Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (2)



Những Hoang Đường
Trong Vấn Đề Lãnh Đạo



N
gười ta thường gán ghép một cách sai lầm danh xưng lãnh đạo cho những kẻ khống trị.  Nếu hai chữ lãnh đạo được đặt trên một cực của trục định nghĩa thì cực còn lại được dành cho hai chữ khống trị.  Kẻ khống trị là kẻ biết vận dụng những phương tiện khủng bố để cưỡng bức cá nhân, tập thể, hay quần chúng đi vào bại lộ và chấp nhận sự áp chế.  Với định nghĩa này chúng ta không thể gọi tập đoàn giáo sĩ Taliban là những người lãnh đạo đất nước Afghanistan.  Không thể gọi Saddam Hussen là người lãnh đạo Iraq.  Không thể gọi Polpot là những người lãnh đạo đất nước Kampuchia.  Không thể gọi Idi Amin Dada Oumee là người lãnh đạo đất nước Uganda.  Không thể gọi Ate Pavelic là những người lãnh đạo đất nước Croatia.  Không thể gọi Slobodan Milosevic là người lãnh đạo đất nước Serbia.  Họ thực sự chỉ là những kẻ khống trị đất nước của họ bằng bạo lực có hệ thống và đạt hiệu quả họ mong muốn, đúng với định nghĩa dành cho kẻ khống trị.  Và càng chắc chắn hơn là không thể gọi những tên lãnh chúa chiến tranh như Ali Mahdi Mohammed, Hassan Mohamed Nur Shargudud, Mohammed Farah Aidid, Hussein Mohammed Aidid, Musa Sudi Yalahow, hoặc Abdullahi Yusuf Ahmed là những người lãnh đạo đất nước Somalia.  Họ chỉ là những tên “đầu sỏ” của đám loạn quân sát nhân gieo rắc khủng bố trên chính mảnh đất của đất nước họ.  Trong chiều hướng nhân loại càng ngày càng tiến về con đường nhân bản cao độ, song hành với khoa học kỹ thuật tiến về những chân trời chưa khai mở, sự phân định chỗ đứng cho những người lãnh đạo và những kẻ khống trị sẽ ngày càng rõ rệt.  Lãnh đạo là nghệ thuật và khoa học nâng đỡ sự sống còn khống trị là nghệ thuật và khoa học áp đặt sự chết.  Phân định rõ giữa lãnh đạo và khống trị không phải là điều mới lạ.  Lão Tử đã từng thuyết “dĩ đạo tá nhân chủ dả bất dĩ binh cường thiên hạ[1] cho nên người lãnh đạo đúng nghĩa không dùng bạo lực để cưởng bức người.  Càng rõ hơn khi ngài nói “thị lạc sát nhân, phù lạc sát nhân dả, tắc bất khả dĩ đắc chi ư thiên hạ mỹ.”  Kẻ “khát máu tươi” làm cho thiên hạ hoảng kinh thì “đừng hòng lãnh đạo.”[2]  Mà kẻ đã là làm cho thiên hạ hoảng kinh thì chỉ xứng đáng với danh xưng khống trị.        
Người ta thường gán ghép một cách bất cẩn danh xưng lãnh đạo cho những người cầm quyền một đất nước (leaders v/s government officers).  Thực ra một quan chức đang cầm quyền đất nước có thể là một người lãnh đạo, có thể là một kẻ khống trị, có thể là một cá nhân thể hiện một phần khống trị và một phần lãnh đạo dưới một cấp độ tổng hợp nào đó, hoặc cũng có thể là một người chẳng thể hiện những đặc tính lãnh đạo hoặc khống trị.  Vì vậy, những người đang ở cương vị cầm quyền nên được gọi đúng với chức vụ của họ, hoặc gọi chung là giới chức của nhà cầm quyền, trừ khi có lý do xác đáng để tặng mỹ hiệu lãnh đạo cho những người cầm quyền đó. 
Người ta thường gán ghép một cách bất cẩn danh xưng lãnh đạo cho những người cầm quyền quản trị trong một công ty doanh thương (leaders v/s business managers).  Cũng giống như những người cầm quyền một đất nước, một viên chức quản trị công ty doanh thương có thể rất xứng đáng được gọi là một người lãnh đạo cũng có thể không xứng đáng một chút nào với danh xưng đó.  Trên căn bản, những viên chức quản trị và tất cả nhân viên trực thuộc đều là những người được mướn vào làm việc cho công ty nhưng khác nhau ở chỗ những viên chức quản trị được đặt vào vai trò chỉ huy và những người trực thuộc phải tuân hành.  Nhân viên “phải tuân hành” theo mọi chỉ thị của viên chức chỉ huy, dầu muốn hay không muốn, dầu đồng ý hay không đồng ý, ngoại trừ những quyết định vi phạm luật pháp của quốc gia và luật lệ của công ty, vì đó là “khế  ước” đương nhiên giữa nhân viên và công ty.  Vì vậy, những người đang nắm giữ một chức vụ quản trị trong một công ty doanh thương nên được gọi đúng với chức vụ của họ, hoặc gọi chung là những người quản trị công ty, trừ khi có lý do xác đáng để tặng họ mỹ hiệu là người lãnh đạo. 
Tương tự, người ta thường lạm dụng danh xưng lãnh đạo để gán cho những người cầm quyền quân sự (military commanding officers).  Những người chỉ huy một lực lượng quân sự có thể là một người lãnh đạo đúng nghĩa.  Tuy nhiên vì công việc binh bị là công việc của chiến tranh cho nên những người cầm quyền quân sự có khuynh hướng sử dụng những phương tiện hoặc thể hiện những đặc tính có thể nói gần với khống trị hơn là lãnh đạo.  Do đó, trên căn bản, họ nên được gọi đúng với cấp bực của họ hoặc gọi chung là những người chỉ huy quân sự thì đúng hơn, trừ khi có lý do xác đáng để tặng họ mỹ hiệu là người lãnh đạo.
Và, không thiếu người đã ngộ nhận những nhân vật nổi danh là những nhân vật lãnh đạo.  Dầu rằng họ có thể là một tài năng lớn trong lãnh vực hoạt động của họ và nhận được sự hâm mộ của quần chúng một cách rộng rãi nhưng không vì đó mà có thể cho rằng họ là những người lãnh đạo.  Sự vây quanh của quần chúng dành cho một người tài hoa mà quần chúng hâm mộ khác xa với sự vây quanh của quần chúng dành cho một người lãnh đạo mà quần chúng đi theo.  Cái làm nên sự khác biệt nằm trong định nghĩa thế nào là người lãnh đạo, ít ra là theo cách nhìn của tác giả.    
            Có người cho rằng tài năng lãnh đạo là do thiên phú hoặc cho rằng trời sanh ra hạng người lãnh đạo để dẫn dắt thiên hạ.  Nếu không có cái khiếu tự nhiên do trời sanh đó thì không thể trở thành người lãnh đạo.  Không còn gì sai lầm hơn và nguy hiểm hơn với ý nghĩ này.  Sai lầm là vì tuy rằng thiên khiếu có ảnh hưởng một phần nhưng không vì đó mà có thể phủ nhận khả năng trau dồi và học hỏi để trở thành một người lãnh đạo đúng nghĩa hoặc là để trở thành một người lãnh đạo giỏi hơn trước.  Đó là chưa nói tới cái gọi là “thiên khiếu” thực ra có thể chỉ là sản phẩm học từ trường đời hoặc học từ trong gia đình khi còn bé.  Và nếu như thực sự không thể học hỏi được thì bộ môn nghiên cứu về vấn đề lãnh đạo sẽ không cần thiết nữa và những chữ “khoa học lãnh đạo” nên biến đi. Nguy hiểm là vì nó làm cho người ta bị ảo tưởng là “cái máu lãnh tụ” có thể thay thế cho “bản lĩnh chân truyền” rồi từ đó tự bịt tai bịt mắt, tự hài lòng, tự phát tán “nghệ thuật lãnh đạo” cho thuộc hạ theo gót rồi cả đám cùng nhau đẩy tập thể, tổ chức, xã hội, đất nước tới bờ vực.
Không ít người đã tin rằng chỉ có những người có địa vị cao nhất trong một tổ chức hoặc trong một quốc gia mới xứng đáng nhận lãnh hai chữ lãnh đạo.  Và chỉ có những người này [những lãnh tụ] mới có quyền lãnh đạo tổ chức hoặc lãnh đạo đất nước.  Vì thế, nhất là trong những giai đoạn đen tối của lịch sử, người ta thường giữ thái độ ngồi yên để chờ đợi ai đó, một vị minh quân hay một đấng thánh nhân nào đó, ra đời để làm công việc lãnh đạo đất nước và giải quyết giùm những vấn nạn xã hội.  Suy nghĩ này không lành mạnh vì nhiều lý do.  Thứ nhất là người ta có khuynh hướng “khoán trắng” mọi việc vào trong tay một số người ít ỏi và trở nên vô trách nhiệm trước những diễn biến chi phối đến đời sống hoặc vận mệnh của cá nhân, của gia đình, của tổ chức, của quốc gia hay của cả thế giới.  Thứ hai là người ta gián tiếp chấp nhận thái độ “những con mãnh hổ không thể sống chung một rừng, những con gà chọi không thể úp chung một bội “ đưa tới chỗ chia chẽ phân hóa hoặc tới chỗ không thể kết hợp được.  Thứ ba là người ta gián tiếp khuyến khích tình trạng độc quyền lãnh đạo [vì sự khoán trắng và tính cách vô trách nhiệm của đại đa số đã gián tiếp cho phép họ làm điều đó].  Và khi mà một tập thể, một tổ chức, một đất nước, một xã hội đã để cho tình trạng độc quyền lãnh đạo xảy ra thì cơ chế và hệ thống lãnh đạo của tập thể/ tổ chức/ đất nước/ xã hội đó đã biến thành là cơ chế và hệ thống khống trị.  Trong những xã hội thoáng hoạt (open societies) ở quá khứ cũng như vào thời điểm hiện tại, những người lãnh đạo đúng nghĩa có mặt ở mọi cấp độ và công việc lãnh đạo được thực hiện ở mọi cấp độ.  Công việc lãnh đạo không dành riêng cho một người trên đỉnh.  Trong những xã hội thoáng hoạt người ta sốt sắng hướng về việc tổ chức và làm cho kiện toàn hệ thống lãnh đạo (leadership system) để nhờ vào đó năng lực của mỗi và mọi cá nhân nằm trong tầm ảnh hưởng của hệ thống lãnh đạo đó được vận dụng một cách hiệu quả nhằm giải quyết mọi vấn đề được quan tâm tới ở mức hiệu năng cao (high level of efficiency and effectiveness).  Nhiều người sẽ có cơ hội để thể hiện tài năng lãnh đạo của mình ở cấp độ mình đang đứng.  Người ta hăng say tham dự vào công việc lãnh đạo và hãnh diện với vai trò của mình dầu ở bất cứ cấp độ nào.  Người ta hưởng ứng với một tinh thần lành mạnh, không tự tôn cũng chẳng hề tự ti.  Người ta hiểu rõ (1) bất cứ một người lãnh đạo nào trên mặt đất này cũng có lúc đã từng đi theo sự lãnh đạo của người khác và (2) chưa có một người chỉ huy giỏi nào trên mặt đất này chưa từng là người tuân hành giỏi hoặc không biết đến tính cách quan trọng của sự tuân hành.  Người ta cũng hiểu rõ mỗi một cá nhân vừa là một người chỉ đường cho kẻ khác (a leader: to lead) vừa là người được kẻ khác chỉ đường (a follower: to be led), là một người ra lệnh cho cho kẻ khác (superior: to give orders) và đồng thời là người tuân hành mệnh lệnh của kẻ khác nữa (subbordinate: to carry out orders).  Trong những xã hội thoáng hoạt người ta khiêm nhường vì nhận thức rất rõ mỗi cá nhân chỉ là một bộ phận nhỏ bé trong một chiếc máy khổng lồ đầy liên hệ phức tạp nhưng đồng thời họ không kém tự hào vì biết rõ là một bộ phận tuy nhỏ nhưng có thể làm cho chiếc máy khổng lồ đó ngừng chạy.[3]
            Sau cùng là một hoang đường lớn nhất trong những hoang đường.  Những học giả Âu Mỹ, những người tự nhận là rational thinkers, đã mổ xẻ cái gọi là “đối tượng” ra thành những mảnh vụn, đôi khi còn tách rời đối tượng nghiên cứu ra khỏi môi trường và điều kiện liên hệ, rồi đem từng mảnh vụn riêng lẻ ra để quan sát và thử nghiệm một cách rất bài bản từ vị trí khách quan.  Chả trách là với cả một kho lớn tri thức về vấn đề lãnh đạo mà người ta vẫn mơ hồ, vẫn hiểu biết rất ít về vấn đề lãnh đạo.  Tác giả cho là hoang đường không phải là vì phương pháp khoa học không nghiêm túc hoặc những nghiên cứu của họ không có giá trị, ngược lại tác giả đánh giá rất cao.  Ở đây tác giả chỉ muốn vạch ra cho thấy là cái cách quan sát manh mún này đã không giúp người ta hiểu biết một cách trọn vẹn về vấn đề lãnh đạo, cũng như nhiều vấn đề khác có liên đới tới hành vi của con người.  Trong khu vực xám này, cái được gọi là phương pháp khoa học không khéo có thể trở thành là “chướng ngại” cho sự hiểu biết trọn vẹn.  Ngược lại, cách quan sát của những trí giả đông phương bị “dán nhãn” là “phi khoa học” đôi khi lại giúp cho người ta hiểu nhiều hơn, hiểu tường tận hơn, hiểu trọn vẹn hơn cái “pháp giới do tâm tạo.”  Mà nói về quan sát cái pháp giới do tâm tạo thì phương pháp khoa học của phương Tây hiện nay  . . . vẫn hãy còn phôi thai lắm. 


[1] Đạo Đức Kinh - Đệ Tam Thập Chương, trang 125 của Phạm Kim Khải, NXB Thanh Niên, 2008.  Nguyên văn dịch “Lấy Đạo giúp kẻ lãnh đạo không lấy binh cưỡng bức thiên hạ” 
[2] Đạo Đức Kinh - Đệ Tam Thập Nhất Chương, trang 129 của Phạm Kim Khải, NXB Thanh Niên, 2008.  Nguyên văn dịch “kẻ khát máu tươi, thiên hạ hoảng kinh đừng hòng lãnh đạo”
[3] . . . leadership isn’t the private reserve of a few charismatic men and women.  It’s a process ordinary people use when they’re bringing forth the best from themselves and others.  Liberate the leader in everyone, and extraordinarythings happen.”  Trích trong The Leadership Challenge của James M. Kouzes & Barry Z. Posner, do NXB Jossey-Bass Publisher xuấn bản năm 1997.

No comments:

Post a Comment