Trước Khi Khép Lại
L |
lãnh đạo là khoa học và nghệ thuật vận dụng: vận dụng bản thân, vận dụng bối cảnh đang vận hành, và vận dụng đối tượng. Một người lãnh đạo biết vận dụng bản thân có nghĩa là (1) biết chọn lựa và phô bày một thực thể thích hợp để lãnh đạo; (2) biết liên tục vun bồi kho tàng bản thân; (3) biết dọn mình trước khi bước vào vũ đài lãnh đạo; (4) biết giữ mình trong lúc gánh vác vai trò lãnh đạo; (5) biết rời khỏi vũ đài lãnh đạo đúng lúc; (6) và biết giữ mình để khỏi rớt vào con đường hư hoại.
Một người lãnh đạo nhất định là phải biết lắng nghe. Biết lắng nghe là:
· biết thiết lập một hệ thống thông tin thoáng hoạt và hiệu quả;
· biết lượt lấy, ghi nhận, phân tích và tận dụng thông tin, đặc biệt là chú ý tới những chỉ dấu cho thấy những nguy cơ có thể xảy ra;
· biết tạo lập và bồi dưỡng một môi trường thoáng hoạt để mọi người có thể tích cực đóng góp tiếng nói xây dựng, không lo ngại bị trừng phạt đến nỗi chỉ giữ im lặng hoặc chỉ nói một chiều theo thượng cấp;
· biết tìm đến những người tài giỏi hơn mình thật nhiều để tham vấn và lôi kéo họ về vây bọc chung quanh;
· biết hỏi đúng người tùy theo việc và đúng lúc tùy theo tình hình;
· biết chấp phận sự phê phán của bạn và của đối phương rồi dùng đó làm cơ sở để tái thẩm định lại vấn đề và điều chỉnh lại kế sách; và quan trọng hơn hết là
· biết nhận lỗi và cảm ơn những người chỉ điểm sự sai lầm hoặc sự thiếu sót hoặc sự nông cạn; dám nói “tôi sai” là đặc tính của một người lãnh đạo tự tin và có đảm lược.”
Một người lãnh đạo nhất định là phải biết thích ứng. Biết thích ứng là:
· không bảo thủ, cố chấp, bám vào định kiến sai lầm, những nguyên nhân đốt cháy sinh lực và làm khô cạn đầu óc lẫn tâm huyết của mọi người chung quanh;
· không ngã mạn và chủ quan, nguyên nhân đưa đến những thất bại tệ hại đã nhìn thấy trước và có thể ngăn chận;
· không để thiên kiến của chính mình và của những người vây quanh làm mù lòa, phải nhìn thấy sự thật đúng với sự thật như chính nó thì mới có thể cải thiện được hoàn cảnh và nắm được cơ hội tốt;
· không giáo điều và cuồng tín, nguyên nhân làm cho thế giới nhỏ hẹp lại và đầy tang tóc;
· không để bị thúc đẩy bởi cuồng vọng, khát vọng tự nó là sức mạnh nhưng cuồng vọng lại là động lực dẫn đến sự hủy diệt của chính mình và nhiều người khác;
· không ngủ quên trên vinh quang của quá khứ cũng không để men vinh quang của quá khứ làm say đắm hiện tại, nguyên nhân làm cho người ta tiếp tục quanh quẩn mãi một chỗ đáng lẽ đã phải rời bỏ từ lâu;
· biết chặt đứt những quán tính lãnh đạo không thành công;
· biết nghi vấn và tái thẩm định tất cả những giá trị, những điều, những cái “nghĩ rằng là” được nghiễm nhiên chấp nhận, để khỏi phung phí sức lực và của cải xây dựng những công trình trên nền tảng sai lầm hoặc để khỏi phung phí mồ hôi và xương máu theo đuổi những ảo ảnh;
· biết điều chỉnh và tái điều chỉnh, nhanh chóng và đúng lúc, khi nhận được dấu hiệu cho thấy bối cảnh đang bắt đầu biến đổi;
· biết đón nhận và đánh giá đúng mức những tác lực đến từ bên ngoài và khởi từ bên trong, để làm kế hoạch và quyết sách đối ứng; và
· biết vẽ lại con đường hải hành, như một người thuyền trưởng lèo lái một con tàu trên đại dương.
Một người lãnh đạo nhất định là phải biết tái tạo. Biết tái tạo là:
· biết lột xác biến thành con người mới cho vai trò mới trong giai đoạn mới;
· biết làm cho thuộc viên và quần chúng hồi phục sinh lực sau những tiêu hao lớn;
· biết bảo dưỡng sinh lực của thuộc viên và quần chúng để vận dụng lâu dài và hiệu quả;
· biết lấy hành động gương mẫu của bản thân hoặc của những nhân vật đương thời để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng;
· biết làm sống lại những hành động gương mẫu của những nhân vật thời trước hoặc xiễn dương thành tích của họ để dẫn dắt hành động của thuộc cấp hoặc của quần chúng;
· biết liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân tài để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai;
· biết chọn lựa và uốn nắn người kế nhiệm để tiếp nối vai trò lãnh đạo trong tương lai;
· biết gở, bỏ, phá, lìa . . . những cơ cấu, triết thuyết, sách lược, nguyên tắc, giá trị, phương thức, mục tiêu, định chế . . . đã lỗi thời, đã không còn hiệu quả, đã không đáp ứng được, đã làm xơ cứng . . . rồi tái kiến, tái lập, tái huấn . . . để có thể đáp ứng nhu cầu mới, điều kiện mới, bối cảnh mới . . . một cách hiệu quả hơn.
Tuy vận dụng bản thân chỉ là một trong ba yếu tố quyết định hiệu năng lãnh đạo, nhưng lại là một yếu tố tiên quyết và cho sự tự quyết gần như toàn vẹn mà một người có thể có được. Chính vì yếu tính tiên quyết và tự quyết mà yếu tố vận dụng bản thân trở nên đặc biệt quan trọng. Một người “thích hợp để lãnh đạo” phải nhận ra được điều này và sẽ không bỏ lỡ cơ hội để phát triển và phát huy tối đa ưu thế của bản thân trước khi, trong khi, và ngay cả sao khi từ bỏ vai trò lãnh đạo.