Vài Lời về Quyển Sách
C |
âu chuyện của Hà chính là câu chuyện có thật của tác giả. Như đã nói, tại những chiến trường kinh doanh đó tác giả đã có cơ hội để thể nghiệm sâu xa hơn về vấn đề lãnh đạo. Tác giả đã có cơ hội để thấy được một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết với thực tế, giữa học giả với hành giả, giữa cái biết của một nhà giáo chuyên nghiệp dạy về lãnh đạo và quản trị với cái biết của một nhà lãnh đạo và quản trị chuyên nghiệp đóng vai nhà giáo. Tác giả đã có cơ hội để nhìn thấy đầu mối của một sợi giây liên kết, nó chạy xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại, từ phương đông sang phương tây, từ lý thuyết tới thực nghiệm, từ chiến trường tới thương trường, từ đạo pháp tới thế pháp. Và cái đầu mối này đã cho tác giả vật liệu để kết tập một mô hình lãnh đạo cho riêng mình.
Cuốn sách mà đọc giả đang cầm trên tay không phải là một cuốn giáo khoa soạn thảo cho chương trình quản trị theo mẫu mã Hoa Kỳ. Lại càng không phải là một cuốn hồi ký về những trải nghiệm của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cũng không phải là một cuốn sách hướng dẫn trong đó liệt kê từ A tới Z những điều nên làm và không nên làm dành cho quản trị viên chưa có kinh nghiệm. Cũng không phải là một báo cáo về một công trình nghiên cứu. Và cũng không phải là một pho binh pháp viết theo kiểu viết mơ hồ của Tàu. Đây là một quyển sách mà toàn bộ nội dung chỉ nhằm soi sáng một phần của mô hình lý thuyết lãnh đạo: yếu tố vận dụng bản thân. Tinh túy của những học hỏi, suy nghiệm, ứng dụng, kiểm chứng, khám phá trong nhiều năm được cô đọng tới mức chỉ cần một lá mít cũng dư chỗ để chứa. Dĩ nhiên mô hình này được sinh ra từ lý thuyết, dĩ nhiên tự bản thân nó là lý thuyết, nhưng là thứ lý thuyết được hình thành từ những trải nghiệm sinh động thực tiễn, cái mà khoa học mềm gọi là “action grounded theory” hoặc là “theory grounded in reality.” Hay nói ngược lại, mô hình thì tự nó không nhiều nhưng vì phải soi sáng những điều mà mô hình chứa đựng trong đó cho nên nó cần phải được triển khai và cũng vì thế nên mới có những quyển sách.
Tác giả đã đem vào rất nhiều nhân vật và chuyện kể vào sách. Những nhân vật xa xưa cũng như những nhân vật cận đại và hiện đại. Những nhân vật ở phương đông cũng như những nhân vật ở phương tây. Những nhân vật trong chính trường cũng như những nhân vật trong thương trường và trong nhiều lãnh vực khác. Làm như vậy, ngoài mục đích chính là giúp soi sáng những vấn đề muốn nói, tác giả còn có những lý do khác nữa. Thứ nhất, với sợi chỉ liên kết những mẩu chuyện chạy xuyên qua nhiều thời đại, tác giả muốn cho thấy cái làm nên hai chữ lãnh đạo đúng nghĩa không phải là những khám phá mới mẻ, cũng không phải là “fashion” của một thời, và những cái/ những điều/ những nguyên tắc chân chính luôn có giá trị vượt thời gian. Thứ hai, với sợi chỉ liên kết những mẩu chuyện chạy xuyên qua nhiều không gian và văn hóa, tác giả muốn cho thấy cái làm nên hai chữ lãnh đạo đúng nghĩa không phải là sản phẩm riêng của phương tây hoặc phương đông, cũng không phải là tuyệt chiêu hay bí kiếp riêng của người trong chính trường hoặc thương trường hoặc gì gì đó, và những cái/ những điều/ những nguyên tắc chân chính luôn có giá trị vượt biên giới và bao trùm nhân loại. Thứ ba, khi lồng vào những câu chuyện của tiền nhân Việt Nam tác giả hy vọng là sẽ giúp cho các em sinh viên có được một cách nhìn khác về tài năng lãnh đạo của tiền nhân ngày trước và thực sự biết cảm ơn tiền nhân của chúng ta vì bản lĩnh và đức độ của họ. Nếu chỉ biết lấy “chiến công” làm thước đo và để những chữ “một đất nước anh hùng” làm chủ đạo tâm thức của dân tộc thì chúng ta không những bỏ mất cơ hội khám phá đâu là tài năng thật sự của những nhà lãnh đạo trong quá khứ [và vì vậy không thể nào cảm nhận hết sự may mắn của chúng ta là đã được sinh ra trên một đất nước có nhiều nhà lãnh đạo xuất chúng] mà còn xui khiến chúng ta tự lìa bỏ con đường dành cho một dân tộc đã từng trưởng thành để rồi đi lạc vào mê lộ đầy máu tanh. Và nếu chỉ nhìn một chiều theo sự phê phán, đôi khi rất hời hợt, của sử gia rồi tôn xưng hoặc chê trách tiền nhân một cách phiến diện thì chúng ta sẽ không thật sự học được gì cả từ những thiên tài lãnh đạo của đất nước. Điều này, mãi cho đến nay, đã là một thiệt hại rất lớn cho quốc gia và dân tộc. Hãy thử nghe một người nghiên cứu về lãnh đạo và quản trị nói gì về tài năng lãnh đạo của cha ông ngày trước.
Đã có người đặt vấn đề với tác giả là: ông có phải là sử gia không mà dám quyết đoán những nhân vật lịch sử? Tác giả cũng đã hỏi ngược lại là: bạn thân mến của tôi, vậy bạn có từng nghe câu “phải là một người lãnh đạo hoặc biết về lãnh đạo mới có thể hiểu thấu một người lãnh đạo” bao giờ chưa? Tác giả không muốn, không dám, và cũng không đủ kiến thức để lạm bàn công việc của một sử gia. Tác giả chỉ có chủ ý dựa vào những sự kiện ghi nhận bởi sử gia để “nhận xét” về tài năng lãnh đạo của tiền nhân và không ngần ngại nói lên sự nhận xét của mình. Thiết nghĩ rằng điều này không quá đáng và chắc chắn là không vượt quá khả năng của tác giả. Hy vọng là đến cuối ngày, tác giả không làm thẹn mặt tiền nhân.
Và, trước khi bước vào chương chính của quyển sách này, tác giả xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị học giả đã cho vay mượn lời nói hoặc ý tưởng hoặc thông tin qua tác phẩm của mình.
No comments:
Post a Comment