Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (5)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 4


Vận Dụng Bản Thân



T
hế nào là biết vận dụng bản thân?  Trước hết, biết vận dụng bản thân có nghĩa là biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Hay nói một cách khác là biết làm cho nổi cộm và tỏa sáng một thực thể thích hợp trong bối cảnh đang vận hành để lãnh đạo. Thứ hai, biết vận dụng bản thân là biết vun bồi kho tàng bản thân --tư năng, tư chất, thể tính, đức tính, cung cách và vị thế xã hội-- làm cho ngày càng to đẹp lên và càng tăng giá trị. Thứ ba, biết vận dụng bản thân là biết dọn mình để bước vào vũ đài lãnh đạo. Dọn mình là một cách nói không gì khác hơn là tự trang bị cho bản thân một bản lĩnh lãnh đạo trước khi thực sự gánh vác vai trò lãnh đạo. Thứ tư, biết vận dụng bản thân là biết giữ mình trong lúc đang gánh vác vai trò lãnh đạo. Biết giữ mình là biết lắng nghe, biết thích ứng và biết tái tạo. Thứ năm, biết vận dụng bản thân là biết rời bỏ vũ đài lãnh đạo đúng lúc, trao lại gánh nặng lãnh đạo cho người khác. Và sau cùng, biết vận dụng bản thân là không để mình rớt vào con đường hư hoại.




Biết Chọn Lựa Và Phô Bày
Một Thực Thể Thích Hợp



T
rong định nghĩa về người lãnh đạo, cụm từ “biết vận dụng bản thân” có ý nói tới khả năng tự biến thành một thực thể thích hợp để lãnh đạo mà bản sắc và hào quang của thực thể thích hợp để lãnh đạo này được kiến tạo bằng cách làm cho nổi cộm và tỏa sáng một phần tư năng, tư chất, thể tính, đức tính, cung cách, vị thế phù hợp và sáng giá hơn hết trong bối cảnh đang vận hành có sẵn trong kho tàng bản thân của người vận dụng.  Chỉ chọn lấy một phần “phù hợp và sáng giá hơn hết” từ trong kho tàng bản thân để làm cho nổi cộm trong bối cảnh đang vận hành không phải là hành vi dối trá mỵ người.  Nó là sự chọn lựa một thực thể trong số đa dạng thực thể bên trong một con người để phô bày dưới những điều kiện của môi trường với một ý thức rõ rệt về giá trị và tác động của sự chọn lựa đó.  Nó là một sự chọn lựa để làm nổi bật lên những đường nét ưu tú từ trên bản thân của người vận dụng và những đường nét ưu tú đó sẽ biến thành sức mạnh cá nhân trong bối cảnh đang vận hành.  Hay nói một cách khác nữa, một cách nói gần gũi hơn, nó là một lựa chọn để “khoe hàng,”cái thực thể mà nhiều người khác ưa mua và người trưng bày thực sự có để bán.
Một nhà thơ phong lưu tao nhã, một thiền tổ đạo hạnh từ bi, một vì quân vương mẫu mực uy nghiêm, một vị chiến tướng dũng cảm thần vũ, một người tham mưu chiến trường trầm tĩnh quyền biến, một người quản trị đất nước đức độ mẫn cán, một nhà ngoại giao mềm mỏng nhưng kiên định, một người thầy ân cần tận tụy, một ông cha nghiêm khắc nhưng từ hòa, một đứa cháu nhường nhịn thủy chung, một đứa học trò trọng tình trọn nghĩa, một công dân hết lòng vì xã tắc. . . tất cả những thực thể này đều nằm trên bản thân của một con người có tên gọi là Trần Nhân Tông.  Mỗi thực thể này của ông, trong số đa dạng thực thể, tỏa sáng vào một thời điểm nào đó trong một bối cảnh nào đó đang vận hành đã để lại ấn tượng đậm nét trong tâm khảm của những người chứng kiến.  Mỗi ấn tượng đậm nét đó chính là “một thực thể” đã phô bày trong cái bối cảnh đang vận hành và mỗi ấn tượng đậm nét đó có thể là dấu ấn “thích hợp để lãnh đạo.”
Không phải chỉ có một Trần Nhân Tông mới có đa dạng thực thể mà hầu hết mọi người đều như vậy, chỉ khác biệt là có ý thức rõ hay không ý thức rõ , chỉ khác biệt là có biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo trong bối cảnh đang vận hành hay không mà thôi.  Và, không phải chỉ có một Trần Nhân Tông mới biết vận dụng bản thân, chung quanh ông ta có rất nhiều người lãnh đạo khác cũng biết chọn lựa và phô bày, trong số đa dạng thực thể của bản thân, một thực thể thích hợp để lãnh đạo trong bối cảnh đang vận hành. Điển hình là Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, vân vân.
            Phạm Ngũ Lão xuất thân là một thường dân, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hảo, châu Thượng Hồng. Có một lần, trong lúc ngồi đang sọt để kiếm sống, ông đã nghĩ ngợi về chuyện đất nước đến quên cả ngoại cảnh không nghe tiếng quân la dẹp đường đi nên bị đâm cho một nhát giáo vào đùi đến chảy máu mới giật mình.  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nghe lạ nên kêu đến hỏi chuyện và nhận ra ông sẽ là một kỳ tài trong tương lai nên thu nhận làm việc dưới trướng, ra sức dạy dỗ đào tạo và gả đứa con gái nuôi cho. Sau đó Phò Mã Điện Súy Phạm Ngũ Lão đã trở thành một nhân vật lãnh đạo lỗi lạc và lập nhiều công trạng hiển hách đúng với tinh thần “Vung giáo non sông trải mấy thu. Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu. Trai chưa trả nợ công danh được. Còn thẹn khi nghe chuyện vũ hầu.[1]  Trong bối cảnh đang vận hành, ông đã biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Cái bản sắc “ưu tư vì chuyện của trăm họ đến quên cả bản thân” đó đã nổi cộm và tỏa sáng hào quang dưới con mắt tinh đời của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và đã chạm tới trái tim của nhân vật thần thánh này. Thực thể thích hợp để lãnh đạo của Phạm Điện Súy trở thành là huyền thoại của muôn thuở.
            Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh Vương Trần Liễu, người có mối thù mất vợ vì bị Trần Thủ Độ ép gả cho Trần Thái Tông, đã tự chọn đặt sự an nguy của đất nước lên vai chứ không tính chuyện trả thù nhà theo lời cha trăn trối.  Có lần ông đã hỏi con trai Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng nghĩ sao về việc “người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu.”  Trần Quốc Tảng trả lời “Tống thái tổ vốn là một ông lão làm ruộng đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”  Trần Quốc Tuấn nghe đáp đã nổi giận rút gươm đòi giết “tên loạn thần bất hiếu.””Suốt cả cuộc đời ông, Trần Quốc Tuấn đã hết lòng hết sức giúp ba đời vua Trần chống đỡ giang san giữ gìn giềng mối.  Sự tham dự của ông vào ba lần chiến tranh vệ quốc chống Nguyên Mông đã làm cho tên tuổi ông trở thành bất tử.  Rồi vào những ngày cuối đời nằm hấp hối trên giường bệnh ông vẫn không xao lãng chuyện mất còn của đất nước, chuyện đói no của dân chúng.  Ông đã nắm tay vua Trần Anh Tông ân cần nhắc nhở “lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc mà giữ nước.”  Trong bối cảnh đang vận hành, ông đã để lại một dấu chấm sắt son cuối cùng trên trang sử đời của Trần Quốc Tuấn và trên trang sử huy hoàng của dân tộc Đại Việt.  Dấu chấm nổi cộm bản sắc “bao giờ cũng nghĩ tới dân, bao giờ cũng là công bộc của dân” đã tỏa sáng hào quang không thua gì công nghiệp chiến trường của ông.  Trước khi ra đi, Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương vẫn còn phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
            Trần Nhật Duật, một nhân vật thông lãm ngôn ngữ và phong hóa của nhiều dân tộc lại là một vị thiên tướng của chiến trường từng làm cho không ít kẻ thù của đất nước phải run sợ, được vua Trần Nhân Tông giao sứ mạng dụ hàng Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang.  Lúc Trần Nhật Duật kéo quân đến nơi, Trịnh Giác Mật sai thuộc hạ đến quân doanh nói với ông “Mật không dám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng.”  Trần Nhật Duật nhận lời và chỉ mang theo vài đứa tiểu đồng.  Quân sĩ cố ngăn nhưng ông vẫn đi.  Tới nơi phó ước, tuy thấy quân Mang tay cầm khí giới vây mấy mươi lớp chung quanh đầy vẻ dọa nạt, ông vẫn trèo lên trại ung dung cùng Trịnh Giác Mật đối đáp bằng tiếng Mang, ăn bốc bằng tay, uống rượu bằng mũi.  Những đường nét của một Chiêu Văn Vương trí đảm, hào sảng, phóng khoáng, gần gũi, đáng tin và đầy chính khí đã tỏa sáng và cuốn hút sự hâm mộ của quân Mang.  Nhờ đó ông đã thành công rực rỡ trong sứ mạng thu phục đạo quân này, không mất một mũi tên không tốn một sinh mệnh. Trong bối cảnh đang vận hành lúc đó, ông đã biết chọn lựa một thực thể thích hợp để phô bày, một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
            Trần Quang Khải vừa là một Thượng Tướng tài ba trên chiến trường vừa là một Thái Sư nhiều năng lực trong việc điều hành quốc chánh.  Vào thượng tuần tháng 5 năm 1285, Trần Quang Khải cùng Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lập, Nguyễn Truyền kéo quân từ Thanh Hóa về đánh lấy Chương Dương rồi sau đó hợp quân các lộ cùng với Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tung, Phạm Ngũ Lão tiến lên giải phóng Thăng Long.  Quân Đại Việt càng đánh càng hăng. Quân Nguyên phải bỏ thành vượt sông Nhị Hà chạy ra đóng ở Kinh Bắc, nay là Bắc Ninh.  Trần Quang Khải dẫn quân vào thành và mở tiệc khao thưởng ba quân.  Trong lúc mọi người đang vui Trần Quang Khải đã cảm tác và ngâm to “Chương Dương cướp giáo giặc; Hàm Tử bắt quân Hồ; Thái Bình nên gắng sức; Non nước ấy ngàn thu.”[2]  Cái phong cách “hào khí ngút trời” của Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải đã trở thành là câu chuyện muôn đời trong kho tàng nói về những anh hùng giữ nước.  Nhưng quan trọng hơn, trong tiệc vui chiến thắng ông đã tái xác nhận sứ mệnh giữ nước của người quân nhân cùng những vinh quang đi liền với sứ mạng đó và ngầm nhắc nhở mọi người phải ý thức về bổn phận của mình.  Trong bối cảnh đang vận hành, ông đã biết chọn lựa để phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
            Trần Quốc Toản là một đứa bé chưa đủ tuổi để được tham gia vào hội nghị bàn việc chống Nguyên Mông nên đã bực bội bóp nát trái cam trong tay lúc nào cũng chả hay rồi sau đó về nhà tự mình huy động gia nô cùng thân thuộc hơn nghìn người, mua binh khí, đóng chiến thuyền tự cầm quân đi phá giặc.  Với một quyết tâm mãnh liệt, với một ý thức cao vời về trách nhiệm và danh dự của một người con dân Đại Việt đứng trước tình huống an nguy của đất nước, và với sự can trường không thua kém bất cứ một danh tướng nào, đứa bé con Trần Quốc Toản đã hóa thân thành một thiên thần lớn như núi cao tỏa ngời khí thế dũng mãnh “phá giặc mạnh báo ơn vua””và đã làm cho quân của Thoát Hoan phải nhiều phen vỡ mật.  Trong bối cảnh đang vận hành, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã biết chọn cho mình và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.

Không riêng quan tướng nhà Trần, suốt dòng lịch sử của dân tộc đã có không ít người đã thực sự biết vận dụng bản thân.  Cũng không riêng giới mày râu, suốt dòng lịch sử của dân tộc đã có không ít nữ lưu đã thực sự biết vận dụng bản thân.  Điển hình trong số đó có Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương và Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.
            Trưng Nữ Vương là những nương tử của vùng đất Mê Linh, cũng yểu điệu thục nữ như bao nhiêu nữ lưu khác, cũng công dung ngôn hạnh như bao nhiêu nữ lưu khác, cũng núp bóng tùng quân như bao nhiêu nữ lưu khác.  Nhưng khi đứng trước vận mệnh nghiệt ngã của dân tộc, những vị nương tử này đã biết chọn làm mờ đi cái thể tính yếu đuối của nữ lưu và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Và, cái thực thể thích hợp để lãnh đạo của hai vị Trưng Nữ Vương đã ngời sáng khí thế “lưng voi phất ngọn cờ vàng.”  Cái thực thể cân quắc anh thư của hai bà đã lôi cuốn được quần chúng đứng lên đánh đuổi những tên Hán tộc cai trị hà khắc, tàn bạo.  Cái thực thể cân quắc anh thư của hai bà đã làm cho tên Thái Thú Tô Định của Tây Hán phải bàng hoàng run sợ.  Cái thực thể “Một bụng em cùng chị.  Hai vai gánh nước nhà.  Thành Mê khi đế bá.  Sông Cấm lúc phong ba.  Ngựa sắt mờ non Vệ.  Cờ lau mở động Hoa.  Ngàn năm bia đá tạc.  Công đức nhớ hai bà.”[3] Trong bối cảnh đang vận hành, hai bà đã biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
            Triệu Thị Trinh một nữ lang hai mươi tuổi của đất Cửu Chân, cũng giống như hai vị Trưng Nữ Vương, đã không đành lòng đứng nhìn đất tổ bị những tên Đông Ngô dầy xéo nên đã cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đứng lên phất cờ khởi nghĩa.  “Không những bà có chí khí anh hùng, bà lại có sức mạnh và mưu lược nên hàng ngàn chiến sĩ đã xin theo chiến đấu dưới cờ và cùng vào rừng núi để rèn binh luyện võ. . . . Trong chiến trận bà tỏ ra can đảm phi thường nên được tôn làm chủ tướng. Bà mặc áo giáp vàng, cỡi voi xông ra trước quân địch như đi vào chỗ không người.”  Đứng trước vận mệnh nghiệt ngã của dân tộc, bà đã biết làm mờ đi cái bóng dáng quần thoa nhỏ bé và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Và cái thực thể thích hợp để lãnh đạo của bà đã nổi cộm ý chí vì dân vì nước “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta.”  Cái thực thể thích hợp để lãnh đạo của Nhụy Kiều Tướng Quân đã tỏa sáng khí thế Lệ Hải Bà Vương làm kinh hồn bạt phách những tên ngoại tộc tham lam tàn hại bá tánh. Trong bối cảnh đang vận hành, Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân Triệu Nữ Vương đã biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
Dương Vân Nga, là một người đàn bà kiệt xuất khác trong dòng lịch sử của đất nước Việt.  Sau những năm dài mê say tửu dục bỏ bê việc triều chính, gây ra cảnh con cái tàn hại lẫn nhau, Vạn Thắng Vương Đinh Tiên Hoàng cuối cùng bị ám sát chết trong lúc đang nằm ngủ ngoài sân và say mèm.  Vệ Vương Đinh Tuệ, con của Dương Vân Nga, được lập lên làm vua lúc mới 6 tuổi.  Kể từ đó Dương Thái Hậu lâm triều dùng Nguyễn Bặt, Đinh Điền và Lê Hoàn làm phụ chính.  Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn là người có tài nên được Dương Thái Hậu ưu ái và dần dần giao phó phần lớn công việc chấp chính cho ông đảm trách.  Nhóm Nguyễn Bặt, Đinh Điền, Phạm Hạp không cam phục nên ngầm trốn về Ái Châu khởi binh định kéo về kinh đánh phá.  Dương Thái Hậu sai Lê Hoàn điều binh diệt nội loạn để tránh hậu quả lâu dài về sau.  Nước Tống biết được những xáo trộn trong nội bộ của triều đình nhà Đinh nên thừa cơ hội xua quân sang đánh.  Nhận thức được những hiểm họa trước mắt, trong bị đe dọa bởi mầm mống tranh dành quyền lực ngoài bị đe dọa bởi bóng dáng ngoại xâm, có thể đưa đến chỗ đất nước bị dập vùi tan nát rồi bá tánh phải lầm than nên Dương Thái Hậu đã dàn xếp một giải pháp chính trị táo bạo.  Bà cho tiến hành việc truất phế ngai vị của con mình là Đinh Tuệ và giúp Lê Hoàn lên ngôi một cách êm đẹp, rồi sau đó kết hôn với vị vua mới này và trở thành Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.  Nhờ sự dàn xếp đó của bà Đại Hành Hoàng Đế đã nhanh chóng giải quyết được những đe dọa tại hậu phương, thống nhất và củng cố được nội lực, rảnh tay lo việc đối phó với ngoại xâm.  Và, chỉ trong năm sau quân Tống đã bị đánh bại. Đứng trước những thử thách lớn, Dương Thái Hậu đã phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Và cái thực thể lãnh đạo của bà đã ngời sáng khí thế của một cá nhân dám viết lịch sử cho chính mình và cho chính dân tộc.  Dầu có nhiều người đã kết tội bà là “không đoan chính” nhưng lề lối suy nghĩ vị kỷ của những hủ nho phong kiến và tầm thường chỉ biết bảo vệ cho “cái ta danh giá” và bênh vực cho quyền lợi của chế độ, dầu đã mục nát, hơn là lo cho vận mệnh đất nước nghĩ tới hạnh phúc của bá tánh đã không thể làm mờ đi cái chính nghĩa của một người đàn bà ngoại hạng.  Tuy bà không cầm gươm ra trận xông tên đục pháo để diệt quân Tống xâm lăng nhưng chính bà đã là một trong những yếu tố trực tiếp giúp cho quân Đại Việt chiến thắng.  Tuy bà không nhiếp chính như Đại Hành Hoàng Đế nhưng bà là chỗ khởi đầu cho sự hình thành một triều đại khá huy hoàng về cả hai mặt võ công và văn trị, trong suốt 24 năm làm vua của Lê Hoàn.  Tuy bà đã âm mưu phế đế nhưng chính bà đã bảo vệ được sinh mạng cho “ông vua con” thơ dại của bà và đã che chở cho những người họ Đinh không bị giết hại một cách vô bổ.  Trước bối cảnh đang vận hành, Đại Thắng Minh Hoàng Hậu đã biết chọn cho mình và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.

Phóng tầm mắt xa hơn, khắp mặt địa cầu không thiếu những người xưa và nay, từ chính trường cho đến chiến trường cho đến thương trường cho đến . . . trong tất cả mọi lãnh vực, đều thực sự biết vận dụng bản thân. 
            Abraham Lincoln (1809-1865) sinh ra tại bang Kentucky trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều thất học, mới 10 tuổi đã mồ côi mẹ, và lớn lên trong nghèo hèn tại một nơi hoang dã, ngày ngày ra đồng trồng trọt, có lúc chẻ cây làm mướn kiếm ăn, không được cơ hội ôm sách đến trường như đa số trẻ em cùng thời.  Nhưng hoàn cảnh đã không làm khó được Abraham Lincoln.  Ngược lại từ những bất hạnh và thiếu thốn, ông đã vươn lên như một kỳ tích.  Cuối cùng ông trở thành là đứa con vĩ đại của đất nước Hoa Kỳ.  Ông được mô tả là một người tự học và đam mê học hỏi để mở rộng kiến thức; một người giỏi đô vật nhưng lại rất hiền hòa; một anh chàng sử dụng búa rất hay nhưng không thích sát sanh dù là lấy thịt để làm thực phẩm; một người kể chuyện khôi hài rất được quần chúng ưa thích; một nhà sáng chế, một vị chỉ huy quân sự trong cuộc chiến Black Hawk; một luật gia làm việc không biết mỏi mệt; một văn tài lỗi lạc với những bài diễn thuyết có một không hai; một diễn giả có phong cách tiếp cận tuyệt vời; một chính trị gia sắc bén; một quản trị gia hiệu quả; một nhà cải cách thiết lập hệ thống ngân hàng và tiêu chuẩn hóa tiền tệ; một tổng thống giải phóng nô lệ và thống nhất đất nước, một nhân vật có hoài bão lớn và biết biến ước mơ thành sự thật.  Tất cả những ghi nhận này, và còn nhiều hơn thế nữa, làm nên đa dạng thực thể nằm trên bản thân của Abraham Lincoln.  Mỗi thực thể này của ông, trong số đa dạng thực thể, tỏa sáng vào một thời điểm nào đó trong một bối cảnh nào đó đang vận hành đã để lại ấn tượng đậm nét trong tâm khảm của những người chứng kiến, và mỗi ấn tượng đậm nét có thể là dấu ấn thích hợp để lãnh đạo.
            Trên đường phố của Luân Đôn có một người đàn ông trong bộ quân phục, đầu không đội nón sắt, những bước chân không vội vã, với nụ cười trên môi, bên cạnh là một người phụ nữ tên Clementine, một cánh tay dành cho người đàn bà đó quàng lấy, cánh tay còn lại đưa cao với hai ngón tay tạo hình chữ V biểu tượng cho chữ chiến thắng.  Nếu hắn đang đi  dạo phố chợ của thời bình thì không có gì lạ.  Nhưng đằng này đạn đang nổ và bom đang trút xuống chung quanh, hay nói cho chính xác hơn là hắn đang đi giữa một chiến trường trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.  Cái dáng vẻ đầy tự tin và nụ cười pha trộn một chút ngạo mạn lẫn một chút hý lộng đã cho cả thế giới một niềm tin về một ngày mai vinh quang.  Người đàn ông đó làm việc từ 16 đến 18 giờ một ngày, dường như không bao giờ biết mệt mỏi với công việc.  Lời nói của hắn cuốn hút và đầy uy  lực.  Hắn nối tay với Staline và Roosevelt, là những thủ lãnh của liên quân đã đánh bại Hitler.  Vâng, chính là ông ta, chính là Winston Churchill của Anh Quốc, người được coi là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của thế kỷ 20, người được tôn vinh nhờ vào sự thẳng thắn, viễn kiến, đảm lược và quyết tâm.  Cựu Thủ Tướng Winston Churchill đã tỏa sáng hào quang trong bối cảnh đang vận hành.  Hình ảnh của ông ngày hôm đó đã trở thành huyền thoại.  Ông đã biết phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo.
            Có thể nói ông ta là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thượng thặng nhất trên đất nước Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.  Ông ta làm cho đối thủ của mình khiếp sợ, ganh tỵ, lẫn thán phục.  Ông ta làm cho trợ thủ của mình ngưỡng mộ và tin tưởng.  Thế giới mà ông ta dựng nên đã làm thay đổi thế giới mà ông ta và nhân loại đang sống.  Ông ta giàu nhất nhì trên mặt đất nếu tính bằng con số đô la.   Ông ta cũng giàu nhất nhì thế giới nếu tính bằng những gì mà ông ta đã và đang làm cho nhân loại.  Hơn 100 năm thành tựu của chủ nghĩa tư bản làm thay đổi hẳn khuôn mặt nghèo đói của nhân loại trên mặt địa cầu.  Không ai có thể phủ nhận thành quả đó.  Tuy nhiên, khi mà chủ nghĩa tư bản thành công nhiều nơi trên thế giới thì cũng có không ít bằng chứng về sự thất bại của thị trường tự do.  Và hậu quả của những thất bại đó đã ảnh hưởng tới điều kiện sức khoẻ, giáo dục và kinh tế của người dân trên thế giới.  Vợ chồng ông ta nhận thức sâu xa về điều này cho nên đã thành lập một hội thiện nguyện và đã đưa một phần rất lớn tài sản của mình vào đó để thực hiện những bước tiến nhân bản.  Qua nó, vợ chồng ông ta đã trợ giúp 750 triệu USD để chích ngừa miễn dịch, một đóng góp tư nhân được coi là lớn nhất từ trước đến giờ, một sự đóng góp đã mà tổ chức WHO ca ngợi là đã cứu được 670 ngàn sinh mạng.  Vợ chồng ông ta hợp tác với Zambaque để thành lập một chương trình nghiên cứu vắc-xin ngừa bệnh sốt rét ngã nước và tài trợ cho chương trình 35 triệu USD.  Vợ chồng ông ta hợp tác với Botswana để thử nghiệm phương pháp mới chống HIV và tài trợ cho chương trình này 50 triệu USD.  Vợ chồng ông ta liên kết các nhà nghiên cứu để thành lập một công ty chế thuốc vắc xin chủng ngừa HIV và tài trợ cho chương trình này 400 triệu USD.  Nhờ những chương trình vợ chồng họ tài trợ mà 43 triệu trẻ em nghèo trên thế giới đã được chích ngừa viêm gan siêu vi B.  Mục tiêu của vợ chồng họ là đạt 60% dân số của những nước kém phát triển được chích ngừa tính tới năm 2010.  Ông ta có mặt tại Ấn Độ gặp g những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tài trợ chương trình Rotary's 100 Million USD Challenge.  Ông ta gia nhập tổ chức Nation's Governors, Education and Business Leaders để trợ giúp việc định hướng con đường giáo dục của đất nước.  Còn rất nhiều những hoạt động khác nữa.  Ông ta có tên là William Henry Gate II (Bill Gate) và vợ là Melinda Gate.  Mỗi thực thể của vợ chồng ông ta, trong số đa dạng thực thể, tỏa sáng vào một thời điểm nào đó trong một bối cảnh nào đó đang vận hành đã để lại ấn tượng đậm nét trong tâm khảm của những người chứng kiến, và mỗi ấn tượng đậm nét có thể là dấu ấn thích hợp để lãnh đạo.
            Ở tuổi 18, Gonxha Bojaxhiu, sinh tại Skopje của Yugoslavia vào năm 1910, quyết định bước vào một con đường mà từ đó về sau không bao giờ quay lại.  Cô chọn chủng viện Loreto Sisters of  Dublin thành lập từ thế kỷ thứ 17 để đặt bước chân đầu tiên cho hành trình đó.  Ireland là một nơi xa lạ, ngôn ngữ mà cô chỉ có thể hiểu vài chữ, đời sống hoàn toàn khác với đời sống gia đình, cô gái mảnh mai khởi đầu cuộc viễn du ở nơi đó và vĩnh viễn không có một lần cơ hội để về thăm lại mẹ mình.  Một năm sau, 1929, Gonxha được gởi tới Darjeeling để chuẩn bị trở thành nữ tu.  Năm 1931 Gonxha làm lễ tuyên khấn lần đầu tiên và chính thức trở thành nữ tu với tên thánh Teresa.  Vâng, đó là Sister Teresa mà mọi người sau này đề gọi là từ mẫu Teresa.  Rồi trong năm này nữ tu Teresa được gởi tới St. Mary, một trường trung học nữ tại Calcuta.  Tại đây Sister Teresa đã dạy học, hai môn lịch sử và địa lý, suốt 15 năm sau đó.  Rồi năm 1946, thêm một lần nữa nghe theo ơn gọi của Thiên Chúa, Sister Teresa đã rời bỏ Loreto Sisters, dầu rằng rất vui với công việc do Mẹ bề trên giao phó, để làm một nhiệm vụ mới.  Bà nói “Tôi nghe tiếng gọi hãy rời bỏ tất cả để theo Chúa vào những nơi tồi tàn mà phụng sự Chúa giữa những kẻ nghèo đói nhất trong những kẻ nghèo đói.”  Chuẩn bị cho công việc mới, Sister Teresa đã đến Patna vài tháng để học một khóa điều dưỡng (nurse).  Rồi Sister Teresa nhận được sự phê chuẩn của Giáo Hoàng Pius XII, trong năm 1948, cho phép trở thành một nữ tu hoạt động độc lập.  Trở lại Calcuta Sister Teresa mướn một chỗ ở trong một khu tồi tàn, mặc quần áo của phụ nữ Ấn, sari trắng và dép sandal, rồi bắt đầu mở lớp dạy học.  Không có dụng cụ bà viết trên đất.  Bà xoá nạn mù chữ cho trẻ con nghèo.  Bà dạy cho chúng về vệ sinh cá nhân.  Rồi khi chúng quen thuộc hơn với bà, Sister Teresa bắt đầu đi thăm viếng và trị liệu cho những người bị bệnh.  Người nghèo đến với bà càng lúc càng đông.  Dầu mệt mỏi với công việc, Sister Teresa không bao giờ bỏ l một buổi cầu nguyện nào.  Cùng lúc cũng có nhiều người phụ nữ trẻ đã đến tình nguyện làm việc giúp bà.  Trong một năm sau, tổ chức Missionaries of Charity được thành lập.  Rồi kẻ công người của tấp nập hổ trợ cho việc làm của bà.  Rồi cả thế giới đều biết đến bà và hoạt động của Missionaries of Charity mọc lên như nấm.  Cho đến cuối cuộc đời Sister Teresa tiếp tục ở giữa những người nghèo khổ nhất của những người nghèo khổ để phụng sự.  Bà chỉ nương tựa vào Chúa để có được những gì cần thiết cho công việc.  Và bà đã phụng sự với tất cả năng lực.  Biên giới của chủng tộc, của màu da, của ngôn ngữ, của lãnh thổ đều biến mất trước sức mạnh trọn lành của con tim nhân ái.  Ngày 5 tháng 9 năm 1997, bà hoàn tất sứ mạng và trở về với Chúa.  Tình thương vô hạn của bà dành cho những con người khốn khổ trên mặt đất đã được nhân loại biết ơn trong tiếng gọi đơn giản nhưng nhiệm mầu: Mẹ.  Mỗi thực thể của bà, trong số đa dạng thực thể, tỏa sáng vào một thời điểm nào đó trong một bối cảnh nào đó đang vận hành đã để lại ấn tượng đậm nét trong tâm khảm của những người chứng kiến, và mỗi ấn tượng đậm nét có thể là dấu ấn thích hợp để lãnh đạo.

Nói “không thiếu” là chưa được chính xác, phải nói là có rất nhiều người, nhiều đến độ không thể kể hết được.  Chỉ nói tới những nhà lãnh đạo  lớn trong thương trường của thời hiện đại thôi là đã có không biết bao nhiêu người rồi, thí dụ như Samuel M. Walton của Wal-Mart, Walter E. Disney của Walt Disney,  Henry Ford của Ford  Motor, John P. Morgan của J.P. Morgan Chase, Alfred P. Sloan Jr. của General Motors,  John F. Welch Jr. của General Electric, Raymond A. Kroc của McDonald's, William R. Hewlett và Dave Packard của Hewlett-Packard, Andrew S. Grove của Intel, Milton S. Hershey của Hershey,  John D. Rockefeller Sr. của Standard Oil, Thomas J. Watson Jr. của IBM, Henry R. Luce của Time-Life Publications, Will K. Kellogg của Kellogg, Warren E. Buffett của Berkshire Hathaway, Harland Sanders của Kentucky Fried Chicken, William C. Procter của Procter & Gamble,  Thomas J. Watson Sr. của IBM, Asa G. Candler của Coca-Cola, Estee Lauder của Estee Lauder,  Henry J. Heinz của H.J. Heinz, Daniel F. Gerber Jr. của Gerber Products. 
Hoặc trong tôn giáo có Pop John II của Catholic Church, Dalai Lama của Phật Giáo Tây Tạng, Billy Graham của Protestant, Jerry Falwell của Evangelical, Ecumenical Patriarch Bartholomew của Eastern Orthodox Church, Gordon B. Hinckley của Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, Archbishop of Canterbury Rowan Williams của Anglican, Imam W. Deen Mohammed của Muslim American Society, Louis Farrakhan của Nation of Islam, Li Hongzhi của  Falun Dafa (pháp luân công), Bishop Desmond Tutu của South Africa, Rev. Schuller của the Crystal Cathedral, Pat Robertson, Max Lucado, C.S. Lewis, T.D. Jakes, Charles Swindoll, Jack Van Impe, John MacArthur, Robert Schuller, Bill Hybels, Bill McCartney. 
Hoặc trong nỗ lực thay đổi cơ chế chính trị và cải thiện xã hội có Daw Aung San Suu Kyi Miến Điện, Nelson Mandela của Nam Phi, Mark Luther King và Rosa Park của Hoa Kỳ,  Mahatma Gandhi của Ấn Độ, George Soro của Hoa Kỳ, Bill và Madela Gate của Hoa Kỳ . . .

Ngoài việc biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo trong bối cảnh đang vận hành, nhìn từ mặt khác của cùng một đồng tiền, biết chọn lựa và phô bày “một thực thể thích hợp để sinh tồn” dưới những điều kiện của “môi trường thử thách” cũng quan trọng không kém đối với một người lãnh đạo.
            Trong cuộc chiến vệ quốc lần thứ hai, quân Đại Việt ráo triết truy kích quân của Thoát Hoan tại sông Như Nguyệt.  Toa Đô từ Thanh Hóa kéo quân ra biển rồi hợp cùng quân Ô Mã Nhi từ ngoài biển đánh vào sông Thiên Mạc với mục đích muốn hợp quân ở Kinh Sư để trợ giúp lẫn nhau.  Cánh quân do hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông chỉ huy kéo đến Đại Mang thì Tổng Quản nhà Nguyên là tướng Trương Hiển đầu hàng.  Quân Đại Việt thừa thắng đánh mạnh tạo chiến thắng Tây Kết trong ngày hôm đó.  Quân giặc tan vỡ.  Nguyên soái của chúng là Toa Đô bị tử trận.  Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền lớn vượt biển trốn thoát.  Cùng lúc, cánh quân của Hưng Đạo Đại Vương giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp và đánh bại chúng tại đó.  Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh.  Trên đường đi Lý Hằng bị trúng tên chết.  Lý Quán thu nhặt 5 vạn tàn quân rồi dấu Thoát Hoan vào một món đồ đồng trốn chạy về Bắc. Hưng Vũ Vương đuổi kịp dùng tên bắn chết Lý Quán.   Quân Nguyên hoàn toàn bị tan vỡ.  Khi quân dâng lên thủ cấp của Toa Đô, vua Trần Nhân Tông nhìn thấy đã cảm thương nói “người làm tôi phải nên như thế này” rồi tự cởi áo ngự bào đắp lên và sai hữu ty đem chôn liệm.  Nhưng một mặt khác, ông lại ngầm sai quân lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn địch vì cớ Toa Đô mượn đường vào cướp Đại Việt đã ba năm.  Trước ba quân, giữa chiến trường nhuộm máu, vua Trần Nhân Tông đã phải chọn lựa những quyết định thích hợp trong bối cảnh đang vận hành.
            Sau chiến thắng vệ quốc lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông đã cố gắng thực hiện chính sách ngoại giao mềm mỏng nhưng đồng thời cực lực tố cáo tội ác chiến tranh của Nguyên Mông và giữ vững lập trường không khuất phục.  Hốt Tất Liệt sai phái bộ Lưu Đình Trực đến Đại Việt để yêu sách nhiều thứ, trong đó có việc đòi phải đưa tù binh Ô Mã Nhi về trao trả tận tay vua Nguyên Mông.  Sứ giả của phái bộ được tiếp đãi hậu hĩnh và vua Trần Nhân Tông thay mặt bộ phận lãnh đạo của Đại Việt đồng ý hứa sẽ đưa Ô Mã Nhi về nước, một yêu sách duy nhất được Đại Việt đáp ứng.  Nhưng Ô Mã Nhi là một tên tướng lỗi lạc và khét tiếng tàn ác.  Hắn đã gây ra nhiều tội ác giết người, đào mồ, cướp của, đốt nhà tại vùng Thiên Trường.  Do đó, bộ phận lãnh đạo Đại Việt đã âm thầm quyết định cho số phận của hắn là phải chết vì hai lý do: (a) để đền tội ác gây tang tóc cho thường dân vô tội và (b) để chặt đi một cánh tay dũng mãnh của địch đề phòng hậu hoạn.  Rồi vua Trần Nhân Tông một mặt sai phái bộ Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi và vợ con của hắn về nước, đặt ngồi trong lọ gốm, nhưng một mặt khác lại để Trần Hưng Đạo thực hiện kế hoạch cho người giỏi bơi lội giả làm phu chèo rồi ban đêm dùi thuyền cho chìm.  Ô Mã Nhi và đồng bọn đều bị chết đuối.   Sau đó vua Trần Nhân Tông sai phái bộ Đặng Minh và Chu Anh mang thơ đi báo cho Hốt Tất Liệt biết.  Trong thơ nói “Tham chính Ô Mã Nhi định ngày sẽ về tiếp sau.  Vì đường về ngang qua Vạn Kiếp, nên ông ta xin tới gặp Hưng Đạo để sắm sửa hành lý.  Dọc đường ban đêm thuyền bị vấp, nước tràn vào.  Tham chính mình to vóc lớn, khó bề cứu vớt, thành ra bị chết đuối.  Phu thuyền của tiểu quốc cũng bị chết hết.  Thê thiếp tiểu đồng của ông ta cũng suýt chết, nhưng nhờ người thon nhẹ nên cứu thoát được.  Vi thần đã chôn cất ma chay ở bờ biển. Thiên sứ lang trung đã tận mắt thấy.  Nếu có sự gì bất kính, thì thê thiếp của tham chính ở đó khó mà che giấu được.  Vi thần đã sắm đủ lễ vật để đưa thê thiếp cùng với xá nhân lang trung về nước.”  Và trong thơ cũng tự hứa sẽ thả 8 ngàn tù binh Nguyên Mông. Trong bối cảnh đang vận hành đầy những thử thách chính trị, ngoại giao và quân sự, Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo Đại Vương và những người lãnh đạo Đại Việt đã phải chọn lựa những quyết định thích hợp.
            Lê Lợi, trong những ngày chờ đợi cơ hội giải phóng đất nước, đã từng để cho Nguyễn Trãi nhìn thấy một thực thể rất phàm phu của mình, phàm phu đến độ Nguyễn Trãi phải bỏ đi vì thất vọng.  Và, cũng chính Nguyễn Trãi sau đó nhìn thấy một thực thể thích hợp để lãnh đạo của Lê Lợi để rồi hâm mộ đến độ gia nhập tổ chức kháng chiến chống Minh nằm dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải này.  Trong mười năm kháng chiến Bình Định Vương Lê Lợi có ba lần chạy về ẩn trốn nơi căn cứ Chí Linh.  Vào lần thứ ba quân sĩ tổn hao nhiều, lương thực cạn sạch, hai tháng liền nghĩa binh phải ăn cỏ, làm thịt cả ngựa voi, tinh thần vô cùng kiệt quệ.  Để có đủ thời gian khôi phục lại lực lượng, Bình Định Vương đành sai Lê Trân đi cầu hòa với giặc.  May mắn là quân Minh ưng thuận. Chỉ vài năm sau Bình Định Vương phục hồi được lực lượng và khởi quân đánh tiếp.  Sau khi thắng lợi nhiều trận lớn và nhanh chóng thành lập guồng máy chính quyền tại Bắc Hà uy hiếp bè lũ Vương Thông tại Đông Đô, Bình Định Vương cùng Hàn Lâm Thừa Chỉ Nguyễn Trãi xét thấy nên mở cho họ một con đường rút chân ra khỏi cuộc chiến họ đang bị sa lầy để sớm kết thúc việc tổn hại xương máu của đôi bên.  Vì thế Nguyễn Trãi đã viết thư cho Vương Thông lấy lẽ lợi hại chiêu dụ tướng địch hãy rút quân về nước.  Vương Thông nhận rõ tình thế tuyệt vọng tuy muốn rút binh nhưng không muốn bị nhục nên đưa ra tờ chiếu của vua Minh niên hiệu Vĩnh Lạc (1407), trong đó nói về việc khôi phục họ Trần, để làm căn bản đàm phán rút quân.  Nhưng cuộc đàm phán bị phá hoại và cuộc chiến lại tiếp diễn.  Vương Thông viết thơ cầu cứu và viện binh do Liễu Thăng chỉ huy hung hăng tiến vào đất Việt.  Đang công phá thành Đông Quan ráo triết, Bình Định Vương chuyển hướng chiến lược đánh tan quân tiếp viện tại mặt trận Chi Lăng đẩy quân Minh đến chỗ đại bại.  Rồi vào những ngày cuối của cuộc chiến, vì việc giữ thể diện cho nhà Minh trong đường lối ngoại giao mềm mỏng để tiến tới việc kết thúc chiến tranh, Bình Định Vương đồng ý chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” và viết sớ xin lập Trần Cao làm An Nam Quốc Vương.  Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước khôi phục độc lập, con bài Trần Cao bị diệt để Bình Định Vương chính thức lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ.  Trên bước đường đấu tranh giải phóng đất nước đầy gian nan hiểm hóc, Lê Lợi đã phải chọn lựa những quyết định thích hợp cho mỗi bối cảnh đang vận hành.
            Ỷ Lan, tục danh Lê Thị Mệnh, con của ông Lê Công Thiết, người hương Thổ Lỗi ở ngoại thành Hà Nội (nay là thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm)[4] khi còn là một thiếu nữ đã biết vận dụng bối cảnh để thu hút sự chú ý của vua Lý Thánh Tông rồi được tuyển vào hậu cung làm phi tần.  Vua yêu quí và đặt tên hiệu là Ỷ Lan.  Sau khi sinh được hai đứa con trai cho vua, Ỷ Lan phu nhân nhanh chóng trở thành Thần Phi rồi được phong Nguyên Phi và đứa con trai đầu được lập làm Hoàng Thái Tử.  Năm 1069, vua Lý Thánh Tông phải đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành.  Vì vua e ngại giao quyền lưu thủ kinh sư cho Tể Tướng hoặc cho một vị thân vương nên một cơ hội tham chính hiếm có đã mở ra cho Nguyên Phi Ỷ Lan, và bà đã nắm lấy, dầu lúc đó bà chỉ xít xoát 20 tuổi hơn và vào cung mới được 5 năm.  Rồi năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà. Hoàng Thái Tử Càn Đức lên ngôi, lúc đó chỉ mới lên 7, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên Phi làm Hoàng Thái Phi và tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái Hậu làm Hoàng Thái Hậu.  Vì vua còn quá nhỏ tuổi nên phải có người “cùng nghe chính sự” cho nên Thừa Tướng Lý Đạo Thành đã đảm trách việc đó, cộng với hai người đương nhiên được ngồi sau rèm là Hoàng Thái Hậu họ Dương ở chính vị và Hoàng Thái Phi Ỷ Lan ở thứ vị.  Chỉ trong vòng một năm sau, Hoàng Thái Hậu họ Dương cùng 76 người thị nữ bị giam vào cung Thượng Dương rồi sau đó bị bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.  Thái Sư Lý Đạo Thành bị hạ bệ từ chức vụ Tể Tướng xuống chức vụ Tổng Trấn đi coi châu Nghệ An.  Hoàng Thái Phi Ỷ Lan trở thành là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu với tất cả quyền uy độc chiếm. Bà đã làm một cuộc thanh trừng cần thiết để nắm lấy quyền lực tuyệt đối, một cuộc thanh trừng nhanh gọn và toàn vẹn để bảo đảm cho sự ổn định chính trị lâu dài về sau vì những hạt giống hiểm họa không còn cơ hội nảy mầm.  Dưới những đôi mắt đương thời, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu chỉ là một người đàn bà “có tính ghen, đến nỗi . . . tàn nhẫn hãm hại người vô tội.”” Bà đã khôn khéo che đậy cái “công trình của một kiến trúc sư chính trị có tầm vóc” bên sau cái gọi là “hành động hồ đồ nhất thời và thường tình” của một người đàn bà được làm mẹ của một ông vua con nít để rồi cả triều đình chấp nhận sự kiện chỉ đơn giản có thế và bỏ qua.  Linh Nhân Hoàng Thái Hậu sau đó vẫn là “người hiền đức” và tiếp tục được sự ủng hộ của họ.  Bà gánh vác công việc của đất nước cho đến khi nhà vua được tròn 20 tuổi bà mới thôi nhiếp chính. Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo trong bóng tối ở cương vị của một Thái Thượng Hoàng.  Từ năm 1085 về sau, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đã đi khắp nơi để nỗ lực xây dựng một hệ thống chùa tháp hơn trăm cái.  Nỗ lực này thực ra là để mở rộng uy tín và ảnh hưởng của Phật Giáo, một quyết tâm giải trừ bớt ảnh hưởng của Tống Nho, một khởi động để thiết lập định vị trong tương lai cho tư tưởng Phật giáo trong văn học và văn trị.  Thái Sư Lê Văn Thịnh gián tiếp chống đối.  Sự chống đối này buộc bà phải triệt hạ Lê Văn Thịnh để có thể thực hiện sách lược lớn rất quan trọng và tế nhị này.  Một lần nữa, bà lại khôn khéo che đậy cái công trình của một kiến trúc sư chính trị có tầm vóc.  Quần thần không nhìn thấu “ruột gan” của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu và không nhìn thấy việc gì đang âm thầm hình thành bên sau khối óc và bàn tay của bà.  Họ chỉ nhìn thấy một người đàn bà sùng Phật đạo, một người chân thành muốn tu hành chuộc lỗi xưa, và tệ hơn là một bà mẹ vua vì mê tín đã lạm dụng ngân sách quốc gia.  Rồi sau khi bà chết, 3 người hầu gái của bà bị chôn theo.  Mọi người hoang mang vì “hỏa táng là lễ đạo Phật, còn chôn theo là tục nhà Tần, Nhân Tông đều làm theo, hoặc giả vâng lời dặn của Thái hậu chăng?”  Họ không nhìn ra một điều là 3 người hầu gái này phải chết vì nhu cầu bảo mật.  Họ là những người hầu cận thân tính thì đương nhiên phải biết ít nhiều những người trong bóng tối có liên hệ với bà và liên quan đến chính sách của quốc gia.  Tính ra bà cầm quyền tất cả là 45 năm. Trong suốt chiều dài thời gian đó bà đã điều vận những nhân tài lỗi lạc của đất nước một cách “chuẩn xác”  để thực hiện nhiều chính sách hay và gặt hái nhiều thành quả tốt.  Trong số những nhân vật tài ba nằm trong quỹ đạo vận hành do bà “cai quản” có Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành và Lê Văn Thịnh.  Lý Thường Kiệt ở bên ngoài lo gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ và mở mang bờ cõi.  Ông được Linh Nhân Hoàng Thái Hậu chỉ định đảm trách vai trò quân sự đến hết cả một đời và ông đã hoàn thành sứ mạng, 2 lần đánh Tống 4 lần bình Chiêm, để lại sự nghiệp thiên thu hiển hách.  Lý Đạo Thành và Lê Văn Thịnh thì ở bên trong lo việc nội trị.  Cả hai đều nổi tiếng là bật tài danh lương đống nhưng số phận của họ không giống nhau. Thái Sư Lý Đạo Thành trước bị bà triệt hạ nhưng sau được tin dùng.  Thái Sư Lê Văn Thịnh trước được bà tin dùng nhưng sau bị triệt hạ.  Cách dùng người của bà rất “dứt khoát và mạnh mẽ.” Gần nữa thế kỷ cầm quyền không phải là ngắn, nhưng cho đến cuối cuộc đời của bà, mọi người vẫn mù mờ về tài năng và tầm vóc thực sự của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu: một công trình sư đại tài của triều Lý mà có lẽ trong suốt dòng lịch sử dân tộc chỉ có mỗi một Trần Thủ Độ là có thể đem ra so sánh.  Là một người đàn bà, trong một xã hội phong kiến, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu không thể tự do cất lên “tiếng hét chim ưng” đánh thức quần thần và làm cho họ đố kỵ hoặc sợ hãi.  Bà đã phải đội lốt “con chim sẻ” nhỏ bé để có thể rảnh tay mà lặng lẽ thực hiện những việc làm to lớn có tác động lâu dài.  Trên bước đường đấu tranh cho quyền lực của Lý triều và cho sự canh cải tiến bộ của đất nước, Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đã phải chọn lựa những quyết định thích hợp cho mỗi bối cảnh đang vận hành.
            Tháng 5 năm 1994, cả thế giới hân hoan đón nhận tin Nelson Mandela trở thành Tổng Thống của Cộng Hòa Nam Phi, điều mà chỉ vài năm trước không ai dám nghĩ tới, một người da đen trở thành nguyên thủ của một đất nước cầm quyền bởi người da trắng với chính sách kỳ thị chủng tộc tồi tệ nhất địa cầu.  Rolihlahla Nelson Mandela sinh năm 1918 trong một gia đình tầm thường.  Sau khi cha mất, lúc 12 tuổi, ông trở thành Ward của Tộc Trưởng David Dalindyebo của bộ tộc Thembu.  Bên cạnh người bảo trợ này Nelson Mandela thường có dịp nhìn thấy và học hỏi vai trò của người lãnh đạo trong hành động ở những buổi họp bộ tộc do David Dalindyebo chủ tọa.  Từ đó Mandela “đã hy vọng, và đã thệ nguyện, rằng trong những điều vui sướng mà thế gian có thể ban phát cho . . . là cơ hội để phụng sự dân tộc và để . . . cống hiến một phần nhỏ mọn vào công cuộc đấu tranh tìm tự do của họ.”[5]” Ước mơ đó đã thúc đẩy Mandela vào ngành luật sau khi tốt nghiệp từ trường Đại Học của Nam Phi.  Năm 1940 Nelson Mandela gia nhập ANC (African National Comngress).  Ông và một số người cùng chí hướng quyết tâm tạo ra một chuyển động lớn để thay đổi thân phận bị ngược đãi của người da đen.  Giữa thập niên 1940 ông cùng một số người thành lập ANCYL (African National Congress of Youth League) để giúp đẩy mạnh tiến trình.  Rồi năm 1947 ông được bầu làm tổng bí thư của tổ chức.  Suốt thập niên 1950 Mandela cùng những người trong tổ chức đã làm việc ráo riết để tạo ra sự thay đổi xã hội cho Nam Phi.  Nhưng những nỗ lực như biểu tình, đình công, chống đối thụ động không mang lại kết quả mong muốn.  Trong khi đó thì nỗ lực đè bẹp dân da màu của chính quyền da trắng càng lúc càng gia tăng, kết quả là nhiều quyền của người da đen bị tước đoạt.  Năm 1956 Mandela và 150 người khác bị bắt và bị buộc tội phản quốc.  Mandelson chống án và, sau 6 năm đấu lý, ông được trắng án.  Biết rõ chính quyền da trắng sẽ không để ông yên nên Mandela ln trốn một thời gian.  Nhưng vừa xuất hiện trở lại thì Mandela đã bị bắt và bị kết án 5 năm tù giam.  Trong thời gian xử án, Mandela đã từng tuyên bố “Trong suốt cả cuộc đời tôi đã dâng hiến bản thân cho công cuộc đấu tranh của người Phi Châu.  Tôi đã chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng đã chống lại sự thống trị của người da đen.  Tôi chỉ ôm ấp lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó tất cả mọi người sống với nhau hài hòa và với tất cả mọi cơ hội đều bình đẳng.”  Trong lúc Mandela đang trong tù thì ông và những người lãnh đạo khác của ANC bị kết tội phá hoại và bị kết án tù chung thân.  Trong suốt 20 năm kế tiếp, dù là ngay trong tù, với khéo léo che đậy, Mandela vẫn tiếp tục lãnh đạo quần chúng.  Cũng trong thời gian đó chính quyền đã hai lần đề nghị trả tự do cho ông với điều kiện là ông phải lên tiếng ủng hộ chính sách tái định cư người da đen, trong lần thứ nhất, và lên tiếng không thừa nhận bạo lực, trong lần thứ hai, nhưng cả hai lần đều bị ông từ chối.  Đến năm 1986, thì thế giới kịch liệt lên án chính quyền kỳ thị sắc tộc của Cộng Hòa Nam Phi.  Áp lực bên ngoài và bên trong buộc chính quyền phải âm thầm đàm phán nhiều lần với Mandela và đi tới quyết định phóng thích ông vào tháng 2 năm 1990.  Sau cùng, như đã nói, Mandela trở thành là Tổng Thống Cộng Hòa Nam Phi trong một cuộc tổng tuyển cử dân chủ trong đó mọi sắc tộc đều được quyền bỏ phiếu.  Mandela xứng đáng là người lãnh đạo “biết đường, dẫn đường, và chỉ đường”  cho dân tộc Nam Phi.  Trên con đường đó ông đã nhiều lần phải làm những lựa chọn thích hợp cho mỗi bối cảnh đang vận hành, có khi đầy những thử thách.



[1] Thơ do chính Phạm Ngũ Lão sáng tác
[2] Bài thơ do Trần Quang Khải sáng tác
[3] Tác giã khuyết danh, trích trong Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 88
[4] Phan Duy Kha & Lã Duy Lan & Đinh Công Vĩ, Nhìn Lại Lịch Sữ, xb năm 2003 tại Hà Nội, nxb Văn Hoá Thông Tin.
[5] John C. Maxwell (2001), The Right to Lead,  Maxwell Motivational Inc.: Norcross, GA

No comments:

Post a Comment