Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (13)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 12


Không Để Rớt Vào
Con Đường Hư Hoại



S
au rốt, biết vận dụng bản thân cũng có nghĩa là không để cho bối cảnh đang vận hành đưa đẩy mình vào con đường hư hoại.  Một người lãnh đạo rất có thể đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại của một người lãnh đạo có thể dẫn đến một kết thúc không vinh quang.  Quan trọng hơn, một người lãnh đạo đi vào con đường hư hoại thường gây ra những hệ lụy trầm trọng cho bản thân, cho gia đình, cho tập thể hoặc cho đất nước mà họ đang lãnh đạo.
Bernard Ebbers bước vào công ty LDDS (Long Distance Discount Services, Inc.) năm 1985 với vai trò Tổng Giám Đốc Tổng Quản Công Ty (CEO).  LDDS được thành lập năm 1983 tại Hattiesburg, Mississippi.  Năm 1989 Bernard Ebbers đưa LDDS lên sàn chứng khoán qua việc sát nhập với công ty Advantage Company Inc..  Rồi công ty được đổi tên thành LDDS WorldCom năm 1995 và sau đó đổi thành WoldCom.  Trong giai đoạn chuyển hoá từ khi còn là công ty LDDS cho tới khi thành đại công ty WorldCom, Bernard Ebbers đã thực hiện một loạt mua và sát nhập công ty trong suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 trong đó gồm có Advanced Communications năm 1992, Metromedia Commu-nication năm 1993, Resurgens Communications Group năm 1993, IDB Commu-nications Group năm 1994, Williams Technology Group năm 1995, và MFS Communications Company năm 1996 trong đó bao gồm cả UUNet Technologies, MCI Communication năm 1997, Compuserve 1998, Sprint 1999, Digex 2001.  Trong những nỗ lực của Bernard Ebbers, lớn nhất là vụ sáp nhập với  MIC Communication và với Sprint.  Tháng 11 năm 1997, công ty WorldCom và công ty MCI Communication tuyên bố sáp nhập vào nhau, với trị giá tổng cộng là 37 tỉ USD, tính tới thời điểm đó thì đây là một vụ sáp nhập công ty lớn nhất lịch sử, đưa đến sự thành hình của công ty MCI WorldCom chính thức đi vào hoạt động với danh nghĩa mới ngày 15 tháng 9 năm 1998.  Rồi tháng 10 năm 1999, MCI WorldCom và Sprint Corporation lại tuyên bố sáp nhập, với tổng giá trị lên đến 129 tỉ USD.  Nếu như không gặp sự phản đối của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và của Liên Hiệp Âu Châu, vì quan ngại sẽ dẫn đến tình huống độc quyền, thì sau vụ sáp nhập này MCI WorldCom sẽ vượt qua AT&T và trở thành là một công ty truyền thông lớn nhất Hoa Kỳ.  Vụ sáp nhập không thành và hai công ty phải tuyên bố hủy bỏ kế hoạch vào tháng 7 năm 2000.  Sau vụ này MCI WorldCom cải tên lại thành WorldCom.  Trên hành trình “mở cõi” đó Bernard Ebbers đã trở thành một “đại gia” nhờ vào nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu của WorlCom.  Tuy nhiên đến thời điểm của năm 2000 thì kỹ nghệ viễn thông bước vào giai đoạn trì trệ, sách lược tăng trưởng bạo (aggressive growth strategy) của WorldCom bị khựng lại sau vụ sát nhập không thành với Sprint, cho nên cổ phiếu của công ty bị rớt giá.  Bernard Ebbers bị đè nặng dưới áp lực tài chánh cá nhân vì đã sử dụng margin calls trên cổ phiếu WorldCom để tài trợ cho những “lạc thú vinh hoa” của mình.  Rồi trong năm 2001, Bernard Ebbers đã thuyết phục được Hội Đồng Giám Đốc của công ty đứng ra bảo chứng và cho ông ta mượn hơn 400 triệu USD từ tài sản của công ty để ông ta cover chổ thiếu hụt của margin calls.  HĐGĐ đồng ý cho ông ta mượn tiền vì muốn ngăn chặn tình trạng cổ phiếu của công ty bị rớt giá sâu hơn, nếu như Bernard Ebbers bị bức bách đến độ phải bán tháo một số lượng lớn cổ phần trong một thời gian ngắn.  Nhưng nỗ lực đó của HĐGĐ không đem lại kết quả mong muốn và cuối cùng là Bernard Ebbers bị đẩy ra khỏi vũ đài lãnh đạo vào tháng 4 năm 2002, thay thế bởi John Sidgmore, cựu Tổng Giám Đốc Tổng Quản Công Ty của UUNet Technologies.   Khoảng thời gian từ giữa năm 1999 cho đến tháng 5 năm 2002, Bernard Ebbers cùng với một số người trong bộ phận quản trị cao cấp của công ty —trong đó có Tổng Giám Đốc Tài Chính (CFO) Scott Sullivan, Tổng Kiểm Quản (Controller) David Myers, Giám Đốc Kế Toán Tổng Quát (Director of General Accounting) Buford “Buddy” Yates— đã sử dụng thủ đoạn gian lận kế toán để đánh bóng kết quả tài chính của WorlCom với mục đích nâng giá cổ phiếu WorldCom.  Trong năm 2002 một nhóm nhỏ thành viên thanh tra nội bộ (internal auditors) đã âm thầm điều tra và khám phá ra 3.8 tỉ USD gian lận.  HĐGĐ (BOD) và Ủy Ban Thanh Tra (Audit Committeee) của công ty được thông báo nội tình và đã nhanh chóng hành động.  Sullivan bị mất việc, Myers từ chức, SEC mở một cuộc điều tra trong tháng 6 năm 2002.  Tới cuối năm 2003, kết quả điều tra ước tính là giá trị của công ty đã được thổi phồng lên và vượt trên giá trị thực khoảng 11 tỉ USD.  WorldCom khai phá sản vào tháng 7 năm 2002, vụ phá sản lớn nhất lịch sử tính tới thời điểm đó.    Ngày 15 tháng 3 năm 2005, Bernard Ebbers bị kết án 25 năm tù với những tội danh “gian lận, âm mưu, và báo cáo không đúng với cơ quan kiểm quản.”  Bản án vĩnh viễn kết thúc sự nghiệp của một người mở cõi cho WorldCom và cũng chính là người bức tử  WorlCom.  Bernard Ebbers, một nhà lãnh đạo kinh doanh có tầm vóc, đã để cho bản thân đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại đã làm hại chính bản thân ông ta, làm hại tới công ty do chính tay ông ta tài bồi, và làm hại tới hàng ngàn nhân viên thuộc cấp. 
Jimmy Lee Swaggart sinh năm 1935 và lớn lên tại thành phố Ferriday của bang Louisiana.  Ở tuổi 17, Swaggart thành hôn với Frances Anderson và sinh đứa con trai đầu lòng, Donnie Swaggart, vào năm 1954.  Ông phải làm nhiều công việc tạp nhạp để kiếm sống.  Trong giai đoạn này ông cũng bắt đầu hát thánh ca “Southern Gospel” cho một số nhà thờ Baptist và Pentecostal chung quanh vùng và lần đường đi vào sự nghiệp giảng đạo.   Năm 1955, trên sàn chiếc “flatbed trailer” cũ của người ta cho, Swaggart đã cống hiến toàn thời gian cho công việc giảng đạo.  Theo hồi ký của Swaggart, ông và vợ con đã sống trong nghèo khó cho đến hết thập niên 1950, giảng đạo ở những nơi hẻo lánh của Louisiana, xoay sở để sinh tồn với 30 USD lợi tức một tuần và có đôi khi phải đi ngũ với cái bụng đói, không có được một ngôi nhà để ở nên phải ở đậu dưới nhà hầm của những nhà thờ hoặc ở tạm nhà của những mục sư hay ở những  nhà ngủ tồi tàn.  Trong thời gian này ông đã dần dần thu hút một số tín đồ và đã vận động họ để phát triển qua chương trình “revival meeting” khắp American South.  Năm 1957 Swaggart ghi danh theo học Bible college.  Năm 1960 ông bắt đầu thu băng nhạc thánh ca trong khi cố gắng thu hút một số thính giả qua những chương trình phát thanh của đạo.  Năm 1961 ông tốt nghiệp Bible college và được thọ phong với Assemblies of God.  Một năm sau ông bắt đầu chương trình giảng đạo trên đài phát thanh.  Đến năm 1969 thì chương trình có tên gọi “The Camp Meeting Hour” của Swaggart phát thanh toàn thời gian trên nhiều trạm phủ sóng khắp vòng đai “Bible Belt” [phần lớn thuộc miền nam US].  Vào khoảng cuối thập niên 1960 Swaggart cũng đã thành lập một nhà thờ tại baton Rouge bang Louisiana lấy tên “The Family Worship Center.”  Thành viên của nhà thờ này từ 40 người năm 1970 tăng lên trên 500 người năm 1975 rồi trên một ngàn người năm 1980.  Trong thập niên 1970 Swaggart mở rộng hoạt động qua những kênh truyền  hình.  Tới năm 1983 thì Jimmy Swaggart đã trở thành là một nhà giảng đạo trên đài truyền hình nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.   Ông ta có hơn 200 trạm phát sóng để đưa chương trình “The Jimmy Swaggart Telecast” đến với hơn 2 triệu gia đình mỗi tuần.  Cũng trong thập niên 1980 chương trình Telecast của Jimmy Swaggart đã có lúc từng phát sóng trên 3000 trạm và hệ thống cáp mỗi tuần với số lượng 8 triệu người nghe xem tại Hoa Kỳ và 500 triệu người trên toàn thế giới, căn cứ theo nội dung của trang web jsm.org.  Rồi năm 1988 một vụ tai tiếng tình dục nỗ ra, bắt nguồn  từ sự trả thù của mục sư Marvin Gorman, một thành viên trong mục sư đoàn của Assemblies of God.  Marvin Gorman từng bị tố cáo là đã nhiều lần ngoại tình.  Năm 1986, Swaggart công khai phơi bày chuyện của Gorman ra trước công chúng.  Để trả thù Gorman mướn người theo dõi và lén chụp hình “bí mật” của Swaggart.  Rồi ngày 16 tháng 2 năm 1988, Gorman công bố bằng chứng phạm tội mua dâm của Swaggart “trong phòng số 7 với Debra Murphree ở Travel Inn trên đường Airline Highway tại thành phố New Orlean.”  Đến ngày 21 thì Swaggart công khai thú tội, với câu nói nổi tiếng “I have sinned against you, my Lord, and I would ask that your precious blood would wash and cleanse every stain until it is in the seas of God's forgiveness."  Jimmy Swaggart, một con người tài hoa vươn lên từ nghèo đói, từ tay không dựng được cho riêng mình một vương quốc, đã để cho bản thân rớt vào con dường hư hoại.  Jimmy Swaggart, một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi danh khắp cả thế giới, đã để cho bản thân rớt vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại không những làm hại bản thân ông mà còn gây thiệt hại uy tín và tài chính cho những giáo hội Tin Lành tại Hoa Kỳ và tàn phá không ít đức tin của tín đồ Tin Lành.    
Richard Milhous Nixon là vị Phó Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ từ năm 1953 cho tới năm 1961 và là vị Tổng Thống thứ 37 từ năm 1969 cho đến năm 1974.  Ông là người duy nhất hai lần đắc cử vị trí Phó Tổng Thống cộng hai lần đắc cử vị trí Tổng Thống và cũng là vị nguyên thủ duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ bị buộc phải từ chức.   Sinh tại Yorba Linda bang California năm 1913, tốt nghiệp ngành luật tại Đại Học Duke năm 1937, gia nhập quân lực sau sự kiện Pearl Habor bị tấn công, trong lúc đang hành nghề tại La Habra, rồi tham dự vào Đệ Nhị Thế Chiến và leo lên tới chức Thiếu Tá Hải Quân.  Sau cuộc chiến, Nixon tham gia vào chính trường và đắc cử vào Hạ Viện năm 1946 rồi vào Thượng Viện năm 1950.   Sau đó ông lại được Đảng Cộng Hoà chọn đứng chung liên danh với Dwight D. Eisenhower để rồi thắng cử trong năm 1952 và trở vị Phó Tổng Thống trẻ tuổi nhất của đất nước.  Năm 1960 Nixon tranh cử Tổng Thống với John F. Kenedy và thua với số phiếu khít khao.  Năm 1962 Nixon tranh cử chức vụ Thống Đốc California nhưng bị thua thêm một lần nữa.  Sau một thời gian ngắn “rút lui” khỏi chính trường, Nixon lại tái xuất và đắc cử chức vụ Tổng Thống năm 1968 và tái đắc cử vào năm 1972, với khoảng cách số phiếu cao nhất lịch sử là 23.2% (hơn 18 triệu lá phiếu) so với đối thủ là Thượng Nghị Sĩ George McGovern.  Bước vào Tòa Bạch Ốc trong thời điểm đỉnh của Cuộc Chiến Tranh Lạnh mà Việt Nam là một địa bàn chiến lược Nixon cần phải dàn xếp.  Đầu tiên ông đã cho leo thang cường độ chiến tranh Việt Nam nhưng sau đó lại cho triệt thoái dần binh sĩ Hoa Kỳ và đàm phán với Hà Nội.  Một mặt khác Nixon ngầm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và công khai tới viếng thăm Bắc Kinh năm 1972, chính thức mở ra một đối sách mới của Hoa Kỳ, cái được gọi là Strategic Engagement Policy.  Và, là một hệ quả đương nhiên, Hoa Kỳ ký hiệp ước ngừng bắn với Hà Nội năm 1973 rồi sau đó là triệt thoái tất cả binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.  Với Liên Bang Xô Viết , Nixon cũng đã chủ động Détente (разрядка/ razryadka) và ký kết  Anti-Ballistic Missle Treaty.   Về mặt nội trị, Nixon đã ban hành những chính sách kinh tế mới, đưa tới việc hủy bỏ “gold standard” và việc thiết lập “wage and price control.”   Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Nixon  đối diện với khủng hoảng từ nhiều mặt.  Kinh tế  của quốc gia nằm trong  giai đoạn khó khăn.  Xã hội căng thẳng với những cuộc biểu tình chống chiến tranh.  Và một loạt tai tiếng chính trị lại nỗ ra đúng lúc, vụ Watergate.  Chính vụ tai tiếng này đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Richard Nixon.  Câu chuyện khởi đầu từ một vụ bắt giữ 5 người đã lén lút xâm nhập vào bộ chỉ huy của DNC (Democratic National Committee) toạ lạc trong một cao ốc [vừa là văn phòng, vừa là chung cư, vừa là khách sạn] mang tên WaterGate vào ngày 17 tháng 6 năm 1972.  Rồi những cuộc điều tra của FBI, của Senate WaterGate Committee, của House Judiciary Committee, và của báo chí đã phơi bày một loạt hành vi phạm pháp do “bộ tham mưu” của Nixon chủ động.  Trong số những tội danh  bao gồm: lừa đảo tranh cử, sử dụng mật vụ chính trị, ngấm ngầm phá hoại, xâm nhập bất hợp pháp, đặt máy nghe lén, bí mật phạm pháp tổ chức và sử dụng quỹ bôi trơn (slush fund) để mua chuộc những đối tượng trong tầm ngắm, dùng tiền để bịt miệng (hush money) những nhân chứng.  Sau hai năm dài, với những bằng chứng càng lúc càng nhiều và càng rõ trong đó có cả băng ghi âm những cuộc đàm thoại của chính Nixon với những nhân vật trong ban tham mưu của ông và trở thành là bằng chứng buộc tội [“the Smoking Gun”], sự thật cho thấy Nixon đã cố ý che dấu những hành động phi pháp và cản trở công lý.  Với một Hạ Viện sẳn sàng để truất phế Tổng Thống và một Thượng Viện sẳn sàng để  kết án, Nixon đã không còn con đường khác để lựa chọn.  Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Richard Nixon công bố từ chức.  Phó Tổng Thống Gerald Ford lập tức tiếp nhận chức vụ Tổng Thống và sau đó, ngày 8 tháng 9 năm 1974, đã ban hành  lệnh ân xá cho Richard Nixon, nhờ vậy mà ông không bị truy tố.  Một vị Tổng Thống tầm vóc của Hoa Kỳ đã để cho mình rớt vào con đường hư hoại.  Sự lạm dụng quyền lực hành pháp của Nixon, và những thủ đoạn đen tối đi kèm theo đó, không những chấm dứt sự nghiệp chính trị của riêng ông một cách thảm hại mà còn để lại cho người dân Hoa Kỳ một vết thương khó lành trong tâm thức chính trị.             
            Đinh Tiên Hoàng, tên húy là Bộ Lĩnh, là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay là tỉnh Ninh Bình, con của Thứ Sử châu Hoan tên Đinh Công Trứ.   Đinh Bộ Lĩnh có tài năng, sáng suốt hơn người, và vô cùng dũng cảm mưu lược.   Đương thời 12 sứ quân tự xưng hùng trưởng, mỗi người chiếm cứ một phương, Đinh Bộ Lĩnh khởi binh đánh dẹp.  Ông đánh đâu thắng đó nên vang danh là Vạn Thắng Vương.  Dẹp xong loạn sứ quân ông lên ngôi làm vua, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, dựng đô mới, đp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.  Ông được coi là một vì quân chủ tài ba.[1]  Nhưng về sau Đinh Tiên Hoàng lại đam mê tửu dục, bỏ bê triều chính, xử việc bất minh gián tiếp gây ra cảnh anh giết em vì tranh ngôi vị.  Cuối cùng ông bị ám sát chết, cùng với con là Nam Việt Vương Đinh Liễn, trong lúc đang say mèm nằm ngủ ngoài sân.  Vệ Vương Đinh Tuệ, con của Dương Thị, được lập lên làm vua lúc mới 6 tuổi.  Vì vua còn quá nhỏ nên Dương Thái Hậu phải cùng lâm triều dùng Nguyễn Bặt, Đinh Điền và Lê Hoàn làm phụ chính.  Rồi tranh chấp quyền lực nội bộ xảy ra, đưa đến việc động binh hao tổn máu xương của tướng lãnh và dân binh, tạo cơ hội cho nước Tống dấy quân xâm lấn.  Đến khi Dương Thái Hậu giúp cho Lê Hoàn lên ngôi làm vua, mở ra một triều đại mới, mọi sự mới yên từ đó.  Một ông vua dựng nước, một chiến tướng trăm trận trăm thắng, một người lãnh đạo lỗi lạc nhưng sau lại để hoàn cảnh đẩy đưa vào đường hư hoại làm cho đại nghiệp bị diệt vong và bá tánh bị một phen dầu sôi lửa bỏng.
            Trong ngày Hội Thề tại Lũng Nhai, vào đầu tháng 2 năm 1416, Lê Lợi cùng Lê Lai, Nguyễn Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Hiểm, Lê Ninh, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Lê Bồi, Nguyễn Lý, Đinh Lan, Trương Chiến đã minh thệ rằng “Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng nguyện kết tình thân như một tổ liền cành, phận vinh hiển dẫu có khác nhau, nghĩa vẫn thắm như chung một họ. . . . Quân bằng đảng xâm lấn, vượt cửa quan làm hại, cho nên, Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, cùng chung sức chung lòng, giữ cho đất nước được yên, khiến xóm làng được ổn, thề sống chết có nhau, không dám quên lời thề son sắt . . .”[2]  Ngày 7 tháng 2 năm 1418, Lam Sơn đã long trọng làm lễ xuất binh.  Bình Định Vương sát cánh với 35 võ tướng, vài quan văn, cùng với quân thiết đột, nghĩa sĩ, dũng sĩ, tổng cộng trên dưới khoảng hai ngàn, cùng 14 voi chiến, từ đó lăn mình vào gió bão kháng chiến ròng rã suốt 10 năm.  Trên đoạn đường sinh tử đó nào là “trận Đồ Bàn sấm vang chớp giật, trận Trà Lân trúc chẻ tro bay,” nào là “Ninh Kiều máu chảy đầy sông, tanh hôi muôn dậm, Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu,” nào là “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông,” nào là “Lạng Sơn, Lạng Giang thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước,” nào là “Lãnh Câu máu chảy thấm dòng, nước sông ấm ức, Đan Xá thây chồng thành núi, cỏ nội nhuốm hồng.”  Và sau cùng thì Bình Định Vương cùng quân dân Đại Việt quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi.  Rồi ngày 14 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng Đế, mở ra triều đại hậu Lê từ đó.  Sau khi lên ngôi Lê Thái Tổ đã xây dựng một bộ máy chính quyền quan lại và những người dự phần là những người có công lao trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng đất nước.  Những đại thần đa số là những thiên tài quân sự có thành tích lẫy lừng.  Đến ngày 22 tháng 8 năm 1433, vua từ giã cuộc đời.  Chỉ ở ngôi vỏn vẹn có 6 năm.  Nhưng đáng tiếc trong 6 năm ngắn ngủi đó, Hoàng Đế Lê Thái Tổ đã giết chết hai vị công thần của Bình Định Vương Lê Lợi là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, hai vị anh hùng của dân tộc, hai con người tài kiêm văn võ đức hạnh song toàn, hai đồng chí đã cùng Lê Lợi vào sinh ra tử trường chinh suốt 10 năm, hai con người đã góp phần rất lớn mang lại vinh quang cho đất nước và mang lại vương nghiệp cho Lê Thái Tổ.  Phạm Văn Xảo là người tài trí vượt bậc.  Phạm Văn Xảo là một trong bốn vị tướng chỉ huy cao cấp nhất và lập công lớn nhất trong trận đánh chiến lược Tốt Động-Chúc Động.  Phạm Văn Xảo là tướng chỉ huy lực lượng đánh chặn 5 vạn quân của Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, góp phần to lớn vào thắng lợi của trận đánh chiến lược Chi Lăng-Xương Giang đập tan hy vọng sau cùng của Vương Thông.  Phạm Văn Xảo được khắc tên trong danh sách khai quốc công thần, đứng hàng thứ ba.  Phạm Văn Xảo được ban quốc tính họ Lê và phong hàm Thái Phó, tước Huyện Thượng Hầu.  Tên Phạm Văn Xảo vang dội khắp nơi.  Thế mà chưa kịp phủi hết bụi chiến trường thì Phạm Văn Xảo đã bị Lê Thái Tổ hạ chỉ giết chết.  Còn Trần Nguyên Hãn, hậu duệ của Trần Quang Khải, cháu nội của Trần Nguyên Đáng, anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, là một con người có học thức và giỏi binh pháp.  Trần Nguyên Hãn là một trong những võ tướng siêu quần của Lê Lợi.  Trong suốt cuộc trường chinh cứu nước, Trần Nguyên Hãn là thiên tướng uy nghi lẫm liệt của kháng chiến quân, là hung thần ác sát của giặc.  Trong Hội Thề Đông Quan, Trần Nguyên Hãn là một trong những đại diện của Lam Sơn, và tên ông được xếp ngay sau tên Lê Lợi.  Trần Nguyên Hãn được ban quốc tính họ Lê và phong chức Tướng Quốc.  Tuy được phong thưởng trọng hậu nhưng ông không tham phú quý và xin từ quan về ẩn cư quê nhà.  Chưa kịp an hưởng những ngày tháng tự tại thì Trần Nguyên Hãn đã phải nhận lấy một cái chết đầy oan ức. Nói về hai vụ án này, sử gia đã viết:  “Nguyên do là bởi vua Lê Thái Tổ tuổi cũng đã khá cao lại lắm bệnh . . . Hoàng Tử Lê Nguyên Long còn quá nhỏ, trong lúc đó Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đều là những bậc khai quốc công thần, lắm công lao, được người đời trọng vọng.  Trần Nguyên Hãn vốn là dòng dõi quý tộc họ Trần xưa, Phạm Văn Xảo là người kinh thành Thăng Long, Thái Tổ lo rằng nếu ông vua nhỏ tuổi lên cầm quyền thì những người này sẽ nuôi chí khác, cho nên, bề ngoài tuy tỏ ra trọng vọng, nhưng bên trong thì vẫn chất chứa nghi ngờ.  Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Chí, Trình Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí và Lê Đức Dư đoán biết được ý vua liền tranh nhau dâng mật sớ lên, khuyên vua phải quyết trừ bỏ đi.  Những ai mà chúng không bằng lòng đều bị chúng vu là bè đảng của Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, bị đem ra xét xử và bị cầm tù rất đông.  Các quan ai ai cũng đều sợ miệng lưỡi của chúng.  Sau này, vua Lê Thái Tổ hối hận, thương hại những người ấy bị giết oan, lại biết rõ bọn Lê Quốc Chí đều chỉ là hạng tiểu nhân xảo quyệt, nên rất ghét chúng, khiến chúng đều bị đuổi.  Vua xuống chiếu cho trăm quan biết rằng bọn [họ] . . . dẫu có tài cán cũng không được dùng lại nữa. Trong đám bề tôi, giá thử có kẻ làm phản, cần phải tố cáo, thì cũng không cho bọn chúng được quyền tố cáo.  Dư luận lúc ấy không ai không thuận cả.”  Với một bản lĩnh lãnh đạo già dặn như Lê Lợi, bè lũ vụng tài đó làm sao có thể mọc lên được trước mắt ông, ngoại trừ chính ông đã cuốc đất, gieo hạt và tưới nước?  Bản thân Lê Lợi không e ngại hai nhân vật này.  Ông chỉ e ngại giùm cho Hoàng Tử Lê Nguyên Long sau khi ông lìa thế.  Vì muốn bảo vệ cái ngai vàng cho đứa con trai bé bỏng này, Lê Thái Tổ Hoàng Đế đã thâm độc bày trò “lầm lẫn nghe lời gian thần khuynh đảo” để có cớ diệt trừ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo trước, hai cá nhân có đủ tầm vóc và hậu thuẫn khả dĩ có thể ngồi trên chiếc ngai ông đang ngồi, chiếc ngai mà trước đây không lâu thuộc về họ Trần.  Cái vòng tay bao trùm thiên hạ nhờ biết “đem đại nghĩa diệt hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của Bình Định Vương thuở trước giờ chỉ còn đủ lớn để ôm lấy cái ngai vàng phù phiếm.  Con tim Hội Thề Lũng Nhai của Bình Định Vương Lê Lợi cũng không còn sắc son chi cho lắm, vì bên trong đã chứa đựng quá nhiều toan tính cá kỷ.  Trên cái ngai vàng đó chỉ còn sót lại một Hoàng Đế Lê Thái Tổ bệnh hoạn, già nua và thiếu bao dung, nếu không muốn nói là thâm hiểm.  Chưa hết, trong cái đen tối của những toan tính, Lê Thái Tổ không những đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, không những đã ra lệnh đày ải giam cầm Nguyễn Trãi và hàng trăm người khác, ông còn hủy diệt luôn cuộc đời của Quốc Vương Lê Tư Tề, đứa con trai trưởng đã cùng ông vào sanh ra tử trong suốt 10 năm kháng chiến, đứa con mà người mẹ của hắn đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong những ngày đầu khởi nghĩa đã gởi lại cho ông, đứa con mà sự ra đời của nó là kết tinh của một cuộc tình trong sáng và hào hùng, đứa con mà ông đã từng đặt nhiều kỳ vọng, đứa con mà sử gia nhận xét là “một vị anh hùng chống Minh đầy công đức, uy tín, hoàn toàn xứng đáng được nối ngôi . . . lại bị hạ bệ để đưa con người vợ thứ . . . là Lê Nguyên Long, tóc còn để chỏm, không chút công lao nào . . .”[3]  Nhận xét về Lê Thái Tổ, Tể Tướng Đinh Liệt cũng đã từng viết “Trong thuở hàn vi bừng sáng nghĩa.  Hòa bình hạnh phúc dễ mờ nhân.  Cầm cân mà để cân sai lệch.  Nát đạo cha con tối nghĩa thần.”  Xem ra, những ngày cuối đời của Lê Lợi đã để cho mình rớt vào con đường hư hoại.  Chẳng trách sao những ngày kế tiếp của triều hậu Lê đầy những bất an và máu lệ thanh trừng.
            Trần Minh Tông, con của Thái Thượng Hoàng Trần Anh Tông và Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu, được sử gia đánh giá là một vì minh quân có tài lãnh đạo.  “[Trần Minh Tông] biết phân định những điểm yếu điểm mạnh trong khoa học quân sự. Biết ưu thế của từng thế lực khi ra quân chinh phạt, do đó tướng sĩ được yên tâm khi dấn thân vào trận mạc. . . . Minh Tông cũng thông cảm với nỗi khổ của nhân dân. . . . Quá trình làm vua Minh Tông Hoàng Đế lo lắng sửa sang công việc nội trị ngày càng làm rạng rỡ tổ tông, đem văn minh về cho nước. Ông là người có tấm lòng trung hậu, biết lo xa cho nước và cho cả hoàng tộc. Chăm chú dạy dỗ các hoàng tử, lấy điều hay để khích lệ, đem việc dở để ngăn ngừa, hy vọng đội ngũ kế cận sẽ là vua hiền tướng giỏi. Với trăm quan ông không thiên vị và rất trọng hiền tài, khuyên dạy hoặc nghiêm trị đối với mọi hành vi tham ô, tắc trách trong công việc, kể cả tư thế, cách phát ngôn mong cho giềng mối được vững bền, quần thần của đế triều tốt đẹp. Ông còn là người coi nhẹ ngôi vị đế vương. . . . Đức sáng của Minh Tông là như vậy. . . . Minh Tông ở ngôi 15 năm, 28 năm làm Thái Thượng Hoàng là người đã bảo đảm cho bờ cõi bình yên, mềm dẻo nhưng cương quyết trong đối ngoại, nho học được đề cao, phật học được giảm dần (ông cấm các Hoàng Tử không được đi tu). Vua tôi lão thành và tuổi trẻ đều thi thố tài năng, cống hiến cho đất nước.”[4]  Thế nhưng vào năm 1328, lúc sắp nhường ngôi, Trần Minh Tông đã “mắc phải một sai lầm rất đáng tiếc. Sai lầm này mãi mãi ám ảnh ông, khiến ông phải ngậm ngùi đau khổ.”  Trần Minh Tông đã nghe theo lời vu cáo “âm mưu làm phản” của kẻ gian nên bắt tống ngục cha vợ là Quốc Chẩn, cùng 100 người khác, và bỏ đói Quốc Chẩn cho đến chết.  Và chưa hết, “cuối đời của [Trần Nhân Tông] phe phái nảy sinh, thanh toán lẫn nhau vua không còn sáng suốt khiến suốt đời ôm hận.”[5]  Tại sao một vị minh quân có tài lãnh đạo lại có một kết cục đáng tiếc?  Phải chăng nguyên nhân sâu xa nhất là ông đã theo đuổi sách lược “nho học được đề cao, Phật học giảm dần,” một bước ngoặt của Trần triều, một định vị mới cho văn hóa và (culture shift) và văn trị?  Ông tôn vinh nho học đến độ “nghiêm trị . . . kể cả tư thế, cách phát ngôn.”  Hình như những đặc tính bình dị, bao dung, từ hòa của các vị vua quan nhà Trần “nặng mùi thiền” trước đó đã không đủ sức thuyết phục Trần Minh Tông.  Chả trách ông đã vội vã nghiêm trị cả cha vợ của mình trước khi làm cho sáng tỏ sự việc.  Và hình như cái chủ thuyết “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông và sự nghiệp võ công văn trị dựa trên chủ thuyết đó của người trước đã không đủ sức thuyết phục Trần Minh Tông.  Ông muốn nhìn thấy “tuổi trẻ và lão thành đều thi thố tài năng, cống hiến cho đất nước” theo quan điểm nho gia.  Ông thực hiện được ước muốn của mình.  Điều đáng buồn là nó vượt xa hơn thế. Quần thần của ông đã hăng say tranh đua lập công đến độ “bè phái nảy sinh, thanh toán lẫn nhau.”  Phải chăng đây là những hậu quả ngoài sự tiên liệu (unintended consequences)?  Và trong bài Việt Giới do Trần Minh Tông sáng tác đã làm cho người đọc phải đặt dấu hỏi về cái tư duy sâu kín của ông bên sau ngôn ngữ ông sử dụng: “Tư minh tương tiếp giới.  Chỉ cách Mã Ngưu phong.   Ngôn ngữ vô đa biệt.  Y quan bất khả đồng.  Nguyệt sinh giao thất lãnh.  Nhật lạc ngạc đàm không.  Khẳng hạn Hoa Di ngoại.  Tề đăng thọ vực chung.”  Dịch ra là: “Tư minh nơi biên giới.  Cách trở chẳng bao xa.  Tiếng nói hơi khác biệt.  Áo khăn cũng chẳng đồng.  Trăng lên đầm giao lạnh.  Sương tà vũng sấu quang.  Hoa Di nào phân biệt.  Cõi thọ ắt cùng lên.”  Tại sao là “Hoa Di” mà không là Hoa Việt hay Việt Hoa?  Đất nước triều Trần là đất nước Đại Việt mà.  Phải chăng ông đã tôn sùng văn hóa Bắc phương đến độ nghim nhiên chấp nhận hai chữ “man di” mà bọn người phương Bắc đã ngạo mạn đóng dấu lên mặt dân Việt?  Chẳng trách sao ông đã nhiệt tình theo đuổi chính sách “nho học được đề cao, Phật học giảm dần.”  Dầu muốn hay không muốn chấp nhận thì sự thật vẫn cho thấy Trần Minh Tông chính là một công trình sư đã đưa Trần triều bước qua một ngả rẽ.  Và từ ngả rẽ này về sau là một chuỗi dài của những bất hạnh dẫn đến sự tàn lụi của Trần triều.  Trần Minh Tông đã để cho bối cảnh vận hành dẫn ông vào con đường hư hoại, một sự hư hoại vi tế.

Những thí dụ trên cho thấy một người lãnh đạo có thể đi vào con đường hư hoại.  Sự hư hoại có thể diễn ra dưới những hình thức thô phù, như là hư hoại tư cách cá nhân.  Hoặc sự hư hoại có thể diễn ra dưới những hình thức tinh vi hơn, như là sự hư hoại lý tưởng hoặc hư hoại đức tin, và sự hư hoại đó được phóng hiện qua những chính sách hay những pháp lệnh dường như hợp lý và đúng đắn.
    


[1] Sử gia Lê Văn Hưu viết “có lẽ ý trời vì đất Việt ta mà lại sinh bật thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?” Trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trang 59.
[2] Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam Tập 2, trang 19, xb năm 2004 tại TP HCM, nxb Giáo Dục
[3] Đinh Công Vĩ, Các Bậc Khai Quốc Triều Lê, trang 30, xb năm 2003 tại TP HN, nxbVăn Hóa Thông Tin
[4] Trường Khánh, Hoàng Đế Triều Trần: Cội Nguồn, Ấn Tượng Dân Gian, trang 129-143, xb năm 2003 tại TP HN, nxb Văn Hoá Dân Tộc
[5] Trường Khánh, Hoàng Đế Triều Trần: Cội Nguồn, Ấn Tượng Dân Gian, trang 129-143, xb năm 2003 tại TP HN, nxb Văn Hoá Dân Tộc

No comments:

Post a Comment