyện đem tiền của sức lực để giúp cho một người không được tín nhiệm.  Trong trường hợp nhẹ nhất, một vài đức tính thô phù hiển hiện nơi bản thân của một người lãnh đạo có thể làm tổn thương đến uy tín của người đó. Trong trường hợp nặng hơn, một vài khiếm khuyết khó thấy trong đức tính của một người lãnh đạo khi nó thể hiện ra bên ngoài có thể gây tổn hại cho cho sự nghiệp hoặc gây ra tai họa cho bản thân của người đó.  Và trong trường hợp nặng hơn cả là một vài đức tính quan trọng của người lãnh đạo, mà sự khiếm khuyết chỉ thực sự được bộc lộ dưới những áp lực cực mạnh của môi trường, có thể gây ra tai họa lớn cho chính bản thân của người đó và cho cả một đất nước khi những khiếm khuyết đó bộc lộ. 
            Trần Khánh Dư là một vị tướng tài.  Trong cuộc chiến vệ quốc chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất ông lập được công to, vua Trần Thái Tông khen có trí lược nên lập làm Thiên Tử Nghĩa Nam.  Sau đó có công đánh dẹp quân Mang ở miền núi nên được phong làm Phiêu Kỵ Đại Tướng Quân, một tước vị chỉ dành cho những Hoàng Tử.  Trong cuộc chiến vệ quốc chống Nguyên Mông lần thứ ba, ông đã đánh tan cánh quân lương do Trương Văn Hổ chỉ huy tại Vân Đồn và Lục Thủy.  Chiến thắng Vân Đồn là một chiến thắng vang dội và quyết định, mở đầu cho một loạt phản công chiến lược và dứt điểm.  Trần Khánh Dư đã hoàn tất trách nhiệm nhận chìm thuyền lương của địch chỉ trong vòng vài ngày.  Nói về khả năng quân sự, không ai có thể nghi ngờ gì về tài ba của ông.  Tuy nhiên con người này có một vài khuyết điểm.  Ông đã có lần dan díu với công chúa Thiên Thụy, người đã gả cho Hưng Vũ Vương Nghiễn, con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.  Vua Trần Thánh Tông sai người giả vờ đánh Trần Khánh Dư tại Tây Hồ rồi tước hết quan chức, thu hết tài sản, đuổi về làm dân để làm bớt sự phẫn nộ của Hưng Vũ Vương Nghiễn.  Trần Khánh Dư từ danh vị Nhân Huệ Vương trở thành một gã bán than phiêu bạt.  Vì mến tài và cảm lòng yêu nước của Trần Khánh Dư nên trong cuộc đại hội Bình Than vua Trần Nhân Tông đã tha tội và phong làm Phó Tướng để trở lại đánh giặc giúp nước.  Trần Khánh Dư lại là một con người thích làm kinh tế.  Lúc trấn nhậm Vân Đồn, Trần Khánh Dư đã duyệt quân các trang trại và ra lệnh cho họ phải đội nón Ma Lôi với lý do không thể phân biệt được địch ta nếu trang phục theo người phương Bắc.   Trước khi ban lệnh này, Trần Khánh Dư đã cho người mua sẵn mấy thuyền nón. Sau khi ban lệnh, ông cho người rỉ tai dân là có thấy thuyền bán nón Ma Lôi đang đậu trong bến.  Người trong trang tranh nhau mua. Giá nón từ một tiền lên đến một tấm vải một nón.  Có thể nói một cách công bình Trần Khánh Dư là một người biết quán xuyến công việc nên đã lo liệu trước để cho pháp lệnh do chính mình ban ra có thể thực hiện được và thực hiện mau chóng.  Nhưng việc dựa vào đó để đầu cơ trục lợi của Trần Khánh Dư đã bị quần chúng gièm siểm là “Vân Đồn gà chó thảy đều kinh.”  Tóm lại, Nhân Huệ Vương là một thiên tài quân sự thời đó.  Chưa hẳn ông là một con người tham dục và hám tiền như những sử gia đã nặng lời phê phán.  Nhưng dầu sao đi nữa những đức tính thô phù này của ông, không được đẹp trong con mắt của quần chúng, đã làm cho hào quang danh tướng bị hoen ố.
            Đặng Long, một cận thần của vua Trần Nhân Tông, rất giỏi văn học, tước phong hạ phẩm, đã được ghi chú để cân nhắc.  Vua định gia phong chức Hàn Lâm Học Sĩ nhưng bị Thượng Hoàng Trần Thánh Tông ngăn lại.  Đặng Long trong dạ bất bình vì chuyện đó nên trong cuộc chiến vệ quốc chống Nguyên Mông lần hai ông ta đã ra hàng giặc.  Giặc thua, ông ta bị bắt và bị xử trảm để răn chúng về sau.  Một con người có tài năng nhưng bị một đức tính xấu, tâm địa hẹp hòi, làm cho bại vong sự nghiệp và sinh mạng lưu lại tiếng xấu muôn đời.
            Nguyễn Huệ sau khi lấy đất Thuận Hóa xong định giữ địa giới cũ ở sông La Hà thì được Nguyễn Hữu Chỉnh bàn “Ông phụng mệnh ra đánh một trận mà bình được đất Thuận Hóa, uy kinh cả chốn Bắc Hà.  Phàm cái phép dùng binh, một là thời, hai là thế, ba là cơ, có ba điều đó đánh đâu cũng được.  Bây giờ ở đất Bắc Hà tướng thì lười, quân thì kiêu, triều đình không có kỷ cương gì cả, nếu ông nhân lấy cái uy thanh này, đem binh ra đánh thì làm gì mà không được.  Ông không nên bỏ mất cái cơ, cái thời và cái thế ấy.”  Nguyễn Huệ trả lời “Ở Bắc Hà có nhiều nhân tài, không nên coi làm thường.”  Nguyễn Hữu Chỉnh đáp lại “Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đã bỏ đi thì nước không có ai nữa, xin ông đừng có ngại gì.”  Nguyễn Huệ vừa cười vừa nói na đùa na thật “Ấy! Người khác thì không ngại, chỉ ngại ông đấy thôi.”  Nguyễn Hữu Chỉnh biến sắc phân bua “Tôi tự biết tài hèn, nhưng mà tôi nói thế là có ý tỏ cho ông biết ngoài Bắc không có nhân tài đó thôi.”  Nguyễn Huệ lấy lời làm cho Nguyễn Hữu Chỉnh yên lòng rồi bàn tiếp “Nhà Lê làm vua đã mấy trăm năm nay, bây giờ cướp lấy chưa chắc lòng người đã theo mình.” Nguyễn Hữu Chỉnh phân tích “Nay Bắc Hà có vua lại có chúa, ấy là một sự cổ kim đại biến. Họ Trịnh tiếng rằng phù Lê, thực là hiếp chế, cả nước không ai phục. Vả xưa nay không ai làm gì để giúp nhà Lê, là chỉ sợ cái thế mạnh đó mà thôi, nay ông mà phù Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai chẳng theo ông.”  Nguyễn Huệ lại nói “Ông nói phải lắm, nhưng ta chỉ phụng mệnh đi đánh đất Thuận Hóa mà thôi, chứ không phụng mệnh đi đánh Bắc Hà, sợ rồi mang tội kiểu mệnh thì làm thế nào?”  Hữu Chỉnh nói “Kiểu mệnh là việc nhỏ, việc ông làm là công to. Vả làm tướng bên ngoài có điều không cần phải theo mệnh vua, ông lại không biết hay sao.”  Sự phân tích tình hình của Nguyễn Hữu Chỉnh cho thấy ông là một người có khả năng nhìn thấu thời cuộc. Nhưng đồng thời cũng cho thấy ông là một con người ngã mạn, coi nhẹ huấn lệnh của thượng cấp và không ngần ngại đi theo cơ hội chủ nghĩa.  Những cá tính này không lọt qua được đôi mắt tinh tường của Nguyễn Huệ.  Và, chính vì những cá tính này tai họa đã đến với bản thân ông ta về sau.  Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi Trịnh Bồng rồi trở nên chuyên quyền bức hiếp vua Lê ở đất Bắc, Nguyễn Huệ đã sai Vũ Văn Nhậm đem quân trừ khử.  Một con người có tài năng nhưng những đức tính xấu --ngã mạn, vô kỷ luật, tham vọng cá kỹ-- đã làm cho Nguyễn Hữu Chỉnh mất mạng.  Những đức tính xấu là trái độc.  Đã là trái độc thì có thể làm chết người.
            Trần Ích Tắc, em ruột của vua Trần Thánh Tông, là một con người thông minh hiếu học, thông lãm lịch sử, văn chương nhất đời, nổi tiếng tài hoa trí thức của Đại Việt.  Ông được vua Trần Thái Tông tin cậy và giao cho trách nhiệm mở trường để rèn luyện nhân tài cho quốc gia.  Danh tài như Mạc Đỉnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu, cùng hơn 20 danh sĩ khác cũng xuất thân từ trường này.  Trong cuộc chiến vệ quốc chống Nguyên Mông lần thứ hai, lúc vua Trần Nhân Tông cùng bộ phận lãnh đạo tối cao đang thực hiện kế sách rút lui chiến lược để chờ cơ hội phản công thì Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc cùng đồ đảng Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đều đem gia quyến ra hàng giặc mong được làm vua.  Cuộc chiến tranh vệ quốc đang đi vào những giờ phút quyết liệt và đang chờ đón một kết thúc vinh quang cho những đứa con anh hùng trung liệt thì Trần Ích Tắc, một vị vương gia tài hoa lỗi lạc, một người lãnh đạo của giới trí thức thời đó, lại “bơi ngược dòng lịch sử” vì tham cầu danh vị cá nhân.  Ông quay lại hợp tác với kẻ thù đang tàn phá đất nước ông.  Một con người có tài năng nhưng khiếm khuyết một đức tính vô cùng quan trọng: sự trung thành, đặc biệt là sự trung thành đối với đất nước và dân tộc.  Người Nguyên phong cho ông ta làm An Nam Quốc Vương.  Nhưng cuối cùng quân Nguyên Mông bị thảm bại trước sức mạnh đoàn kết và quyết thắng của nhân dân Đại Việt.  Trần Ích Tắc trở thành tên lưu vong trên đất người, lây lất sống ở xứ người và chết lặng lẽ nơi xứ người.
            Steven Jobs là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, một lập trình viên máy vi tính, và là một doanh nhân.  Jobs,  cùng với Wozniak, đồng sáng lập Apple Company, một công ty có tiếng, sáng lập và điều hành công ty sản xuất máy tính Next, mua và điều hành công ty Pixar để sản xuất phim hoạt họa rất thành công.  Jobs thành danh từ công ty Apple, bị trục xuất khỏi công ty Apple, rồi sau cùng trở lại cứu công ty Apple.  Với một số người, Jobs là thần tượng.  Với một số người khác, Jobs là kẻ thù.  Với đại đa số, Jobs là một thiên tài.  Jobs sinh năm 1955 tại San Francisco bang California và được ông bà Paul & Carla Jobs nhận làm con nuôi.  Lúc nhỏ Jobs đã tỏ ra là người có sở thích và có năng khiếu đối với máy vi tính.  Sau khi hoàn tất chương trình trung học năm 1972, Jobs theo học ở Reed College tại  Portland bang Oregon nhưng bỏ dở.  Năm 1975 Jobs gia nhập the Homebrew Computer Group.  Trong nhóm có một tài năng trẻ, Steve Wozniak, đang cố sáng tạo một máy vi tính cỡ nhỏ.  Trò chơi này tức khắc cuốn hút Jobs.  Ngay năm sau, 1976, Jobs và Wozniak thành lập một công ty lấy tên Apple Computer Company với số vốn 13000 USD.  Họ kinh doanh bằng cách mua bán những bộ mạch vi tính để kiếm tiền trong lúc chế ráp một máy mẫu.  Rồi Jobs và Wozniak tái chế máy của họ, đi từ khái niệm “máy cỡ nhỏ” sang “máy cho cá nhân.”  Kết quả là máy tính Apple I được tung ra thị trường năm 1976 với giá 666 USD một cái, và tổng doanh thu đạt được là 774 ngàn USD.  Năm sau Apple II được tung ra thị trường với doanh thu năm đầu tiên là 2.7 triệu USD và tăng lên 300 triệu USD vào năm thứ ba.  Thành công của máy Apple trở thành là hiện tượng lớn.  Công ty Hambreacht & Quist phối hợp với Morgan Standley đưa Apple Co. lên sàn chứng khoán năm 1980, cổ phiếu của Apple Co. nhảy vọt từ 22 USD một cổ phần lên 29 USD trong ngày đầu tiên, đẩy giá trị của Apple Co. lên 1,2 tỉ USD.  Jobs và Wozniak đã mở ra một thị trường chưa từng hiện hữu trước đó, thị trường máy vi tính cá nhân.  Đến năm 1980 thì “thời đại máy vi tính cá nhân” đã thành hình rõ rệt.  Theo đó nhiều công ty gia nhập cuộc chơi, trong đó có công ty khổng lồ IBM.  Công Ty Apple đưa ra thị trường máy tính Apple III, bị thất bại vì yếu tố kỹ thuật, rồi Lisa, cũng không thành công vì giá bán quá cao.  Apple Co. mất một nữa thị trường của nó vào tay IBM, tính vào năm 1983.  Tới giai đoạn  này thì Steve Jobs biết là Apple Co. không có sự chọn lựa nào khác ngoại trừ phải sản xuất máy tính tương hợp với tiêu chuẩn IMB PC.  Để sửa soạn cho một bước đi mới, Jobs mời John Sculley bỏ công ty Pepsi Cola qua làm việc cho Apple Co. với chức vụ tổng giám đốc công ty.  Năm 1984, Apple Co. tung ra thị trường máy Macintosh.  Về mặt kỹ thuật, Macintosh là một cuộc cách mạng trong máy tính, gây chấn động lớn, nhưng về mặt doanh nghiệp thì không thành công lắm vì không thâm nhập được thị trường nó cần phải đánh, nói cách khác là máy tính của Apple không bán được cho những công ty doanh nghiệp.  John Sculley nhận xét Steve Jobs có khuynh hướng coi trọng cái thanh kỳ kỹ thuật hơn cái nhu cầu của người sử dụng, cộng với những nhận xét khác về cá tính cùng cung cách cư  xử của Jobs đối với mọi người chung quanh, và đi đến kết luận là Jobs “làm hại công ty nhiều hơn là giúp cho công ty.”  Sculley thuyết phục hội đồng giám đốc là “công ty sẽ hoạt động khá hơn nếu không có Steven Jobs.”  Thế là Jobs bị “lưu đày” vào một văn phòng cách biệt ngồi chơi xơi nước.  Năm 1985, khi nghe Sculley phát biểu với chuyên gia phân tích tài chính là “Steven Jobs không còn một vai trò nào trong công ty ngay bây giờ hoặc trong tương lai,” Jobs biết mình không còn có thể ở lại với Apple Co. được nữa.  Jobs từ chức.  Jobs rời khỏi Apple Co. với tất cả buồn chán và tủi nhục.  Là một thiên tài của thế giới vi tính, lao vào thế giới vi tính với tất cả đam mê, tận tụy hết mức cho  công việc sáng tạo máy vi tính, đóng góp không ít vào sự thành công của công ty vi tính, cũng như đóng góp vào sự cải tiến xã hội và đời sống nhân loại xuyên qua cuộc cách mạng vi tính, Jobs đã làm được nhiều thứ mà người khác không làm được.  Nhưng không may, Jobs lại không làm được điều mà nhiều người khác làm được, đó là sống cho đẹp lòng nhau.  Jobs có quá nhiều đức tính xấu: khinh bạc, vô lễ, thô lỗ, chà đạp người, lợi dụng, bóc lột sinh lực, chỉ biết được phần mình, tự tôn tự đại, ích kỷ, vân vân.  Chính những đức tính thô phù này mà Steven Jobs đã làm hại đến nhiều người và cuối cùng là làm hại chính bản thân của ông ta.                                              
An Wang sinh năm 1920 tại Thượng Hải, là con trai trưởng của ông bà Zen Wan Wang và Yin Lu.  Lúc nhỏ ông đã có khiếu về khoa học và toán học.  Đến khi vào trung học thì ông đã có thể tự chế máy phát thanh.  Sau đó ông theo học ngành kỹ sư truyền thông tại Đại Học Chiao-Tung.  Trong Thế Chiến Thứ II, ông tham gia chiến tranh chống Nhật tại Hoa Lục với vai trò là kỹ sư chế tạo máy thu và máy phát sóng.  Mùa xuân năm 1945, với sự trợ giúp tài chính của chính quyền,  ông sang Hoa Kỳ để vào học tại Đại Học Harvard.  Sau khi tốt nghiệp cao học ngành kỹ sư truyền thông, ông làm việc cho một công ty Hoa Kỳ được vài tháng rồi nhảy qua làm việc cho chính quyền Trung Quốc có trụ sở tại Canada.  Năm 1947 Wang trở lại Đại Học Harvard và nhanh chóng hoàn tất chương trình tiến sĩ ngành kỹ sư và ứng dựng vật lý.  Năm 1948 Dr. Howard Aiken mướn Dr. Wang vào làm việc tại Haward Computation Laboratory, là một viện nghiên cứu đã chế ASSC Mark I, máy điện toán kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới.  Dr. Aiken đã chỉ thị cho Dr. Wang tập trung nghiên cứu phương cách sử dụng thiết bị từ tính để chứa và đọc tin liệu (data) cho máy điện toán.  Dr. Wang đã nghiên cứu từ tính của nam châm rồi phát minh được một cơ trình để thực hiện điều đó.  Các nhà nghiên cứu của MIT cũng rất thích thú với MPMC (magnetic pulse memory core) của Wang cho nên đã triển khai kỹ thuật này vào ứng dụng và thiết bị  MCM (magnetic core memories) trở thành thông dụng trong suốt hai thập niên về sau.  Dr. Wang, cùng với Dr. W.D. Woo, có viết bài để công bố chi tiết dẫn đến kết quả của công trình nghiên cứu này vào năm 1950.  Dr. Wang cũng đã đăng ký bản quyền sáng chế (patented) và, sau 4 năm dài tranh tụng, đã bán đứt bản quyền sáng chế này cho IBM vào năm 1956.  Chỉ một tuần lễ sau ngày hoàn tất xong dịch vụ mua bán với IBM, Wang nhận được giấy công nhận bản quyền sáng chế.  Sự kiện này làm cho Wang “căm hận” IBM vì “nghi rằng” IBM đã sữ dụng thủ đoạn tranh tụng bản quyền sáng chế để ép ông phải bán non nó cho IBM.  Năm 1951, vì không vui khi nhìn thấy những người khác “hái tiền” bằng cách triển khai sáng chế của ông, Dr. Wang đã bỏ Harvard Computational Laboratory để ra thành lập một công ty sản xuất máy móc điện tử, Wang Labs.  Đầu tiên công ty chỉ chế bán magnetic shift register theo yêu cầu của khách hàng.  Sau đó bán thêm thiết bị cho magetic tape control và numerical control.  Đến cuối thập niên 1950 thì Dr. Wang đã có thêm một số sáng chế mới, trong đó có sáng chế về thiết bị phototypesetting giúp gia tăng năng xuất của việc in ấn báo chí.  Nhưng vì không cẩn thận trong hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế này, Dr. Wang đã là mất độc quyền chế xuất (exclusive manufacturing rights).  Rồi vì cần tiền để phát triển công ty, Dr. Wang đã miễn cưỡng bán ra 25% chủ quyền của Wang Labs cho một công ty khác với giá 150 ngàn USD.  Về sau Dr. Wang luôn luôn cay đắng và hối hận về quyết định này.  Giữa thập niên 1960, Dr. Wang sáng chế được một kỹ thuật mới: digital logarithmic converter.  Dựa trên sáng chế đó, trong năm 1965 Wang Labs đã tung ra thị trường loại máy tính LOCI electronic scientific calculator, với giá bán 6700 USD, một sản phẩm đã chôn sống tất cả những loại máy tính sử dụng kỹ thuật cơ động thời đó và khởi đầu cho sự hình thành thị trường máy tính đặt bàn (desk calculator market) với kỹ thuật điện toán.  Sản phẩm mang tính đột phá này đã giúp cho Wang Labs có được sức mạnh và trở thành là một công ty hùng bá thị trường này trong suốt 5 năm về sau, với một loạt máy WANG 360, WANG 370, WANG 380, WANG 700.  Nương theo cơn sóng cơ hội đó, Dr. Wang đã đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán năm 1967 và nắm giữ 50% chủ quyền của công ty Wang Labs.  Rồi đến năm 1973 Wang Labs trình làng máy “Wang 2200 minicomputer” và máy “1200 Basic word processing.”  Đến năm 1976 Wang Labs tung ra máy CRT-based word processing minicomputer.  Thêm một lần nữa công ty bốc lên như diều gặp gió với sản phẩm mới này.  Đến năm 1978 thì Wang Labs được xếp thứ 32 trong số những công ty cung cấp máy tính lớn nhất thời đó.  Thắng lợi của Wang Labs làm cho Dr. Wang tự tôn tự đại đến độ quảng cáo trên truyền hình là Wang Labs sẽ thay IBM để giữ ngôi vị số một trên thế giới; lúc đó doanh thu của Wang Labs chỉ mới được 3 tỉ USD so với 47 tỉ USD của IBM.   Dr. Wang không những tự tôn tự đại mà còn chủ quan và khinh suất đến mức độ không thể tưởng.  Khi Fred Wang cảnh báo Dr. An Wang rằng PC của IBM là một đe doạ đối với máy word processor thì Dr. An Wang đã trả lời “PC là cái thứ ngu xuẩn nhất tao từng nghe từ trước đến giờ.”  Không bao lâu sau thì Dr. Wang nhận ra thực tế phũ phàng là Wang Labs không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải gia nhập thị trường PC nếu muốn sinh tồn.  Và mặc dầu là gia nhập vào thị trường PC, Dr. Wang lại chọn sản xuất PC theo tiêu chuẩn của riêng (non-IBM compatible proprietary system) chứ không theo tiêu chuẩn tương đồng với IBM (IBM compatible system).  Cái hận IBM trong một lần va chạm ở quá khứ đã ám ảnh Dr. Wang và đã hướng ông đi đến chỗ chọn lựa một quyết sách sai lầm.  Những sai lầm này, nhất là sai lầm thứ nhì, đã đưa công ty vào hiểm địa.  Wang Labs càng về sau càng thua lỗ.  Rồi thay vì phát hành thêm chứng khoán để có tiền xoay trở  và cải cách công ty, Dr. Wang nhất định không chịu vì không muốn thấy chủ quyền kiểm soát công ty bị loãng đi bởi số cổ phần mới.  Không sử dụng công cụ hùn hạp thì chỉ còn cách phải vay mượn.  Tới năm 1989 thì Wang labs đã tích lũy một số nợ lên trên một tỉ đô USD, trong đó có 575 triệu vay ngân hàng trong năm.  Đến năm 1992 thì Wang Labs khai phá sản.  Dr. An Wang, một nhân vật thông minh và nhiều tài năng, với 44 bằng sáng chế và từ tay không dựng nên một công ty lừng lẫy một thời, chỉ vì có những đức tính không hay đã làm tan nát “cơ đồ” do chính ông một tay tạo dựng.  Tính tự tôn, tự đại, kiêu căng, khinh suất, bủn xỉn, hẹp hòi và độc tài của Dr. An Wang đã làm hại bản thân ông và làm hại công ty Wang Labs.         

Từ những thí dụ vừa rồi cho thấy một điều rất quan trọng: tài năng không thay thế được cho đức tính tốt.  Ngược lại, tài năng cộng thêm đức tính tốt không những có thể giúp cho một người thành công trong vai trò lãnh đạo mà còn có thể làm cho tiếng tốt của người đó bay xa và bay cao, cao xa tới mức độ có thể bất tử với thời gian.    
            Lý Thường Kiệt, một anh hùng 2 lần bình Chiêm 4 lần đánh Tống dưới triều đại nhà Lý, một nhân vật thần thánh trong dòng lịch sử của dân tộc, đã được đại sư Giác Tính Hải mô tả như sau: “Ông bên trong thì sáng suốt khoan hòa, bên ngoài thì nhân từ giản dị. Cải tiến phong tục không sợ khó nhọc. Làm việc thì tiết kiệm. Sai bảo dân thì ôn hòa, cho nên dân được nhờ cậy. Ông khoan hòa giúp đỡ dân chúng, cho nên được nhân dân kính trọng. Ông dùng oai vũ để diệt quân giặc. Ông đem lòng minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên ngục không quá lạm. Ông biết miếng ăn là trời của muôn dân, nghề nông là gốc của nhà nước, cho nên không làm lỡ thời vụ. Ông tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng đến cả người già ở nơi thôn dã, cho nên người già được yên ổn. Phép tắc của ông như thế, có thể gọi là cái gốc trị dân, cái thuật yên dân, có bao nhiêu điều tốt đều ở đấy cả.”[1]  Qua những lời này rõ ràng Lý Thường Kiệt đã chinh phục con tim của quần chúng thời đó.
            Trần Nhân Tông, một vì quân chủ anh minh của đất nước, được Đạo Sư Duy Tuệ nhận xét như sau: “Ngài đã thể hiện lòng thương yêu và khoan dung vô hạn đối với dân, với nước, với tất cả mọi ngườichung quanh ngài. Ngài hết sức bản lĩnh. . . Ngài đã rèn được sự kiên nhẫn theo lời Phật dạy. . . Ngài đã sống được đời sống định tâm tới giây phút cuối cùng. . . Đối với giáo lý của Phật Tổ, ngài là một hình ảnh ứng dụng trọn vẹn.”  Sử gia Lê Mạnh Thát nhận xét: “Ta thấy ít có một vị vua nào trong lịch sử dân tộc lại có sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất.  Đây là một cuộc đời chỉ trong vòng 50 năm, mà có những đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc và nhân loại.  Một cuộc đời đã kết thúc, nhưng đã để lại bao nhiêu lưu luyến cho những người đương thời cũng như hậu thế.  Một cuộc đời có một kết thúc hết sức bình dị nhưng lại vô cùng cao đẹp.  Mỗi khi đọc lại những gì tổ tiên ta đã viết về những ngày cuối cùng của vua Trần Nhân Tông, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động như mình đang đối diện với một người đang sống bằng xương bằng thịt trước mặt chúng ta.”  Qua những lời này, rõ ràng Trần Nhân Tông đã chinh phục được con tim của quần chúng thời đó và ngay cả trong thời hiện tại.
            Mạc Thiên Tích, tục danh Mạc Tông, là con trưởng của Mạc Cửu, sinh năm 1706 tại Lũng Kè, Chân Lạp gọi là Préam.  Lúc nhỏ Mạc Thiên Tích đã nổi tiếng thông minh, quyền biến, tinh thông kinh điển và võ thuật.  Năm 1735, Mạc Cửu qua đời. Theo yêu cầu của Mạc Thiên Tích, Ninh Vương Nguyễn Phước Thụy truy phong tước Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Cửu Lộc Hầu cho Mạc Cửu và đồng ý để cho Mạc Thiên Tứ nối nghiệp cha trấn đất Hà Tiên.  Đồng thời họ Mạc cũng được chúa Nguyễn lũy phong “thất diệp phiên hàn” lấy bảy chữ “thiên, tử, công, hầu, bá, tử, nam” nối đời làm chữ lót đặt tên.  Trong vai trò Tổng Binh Đại Đô Đốc, Mạc Thiên Tích đã tuyển mộ luyện tập binh lính, thường xuyên tu bổ hào lũy, tăng cường bố phòng Hà Tiên đề phòng sự xâm nhập cướp phá của Xiêm La và Chân Lạp.  Một mặt khác ông cho khai mở ruộng vườn, thiết lập chợ búa, khai thông bến bãi để thuyền bè ra vào thuận lợi.   Thương nhân và lữ khách các nước tới lui tấp nập.  Mạc Thiên Tích cũng chiêu nạp văn tài các nơi và mở Chiêu Anh Các để ngày ngày cùng bàn giảng xướng họa thi văn.  Thi văn đàn này mở đầu cho việc truyền bá và phát huy văn học ở đất Hà Tiên.[2]  Hoạt động của thi đàn này nổi tiếng và còn lưu truyền đến ngày nay, tiêu biểu là Hà Tiên Thập Vịnh.  Năm 1739, Quốc Vương xứ Chân Lạp là Nặc Bôn mang quân sang xâm lấn Hà Tiên.  Mạc Thiên Tích điều quân chiến đấu ngày đêm.  Vợ ông là Nguyễn Thị đôn đốc phụ nữ trong thành nấu cơm tiếp tế cho binh sĩ.  Giặc tan, ông và vợ được chúa Nguyễn phong thưởng. Năm 1747, giặc biển cướp phá vùng ven biển đạo Long Xuyên, vùng Cà Mau ngày nay, cũng bị Mạc Thiên Tích dẹp yên.  Năm 1756, Quốc Vương xứ Chân Lạp là Nặc Nguyên đem quân uy hiếp người Côn Man, là những người Chăm di cư sang Chân Lạp, nhưng bị đánh bại nên chạy sang Hà Tiên nương nhờ họ Mạc và dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạo, tức Gò Công và Tân An ngày nay, để xin giúp cho về nước.  Mạc Thiên Tích dâng thư lên chúa Nguyễn.  Chúa Nguyễn đồng ý và cho người hộ tống.  Năm 1757, Nặc Nguyên mất, Nặc Nhuận lên làm Giám Quốc rồi bị con rể giết chết cướp ngôi.  Con trai Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu.  Mạc Thiên Tích xin với chúa Nguyễn cho Nặc Tôn về làm vua Chân Lạp.  Chúa Nguyễn đồng ý và sai Mạc Thiên Tích cùng tướng sĩ 5 dinh hộ tống. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng chúa Nguyễn đất Tầm Phong Long, là vùng đất giữa Sông Tiền và Sông Hậu, và dâng Mạc Thiên Tích 5 phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Lình Quỳnh. Mạc Thiên Tích đem tất cả đất mới dâng lên và chúa Nguyễn giao lại cho họ Mạc cai quản.  Đất mới được sáp nhập vào Hà Tiên Trấn.  Mạc Thiên Tích chia vùng đất mới thành hai đạo: xứ Rạch Giá thành Kiên Giang Đạo và xứ Cà Mau thành Long Xuyên Đạo.  Ông đặt quan cai trị và chiêu dân lập ấp.  Suốt cả cuộc đời của hai cha con họ Mạc đã trực tiếp tổ chức, khai thác và mở mang Hà Tiên Trấn thành một vùng đất rộng lớn, bao gồm nhiều tỉnh vùng Tây Nam Bộ ngày nay.[3]  Vùng đất tận phương Nam này đã phủ dầy công ơn khai hóa và chở che của hai cha con ông.  “Mạc Thiên Tích là một danh tướng, một quan cai trị, một nhà dinh điền, và là một danh sĩ có tiếng, đã làm rạng rỡ đất Phương Thành (Hà Tiên) và cả khu vực Tây Nam Bộ ở nữa sau thế kỷ XVIII.[4]  Ngày nay, đền thờ của cha con họ Mạc khói hương không dứt.  Hàng năm khách thập phương đổ xô về chiêm bái và cầu xin sự âm phù của hai ông.
            Warren Buffet là một doanh nhân tài ba, một nhà đầu tư lỗi lạc, và là một nhà từ thiện lớn.  Ông được người đời phong tặng là nhà tiên tri của Omaha hoặc là đấng hiền nhân của Omaha.  Warren Buffet là CEO và là người nắm nhiều cổ phần nhất của công ty Berkshire Hathaway.  Năm 2007, tài sản của ông ước tính khoảng 52 tỉ USD, là người giàu thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Carlo Slim và Bill Gates.  Ông thành công lớn vì ông có tài năng.  Ông rất bén nhạy đối với thời tiết kinh doanh.  Ông biết việc, biết người, biết ta, và biết giao trách nhiệm.    Ông lại rất thủy chung với những người ông đã chọn lựa để giao trách nhiệm.    Ông biết lãnh vực nào ông có thể dụng vỏ và lãnh vực nào ông không thể dụng vỏ.  Ông có nguyên tắc, có lập trường, có phương pháp, có viễn kiến, có đãm lược, có nhẫn nại, có tài ăn nói, có sức thuyết phục.  Tuy giàu như thế nhưng ông có lối sống rất bình dị và cần kiệm.  Cho đến nay ông vẫn ở trong một ngôi nhà đã mua cách đây nhiều năm, từ năm 1958, với giá gần 32 ngàn USD [trị giá 700 ngàn USD năm 2008] tại Omaha của bang Nebraska.  Tuy thành đạt như thế nhưng ông không hề cách biệt với quần chúng.  Ông ôn hòa.  Ông chân tình.  Ông quan tâm đến người khác.  Ông không bỏn xẻn trí tuệ, kinh nghiệm và tiền tài.  Năm 2006 ông trao tặng 40 tỉ USD cho những quỹ từ thiện, hơn 30 tỉ USD giao cho Bill and Melinda Gates Foundation.  Warren Buffet là nhân vật huyền thoại, không chỉ trong thế giới kinh doanh và đầu tư, không chỉ riêng ở Hoa Kỳ.  Khi Warren Buffet lên tiếng  mọi người đều lắng nghe. 
            Dave Packard người đã, cùng với Bill Hewlett, sáng lập công ty Hewlett Packard, một công ty lớn trong số 50 công ty lớn nhất của thế giới với tổng doanh thu hơn 30 tỉ USD một năm và hơn 100 ngàn nhân viên tính vào giữa thập 1990.  Đối với công ty HP thì Dave là một huyền thoại đầy màu sắc.  Đối với dân chúng Hoa Kỳ, ông là một anh hùng.  Dave Packard sinh ra và lớn lên tại Pueblo, Colorado, con của một luật sư hành nghề ở phố nhỏ, đam mê chế tạo radio từ lúc 12 tuổi, theo học kỹ sư điện tại đại học Stanford.  Tại đại học này Dave và Bill trở thành là học trò đắc ý nhất của Frederick Terman, bản thân của vị giáo sư này cũng là huyền thoại trong làng đại học.  Mùa hè năm 1938, sau khi Bill hoàn tất xong chương trình cao học ở MIT, Dave và Bill thành lập công ty HP theo lời khuyên của giáo sư Terman.  Tổng số vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 538 USD và bản doanh là phòng đậu xe (ga ra) tại nhà Dave.  Với sự khởi đầu khiêm nhượng đó HP sau hơn nữa thế kỷ đã trở thành một đại công ty.  Trong suốt đoạn đường dài này Dave Packard và Bill Hewlett là hai động lực lớn nhất trong công ty mang đến thành tựu đó.  Nói một cách kịch hóa hơn, Dave và Bill là hai nguyên soái của chiến trường trên mỗi bước đường chinh phục.  Và ở mỗi chiến trường trên suốt na thế kỷ trường chinh đó, chiến tướng chỉ có thể thành danh nếu họ có thể làm cho lý thuyết đi liền với thực dụng, rao giảng đi liền với hành động, ước mơ đi liền với hiện thực, đầu lưỡi đi liền với con tim, ý chí sắt đá đi liền với tấm lòng độ lượng.  Và hai ông đã làm được điều này.  Đến ngày Dave lìa đời, tháng 5 năm 1996, nhân viên của công ty HP đã bật khóc khi nghe tin và quần chúng đã tụ về nhà thờ của đại học Stanford để nhỏ lệ tiếc thương.  Trong số những người tham dự tang lễ có Condoleezza Rice và George Shultz, hai vị cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ.  Nói về cảm nghĩ của ông đối với Dave Packard, Lew Platt, CEO của HP, đã công khai tán thán “kinh nghiệm bản thân gần gủi nhất của cái gọi là vĩ đại.””
            George Washington Carver (1864-1943) sinh ra trong một gia đình nô lệ tại Diamon Grove bang Missouri.  Từ khi sinh ra ông đã là một đứa bé hay bị bệnh.  Tuy thể chất yếu đuối không thích hợp với công việc nông trại nhưng ông lại rất yêu thích thiên nhiên.  Từ lúc nhỏ ông đã tự tạo cho mình một khu vườn bên cạnh bên một cánh rừng rồi suốt ngày quanh quẩn để nói chuyện với cây cỏ.  Sau đó ông tự chế được thuốc cho mình với vật liệu từ khu vườn của mình nên được người ta phong cho danh hiệu là Plant Doctor.  Carver đến trường học muộn ở tuổi 12 vì trước đó không thể vào trường học ở địa phương.  Lý do:  ông là người da đen!  Ông phải từ biệt cha mẹ nuôi, Susan và Moses Carver, [là chủ nhân của người mẹ sinh ra ông, người mẹ nô lệ bị bán vào nhà  ông bà Carver từ  lúc 13 tuổi sau đó bị bắt cóc đưa về Confederate of Arkansas rồi không còn tung tích, sau đó George Washington Carver đã trở thành là con nuôi của ông bà  Carver], để tới Newton County thuộc miền tây nam Missouri mới có cơ hội vào trường.  Tại đây, ông chính thức bước vào hành trình giáo dục.  Ngôi trường ông theo học chỉ có một phòng học duy nhất.  Ông vừa học vừa lao động để trả học phí.  Sau một thời gian ngắn ở đây, ông đã đi cùng với một gia đình khác đến Fort Scott bang Kansas.  Năm 1890, sau khi bị Highland University từ chối vì kỳ thị màu da, Carver được trường Simpson College tại Indianola bang Iowa nhận vào.  Ông đã nhanh chóng nổi tiếng với tài năng hội họa của mình [những tác phẩm của ông sau này được triển lãm chung với những tác phẩm nổi tiếng khác trong World’s Columbian Exposition Art Exhibit].  Nhưng con tim của Carver lại hướng về khoa học nông nghiệp nhiều hơn cho nên ông đã đổi trường từ Simpson sang Iowa Argricultural College [bây giờ là Iowa State University].  Tại đây, thêm một lần nữa, ông chứng minh tài năng của mình và được nhà trường mời ở lại để làm giảng viên của trường ngay sau khi vừa tốt nghiệp, năm 1894, người da đen đầu tiên nhận được danh dự đó.  Ông được tất cả tự do để theo đuổi những nghiên cứu nông nghiệp nói chung và thực vật nói riêng trong nhà kính trồng cây [greenhouse] của đại học.  Năm 1895 ông là đồng tác giả của một loạt bài về phòng ngừa và trị bệnh nấm cho cây anh đào.  Năm 1896 ông nhận bằng cao học ngành nông nghiệp.  Năm 1897 ông khám phá ra hai loại nấm mới, và chúng mang tên ông.  Cuối năm đó, Booker T. Washington, người sáng lập Kustegee Institute, thuyết phục Carver về làm giám đốc chương trình nông nghiệp cho học viện.  Tại Kustegee, Carver đã phát triển phương pháp luân canh và hướng dẫn cho nông dân miền nam Hoa Kỳ thực hiện phương pháp “năm trước trồng đậu phộng năm sau trồng bông vãi” để tái tạo dinh dưỡng trong đất.  Phương pháp của ông giúp nông dân đạt thu hoạch cao, đưa đến thặng dư đậu phộng.  Ông lại vùi đầu nghiên cứu và phát minh những sản phẩm làm bằng đậu phộng, từ đầu ăn cho tới mực in, để giúp cho nông dân và nông nghiệp.  Rồi sau khi ông khám phá ra là khoai lang [sweet potato] và hồ đào [pecan] có khả năng tái tạo dinh dưỡng cho đất, ông lại phát minh ra thêm những sản phẩm khác làm từ những thực vật này, trong đó có vật liệu trải mặt đường và chất liệu giả cao su [synthetic rubber].  Nhờ những phát minh của ông mà cả một kỹ nghệ mới thành hình.  Rồi ông lại tiếp tục nghiên cứu.  Cả đời ông đã tạo được cả thảy trên 300 sản phẩm làm từ đậu phộng, 175 sản phẩm làm từ khoai lang, 60 sản phẩm làm từ hồ đào.  Ông cũng phát minh cách lấy màu từ đất sét vùng Alabama, cách làm dây thừng từ sợi của thân cây bắp, phương pháp làm mặt láng dán gỗ [veneers] từ rễ của cây cọ lùn [palmetto root], phương pháp sản xuất dầu sơn [paints] và dầu nhuộm [stains] từ đậu nành, và cách chế tạo màu nhuộm, với hơn 500 màu sắc, cho ngành dệt.   Dầu sáng chế nhiều như vậy nhưng Carver không cầu chứng, ngoại trừ ba bằng sáng chế liên quan đến dầu sơn, dầu nhuộm và mỹ phẩm, và không giữ độc quyền sản xuất vì theo lời ông nói, “Thượng đế đã ban cho tôi thì làm sau tôi có thể đem bán cho người khác?”  Danh tiếng của Carver bay cao và bay xa.  Ông được mời thuyết trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ.  Ông được những tay thượng thủ  trong kỹ nghệ và phát minh coi trọng và tìm đến xin tư vấn.  Ông được Henry Ford đề  nghị “partnership” nhưng ông từ chối.  Ông được Thomas Edison, nhà phát minh nổi tiếng của thế kỷ, mời về làm việc với công ty Edison Laboratories, tại Orange Grove bang New Jersey, với số lương khổng lồ [chưa từng nghe trước đó] là 100 ngàn USD một năm, gấp 100 lần lương của ông đang làm việc tại Kustegee Institute, cộng với cơ sở vật chất hiện đại để cho ông sử dụng, nhưng ông đã nhẹ nhàng từ chối.  Và ông đã từ chối nhiều cơ hội khác nữa.  Năm 1920 Carver nhận huy chương Spingarn Medal của NAACP.  Năm 1928 Simpson College trao tặng Carver bằng Tiến Sĩ Danh Dự ngành Khoa Học.  Năm 1924 Carver nổi tiếng hơn nữa sau khi bị New York Time chỉ trích trong bài báo “Men of Science Never Talk That Way” vì tác giả bài báo cho rằng phát biểu “Thượng Đế hướng dẫn tôi làm nghiên cứu” của Carver là  không tương thông với nguyên tắc khoa học.  Từ năm 1923 cho tới năm 1933, có nhiều cuốn sách và nhiều bài viết về ông như là cuốn “From Captivity to Fame” của Raleigh Howard Meritt ấn hành năm 1929 hoặc bài “A Boy Who Was Traded for a Horse” của James Saxon Childers trong American Magazine năm 1932 và trong Reader Digest năm 1937.  Năm 1935 ông được chỉ định là người điều hợp cho Division of Plant Mycology and Disease Survey of the Bureau of Plant Industry of the U.S. Department of Agriculture.  Năm 1939 Carver nhận huy chương Roosevelt Medal for Outstanding Contribution to Southern Agriculture.  Năm 1940 Carver thành lập George Washington Carver Foundation và hiến tặng 60 ngàn USD, số tiền dành dụm cả một đời, cho tổ chức.  Năm 1941, George Washington Carver Museum được thành lập tại Tukegee Institure.  Năm 1942, Henry Ford cho dựng “Carver’s slave cabin” ở trong Henry Ford Museum và tại Greenfield VillageDearborn để ghi vinh danh người bạn da đen này.  Ngày 5 tháng 1 năm 1943, Carver từ giả cỏi đời ngay trong khuôn viên của Kustegee Institute.  Năm 1946 Hoa Kỳ chỉ định mảnh đất nông trại nơi mà ông đã lớn lên năm xưa là khu vườn kỷ niệm của quốc gia và công bố ngày 5 tháng 1 hàng năm là George Washington Carver Day.  Năm 1990 ông được đề cử vào The National Inventor’s Hall of Fame.  Dr. George Washington Carver, một tài năng lớn và là một người lãnh đạo, đã từ chối những gọi mời của vinh hoa phú quý, tự chọn lấy một cuộc sống thanh đạm để khiêm nhường phụng sự nhân loại với một trái tim trong sáng và vô vụ lợi.  
            Hộ Pháp Phạm Công Tắc ra đời ngày 21 tháng 6 năm 1890 tại làng Bình Lập tỉnh Tân An [Long An], là người con thứ 8 của một gia đình theo Thiên Chúa giáo.  Cha là ông Phạm Công Thiện, một công chức nghèo sống với chủ trương  “dĩ đức vi trọng” có đầu óc chống áp bức bất công tích cực nên bị các đồng liêu không ưa và đổi đi xa cuối cùng phải bỏ việc về quê cũ là làng An Hoà quận Trãng Bàng tỉnh Tây Ninh để sinh sống, và mẹ là bà La Thị Đường.  Lúc nhỏ ông được cha mẹ cho theo học chữ nho tại trường làng sau mới đổi qua tây học.  Cha ông mất lúc ông được 13 tuổi.  Năm 1907 ông thi đậu Thành Chung.  Trong giai đoạn này hoàn cảnh của đất nước đã tới chỗ bi đát.  Vua Thành Thái bị phế vì chống Pháp [3/9/1907] và vua Duy Tân kế vị nhưng chọn lìa bỏ ngai vàng để hợp tác với Trần Cao Vân chống Pháp rồi cuối cùng bị Pháp bắt đưa đi lưu đày.  Trước cơn bão của đất nước, kích động bởi ý chí bất khuất và thái độ kiêu hùng của hai vị vua trẻ, con tim yêu nước nồng nàn của ông bừng la đấu tranh cho nên đã tham gia phong trào đông du để sau này trở về dành độc lập cho nước nhà, và ông có tên trong danh sách của những người trẻ sẽ đi qua Nhật du học vào đợt 4.  Tại Sài Gòn lúc đó phong trào đông du [1904-1907] do hai ông Trần Chánh Chiếu [Gilbert Chiếu] và Lương Khắc Ninh lãnh đạo.  Các ông thành lập các kinh thương hội như Minh Tân Công Nghệ và Nam Trung Khách Sạn làm nơi lưu trú, hội họp cho đảng viên.  Phạm Công Tắc đang học năm thứ hai tại trường Chasseloup-Laubat [Jean-Jacques Rousseau trên đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn] cũng lén bỏ học đến họp với anh em.  Nhưng phong trào bị mật thám Pháp khám phá sau 3 đợt đưa người thành công.  Chúng đến khám xét nhà của ông Trần Chánh Chiếu và khám xét cơ sở Minh Tân Công Nghệ của ông Lương Khắc Ninh để tìm bằng chứng.  May là ông Ninh đã nhanh tay thiêu hủy hồ sơ để phi tang.  Không có bằng chứng để bắt người nhưng Phạm Công Tắc và những người khác trong tổ chức nằm trong tầm ngắm của mật vụ Pháp.  Vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, nhưng cẩn mật hơn, ông quay sang viết bài cho các báo Lục Tỉnh Tân Văn của ông Pierre Jeanetet do Gilbert Chiếu làm chủ bút, Chuông Rè [La Cloche Fêlee] của Nguyễn An Ninh, Tiếng Nói Tự Do [La Voielibre], Nông Cổ Mín Đàm và Công Luận.  Sau khi Gilbert Chiếu bị bắt và báo bị đóng cửa, ông trở về quê.  Sau đó, vì ông phải kiếm tiền nuôi mẹ nên năm 1910 đã trở thành là công chức của Sở Thương Chánh Sài Gòn.  Năm 1912 mẹ ông qua đời.  Sau đó nhiều người thân trong gia đình cũng lần lượt bỏ ông ra đi.  Những buồn phiền của ly biệt sinh tử dẫn ông vào con đường tìm hiểu thế giới tâm linh.  Rồi sau một thời gian được các đấng thiêng liêng mặc khải qua cơ bút, đêm 22 rạng ngày 23 tháng 4 năm 1926, tại chùa Vĩnh Nguyên Cần Giuộc, ông chính thức tiếp nhận ý chỉ của Thượng Đế và trở thành vị hộ pháp của một nền đạo mới: Cao Đài Đại Đạo.  Từ đó Hộ Pháp Phạm Công Tắc hiến dâng cuộc đời trọn vẹn cho đạo pháp và dân tộc.  Dưới sự lãnh đạo của ông, song song với việc thiết lập Pháp Chánh Truyền, một cơ quan pháp lý cao nhất của Cao Đài, và Ban Thế Đạo, một cơ quan lo việc công quả của giáo chúng, để tổ chức giáo hội và vận hành công việc hoằng hóa đạo pháp, một loạt công trình vật chất cũng đã được ông đẩy mạnh, điển hình là (1) m mang khu thánh địa Tây Ninh; (2) kiến tạo Tòa Thánh, Báo Ân Từ  và các cơ sở hành chính của đạo trong nội ô thánh địa; (3) xây Trí Huệ Cung và Thiên Hỷ Động, Trí Giác Cung và Địa Linh Động, Vạn Pháp Cung và Nhơn Hòa Động; (4) cất chợ Long Hoa; và (5) thực hiện một số dự án khác như đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học, nghĩa địa, sân bay, vân vân.  Trên con đường kiến tạo tòa thánh và phát triển tôn giáo ông đã gặp phải không ít thử thách gây ra từ phía nhà cầm quyền.  Năm 1941 Pháp đã ra lệnh bắt ông, phong tỏa khu vực tòa thánh, đuổi hết mọi người về nguyên quán không cho xây dựng tiếp, rồi chiếm dụng cơ sở.  Ông bị lưu đày tới Mã Đảo (Madagasca) ngày 27 tháng 7 năm 1941 cùng với 5 vị chức sắc và các nhà cách mạng như Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn thế Sang trên con tàu Compiège.  Trên đảo ông đã bị giam cầm trong ngục thất mãi cho đến ngày 24 tháng 11 năm 1944 mới được ra ngoài lao động.  Sau đó ông được đưa trở lại Việt Nam vào ngày 1 tháng 10 năm 1946.  Vừa về tới Việt Nam là ông đã tức tốc triệu tập tín đồ tiếp tục công việc xây dựng toà thánh.  Rồi toà thánh chính thức khánh thành vào năm 1955.  Sau hiệp định Geneve, đất nước bị chia đôi, chính quyền Ngô Đình Diệm vốn từ trước đã không hài lòng với chủ trương đoàn kết dân tộc của Hộ Pháp Phạm Công Tắc nên đã “đạo diễn” một cuộc chính biến tôn giáo với mục đích trừ khử ông mà con bài được sử dụng là Trung Tướng Nguyễn Thành Phương, tổng tư lệnh của quân đội Cao Đài.  Để tránh khỏi một cuộc đấu tranh tương tàn trong bổn đạo, sau hơn bốn tháng bị giam lõng tại Hộ Pháp Đường và chịu nhiều lăng nhục, ông đã trốn qua Cambodia để tỵ nạn chính trị .  Và sau đó đã mất tại thánh thất Kim Biên ngày 17 tháng 5 năm 1959, để lại di ngôn là chỉ muốn xác thân ông trở về Việt Nam khi đất nước thực sự hoà bình và độc lập.  Trên bình diện ĐỜI, Phạm Công Tắc là một đứa con của đất nước luôn luôn thủy chung với dân tộc.  Sự thủy chung của ông thể hiện rõ nét qua ý nghĩ và hành động chính trị: “Mặc dù là một vị lãnh đạo tôn giáo, nhưng Đức Hộ Pháp không thể điềm nhiên ngồi nhìn ngoại bang mưu đồ dầy xéo quê hương và dân tộc . . .  Nhân ngày đại lễ Vía Đức Chí Tôn năm Đinh Hợi 1947, Đức Hộ Pháp tuyên bố: Đừng để ngoại bang nhập vào nội quyền Việt Nam rồi đưa đến cảnh tương tàn tương sát và làm món hàng cho các cường quốc đổi chác” . . . Khi biết ngoại bang có mưu đồ bán đứng Việt Nam trên bàn hội nghị Geneve, Đức Hộ Pháp liền mở cuộc họp báo lúc 17 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1954 tại Geneve để . . . tuyên bố: Nếu Việt Minh và Pháp tuân lệnh ngoại bang chia nước Việt Nam làm hai mà không có sự chấp thuận của toàn dân Việt Nam thì bần đạo quyết chống cả hai . . . Trở về Việt Nam sau chuyến Âu du [5/1954], tại tòa thánh Tây Ninh Đức Hộ Pháp gởi một thông điệp thiết tha kêu gọi [:]. . . Đối với quốc gia Việt Nam, các vị lãnh đạo miền nam cũng như miền bắc, bần đạo xin các ông hiến cho một tấm gương sáng về sự đoàn kết . . . nếu các ông cứ cố chấp theo đuổi một cuộc chiến tranh lý tưởng quốc tế đầy dẫy những dục vọng và phe đảng thì các ông là người có tội với Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam.”[5]  Trên bình diện ĐẠO, Đức Hộ Pháp quả thật là một cánh tay đắc lực của Thượng Đế trong sứ mạng hình thành tổ chức tôn giáo Cao Đài và kiến tạo thánh địa để làm nền tảng phát huy Đại Đạo.  Hai câu liểng “Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hoà Bình Dân Chủ Mục, Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cọng Hưởng Tự Do Quyền” trước cổng của Toà Thánh Tấy Ninh đã nói lên rất rõ sứ mạng và mục tiêu của Cao Đài.  Và ông chính là một công trình sư, một người lãnh đạo tối cao đã dẫn dắt giáo dân thực hiện sứ mạng và mục tiêu đó đến hơi thở sau cùng.  Dưới sự lãnh đạo của ông, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Cao Đài đã trở thành một tôn giáo lớn chen vai sát cánh với những tôn giáo có từ lâu đời, đã trở thành một phương tiện lớn để chuyển tải một thông điệp lớn, đã trở thành một công cụ lớn để chuyển hoá con người và xã hội theo đường hướng của một tình thương lớn, đã trở thành là một trong những cột trụ lớn chống đỡ đất nước lúc phong ba, đã trở thành một tự hào của dân tộc.  Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã đến với cuộc đời này một cách khiêm tốn.  Ông sống trong cuộc đời này một cách khiêm tốn.  Và ông rời khỏi cuộc đời này cũng không kém khiêm tốn.  Ông chính là hiện thân của sự khiêm tốn.  Nhưng trong cái khiêm tốn đó, ông đã kiến tạo và để lại một di sản vô cùng đồ sộ và quí báu cho hậu thế.  Giáo dân Cao Đài nói riêng và bá tánh nói chung biết ơn Ngài và sùng bái Ngài. 
            Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ ra đời ngày 15 tháng 1 năm 1920 tại làng Hòa Hảo quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, con trai cả của một gia đình trung lưu và uy tín tại miền tây nam bộ, cha là ông Huỳnh Công Bộ và mẹ là bà Lê Thị Nhậm.  Sau khi thi đậu tiểu học ông đã phải nghỉ học, vì từ năm 15 cho tới 21 tuổi ông mắc phải một chứng bệnh “không rõ căn nguyên” làm cho thân thể bị suy nhược mà không một thầy thuốc Tây y hay Đông y nào trị được.  Mãi đến năm 1939, sau một cuộc lễ tôn nghiêm được tổ chức tại Tổ Đình trong ngày 18 tháng 5 để ông chính thức thọ lãnh “từ cỏi trên” sứ mạng hoằng hóa đạo mầu, tinh thần và thể chất của ông kể từ đó trở nên tốt hơn trước nhiều tuy là vẫn còn bệnh.  Và Phật Giáo Hoà Hảo đã chính thức hình thành từ ngày đó.  Cũng kể từ đó về sau, ông ra tay trị bệnh cứu người và hoằng dương tôn giáo.  Tài trị bệnh và tài thuyết pháp của ông đã làm cho một số lớn quần chúng miền tây ngưỡng phục và đã trở thành tín đồ thuần thành của Đức Huỳnh Giáo Chủ.  Ông dạy đạo dưới hình thức kệ giảng với nội dung khuyến cáo về thảm trạng của nhân loại trong thời kỳ mạt thế và kêu gọi mọi người làm lành lánh dữ, thực hiện tứ ân, và trau dồi thiền tịnh.  Với lối sử dụng ngôn ngữ vô cùng bình dị nhưng không kém thâm ảo và súc tích cùng với chủ trương “học phật tu nhân đời đạo song hành,” ông đã thành công lớn trong nỗ lực đem giáo thuyết cao siêu của Đức Phật vào đời sống thực tiễn của nông dân ít học và chơn chất.  Và có lẽ cũng không quá lời nếu như nói ông đã thành công hơn bất cứ một nhà truyền giáo nào trong lịch sử truyền giáo của nhân loại.  Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, tính vào thập niên 1940, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã lên tới 2 triệu người.[6]  Sự bành trướng quá nhanh đến độ bất thường này đã làm cho Pháp đi đến quyết định bắt ông đem đi “an trí” tại nhà thương Chợ Quán [Sài Gòn] rồi sau đó dời về Bạc Liêu và ở tại đó cho tới khi được hiến binh Nhật giải cứu năm 1942.  Đi đến đâu và ở trong hoàn cảnh nào ông cũng không bỏ l cơ hội thuyết pháp và quần chúng cũng không bỏ l cơ hội để đến với ông.  Tuy là mang sứ mạng hành đạo nhưng “vì  lòng từ ái chứa chan, thương bá tánh tới hồi tai họa[7] trong giai đoạn đất nước ngửa nghiêng cho nên ông không ngần ngại bước vào con đường cách mạng thực hành trọn vẹn tứ đại trọng ơn [ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo, ơn đồng bào và nhơn loài] mà chính ông đã luôn luôn rao giảng, đúng với tâm tình và ý chí “Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau, quyết rứt cà sa khoác chiến bào, đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước, ngọn cờ độc lập phất phơ cao.”[8]  Năm 1943 ông nhận lời cố vấn cho Thanh Niên Ái Quốc Đoàn [sau đổi lại thành Việt Nam Ái Quốc Đảng].  Cuối năm 1944, ông bí mật chỉ thị cho thanh niên PGHH thành lập Bảo An Đoàn ở một số tỉnh miền tây.  Năm 1945, ông đã thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.  Cuối năm 1945, khi thực dân tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh miền tây, ông đã kết hợp các lực lượng lẻ tẻ của dân quân tự võ trang đang có để tổ chức thành một lực lượng lấy tên là Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực.  Năm 1946, ông liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ PGHH để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng [21/9/1946] với chủ trương xây dựng công bằng xã hội và dân chủ hoá Việt Nam.  Đồng thời, ông cũng đã gởi người ra hải ngoại móc nối với các nhà cách mạng lưu vong để thành lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Quốc.  Đầu năm 1947, tín đồ PGHH ở miền tây mạnh mẽ chống lại chủ trương khống trị của Ủy Ban Việt Minh.  Vì không muốn cốt nhục tương tàn cho nên ông đã về miền tây đứng ra hòa giải hầu giữ được sự đoàn kết để duy trì sức mạnh chống thực dân.  Nhưng vì chủ trương, giáo thuyết và ảnh hưởng sâu rộng của ông đối với quần chúng là mối đe dọa rất lớn cho mục tiêu và dã tâm chính trị của những người Cộng Sản cho nên một âm ưu đã được dàn dựng để ám sát ông tại Đốc Vàng ngày 16 tháng 4 năm 1947.  Kết quả là Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, một thanh niên ưu tú của đất nước, có dáng dấp nho nhã của một thư sinh, có phong thái của một nhà hiền triết, có kim ngôn và trái tim vô uý của một đại bồ tát, có gan mật dũng cảm của một chiến tướng trong thời loạn, có khí phách và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo . . . đã đột ngột biến mất khỏi thế gian . . . để lại giấc mơ “thế giới lân hòa hảo, nhà Phật con Tiên hé miệng cười.”[9]  Tuy chỉ đến với thế gian vỏn vẹn 27 năm, nhưng ông đã hiến dâng trọn vẹn những gì ông có thể hiến dâng cho đất nước và cho đạo pháp.  Thời gian ông đến với thế gian tuy ngắn, nhưng di sản ông để lại cho thế gian không ngắn và cũng không nhỏ.  Phật Giáo Hòa Hảo, một trong những cột trụ lớn nâng đỡ đất nước lúc phong ba, là một di sản đáng tự hào của dân tộc và nghìn năm sau vẫn là một tự hào của dân tộc.   Tín đồ biết ơn, và dân tộc cũng biết ơn, cho nên họ sùng bái Ngài, vĩnh viễn sùng bái Ngài.      
                                               
Các nhân vật Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ, Warren Buffet, Dave Packard, George Washington Carver, Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ chỉ là một vài thí dụ điển hình của những người lãnh đạo ưu tú của một thời.  Họ được quần chúng yêu mến vì đã thể hiện những giá trị sống, nguyên tắc sống, phương diện sống, lề lối sống, vân vân được quần chúng chấp nhận và đánh giá cao.  Họ được quần chúng thờ phượng [nghĩa đen hoặc nghĩa bóng] vì tư năng, tư chất, đức tính, cung cách và vị thế xã hội của họ đã tỏa sáng hào quang và làm lợi ích cho muôn người.
Với những con người chủ trương khống trị, có thể họ không cần đức tính tốt để thành công.  Ngược lại họ có thể cho những đức tính tốt là dấu hiệu của sự yếu đuối và bất lợi.  Họ không cần chinh phục người khác.  Họ không cần quần chúng tự nguyện đi theo.  Họ bắt mọi người phải khiếp sợ và làm theo những gì họ muốn.  Nhưng trong những xã hội lành mạnh và thoáng hoạt những đức tính tốt là nền tảng để cho quần chúng đặt niềm tin nơi một người lãnh đạo, người lãnh đạo đúng nghĩa.  Do đó, huân tập thật nhiều đức tính tốt có thể huân tập và mài giũa những đức tính xấu đến độ không còn thấy gai cạnh là điều không thể thiếu trong nỗ lực trau dồi bản thân của những người thích hợp để lãnh đạo.

Trong tiến trình học tập người ta ý thức rõ hơn về sự tương quan của bản thân đối với ngoại giới và chọn lựa cho mình những giá trị sống, nguyên tắc sống, phương diện sống, lề lối sống, vân vân.  Đồng thời người ta cũng ý thức rõ hơn về tư năng, tư chất, đức tính, cung cách và vị thế xã hội của mình.  Và nhờ những ý thức này, người ta có những nỗ lực để trao dồi bản thân.  
Tư năng, tư chất, đức tính, cung cách và vị thế xã hội không hiện hữu độc lập nhau cho nên một nỗ lực cải thiện đáng kể của bất cứ một yếu tố nào trong số đó cũng sẽ nâng những yếu tố khác lên một tầng độ mới cùng với nó.  Giá trị sống, nguyên tắc sống, phương diện sống, lề lối sống không hiện hữu độc lập nhau cho nên một nỗ lực cải thiện đáng kể của bất cứ một yếu tố nào trong số đó cũng sẽ nâng những yếu tố khác lên một tầng độ mới cùng với nó.  
Tư năng, tư chất, đức tính, cung cách và vị thế xã hội cũng không hiện hữu độc lập với giá trị sống, nguyên tắc sống, phương diện sống, lề lối sống.  Chúng liên hệ ràng rịt với nhau cho nên một nỗ lực cải thiện đáng kể của bất cứ một yếu tố nào trong số đó cũng sẽ nâng những yếu tố khác lên một tầng độ mới cùng với nó. 
Làm cho bản thân trở thành một người thích hợp để lãnh đạo và giữ cho bản thân luôn luôn là một người thích hợp để lãnh đạo là một nỗ lực tích cực và là một tiến trình liên tục.  Nó diễn ra trước khi đảm trách vai trò lãnh đạo. Nó diễn ra tích cực hơn và sâu sắc hơn trong lúc đảm trách vai trò lãnh đạo.  Làm cho bản thân đạt tới chỗ “trở thành một người thích hợp để lãnh đạo” gọi là biết dọn mình.  Làm cho bản bản thân đạt tới chỗ “luôn luôn là một người thích hợp để lãnh đạo”  gọi là biết giữ mình.

tiếp theo: Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 8


[1] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, trang 235, xb năm 2000 tại TP HCM, nxb TP HCM
[2] Hà Tiên vào thời đó có tên là Trúc Bằng Thành và còn có tên khác là Phương Thành.
[3] Nguyễn Hữu Hiếu, Chúa Nguyễn và Những Giai Thoại Mở Đất Phương Nam, xb năm 2002 tại TP HCM, nxb Trẻ
[4] Thái Gia Thư.  Mạc Thiên Tứ: Làm Rạng Rỡ Đất Miền Tây Nam Bộ.  Internet 1/3/2007
[5] Trích từ website quinguyen.org.  Diển văn khai mạc của Ban Tổ Chức Đại Lễ Giáng Sinh Dức Hộ Pháp năm thứ 119 tại hải ngoại.
[6] Trích Phật Giáo Hòa Hảo Một Tôn Giáo Dân Tộc của GS. Nguyễn Thành Long (2004) từ website PGHH.org.
[7] Trích từ Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ
[8] Trích từ Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ
[9] Trích từ  Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ

No comments:

Post a Comment