Friday, October 29, 2010

Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật (6)

trở về Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật - bài 5

Từ những ví dụ trên cho thấy người lãnh đạo phải đảm lược và quyền biến để làm được việc của một người lãnh đạo và để xứng đáng tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.  Vì là “đảm,” là “lược,” là “quyền,” là “biến,” là “để làm được việc” cho nên những phô bày của họ ở mỗi bối cảnh đang vận hành tuy dễ thấy nhưng không dễ thấu.  Và ý nghĩa căn bản của những chữ “phô bày một thực thể thích hợp để sinh tồn” được sử dụng ở đây là như vậy.  Nhưng những người lãnh đạo đôi khi phải đối diện với những thử thách vô cùng nghiệt ngã và ý nghĩa của hai chữ sinh tồn trong vai trò lãnh đạo dưới những hoàn cảnh như vậy sẽ vượt xa hơn cái căn bản vừa nói trên.
            Trần Bình Trọng chận đánh quân Nguyên tại mặt trận Đà Mạc, trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ hai dưới triều đại nhà Trần, chẳng may bị vây khỗn và rơi vào tay giặc.  Thoát Hoan đã hỏi ông “có muốn làm vương đất Bắc không?”  Ông đã nạt to “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.”  Trước nanh vuốt và cám dỗ của kẻ thù ông đã phô bày một bản sắc kiêu hùng bất khuất.  Cái thực thể tuyệt vời của một chiến tướng Đại Việt sáng tỏa hào quang đã làm run rẩy kẻ ngoại thù man rợ Nguyên Mông và đã làm nổi sóng khí thế quyết thắng của binh tướng nhà Trần.  Cái thực thể hào hùng Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng được phô bày trong bối cảnh nghiệt ngã đang vận hành vừa là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vừa là một thực thể thích hợp để sinh tồn.  Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vì dầu là đầu ông có rơi xuống đất nhưng ba quân tướng soái nhà Trần đã hồi đáp ý chí của ông bằng hành động và đạt đến cứu cánh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.  Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để sinh tồn vì dầu là xương da ông có trả về cát bụi nhưng ông vẫn tiếp tục sống trong dòng sinh mệnh của dân tộc.  Thực thể lãnh đạo và thực thể sinh tồn của Trần Bình Trọng vượt lên khỏi giới hạn hiện hữu của xác thân và vượt ngoài khoảnh khắc của đời người.
            Lê Lai, một vị trong số những anh hùng Lam Sơn có mặt trong hội thề Lũng Nhai, con của Lê Kiều, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, thuộc tỉnh Thanh Hóa, cùng với anh là Lê Lạn và 3 người con trai của mình là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm là những nghĩa tướng chiến đấu trong hàng ngũ của Lê Lợi.  Trong lần thứ hai rút về trú đóng tại núi Chí Linh, sau khi tấn công đồn Nga Lạc huyện Nga Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa, nghĩa binh bị bao vây chặt chẽ.  Để tìm một sinh lộ, Bình Định Vương đã hỏi “có ai làm được như người Kỹ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không?”  Lê Lai đã bước ra xin  mặc áo ngự bào, cỡi voi ra trận đánh nhau với giặc.  Quân nhà Minh tưởng là Bình Định Vương thật nên xúm lại vây đánh.  Sau đó bắt được ông giết đi rồi kéo nhau về Tây Đô.  Nhờ có Lê Lai chịu liều mình cho nên Lê Lợi và nghĩa binh đã thoát chết để tiếp tục công cuộc kháng chiến.  Cái thực thể cao thượng và dũng cảm của Lê Lai được phô bày trong bối cảnh nghiệt ngã đang vận hành vừa là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vừa là một thực thể thích hợp để sinh tồn.   Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vì rằng sau khi thân xác ông đã gởi vào lòng đất người lãnh đạo kháng chiến tối cao của đất nước vẫn còn và công cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục cho đến ngày dành lại được chủ quyền của đất nước.  Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để sinh tồn vì  rằng dầu ông có lìa khỏi thế gian nhưng sự hiến dâng cao quý của ông vẫn ở lại trong lòng dân tộc.  Nếu không có sự hy sinh của Nội Hầu Tổng Quản Lê Lai biết đâu lịch sử đã viết khác hơn.  Thực thể lãnh đạo và thực thể sinh tồn của Lê Lai bay cao vút, vượt lên khỏi danh vị cá kỷ và quan tâm sống chết của bản thân.  Ông tự nguyện hy sinh để cho chính nghĩa được sống, cho tổ chức được còn, cho toàn dân được cơ hội nhìn thấy ngày ngoại xâm bị quét sạch khỏi bờ cõi.
            Nguyễn Trung Trực, có tên khác là Lịch và tên khác nữa là Chơn, sinh quán tại Bình Định, thân sinh làm nghề đánh cá.  Sau khi hải quân pháp nhiều lần đánh phá duyên hải trung bộ gia đình ông phiêu bạt vào Nam rồi định cư ở thôn Bình Nhật, nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.  Sinh thời Nguyễn Trung Trực là người có thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, can đảm và mưu lược.  Tháng 2 năm 1861 ông, cùng với Trương Công Định, tham gia trận đánh bảo vệ đại đồn Chí Hòa.  Sau đó ông được phân công chỉ huy một số kháng chiến quân kéo về hoạt động tại vùng Tân An.  Tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy một trận tập kích táo bạo trên sông Nhật Tảo, Vàm Cỏ Đông, tiêu diệt 17 tên lính Pháp, 20 tên Việt gian và đốt cháy chiến hạm Espérence của Pháp do trung tướng Parfait điều khiển. Địa bàn chiến đấu của ông bao gồm Thủ Thừa, Thuộc Nhiêu, Bến Lức, Phước Lý, Long Thành, Tân Uyên, thanh thế vang dậy đến độ quân Pháp phải treo giải để bắt ông sau nhiều lần dụ hàng không được. Từ năm 1862 cho đến năm 1868 Pháp ráo riết đánh Gò Công, Tây Ninh, Bà Rịa. Ông yếu thế phải lui về Hòn Chông, Kiên Giang và Phú Quốc.  Tháng 6 năm 1868 Nguyễn Trung Trực chỉ huy tập kích đồn Kiên Giang, tiêu diệt 5 sĩ quan pháp, 67 binh sĩ pháp, 2 tên việt gian, tịch thu 100 khẩu súng và 1 kho đạn.  Chiến công này đã làm cho Pháp cực kỳ phẫn nộ.  Sau đó do sự chỉ điểm của những tên việt gian bán nước, Pháp đã bắt trói mẹ của Nguyễn Trung Trực và nhiều dân làng đưa ra pháp trường chủ ý xử bắn để làm áp lực buộc ông nạp mạng.  Vì lòng nhân và sự hiếu thảo, ông quyết định phải cứu mẹ và dân lành vô tội nên đành để cho Pháp bắt giải về Sài Gòn, ngày 19 tháng 9 năm 1868.  Trong tay giặc ông vẫn không chịu để cho Pháp mua chuộc làm tay sai nên bị đem ra chặt đầu tại chợ Rạch Giá, ngày 27 tháng 10 năm 1868.  Ở pháp trường Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái thét vào mặt những tên xâm lược Pháp “bao giờ người Tây nhổ hết cỏ Nước Nam thì mới hết Người Nam đánh Tây.”  Trước khi khai đao, tên phủ thủ gốc Khờ Me đã quì lạy ông để xin cho phép thi hành phận sự của hắn.  Nguyễn Trung Trực đã nhìn hắn mỉm cười và nói “hãy chặt cho ngọt.”  Sau khi chém, đầu chưa kịp rơi xuống đất, ông đã dùng hai tay của mình để giữ lấy thủ cấp trên cổ.  Nguyễn Trung Trực đã để lại một một ấn tượng thiên thu hùng tráng vẽ bằng máu của chính ông và nước mắt tiếc thương của dân Việt.  Cái thực thể của một Nguyễn Trung Trực tỏa sáng khí thế “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa; Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần[1] ung dung chấp nhận đầu rơi để giữ vẹn tứ ân được phô bày trong bối cảnh nghiệt ngã đang vận hành vừa là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vừa là một thực thể thích hợp để sinh tồn.  Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để lãnh đạo vì chính ông đã quyết định đoạn kết của cuộc thư hùng, đoạn kết đó làm cho ông cao lớn ngút trời trong cách sống lẫn cách chết.  Cái thực thể do chính ông chọn lựa và phô bày đích thực là một thực thể thích hợp để sinh tồn vì hiển thánh Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực vẫn tiếp tục có mặt trong đời sống của người dân Việt.
            Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến, thường được gọi là Hội Đồng Hiến, còn có tên là Nguyễn Như Khuê, tự Phát Đình, hiệu Chương Chu, bí danh Hoàng Xương, sinh năm 1856 tại Mỹ Đức, Hà Tiên, Kiên Giang.  Con của ông Nguyễn Như Ngươn, là Tri Huyện của Vĩnh Long và Tuần Phủ của Hà Tiên dưới thời vua Tự Đức.  Lúc nhỏ Nguyễn Thần Hiến nổi tiếng thông minh và hiếu học.  Vào độ tuổi 20 ông đã có kiến thức uyên thâm chẳng thua các bậc đại khoa.  Năm 1905, khi nhà ái quốc Phan Bội Châu phát động phong trào đông du, ông đã nhiệt liệt hưởng ứng.  Những năm đầu thế kỷ 20, đối với những sĩ phu tiến bộ và yêu nước của Việt Nam, thì Nhật Bản là một thế giới cách tân được ngưỡng mộ.  Phan Bội Châu muốn đưa người qua Nhật để học hỏi rồi tìm cách đổi mới đất nước.  Nhưng một trong những trở ngại lớn của phong trào là muốn đông du thì phải có tiền.  Với nhu cầu đó, Nguyễn Thần Hiến đã sáng lập ra Khuyến Du Học Hội và đóng góp 20 ngàn đồng cho tổ chức để tài trợ cho những học sinh muốn qua Nhật Bản du học, và trên cơ sở đó, nhằm gầy dựng lực lượng yêu nước của Đông Du tại Nam Bộ.  Bởi tích cực hoạt động cho phong trào nên năm 1908 ông bị thực dân Pháp và tay sai truy lùng gắt gao.  Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Thần Hiến phải trốn ra nước ngoài qua đường Campuchia, đến Thái Lan, sang Quảng Châu, rồi qua Thượng Hải để gặp Phan Bội Châu lo việc nước.  Những năm 1910-1913, ông thường qua lại giữa Nhật Bản, Hồng Kông, Thượng Hải cùng các đồng chí mua khí giới gởi về nước giúp các lực lượng vũ trang khởi nghĩa.  Thực dân Pháp bám sát hoạt động của ông qua nhiều năm nhưng mãi tới ngày 16 tháng 3 năm 1913 chúng mới bắt được ông tại Hồng Kông rồi sau đó chúng đưa ông về giam tại Hà Nội.  Mặc dù bị tra tấn bằng nhiều cực hình, ông vẫn tỏ ý chí bất khuất.  Quyết liệt hơn, ông đã tuyệt thực để phản đối và kết quả đương nhiên là ông đã chết trong nhà giam Hỏa Lò vào ngày 26 tháng 11 năm 1914.  Đứa con bút nghiên của đất Hà Tiên văn dật đã chọn lựa đoạn kết cho cuộc đời mình không thua một tay dũng tướng.  Chứng kiến cái chết bi hùng của ông, chí sĩ Nguyễn Quang Diệu đã làm thơ than khóc “Chín suối có thiêng hồn Tổ Quốc. Trăm năm còn tạc gánh tang bồng.  Thôi để ngàn năm cho sắp bé.  Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.”  Sự chọn lựa trong cách sống và cách chết của ông quả thật là đã phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo lẫn sinh tồn.
            Trong một buổi sáng của tháng 7 năm 1940, một đám đông người Do Thái chạy nạn tụ tập trước cổng của Lãnh Sự Quán Nhật Bản tại Kaunas, Lithuania.  Đa số chạy từ Poland lúc Đức Quốc Xã đánh chiếm xứ đó.  Tuy tạm thời thoát được tay Nazis, nhưng với tình hình quân Đức Quốc Xã đang tiến công, những người tỵ nạn này sẽ không còn lối thoát.  Họ tập trung trước cổng để tìm sự giúp đỡ của ngài Tổng Lãnh Sự Chiune Sugihara.  Họ bàn với nhau rằng chỉ còn một con đường duy nhất có thể ra khỏi Lithuania là đi ngang qua Sô Viết, vào Nhật Bản, và tìm tự do tại Caribbean.  Cái mà họ cần để thực hiện được điều đó là giấy thị thực quá cảnh (transit visa) do chính quyền Nhật Bản cấp.  Sugihara lập tức điện về Tokyo để xin phép được viết và ký giấy thị thực quá cảnh cấp cho những người chạy nạn này nhưng chính quyền của ông đã từ chối.  Ông điện một lần nữa, rồi thêm một lần nữa nhưng  trước sau đều bị từ chối.  Tệ hơn, lần thứ ba họ cấm ông không được điện cho họ thêm nữa.  Sugihara, mới 40 tuổi với tất cả hứa hẹn trong tương lai cho một nhà ngoại giao trẻ, đứng trước một hoàn cảnh khó xử.  Là một công dân gương mẫu của Nhật Bản, được dạy từ lúc vở lòng về sự phục tùng mệnh lệnh.  Nếu như ông không tuân hành ý chỉ của cấp trên thì không những ông sẽ phải gánh chịu hậu quả mà cả gia đình ông cũng sẽ bị nhục lây và có khi còn liên lụy tới tính mạng của người nhà.  Một mặt khác, ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ sĩ thần đạo sumarai, được dạy dỗ phải cứu giúp kẻ sa cơ lở vận.  Hơn nữa ông còn là một tín đồ cơ đốc từ lúc trẻ được dạy phải sống trong và sống với tình yêu của Thiên Chúa.  Bối cảnh đang vận hành buộc ông phải làm một sự chọn lựa.  Và ông đã chọn lựa.  Trong suốt 29 ngày tiếp theo, ngài Tổng Lãnh Sự cùng với vợ, bà Yukiko, đã tận dụng tất cả thời gian để viết thị thực quá cảnh.  Sugihara không dừng lại để ăn và chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm.  Ngày 28 tháng 8 năm 1940, ông bị bắt buộc phải đóng cửa lãnh sự quán để trở về Tokyo.  Lên đến tàu hỏa ông vẫn tiếp tục viết thị thực quá  cảnh.  Tàu chuyển bánh ông vẫn ký thị thực quá cảnh.  Ông tận dụng tới giây phút cuối cùng, và khi tàu rời sân ga, không thể làm gì hơn, ông ném con dấu cho đám người chạy nạn để họ có thể tự đóng dấu giấy thị thực quá cảnh.  Quyết định của ông đã cứu hơn 6 ngàn sinh mạng.  Không cần nói cũng biết là sự nghiệp ngoại giao của ông bị chết từ giây phút ông làm sự chọn lựa, nhưng cũng chính giây phút đó ông tỏa sáng hào quang của một thực thể thích hợp để lãnh đạo lẫn thích hợp để sinh tồn.
            Mark Luther King Jr. (1929-1968) là con trai trưởng của ông Mark Luther King Sr., một Mục Sư  đồng thời là một nhà lãnh đạo đấu tranh cho dân quyền, và bà Alberta William King, con gái của một Mục Sư  đồng thời là người sáng lập phân bộ Atlanta của NAACP (National Association for the Advance of Colored People).  Tiến Sĩ King ra đời tại Atlanta, bang Georgia của Hoa Kỳ,  vào Đại Học Morehouse College lúc 15 tuổi, tốt nghiệp Cử Nhân Xã Hội Học năm 1948, bắt đầu theo đuổi chương trình thần học cùng năm đó, nhận bằng Cử Nhân Thần Học năm 1951, và cuối cùng nhận bằng Tiến Sĩ  năm 1955 lúc được 26 tuổi.  Trong suốt đoạn đường bút nghiên này, ông nghiên cứu sở học của Reinhold Neibuhr và triết lý bất bạo động của Mohandas Karamchand Gandhi.  Năm 1954 Tiến Sĩ King trở thành là Mục Sư (pastor) của Dexter Avenue Baptist Church tại Montgomery của tiểu bang Alabama.  Thông minh, tận tụy với sứ mạng và có sức lôi cuốn mạnh, Tiến Sĩ King có đủ chất liệu để trở thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ.  Rồi thời cơ đưa đến.  Tháng 12 năm 1955, Rosa Lee Parks, một người phụ nữ da đen, bị chính quyền địa phương bắt giam vì từ chối đứng lên nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe buýt.  Cộng đồng người da đen chọn Tiến Sĩ King đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình tẩy chay đòi chấm dứt tình trạng kỳ thị màu da trong hệ thống vận chuyển công cộng.  Dầu là đã có những toan tính và bạo hành nhằm cố gắng đè bẹp cuộc đấu tranh của người da đen, cuối cùng thì Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ vẫn ban hành lệnh cấm phân chia chỗ ngồi theo màu da trong hệ thống chuyển vận công cộng của thành phố.  Cuộc đấu tranh dài 381 ngày với phương cách bất bạo động dẫn đến chiến thắng vinh quang đã đưa tên tuổi của Tiến Sĩ King lên tới đỉnh.  Cả nước đều biết đến ông.  Và ngay sau đó ông được mời làm Chủ Tịch của tổ chức SCLC (Southern Christian Leadership Conference), một tổ chức mới được hình thành để đấu tranh đòi bình đẳng cho người da đen trên đất Mỹ.  Tháng 3 năm 1959 Tiến Sĩ King và vợ, Coretta Scott King, qua viếng thăm Ấn Độ.  Trong suốt một tháng dài tại đây Tiến Sĩ King đã gặp Thủ Tướng đương nhiệm là Jawaharlal Nehru, nhà cải cách Vinoba Bhave và những nhân vật có nhiều ảnh hưởng để bàn về những vấn đề đói nghèo, chủng tộc và chính sách kinh tế.  Tiến Sĩ King rời Ấn Độ trở về Hoa Kỳ mang theo trong tim một niềm tin sâu dầy đối với sức mạnh của bất bạo động (ahimsa/ total non-violence) trong đấu tranh chính trị và xã hội bằng cách vận động công dân đông đảo tham gia kháng lệnh của nhà cầm quyền để chống lại chế độ độc tài (satyagraha/ resistance to tyranny through mass civil disobedience).  Ảnh hưởng của Mahatma Gandhi đối với đường lối đấu tranh của Tiến Sĩ King phản ảnh rất rõ trong lần nói chuyện của ông trên đài phát thanh trong năm 1959  với nguyên văn “The spirit of Gandhi is so much stronger today than some people believe.”  Và dưới sự lãnh đạo của Tiến Sĩ King, thành viên của SCLC đã tuyên hứa sẽ tránh bạo động.  Họ đã giữ đúng lời hứa trên con đường đấu tranh theo mục tiêu đã vạch dù rằng trên mỗi chặng đường đấu tranh họ đã đối diện với rất nhiều đe dọa, tù đày và bạo hành.  Nhưng nguyên tắc dùng thuần sức mạnh bất bạo động để thắp sáng lương tâm và công lý theo lời dạy của Chúa Jesus và theo triết thuyết của Gandhi mà Tiến Sĩ King đã áp dụng để dẫn dắt quần chúng đấu tranh đòi quyền bình đẳng không phải là không có những chống đối.  Vì vẫn chưa nhìn thấy những thay đổi rộng nền và hiệu quả, các nhà tranh đấu cho dân quyền của người da đen đã trở nên thiếu kiên nhẫn với phương cách ôn hòa.  Trong khi SCLC chủ trương đòi sự thay đổi bằng con đường kiện tụng và hòa giải (litigation and reconciliation) thì có những nhóm khác, thí dụ như nhóm Malcom-X, chủ trương đòi thay đổi bằng mọi phương tiện khả dĩ (demanding change by any means possible).  Cụm từ “mọi phương tiện khả dĩ” bao hàm ý nghĩa s dụng ngay cả bạo lực.  Sự khác biệt trong chủ trương gây ra rạn nứt giữa những cộng đồng da đen và đưa đến sự phân tán phần nào ảnh hưởng và hiệu quả của Tiến Sĩ King.  Trong bối cảnh đầy chao đảo đó, sự chọn lựa của Tiến Sĩ King vẫn là “Cho tất cả những ai chống đối nỗ lực của SCLC, chúng tôi sẽ đáp lại khả năng gây đau khổ của các bạn bằng khả năng kham nhẫn . . . Chúng tôi không ghét bạn, nhưng chúng tôi không thể chiều theo luật lệ bất công . . . Chúng tôi sẽ đánh động con tim và lương tri của bạn và những điều này sẽ thắng bạn trong tiến trình.”[2]” Nhờ vào sự lãnh đạo của Tiến Sĩ King nên nói chung phương cách chính thức của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của công dân da đen Hoa Kỳ vẫn là phương cách kháng lệnh và bất bạo động.  Năm 1963 Tiến Sĩ King đã dẫn đầu quần chúng tuần hành trong một cuộc biểu tình khổng lồ tại Birmingham của tiểu bang Alabama và vận động cho những vấn đề người da đen quan tâm như là đăng ký bầu cử, phân cách màu da, cải thiện giáo dục và chung cư.  Sau cuộc biểu tình đó  ông bị bắt giam, tháng 4 năm 1963.  Đến tháng 8 cùng năm ông lại tham dự một cuộc biểu tình khác, the March on Washington for Job and Freedom.  Trước tượng đài tưởng niệm cố Tổng Thống Abraham Lincohn Tiến Sĩ King đã để lại một giấc mơ tuyệt vời trong trái tim nhân loại với bài diễn văn “I Have a Dream.”  Năm 1965 ông tham dự cuộc biểu tình đòi những quyền bầu cử, di hành từ Selma tới Montgomery.  Tháng 7 năm 1966, sau khi James Meredith bị bắn trọng thương, Tiến Sĩ King cùng với Floyd McKissick và Stokely Carmichael tiếp tục cuộc biểu tình March Against Fear, di hành từ Memphis tới Jackson thuộc tiểu bang Mississippi.  Tháng 3 năm 1968 ông lãnh đạo công nhân vệ sinh biểu tình tẩy chay tại Memphis thuộc tiểu bang Tennessee.  Cuộc biểu tình bất chợt n ra bạo động.  Ngày 3 tháng 4, Tiến Sĩ King trở lại Memphis để tham dự một cuộc biểu tình khác cũng của công nhân vệ sinh.  Trước đám đông tại Mason Temple Tiến Sĩ King đã để lại bài diễn văn cuối cùng trong cuộc đời ông, “I've Been to the Mountaintop and Seen the Promiseland.”  Ngày hôm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, vừa bước ra đứng ở ban công của phòng 306 của nhà ngủ Lorraine một viên đạn bắn từ xa của một tên tội phạm da trắng đậm máu kỳ thị, James Earl Ray, đã kết liễu tính mạng của Tiến Sĩ King.  Cái chết đến với ông đột ngột nhưng có lẽ không gây kinh ngạc.  Vì vào những năm sau cùng, ngoài hoạt động đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu, ông còn tham gia vào những hoạt động chống chiến tranh Việt Nam.  Và Tiến Sĩ King là một người lãnh đạo nặng ký cho nên có người muốn giết ông là điều không kinh ngạc.  Cuối cùng thì sự chọn lựa của Mark Luther King Jr. cũng đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình.  Sự chọn lựa để “có một giấc mơ.”” Sự chọn lựa để “lên đến đỉnh đồi và thấy miền đất hứa.””Sự chọn lựa đưa vai gánh vác sứ mạng lãnh đạo công cuộc đấu tranh cho quyền sống bình đẳng của con người.  Sự chọn lựa đứng lên thắp sáng tình thương, công lý và hòa bình.  Và, sự chọn lựa của ông chạm đến trái tim nhân loại.  Đám tang của Tiến Sĩ King có hơn 100 ngàn người tham dự.  Có 730 thành phố trên nước Mỹ, tính vào năm 2006, và một số quốc gia trên thế giới đặt tên đường Mark Luther King Jr. để vinh danh ông.  Tổ quốc dành một ngày trọng lễ để vinh danh ông.  Nhà thờ tôn xưng ông là tướng lãnh và là thánh tử đạo của “thập tự đạo đức chinh vĩ đại nhất” trên mặt trận chống kỳ thị trong đất nước Hoa Kỳ.  Thế giới coi ông là bậc thầy của nhân quyền.  Trong suốt 39 năm ngắn ngủi của một đời người, Mark Luther King Jr. đã tỏa sáng hào quang trong mỗi bối cảnh vận hành, đã thực sự biết vận dụng bản thân, đã thực sự là một thực thể thích hợp để lãnh đạo.  Ông cũng là một thực thể thích hợp để sinh tồn.  Ông là thực thể thích hợp để sinh tồn vì tiếng nói cũng như cái chết của ông vượt xa không gian, bất tử với thời gian, xoắn vào trái tim của bá tánh, thắp sáng lương tâm của nhân loại.  Ông là thực thể thích hợp để sinh tồn vì khát vọng nơi ông chính là lương tâm của nhân loại, là nỗ lực vươn lên của nhân loại, là khuôn mặt nhân bản của nhân loại.  Ông là một thực thể thích hợp để sinh tồn vì chính ông là một bồ tát nhập thế hành đạo, một sứ giả của Thiên Chúa gởi xuống thế gian để thực hiện đoạn cuối của cuộc cách mạng giải phóng người dân da đen trên đất Mỹ mở ra từ 100 năm về trước.
            Amy Elizabeth Biehl (1967-1993) là sinh viên ưu tú của Đại Học Standford, sau khi tốt nghiệp và thắng được học bổng Fulbright năm 1992, cô khăn gói lên đường sang Nam Phi.  Một cô gái Mỹ trắng, sinh ra trong một gia đình trung lưu Cơ Đốc Giáo tại Newport Beach tiểu bang California của Hoa Kỳ, độc thân, trẻ đẹp, tài hoa, tương lai đầy hứa hẹn, lại quyết định đi đến một phương trời xa để hòa mình vào dòng sống của đất nước Cộng Hòa Nam Phi,  một nơi tuy xa nhưng không lạ.  Từ những ngày còn là học sinh trung học Amy đã say mê lịch sử Nam Phi và ngưỡng mộ những nhà cách mạnh đấu tranh dành tự do của vùng đất đó.  Thời gian ở đại học Amy càng tỏ ra quan tâm hơn về tình trạng kỳ thị, bất công, bất bình đẳng và đặc biệt là về thân phận của phụ nữ và trẻ con tại những quốc gia ở nam Châu Phi.  Cho nên lên đường đi đến Nam Phi là một chọn lựa nhập cuộc của Amy, thừa biết nơi đó hiểm nguy chực chờ.  Cô dấn thân với hy vọng góp phần cải thiện đời sống của người da đen.  Cô muốn họ được quyền bầu cử.  Cô muốn  chấm dứt tình trạng kỳ thị, bất công và bất bình đẳng.  Cô muốn phụ nữ được tự chủ.  Cô muốn nhu cầu của trẻ nhỏ được quan tâm đúng mức.  Cộng Hòa Nam Phi là một quốc gia có một nền chính trị tồi tệ với quyền lực tập trung toàn vẹn trong tay của những người da trắng gốc Âu Châu và sự kỳ thị được trắng trợn hợp pháp hóa thành cơ chế từ năm 1948 với những dụ luật tách biệt chủng tộc (enactment of apartheid laws) và cũng vì thế thường xảy ra những vụ bạo động đổ máu.  Với tư cách là nghiên cứu sinh, Amy tập trung vào công việc nghiên cứu vai trò của phụ nữ Nam Phi tìm đáp án cho câu hỏi “Sự bình đẳng giới tính có khả dĩ hay không trong giới hạn bối cảnh của hoạt trình điều đình đầy thử thách?  Và yếu tố chủng tộc có luôn luôn phủ bóng lên yếu tố giới tính trong điều kiện đó?”  Bên cạnh công việc nghiên cứu Amy còn tham gia vào những sinh hoạt chính trị và xã hội của xứ này, thí dụ như là giúp cho đại học của Western Cape Community Law Center soạn thảo những chương trình ghi danh đi bầu cho công dân da đen Nam Phi và phụ nữ hoặc là tham gia giúp đỡ những địa phương yếu kém.  Rồi vào một buổi tối tháng 8 năm 1993, ngày 25, lúc Amy lái xe đưa 3 người bạn da đen ngang qua Gugulethu ngoại ô của Cape Town, bóng tối của tàn bạo đã phủ xuống và tước đoạt sinh mạng của Amy Bielh.  Một nhóm thanh niên da đen đã chận đường ném đá loạn vào xe cô, buộc cô dừng lại, rồi lôi cô ra khỏi xe.  Bị vây giữa một lũ người đang cơn cuồng nộ phụ hoạ bởi âm thanh sát phạt “một tên da trắng, một viên đạn” [thông điệp của nhóm vũ trang Pan Africanist Congress] một Amy mong manh trong cơn hoảng loạn đã ráng sức chạy trốn nhưng không thoát.  Chúng đập vào đầu cô một viên gạch.  Chúng đấm đá vào thân thể cô không thương tiếc.  Và cuối cùng, chúng cắm một lưỡi dao vào ngực cô, nơi có con tim chứa đầy lý tưởng và giấc mơ bình đẳng tự do cho người da đen.  Trong lúc bạo hành đang diễn ra, những người bạn da đen của Amy đã gào lên “cô ta là đồng chí là người bạn hiếm hoi của người da đen chúng ta.”  Nhưng họ không cứu được Amy vì lúc đó trong mắt của những kẻ bạo hành chỉ thấy có một người da trắng đáng chết.  Rồi Amy được đưa đến một trạm cảnh sát gần đó và mất trong vòng tay của những người bạn da đen.  Amy tinh khôi ở tuổi 26, lìa thế gian như một hạt nước đang long lanh phản chiếu ánh mặt trời bất chợt rời khỏi phiến lá.  Cái chết của Amy vực dậy lương tâm của nhiều người, cả người da đen lẫn người da trắng, rồi cả thế giới dồn sự chú ý về nơi đó và lắng nghe thông điệp “trao quyền chính trị cho dân chúng Nam Phi,” điều mà Amy khó có thể thực hiện lúc sống.  Tháng 4 năm 1994, một cuộc “bầu cử dành cho mọi chủng tộc” thực hiện lần đầu tiên đã diễn ra và chính thức khép lại chính sách phân cách chủng tộc.  Tiếp theo đó là những nỗ lực “đối diện sự thực, đối thoại, hòa giải và kiến tạo.”  Amy không có mặt để nhìn thấy một thành tựu mà trên tiến trình đi đến cũng có một phần đóng góp của chính cô.  Cha mẹ của Amy, ông bà Peter và Linda Beilh, thành lập một tổ chức thiện nguyện để tiếp tục thực hiện hoài bảo của con gái mình với hướng đi “We, the Amy Beilh Foundation, are willing to do our part as catalyst for social progress.”  Amy Elizabeth Beilh, trong 26 năm ngắn ngũi của một đời người, đã tỏa sáng hào quang trong cách sống lẫn trong cái chết.  “Nhìn vào tấm gương của cô ta, trong cái khung cảnh của Hoa Kỳ ngày hôm nay, nơi mà cái quan tâm lớn nhất đối với nhiều người là chạy theo đồng tiền và/hoặc là chờ xem Football trưa Chủ Nhật, với một hướng luân lý rõ rệt cho cuộc đời mình, Amy đã lên đường tìm kiếm để mang ánh sáng . . . đến một nơi mà ở đó nếu không có cô sẽ ảm đạm.”[3]  Và cô đã hiến dâng tất cả cho sự chọn lựa đó.  “Máu của Amy tưới những hạt giống của phụ nữ da đen, những hạt giống mà Amy đang gieo sẽ nảy mầm và sẽ giúp để chận đứng sự bạo hành đối với phụ nữ da đen.”[4]  Amy đúng là một thực thể thích hợp để lãnh đạo lẫn sinh tồn.
            Daw Aung San Suu Kyi (1945 - hiện tại) sinh ra tại Ragoon, trong một gia đình có tiếng.  Là người con gái trưởng của Tướng Aung San, một công trình sư của nền độc lập Miến Điện, và bà Daw Khin Kyi, nữ đại sứ duy nhất của xứ này.  Lúc Daw Aung Suu Kyi được 2 tuổi, ông Aung San bị ám sát, vào tháng 7 năm 1947, cùng với 6 người khác là thành viên nằm trong “nội các tiền độc lập” (pre-independence cabinet) của ông.  Năm 1960 bà theo mẹ, chức vụ  đại sứ, qua New Dehi của Ấn Độ.  Trong thời gian tại đây bà trở nên ưa thích với triết thuyết đối kháng bất đạo động của Mahatma Gandhi.  Sau khi theo học chương trình chính trị tại Đại Học New Dehi, bà theo học chương trình Triết, Chính Trị Và Kinh Tế tại St Hugh của Đại Học Oxford ở Anh Quốc và tốt nghiệp Cử Nhân. Từ năm 1967 cho tới 1971, bà là phó bí thư của Ủy Ban Cố Vấn Về Vấn Đề Quản Trị Và Ngân Sách trực thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tại New York.  Năm 1972 Daw Aung Suu Kyi trở thành là viên chức nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Bhutan và trong năm này bà kết hôn với Tiến Sĩ Michael Aris, một học giả người Anh đang dạy học cho hoàng gia Bhutan.  Sau đó hai người có được hai đứa con trai và, bên cạnh vai trò làm mẹ làm vợ, bà tiếp tục theo đuổi công việc học tập nghiên cứu trong nhiều năm.  Nói một cách khác, bà yên ấm với hạnh phúc trong tầm tay.  Nhưng định mệnh không dành cho bà con đường bằng phẳng.  Đầu tháng 4 năm 1988, nhận được tin mẹ đau nặng, Daw Aung Suu Kyi đã vội vã trở lại Ragoon để săn sóc cho mẹ, đúng vào lúc mà tình hình chính trị Miến đang sôi sục.  Từ khi Tướng Ne Win làm một cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền năm 1962 và nắm trọn quyền bính, Miến Điện đã nằm dưới sự cai trị của một chế độ độc tài độc đảng.  Kết hợp quái dị giữa một đảng xã hội chủ nghĩa sắt  máu với những tên quân phiệt côn đồ nặng mê tín dị đoan đã tàn phá Miến Điện và làm cho nó trở thành một đất nước nằm trong số những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới.  Và Daw Aung Suu Kyi có mặt vào  thời điểm mà sự phẫn uất của quần chúng đã lên đến cao độ.  Ngày 8 tháng 8 năm 1988, một cuộc biểu tình chống chính quyền thật lớn đã nỗ ra tại Ragoon và lan ra khắp đất nước.  Hàng ngàn người bị giết trên đường phố.  Lúc khăn gói trở lại quê nhà Daw Aung Suu Kyi không có ý định tham dự vào nội bộ Miến nhưng những cảnh tượng đàn áp phi nhân tính của nhà cầm quyền Miến đập vào mắt bà đã làm sôi sục dòng máu đấu tranh trong con tim của người phụ nữ hiền hòa này.  Rồi Daw Aung Suu Kyi quyết định nhập cuộc.  Bà xuống đường cùng với nhân dân Miến để đòi quyền sống.  Có lúc đối mặt với bạo quyền bà đã hiên ngang đi tới bất chấp đe dọa và cái uy lực toát ra từ người phụ nữ này đã buộc hàng hàng súng đạn và lưỡi lê phải thụt lùi.  Giữa đám đông hơn na triệu người, ngày 26 tháng 8 năm 1988,  trước Chùa Shwegadon, đứng dưới bức hình của cha cô, Daw Aung Suu Kyi đã tuyên bố “là con gái của cha tôi, tôi không thể tiếp tục làm ngơ với những gì đang diễn ra trước mắt.”  Chỉ trong vòng vài tuần lễ sau đó, bà cùng với những con tim khao khát tự do dân chủ đã thành lập xong tổ chức  NLD (National League for Democracy) và bà được bầu  là Tổng Bí Thư.  Daw Aung Suu Kyi kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt sử dụng bạo lực đàn áp quần chúng.  Một cuộc đảo chánh giả ngày 18 tháng 9 trong năm được giàn dựng để cho một hội đồng gồm 21 sĩ quan cao cấp lên cai trị đất nước, the SLORC (The State Law and Order Restoration Council), cầm đầu là Saw Maung, Tổng Tư Lệnh Quân Đội.  Họ hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bình nhưng lại khẩn cấp ban hành thiết quân luật.  Tất cả mọi sự tập họp từ 4 người trở lên đều bị cấm.  Kháng lệnh của nhà cầm quyền Daw Aung Suu Kyi với tư cách là tổng bí thư  của tổ chức NLD đã đi khắp nơi trên đất nước --Rangoon, Pegu, Magwe, Sagaing, Mandalay, Moulmein, Tavoy, Mergui, Pakkoku, Taunggyi, Kyaukpadaung, Monywa, Myinmu, Myitkyina, và những nơi khác-- để diễn thuyết tất cả hơn 100 lần, để kêu gọi người dân hãy đứng lên tranh đấu dành lại quyền làm chủ đất nước dầu là có sợ hãi đi nữa, đồng thời  kêu gọi sự can thiệp của UN cũng như tố cáo với mọi người là Ne Win đã đứng phía sau đạo diễn mọi thứ, và bà chủ trương đường hướng đấu tranh bất bạo động.  Tháng 7 năm 1989 Daw Aung Suu Kyi bị nhà cầm quyền giam lỏng tại tư gia của mình.  Mặc dầu bà không được ra ngoài vận động, tổ chức NLD vẫn thắng 82% số ghế  trong cuộc bầu cử ngày 27 tháng 5 năm 1990.  Nhưng tập đoàn quân phiệt từ chối giao quyền lại cho những người được dân chọn.  Và từ đó về sau, Daw Aung Suu Kyi nhiều lần bị nhà cầm quyền giam cầm.  Có thể nói là bà bị giam cầm gần như suốt hai thập niên.  Hai mươi năm của một đời người không phải là ngắn.  Trong hai mươi năm đó Daw Aung Suu Kyi có sự chọn lựa khác dễ dàng hơn, nếu muốn, đó là rời khỏi Miến Điện để trở về với chồng con của bà, và nhà cầm quyền chắc chắn sẽ rất vui mừng để giúp bà thực hiện điều đó.  Nhưng Daw Aung Suu Kyi đã không làm như vậy.  Bà chọn lựa sự hiến dâng trọn vẹn để cứu nguy tổ quốc và giải phóng dân tộc khỏi áp bức, độc tài, nghèo đói, một chọn lựa vô cùng khó khăn và không kém bi thảm.  Và sự chọn lựa của bà đã làm cho người dân Miến coi bà là thần thánh và nhiều người khác trên thế giới ngưỡng mộ.  Hai mươi năm trước trên đường phố của Ragoon và trên mọi nẻo đường của đất nước Daw Aung Suu Kyi đã tỏa sáng hào quang.  Hai mươi năm sau Daw Aung Suu Kyi vẫn tỏa sáng hào quang.  Dầu chỉ có thể đi loanh quanh ngay trong hãm địa, cách ly với quần chúng, nhưng trái tim Daw Aung Suu Kyi và trái tim của nhân dân Miến vẫn đập cùng một nhịp, và tay của Dawn Aung Suu Kyi vẫn nối dài tay nhân dân Miến.  Bà quả thật là một thực thể thích hợp để lãnh đạo và là một thực thể thích hợp để sinh tồn.
            Liviu Librescu (1930-2007), gốc Do Thái sinh tại Romania, giáo sư của đại học Virginia Tech, Department of Engineering and Mechanics, người sống sót Nazi Holocaust, vượt qua trù dập của Cộng Sản Romania, nhưng cuối cùng lại chết dưới họng súng của một tên sinh viên 23 tuổi gốc Hàn bị bệnh thần kinh tên Cho Seung Hui.  Trong ngày Thứ Hai sầu thảm của tháng 4 năm 2007, Cho Seung Hui đã thảm sát cả thảy 32 người trong khuôn viên đại học, trong đó có vị giáo sư khả ái 75 tuổi, trước khi quay nòng súng tự giết mình.  Chặng cuối cùng trên con đường thảm sát những kẻ vô tội mà Cho Seung Hui đi đến là lớp học mà giáo sư Liviu Librescu đang đứng giảng.  Lúc mà sinh viên hoảng loạn với những diễn biến đang xảy ra, giáo sư đã bình tĩnh điều động sinh viên trong lớp đào thoát qua cửa sổ và dùng thân mình chận cánh cửa cái để cho học trò của mình có đủ thời gian.  Người sinh viên rời khỏi sau cùng, Alec Counhound,  ngoảnh lại nhìn vị thầy cao cả trước khi nhảy qua cửa sổ.  Ông vẫn đứng yên cố giữ chặt cánh cửa coi nhẹ sống chết của bản thân.  Rồi thần chết tước đi mạng sống của Liviu Libriscu.  Ở giây phút đối diện với hiểm họa vị giáo sư đã làm một sự chọn lựa khó khăn, sự chọn lựa gạt qua an nguy của bản thân để bảo vệ những đứa học trò đang do mình đảm trách.  Trong giây phút đó, ông đã tỏa sáng hào quang.  Ông đã phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo và thích hợp để sinh tồn.   

Lãnh đạo và sinh tồn là làm quyết định đặt trên những chọn lựa.  Chọn lựa giữa che đậy và phơi bày.  Chọn lựa giữa hư và thực.  Chọn lựa giữa lâu dài và trước mắt.  Chọn lựa giữa vây hãm tiêu diệt và mở ra cho lối thoát.  Chọn giữa điểm và diện.  Chọn lựa giữa cương và nhu.  Chọn lựa giữa giữ lấy tín nghĩa và tiêu trừ hậu hoạn.  Chọn lựa giữa an nguy của đất nước và thể diện của bản thân.  Chọn lựa giữa việc muốn làm và việc phải làm.  Chọn lựa giữa cái sống và cái chết của bản thân.  Chọn lựa giữa cái sống và cái chết của tập thể.  Chọn lựa giữa cái sống chết của bản thân và cái sống chết của tập thể.  Chọn lựa giữa chấm dứt và tiếp tục.  Chọn lựa giữa vinh danh tình người và vinh danh sứ mạng.  Còn nhiều sự chọn lựa khác nữa.  Và sự chọn lựa của những người lãnh đạo thường là không dễ dàng, như vừa cho thấy trong một số thí dụ điển hình.
Không ai có thể khẳng định được là những nhân vật kiệt liệt nêu trên có ý thức rõ rệt về hoạt trình (process) kiến tạo và làm nổi cộm những thực thể của họ trong mỗi bối cảnh đang vận hành hay không.  Nhưng không ai có thể phủ nhận là họ biết vận dụng bản thân tới mức độ tuyệt vời và ý thức rõ rệt về tác động cũng như giá trị của những thực thể được họ cố tình chọn lựa và phô bày.
Tóm lại, một người thích hợp để lãnh đạo phải biết vận dụng bản thân. Biết lựa chọn chất liệu từ kho tàng bản thân -tư năng, tư chất, thể tính, đức tính, cung cách, và vị thế- để kiến tạo lấy một thực thể thích hợp với bối cảnh đang vận hành --thích hợp hơn bất cứ một thực thể khả dĩ nào khác nếu được kiến tạo từ cùng một kho tàng bản thân-- để lãnh đạo hoặc để sinh tồn.  Chưa hết, con người lãnh đạo phải chạm được trái tim của cá thể, phải nối được vòng tay với tập thể, phải cuốn hút được quần chúng.  Con người lãnh đạo phải làm những quyết định đặt trên sự chọn lựa, và thường là những chọn lựa không dễ dàng trước bối cảnh đầy thử thách.  Vì thế, người lãnh đạo phải có đủ đảm lược và quyền biến để được việc.  Và, tuy là chưa được đề cập trực tiếp nhưng hàm ẩn trong những thí dụ, con người lãnh đạo có khả năng tiếp nhận thực tế chuẩn xác và những sự chọn lựa (options) dành cho họ [hình thành từ thực tế tiếp nhận và tùy thuộc vào mức độ chuẩn xác] thường là bị giới hạn bởi không gian, thời gian và tâm lý của thực tại hiện tiền nhưng quyết định của họ có thể sẽ vượt xa biên giới của những trói buộc  đó.  


[1] Trong bài đường thi “Điếu Nguyễn Trung Trực” của cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, Tuần Phủ Hà Tiên, một sĩ phu trong hàng ngũ chống Pháp, quê tại Rạch Giá.
[2] Scholastic News Online, Mark Luther King Jr.: Legacy of a Leader.
[3] Trích từ www.rjgeib.com/heroes/amy/amy.html
[4] Trích từ www.rjgeib.com/heroes/amy/amy.html

No comments:

Post a Comment