Biết Dọn Mình Để
Bước Vào Vũ Đài Lãnh Đạo
M |
ột người thích hợp để lãnh đạo biết “dọn mình” trước khi đảm trách vai trò lãnh đạo. Dọn mình là chuẩn bị để bước vào vũ đài lãnh đạo. Như đã nói, một thực thể thích hợp để lãnh đạo chỉ có thể hình thành và nổi cộm từ trên bản thân của một cá nhân có đầy đủ chất liệu thích hợp để lãnh đạo. Do đó một người thích hợp để lãnh đạo không những phải trang bị đầy đủ tư năng, trau dồi tư chất, làm đẹp thể tính, tu tập đức tính, mài giũa cung cách, vun bồi vị thế xã hội một cách tổng quát mà còn phải đặc biệt trang bị cho bản thân có đầy đủ tư năng lãnh đạo, trau dồi tư chất lãnh đạo, làm đẹp thể tính lãnh đạo, tu tập đức tính lãnh đạo, mài giũa cung cách lãnh đạo, và vun bồi vị thế lãnh đạo. Những nỗ lực tập trung vào việc huân tập bản sắc và bản lĩnh lãnh đạo cho bản thân gọi là dọn mình để bước vào vũ đài lãnh đạo.
Lê Lợi ẩn mình nơi thôn dã để mưu cầu công cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh. Lần thứ nhì trở lại Lam Sơn, chính Nguyễn Trãi đã tận mắt nhìn thấy Lê Lợi thức khuya “nghiền ngẫm binh thư” nên xin vào ra mắt và sau đó gia nhập lực lượng kháng chiến dưới sự lãnh đạo tối cao của người anh hùng áo vải này. Rồi với hai bàn tay trắng, với một con tim nặng tình dân tộc và với một kho tàng bản thân thích hợp để lãnh đạo, Lê Lợi đã cùng với 18 nhân vật kiệt liệt trong bộ phận lãnh đạo đã tung đòn công tâm “đem đại nghĩa diệt hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” để đối trị với đòn công tâm “phù Trần diệt Hồ” của địch và phất cao ngọn cờ chính nghĩa trường kỳ kháng chiến chống quân Minh. Sau 10 năm kháng chiến ròng rã dân quân Việt cuối cùng cũng quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi. Và sau khi khôi phục lại nền độc lập là một loạt công trình xây dựng lại đất nước. Tài năng lãnh đạo và công nghiệp lớn lao của Lê Lợi không phải tự nhiên mà có được, nó là “hoa trái” là kết tinh của một quá trình chuẩn bị bản thân lâu dài và tích cực để có một bản lĩnh lãnh đạo trước khi bước lên vũ đài lãnh đạo. Nói một cách khác, Lê Lợi đã biết dọn mình trước khi hiện thân Bình Định Vương để đảm trách vai trò lãnh đạo.
Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, con của Phi Khanh Nguyễn Ứng Long, là người làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc, đậu tiến sĩ lúc mới 20 tuổi dưới thời Hồ Hán Thương. Làm đến chức Ngự Sử Đài Chính Chưởng. Năm 1407, cha và hai em của ông bị Trương Phụ bắt đày sang Tàu. Lúc chia tay tại ải Nam Quan, Phi Khanh dặn ông “thôi đừng đi theo khóc lóc để làm gì, hãy quay về lo việc trả thù cho cha rửa hờn cho nước.” Rồi mãi tới năm 1420 Nguyễn Trãi mới xuất đầu lộ diện. Tại thời điểm này ông đã cùng với 18 vị anh hùng Lam Sơn kết ước hội thề tại Lũng Nhai lo toan việc cứu nước. Từ năm 1407 cho tới 1420 có khá nhiều cuộc nổi dậy điển hình là các cuộc nổi dậy của Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện, Lê Ngã nhưng đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của Giản Định Đế Trần Ngỗi và Trùng Quang Đế Trần Quý Khoách. Trong hơn một thập niên đó Nguyễn Trãi đã im lặng quan sát thời cuộc và chờ đợi cơ hội. “Thái độ im lặng của Nguyễn Trãi là tu luyện để tự tạo cho mình một khả năng hiểu biết, tự tìm học để trở thành một người hữu dụng, trong công cuộc kháng chiến Nguyễn Trãi đã dành nhiều thời giờ suy nghĩ về một chiến thuật chiến lược mới để cứu nước.”[1] Một lần nữa bằng chứng cho thấy, thai nghén trong một quá trình lâu dài và tích cực cho đến lúc có đầy đủ bản lĩnh lãnh đạo Nguyễn Trãi mới hiện thân Hàn Lâm Thừa Chỉ để giúp Lê Lợi. Nói một cách khác, ông đã biết dọn mình trước khi bước ra gánh vác vai trò lãnh đạo.
Mark Luther King Jr. trước khi bước lên vũ đài lãnh đạo đã miệt mài kinh sử không ít. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông không những vun bồi kho tàng bản thân một cách tổng quát mà ông còn đặc biệt đào luyện cho mình một bản lãnh để lãnh đạo sau này bằng cách tìm kiếm những học thuyết và phương cách đấu tranh cải tổ xã hội. Trước khi trở thành người lãnh đạo của phong trào dân quyền, tiến sĩ King đã ngồi trong những khoá hội thảo ngắn hạn do nhà thờ tổ chức trong năm 1948 và tại nơi đó ông đã tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp để “chữa bệnh” cho xã hội. Ông đi tới kết luận rằng tình thương đúng là một sức mạnh hữu hiệu để hóa giải sự xung đột giữa cá nhân với cá nhân, nhưng không đủ để giải quyết những vấn nạn xã hội. Ông cũng tin rằng giáo thuyết “đưa má còn lại cho người ta tát tiếp” hoặc “hãy thương yêu kẻ thù” cũng chỉ có giá trị giữa hai cá nhân chứ không thể áp dụng giữa những nhóm cực đoan hoặc giữa những quốc gia cực đoan. Cũng trong thời gian này ông có cơ hội tìm hiểu về Gandhi cũng như giáo thuyết của Gandhi. Tiến sĩ King bị cuốn hút bởi khái niệm satyagraha (mãnh lực của tình thương). Và ông cũng khám phá ra là giáo lý yêu thương của Thiên Chúa phối hợp với phương pháp bất bạo động của Gandhi là một vũ khí có nhiều hứa hẹn nhất và luôn luôn có sẵn trong tay của những người bị áp bức đang đấu tranh đòi tự do. Tuy nhiên, tiến sĩ King vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của vũ khi này trong xã hội Hoa Kỳ. Về sau, khi cơ hội lãnh đạo phong trào đòi dân quyền mở ra cho ông, tiến sĩ King đã có dịp áp dụng những gì mình khám phá. Ông trở nên tin tưởng hơn vào học thuyết, cảm nhận sâu sắc hơn về sức mạnh của nó và nhuần nhuyễn hơn trong áp dụng. Nhờ vào nó ông trở thành một người lãnh đạo lớn của đất nước Hoa Kỳ. Ông đã biết dọn mình trước khi bước vào vũ đài lãnh đạo.
No comments:
Post a Comment